RSS Feed for Nhật ký Năng lượng: Những thảm họa có thể lường trước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 16/04/2024 19:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật ký Năng lượng: Những thảm họa có thể lường trước

 - Nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi đọc bài nghiên cứu và phân tích của PGS, TS Bùi Huy Phùng (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng - VEA) về "Mối quan hệ giữa đầu tư phát triển nguồn và lưới điện đã hợp lý?" Tác giả cho biết giai đoạn 1980-1990, tỷ lệ đầu tư lưới điện của Việt Nam khoảng 20% tổng đầu tư điện lực, giai đoạn 2005-2009 tỷ lệ này khoảng 36% và theo Quy hoạch điện VII (QHĐVII) giai đoạn 2011-2030, tỷ lệ này chưa tới 34%, trong khi trên thế giới, bình quân khoảng 45-50%. Vậy mà sau thảm họa về sự cố mất điện diễn ra hồi gữa năm 2012 tại Ấn Độ đã làm cả thế giới phải hoài nghi, lo lắng...

>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>> Nhật ký Năng lượng: Năng lượng tái tạo và tiếng gọi của lương tri
>> Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng
>> Nhật ký Năng lượng: "Quyền lực thượng nguồn"
>> Nhật ký Năng lượng: 'Khi cơn đói dầu hoành hành'
>> Nhật ký Năng lượng: Thông điệp toàn cầu về điện hạt nhân
>> Nhật ký Năng lượng: Kỳ tích 'chinh phục lòng đất'
>> Nhật ký Năng lượng: Lọc dầu Dung Quất - vạn sự khởi đầu nan
>> Nhật ký Năng lượng: Ngành than định vị tương lai
>> Nhật ký Năng lượng: Nỗ lực cho một điều bình thường
>> Nhật ký Năng lượng: An toàn thủy điện, "làm lồng sắt nhốt hổ dữ"
>> Nhật ký Năng lượng: Điều thần kỳ ở Vietsovpetro
>> Nhật ký Năng lượng: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bình luận tuần thứ 14:

Chi 35 tỷ USD sau một sự cố

Sự cố mất điện có một không hai ấy đã làm đảo lộn sinh hoạt của hơn 600 triệu người, tức một nửa dân số Ấn Độ và bằng 9% dân số thế giới. Trong các ngày 30 và 31/7/2012, 3 trong số 5 đường dây lưới điện quốc gia bị sập, có tới 22 trên tổng số 28 bang của Ấn Độ, bao gồm cả thủ đô New Delhi, bị mất điện. Con số thống kê cho thấy ít nhất 300 chuyến tàu bị hoãn, làm hàng trăm nghìn hành khách mắc kẹt ở dọc các ga tàu suốt từ Kashmir ở phía bắc cho đến Nagaland ở phía tây, giáp biên giới với Myanmar.

Hệ thống đèn điều khiển giao thông không hoạt động khiến tình trạng ùn tắc xảy ra ở New Delhi, Kolkata và vô số thành phố khác. Các nhà máy xử lý nước cũng phải ngừng hoạt động khiến người dân không có nước để sinh hoạt.

Tại bệnh viện, tất cả các ca phẫu thuật phải tạm hoãn, nguồn điện dự phòng ít ỏi phải để dành cho những ca cấp cứu. Ở đài hóa thân, điện cũng bị cắt bất ngờ làm công việc bị dừng đột ngột và người chết cũng phải chờ có điện.

150 thợ mỏ bị kẹt dưới hầm khi đang làm việc ở công trường tại huyện Burdwan, bang Tây Bengal vì bị cắt thang do mất điện. Chính quyền đã huy động đội cứu hộ với nguồn điện dự phòng để chạy thang máy giải cứu các thợ mỏ...

Các chuyên gia đánh giá rằng cơ sở hạ tầng điện lực của Ấn Độ được cho là yếu kém và dễ hỏng hóc. Mạng lưới điện miền bắc nước này từng bị sập năm 2001. Ước tính 27% điện năng bị thất thoát trong quá trình truyền tải và bị câu trộm, trong khi nguồn cung vào giờ cao điểm thiếu khoảng 9%.

Ấn Độ cũng thường xuyên bị cắt điện có khi kéo dài trên 10 giờ đồng hồ một ngày, nhất là những ngày nhiệt độ tăng cao. Có thời kỳ, Ấn Độ liên tục cắt điện khi nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, khiến hàng nghìn người dân ở thành phố Gurgaon, gần Delhi, tức giận và đập phá các trạm điện. Đám người phẫn nộ cũng tấn công các quan chức của công ty năng lượng, bắt họ làm con tin và chặn đường giao thông ở một số nơi trong thành phố.

Nhằm trấn an dư luận trong nước, ngày 22/8/2012, chính quyền New Delhi ra tuyên bố sẽ giải ngân khoảng tiền 35 tỷ USD nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành năng lượng trong nước. Với khoản đầu tư khổng lồ này thì ngành điện lực nói riêng và ngành năng lượng nói chung của Ấn Độ hứa hẹn sẽ được tiếp thêm một nguồn sinh khí mới, nhằm giải quyết dứt điểm nỗi ám ảnh về mất và thiếu điện trong tương lai.

 
Khu vực mất điện (màu đỏ đậm và nhạt) trong sự cố lịch sử năm 2012 tại Ấn Độ

 

Bài học không của riêng ai?

Nguyên nhân quá tải được cho là do nhu cầu làm mát cũng như việc sử dụng các máy móc trong nông nghiệp để tưới tiêu tăng cao trong mùa hè, vượt quá khả năng cung cấp của hệ thống. Cuộc khủng hoảng trầm trọng kể trên cho thấy rõ yêu cầu bức thiết đối với Ấn Độ là phải cải tạo cơ sở hạ tầng điện lực để đáp ứng nhu cầu điện năng của các doanh nghiệp và dân số ngày một tăng.

Một câu hỏi được đặt ra: Sự cố mất điện xuất phát từ yếu kém của ngành điện năng Ấn Độ hay đơn giản là do Ấn Độ đang thiếu điện trầm trọng?

Các phân tích cho hay, sự cố mất điện toàn quốc tại Ấn Độ vào ngày 30 tháng 7 và ngày mùng 1 tháng 8, đã hé lộ một sự thật rằng, Ấn Độ hiện tại đang không đủ khả năng để cung cấp đầy đủ điện trong nước, an ninh năng lượng tại quốc gia này đang suy yếu trầm trọng.

Để hiểu rõ hơn về ngành điện năng Ấn Độ, trước tiên cần phải so sánh với mô hình ngành điện năng tại các quốc gia phát triển trên thế giới.

Lấy tình huống tương tự xảy ra tại một quốc gia có khả năng tự chủ về an ninh năng lượng tốt như Mỹ hoặc Nhật Bản, thì khi nhu cầu điện năng trong nước tăng đột biến, các quốc gia này sẽ có ngay những biện pháp sử dụng các nguồn điện dự phòng; hoặc điều chỉnh hệ thống điện hợp lý, bù đắp lượng điện từ những bang, vùng miền khác có nhu cầu sử dụng điện ít hơn.

Hàng năm, chính phủ các quốc gia này đều phải tính toán lại chính xác nhu cầu sử dụng điện năng trong nước, rồi lên kế hoạch xây mới, nâng cấp lại hệ thống lưới điện quốc gia, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện năng hàng ngày trong nước và ứng phó hiệu quả khi nguồn cầu điện tăng đột biến.

Chính nhờ những tính toán hiệu quả trên mà mỗi khi nhận thấy nhu cầu điện tăng vượt mức cung ứng, Chính phủ Mỹ hoặc Nhật sẽ ngay lập tức lên kế hoạch phân phối điện năng một cách hợp lý, sau đó tính toán cắt điện ở một vài khu dân cư rải rác khắp đất nước hoặc tại từng bang và từng khu vực.

Tất nhiên, khi cắt điện chính phủ các quốc gia này đều lên kế hoạch rất chi tiết và thông báo sớm cho người dân.

Trở lại với sự cố mất điện toàn quốc tại Ấn Độ, quy mô của sự cố mất điện đã không chỉ nằm ở mức “quản lý phân phối điện yếu kém” của chính phủ nữa. Đây chỉ là một yếu tổ, còn lý do chính giải thích cho sự cố mất điện tại Ấn Độ là “siêu cường Ấn Độ đang thiếu điện trầm trọng”.

Manh nha thảm họa đã có ở Việt Nam

Vào lúc 14h19’ ngày 22-5-2013, đã xảy ra sự cố trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định trong lúc đường dây này đang truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện (HTĐ) 500kV Bắc - Nam, gây nhảy máy cắt tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam và dẫn tới mất điện toàn bộ khu vực với tổng công suất khoảng 9.400 MW trong nhiều giờ (đến 22h40’ thì cung cấp điện được khôi phục hoàn toàn). Nguyên nhân do xe cần cẩu đang cẩu cây dầu trong khu vực đường dây 500kV này di chuyển đến nơi khác trồng đã chạm vào đường dây ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định.

Trong bài Sau sự cố 22-5: Cần nghiên cứu đánh giá khách quan, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho rằng, qua những thông tin ban đầu có thể nhận biết ngay được nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố mất điện đường dây 500kV là do sự tắc trách của người lái xe cần cẩu. Nhưng muốn nhận biết được nguyên nhân sâu xa dẫn tới rã lưới toàn bộ HTĐ miền Nam, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp tránh để xảy ra tình trạng tương tự sau này, như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thì cần có thời gian điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá sâu sắc thực trạng công tác quản lý vận hành HTĐ miền Nam.

Ông đã đưa ra một số nhận xét và phân tích, đánh giá nhằm góp phần giải đáp nguyên nhân dẫn đến tình trạng rã lưới của HTĐ miền Nam trong sự cố này và những giả định nhiều phương án xử lý, thí dụ như:

a. Bố trí nguồn dự phòng sự cố (thường gọi là dự phòng quay, hay dự phòng nóng) tại các nhà máy điện với trị số công suất bằng khả năng tải cực đại của phần tử có công suất lớn nhất (thường là đường dây tải điện 500kV) để khi có sự cố mất điện bất kỳ phần tử nào trong HTĐ các tổ máy phát điện sẽ nhanh chóng tự động nâng công suất bù vào lượng công suất thiếu hụt.

b. Trong trường hợp không thể bố trí đủ nguồn dự phòng sự cố thì kết hợp thực hiện giải pháp tự động giảm tải - lần lượt cắt bớt các phụ tải: loại 3, loại 2, loại 1. Như vậy, sẽ có một lượng phụ tải với công suất tương đương công suất của phần tử bị sự cố không được cung cấp điện trong thời gian xử lý sự cố, nhưng HTĐ vẫn được đảm bảo hoạt động ổn định.

c. Trong trường hợp cả hai giải pháp trên đều không thể thực hiện, thì giải pháp chia tách HTĐ (tách lưới) thành các phần làm việc riêng rẽ, độc lập với nhau. Khi đó, tình trạng mất ổn định chỉ có thể xảy ra tại phần HTĐ có chứa phần tử bị sự cố...

Và ông giả định: Hãy thử xem xét khả năng thực hiện giải pháp (a) cho HTĐ miền Nam vào ngày 22-5 để thấy rõ tính khả thi của giải pháp đơn giản này. Hiện tại HTĐ miền Nam có khoảng 30 nhà máy phát điện tại chỗ, với tổng công suất đặt gần 11.000MW, trong đó thuỷ điện hơn 2.400MW, nhiệt điện (chủ yếu tua bin khí) hơn 8.500MW và hai đường dây 500kV tải điện từ phía Bắc vào (đường dây Pleiku - Di Linh - Tân Định và đường dây Pleiku - Phú Lâm) với khả năng tải mỗi mạch hơn 1.000MW.

Tuy nhiên, vào thời điểm mùa khô công suất phát của các nhà máy thủy điện giảm mạnh, chỉ còn khoảng 50% công suất đặt, vì vậy tổng công suất khả dụng của tất cả các nguồn cung cấp điện khoảng 12.000MW, hoàn toàn thoả mãn nhu cầu phụ tải của HTĐ miền Nam 9.400MW, với lượng công suất dự trữ lên tới 2.600MW (gần 28%).

Với lượng dự trữ này, nếu bố trí khoảng 1.000MW dự phòng quay tại các nhà máy điện thì khi xảy ra sự cố mất điện đường dây 500kV Di Linh - Tân Định đang mang tải hơn 1.000MW lượng công suất dự phòng quay sẽ nhanh chóng bù đắp lượng thiếu hụt này và sự cố rã lưới HTĐ miền Nam có thể đã không xẩy ra.

Rõ ràng, sau sự cố 22/5, có lẽ là câu chuyện quy hoạch, câu chuyện chính sách giá năng lượng và câu chuyện cơ chế cho ngành năng lượng Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi cho rằng: Để có một hệ thống điện thực sự an toàn và có tính bền vững, cần phải thực hiện hoàn thành các dự án nguồn điện, cũng như đường dây truyền tải điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu thực hiện được như vậy, sẽ có 52 nhà máy điện được bố trí đều khắp từ các miền Bắc - Trung - Nam. Bên cạnh đó là việc xây dựng các đường dây 500kV và các trạm biến áp nối từ các nhà máy phát điện lên đường dây 500kV Bắc - Nam và xây dựng đường dây và trạm 220kV phục vụ cho từng khu vực của từng nhà máy, lúc đó hệ thống được kết nối mạch vòng đường dây và trạm 220kV, đặc biệt là kết nối mạch vòng đường dây và trạm 500kV.

"Nhưng vấn đề quan trọng là nguồn vốn đầu tư ở đâu và bằng cơ chế chính sách nào để EVN thực hiện được?", Chủ tịch VEA nêu câu hỏi. 

Trước thực trạng hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam và hệ thống điện miền Nam đang trong thời gian vận hành căng thẳng, quá tải, miền Nam tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối cung - cầu ở một số thời điểm trong năm - Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, qua diễn biến thực tế đã cho thấy tính mất cân đối về năng lượng và yêu cầu cấp bách, cần tập trung cho việc cung cấp điện ở phía Nam. 

TS Nguyễn Mạnh Hiến đã kết luận vấn đề này như sau: "Có thể nhận thấy rằng, trong những năm qua, ngành Điện lực Việt Nam chưa đủ tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư thích đáng cho việc đổi mới, nâng cấp, sử dụng các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào lĩnh vực điều khiển, tự động hoá, nhằm nâng cao độ tin cậy và khả năng đảm bảo ổn định của HTĐ. Nói một cách khác, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức quản lý vận hành, phát triển HTĐ theo chiều sâu... bảo đảm cung cấp điện năng đầy đủ, ổn định và chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Nhìn rộng hơn trên toàn cầu cho thấy, nhiều nước cũng đã để xảy ra những sự cố mất điện trên quy mô rộng, không những ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế, chính trị xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm triệu người dân... NangluongVietnam xin thống kê ra đây Những vụ mất điện lớn nhất thế giới để bạn đọc tham khảo. Nhưng điều quan trọng là sau mỗi sự cố mất điện, các quốc gia đã chọn cho mình một hướng đi mới. Ví dụ như Ấn Độ, sau sự cố mất điện cuối tháng 7/2012, quốc gia này đã tuyên bố sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành năng lượng toàn cầu thông qua việc tiên phong trong lĩnh vực phát triển một nguồn năng lượng hạt nhân mới từ Thorium. Quyết tâm của Ấn Độ rõ ràng đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên, hoài nghi và cả những nhận định: Ngành năng lượng Ấn Độ chọn hướng đi nào sau sự cố mất điện?

Trở lại vấn đề ở trong nước, PGS, TS Bùi Huy Phùng đã đưa ra những nghiên cứu thống kê và đặt câu hỏi trong bài Mối quan hệ giữa đầu tư phát triển nguồn và lưới điện đã hợp lý?  Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, trong giai đoạn 1980-1990, tỷ lệ đầu tư lưới điện của Việt Nam khoảng 20% tổng đầu tư nguồn và lưới điện, giai đoạn 2005-2009 tỷ lệ này khoảng 36% và từ QHĐVII giai đoạn 2011-2030, tỷ lệ này cũng chỉ khoảng 34%. Cũng từ nghiên cứu trên, tỷ lệ này ở một số nước tuy rất khác nhau tùy thuộc mức độ phát triển, vị trí địa lý rộng, hẹp, dài, ngắn, khoảng cách nguồn và phụ tải… nhưng có thể khái quát gần đúng tỷ lệ này khoảng 45-50%, nghĩa là đầu tư một đồng nguồn phải đầu tư gần một đồng lưới. Như vậy, cả một thời gian dài vừa qua chúng ta đầu tư phát triển lưới điện khá thấp, không cân xứng với đầu tư phát triển nguồn điện. Có thể điều không hợp lý này kéo dài đã dẫn tới ách tắc, khó khăn trong truyền tải phân phối điện.

 

Nguyên nhân thì có nhiều, từ quy hoạch, kế hoạch, giải phóng mặt bằng, giải ngân, công nghệ, điều hành hệ thống…; song rõ ràng như phân tích trên, cơ cấu đầu tư nguồn - lưới chưa hợp lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới truyền tải và phân phối điện. Mặt khác thực tế giá truyền tải điện những năm qua thấp, cụ thể năm 2012 là 83,3 đồng/kWh, so với giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/kWh thì giá truyền tải điện của NPT chỉ chiếm 5,8%; tính với giá điện 2013 thì chưa tới 5%, trong khi giá truyền tải điện của một số nước trên thế giới chiếm trên 10% giá bán điện bình quân.

Với tư duy khoa học và khách quan, ông đã kết luận rằng, quan hệ đầu tư nguồn - lưới điện của Việt Nam, trong thời gian dài vừa qua chưa hợp lý, đầu tư cho lưới điện thấp, chỉ mới khoảng 25-30% tổng đầu tư điện lực. Và ông kiến nghị:

- Sớm nghiên cứu hiệu chỉnh QHĐ VII, rà soát nhu cầu điện, tính toán chi tiết yêu cầu nguồn - lưới, phân bổ vốn đầu tư hợp lý.

- Bộ Công Thương tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá tình hình đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống điện để có đề xuất thỏa đáng về đầu tư lưới điện, điều khiển hệ thống, giá truyền tải hợp lý, góp phần đảm bảo hệ thống điện vận hành hiệu quả, an toàn, an ninh; đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về tình trạng thiếu an toàn của hệ thống điện như Chính phủ đã chỉ đạo.

Lời kết

Chẳng ai mong muốn trực tiếp cảm nhận sự việc mất điện như ở Ấn Độ. Nhưng nếu đã được cảnh báo mà vẫn để thảm họa xảy ra, lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ!

NGUYỄN HOÀNG LINH (Tổng hợp)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động