Tổng quan hướng dẫn an toàn nhà máy điện hạt nhân của IAEA - Gợi ý triển khai tại Việt Nam
06:48 | 18/07/2025
![]() Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1131/QĐ-TTg, ngày 12/6/2025, Ban hành danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược. Trong đó xác định: “Lò phản ứng hạt nhân nhỏ, an toàn là một trong các công nghệ chiến lược”. Bài viết dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tìm hiểu một số thông tin về lò phản ứng hạt nhân nhỏ trên thế giới, chú ý một số đối tác tiềm năng của Việt Nam và đề xuất một số bước đi khởi động triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. |
![]() Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính trở thành ưu tiên toàn cầu, nhiều quốc gia đang tái khẳng định vai trò của điện hạt nhân như một giải pháp chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Việt Nam, với tiềm năng tăng trưởng và vị thế trong khu vực, cũng đang từng bước tái khởi động Chương trình điện hạt nhân quốc gia sau thời gian tạm dừng. Trên cơ sở hướng dẫn của IAEA và tham chiếu kinh nghiệm quốc tế, bài viết dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ trả lời 2 câu hỏi then chốt: Chương trình điện hạt nhân là gì và gồm những thành tố nào? Một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng đặc thù của chương trình điện hạt nhân nên được hiểu và chuẩn bị như thế nào trong điều kiện Việt Nam? |
![]() Với các quốc gia đang phát triển chương trình điện hạt nhân như Việt Nam, việc tiếp cận và triển khai các công nghệ điện hạt nhân cần được đặt trong một khuôn khổ thể chế phù hợp, có lộ trình rõ ràng và năng lực nội địa được chuẩn bị đầy đủ. Bài báo của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây phân tích các đặc điểm về công nghệ và tổ chức thi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân được rút ra từ kinh nghiệm quốc tế, cũng như hướng dẫn của IAEA, đặc biệt từ tài liệu NP-T-2.5, từ đó đề xuất một số gợi ý áp dụng cho Việt Nam. |
Khác với cách tiếp cận theo trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật như một số đề xuất trước đây, bài viết này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận từ hệ thống tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Qua việc tổng hợp và phân tích các nhóm tiêu chuẩn cốt lõi, chúng tôi đề xuất các gợi ý cụ thể nhằm nội luật hóa các nguyên tắc và yêu cầu kỹ thuật của IAEA trong quá trình xây dựng hạ tầng pháp lý và thể chế cho chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
I. Nền tảng an toàn điện hạt nhân - Tiêu chuẩn IAEA và nguyên tắc cơ bản:
1. Hệ thống tiêu chuẩn an toàn của IAEA:
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn an toàn toàn diện, nhằm bảo vệ con người và môi trường trước các nguy cơ liên quan đến bức xạ ion hóa. Hệ thống này được xây dựng theo cấu trúc ba tầng:
(i) Các nguyên tắc an toàn cơ bản (SF-1): Thiết lập nền tảng đạo đức và pháp lý cho mọi hoạt động sử dụng bức xạ ion hóa và năng lượng hạt nhân.
(ii) Các yêu cầu an toàn (GSR, SSR): Các văn bản mang tính bắt buộc, quy định những yêu cầu pháp quy, kỹ thuật đối với các tổ chức và quốc gia thành viên.
(iii) Các hướng dẫn an toàn (GSG, SSG): Khuyến nghị chi tiết cách thức thực hiện các yêu cầu, với nhiều ví dụ thực tiễn, giải pháp kỹ thuật và phương pháp tiếp cận từng bước.
Để có cái nhìn tổng quan về các tiêu chuẩn an toàn của IAEA (có thể xem Hình dưới đây): Bánh xe các tiêu chuẩn an toàn (Safety Standards Wheel). Ở giữa bánh xe là SF-1, trong vòng tròn liền kề là các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng, các vòng tròn tiếp theo dần ra phía ngoài là các tiêu chuẩn khuyến cáo áp dụng. Bên trái bánh xe là các tiêu chuẩn cho cơ sở và các hoạt động (Facilities and Activities). Bên phải bánh xe là các tiêu chuẩn theo chủ đề (Thematic Areas). Phía dưới chếch bên trái là hình dẻ quạt các tiêu chuẩn về nhà máy điện hạt nhân (Nuclear Power Plants). Cạnh hình dẻ quạt này về bên phải (xuống dưới) là hình dẻ quạt các tiêu chuẩn về đánh giá địa điểm (Site Evaluation)…
![]() |
Hình bánh xe các tiêu chuẩn an toàn (Safety Standards Wheel). |
Các tài liệu tiêu biểu gồm:
- SF-1: Fundamental Safety Principles (2006), văn bản nền tảng về mười nguyên tắc an toàn.
- GSR Part 1 đến 7: Các yêu cầu về quản trị, khuôn khổ pháp lý và pháp quy, lãnh đạo và quản lý an toàn, bảo vệ bức xạ, thẩm định an toàn, quản lý chất thải, chấm dứt hoạt động và ứng phó sự cố.
- SSR series: Bao gồm SSR-1 (địa điểm), SSR-2/1 (thiết kế), SSR-2/2 (vận hành), SSR-5 (chôn cất chất thải).
- SSG series: Các hướng dẫn chuyên sâu, ví dụ SSG-2 (phân tích DSA), SSG-3 (phân tích PSA mức 1), SSG-4 (phân tích PSA mức 2), SSG-12 (cấp phép), SSG-30 (phân loại an toàn), SSG-61 (báo cáo SAR).
Các tiêu chuẩn này thường xuyên được rà soát, cập nhật và đã trở thành tài liệu tham chiếu chính trong các chương trình điện hạt nhân dân sự trên toàn thế giới.
2. Mười nguyên tắc cơ bản về an toàn (SF-1):
Tài liệu SF-1 định nghĩa 10 nguyên tắc nền tảng, mang tính phổ quát cho mọi hoạt động liên quan đến năng lượng hạt nhân, từ nghiên cứu, ứng dụng bức xạ đến xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN):
1. Trách nhiệm chính về an toàn: Luôn thuộc về tổ chức vận hành, không thể chuyển giao cho bên thứ ba.
2. Vai trò của chính phủ: Thiết lập khuôn khổ pháp lý và quản trị đối với an toàn, bao gồm cơ quan pháp quy độc lập và cơ chế giám sát.
3. Lãnh đạo và quản lý hiệu quả đối với an toàn: Tích hợp quản lý an toàn vào toàn bộ hệ thống quản lý.
4. Luận chứng cho rủi ro bức xạ: Lợi ích mang lại phải cao hơn hậu quả bức xạ có thể xảy ra.
5. Tối ưu hóa bảo vệ bức xạ: Bảo đảm mức độ an toàn phải cao nhất có thể đạt được một cách hợp lý.
6. Giới hạn rủi ro bức xạ: Thiết lập và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát rủi ro bức xạ, bảo đảm không ai phải chịu rủi ro có hại quá mức.
7. Bảo vệ môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai: Giảm thiểu tác động đến sinh quyển, nước, không khí và đa dạng sinh học.
8. Ngăn ngừa sự cố: Có kế hoạch và năng lực ngăn ngừa sự cố không để xảy ra và giảm hậu quả nếu sự cố xảy ra.
9. Sẵn sàng và ứng phó sự cố: Thiết lập các giải pháp và cơ chế sẵn sàng ứng phó sự cố.
10. Hành động bảo vệ để giảm rủi ro bức xạ dự kiến và nằm ngoài kiểm soát: Các hành động bảo vệ để giảm rủi ro bức xạ dự kiến và nằm ngoài kiểm soát phải được luận chứng và tối ưu.
3. Gợi ý áp dụng cho Việt Nam:
Việc nội luật hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn của IAEA không chỉ giúp đảm bảo an toàn hạt nhân trong nước, mà còn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể nhận được hỗ trợ kỹ thuật quốc tế, tạo lòng tin đối với cộng đồng và nhà đầu tư. Một số đề xuất:
Thứ nhất: Nội luật hóa nguyên tắc SF-1: Các nguyên tắc cơ bản chưa được quy định trong Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi), cần được bổ sung vào các nghị định, thông tư dưới dạng điều khoản nền tảng, hoặc nguyên tắc quản lý.
Thứ hai: Làm rõ trách nhiệm: Xác định rõ trách nhiệm pháp lý và kỹ thuật của chủ đầu tư/tổ chức vận hành trong toàn bộ vòng đời dự án.
Thứ ba: Thiết kế văn bản pháp quy theo cấu trúc ba tầng: Cần tách bạch giữa các quy định mang tính nguyên tắc (nghị định), yêu cầu kỹ thuật (thông tư) và hướng dẫn thực hiện (tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn).
Thứ tư: Lồng ghép văn hóa an toàn: Các chương trình đào tạo, giám sát và cấp phép cần chú trọng khía cạnh con người, đạo đức nghề nghiệp và nhận thức an toàn.
Thứ năm: Hài hòa hóa tiêu chuẩn: Cần từng bước chuyển đổi từ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam hiện hành sang cấu trúc tương thích với GSR và SSR, đồng thời sử dụng các GSG, SSG làm tài liệu kỹ thuật chi tiết.
II. Bảo đảm an toàn theo vòng đời nhà máy điện hạt nhân:
Việc bảo đảm an toàn hạt nhân phải được duy trì liên tục trong toàn bộ vòng đời của một NMĐHN - từ khảo sát địa điểm, thiết kế, cấp phép, xây dựng, vận hành, đến chấm dứt hoạt động và tháo dỡ. IAEA xây dựng hệ thống tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ các quốc gia triển khai chương trình điện hạt nhân một cách toàn diện, nhất quán và hiệu quả.
1. Đánh giá địa điểm và thiết kế:
Các tiêu chuẩn chính:
- SSR-1 - Site Evaluation for Nuclear Installations: Đưa ra các yêu cầu bắt buộc trong việc xác định, đánh giá và xác nhận tính phù hợp của địa điểm xây dựng NMĐHN. Cụ thể là phân tích địa chấn, lũ lụt, núi lửa, điều kiện khí tượng, dân cư quanh vùng, điều kiện địa chất thủy văn...
- SSR-2/1 (Rev.1) - Safety of Nuclear Power Plants: Design: Xác lập các yêu cầu về an toàn trong thiết kế cấu trúc, hệ thống và thiết bị NMĐHN, bao gồm phòng ngừa sự cố và giảm thiểu hậu quả nếu sự cố xảy ra.
- GSR Part 4 (Rev.1) - Safety Assessment for Facilities and Activities: Đưa ra các yêu cầu chung về quy trình thẩm định an toàn.
- SSG-2, SSG-3, SSG-4 - Hướng dẫn phân tích an toàn tất định và phân tích an toàn xác suất.
- SSG-9, SSG-12, SSG-30, SSG-61 - Hướng dẫn đánh giá nguy hại địa chấn, quy trình cấp phép, phân loại an toàn và báo cáo SAR.
Gợi ý cho Việt Nam:
Thứ nhất: Áp dụng quy trình cấp phép nhiều giai đoạn bao gồm: Khảo sát, lựa chọn địa điểm, đánh giá thiết kế, cấp phép xây dựng và vận hành.
Thứ hai: Thực hiện song song phân tích an toàn xác suất (PSA) và phân tích tất định (DSA) để nâng cao độ tin cậy.
Thứ ba: Chuẩn hóa hồ sơ đánh giá an toàn (SAR), phân tách rõ giữa các chương trình đánh giá định tính, định lượng và cơ sở thiết kế.
Thứ tư: Hài hòa hóa với quy định môi trường và phòng chống thiên tai, bảo đảm địa điểm có đủ khả năng ứng phó với các sự kiện cực đoan và các hậu quả dài hạn.
2. Quản lý an toàn và văn hóa an toàn:
Các tiêu chuẩn chính:
- GSR Part 2 - Leadership and Management for Safety: Đặt ra yêu cầu tích hợp an toàn vào toàn bộ hệ thống quản lý.
- GS-G-3.1 và GS-G-3.5 - Hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý cho các cơ sở hạt nhân.
- TECDOC-1329, SRS-70 - Các tài liệu hướng dẫn về đánh giá văn hóa an toàn.
Gợi ý cho Việt Nam:
Thứ nhất: Áp dụng hệ thống quản lý tích hợp (IMS) cho mọi tổ chức tham gia vào dự án điện hạt nhân, bao gồm chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, cơ quan pháp quy.
Thứ hai: Kết hợp tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001 và GSR Part 2 để đồng bộ giữa quản lý chất lượng, môi trường và an toàn hạt nhân.
Thứ ba: Xây dựng chương trình quốc gia về văn hóa an toàn, dựa trên các yếu tố: Cam kết lãnh đạo, thông tin minh bạch, học tập không đổ lỗi, giám sát một cách độc lập.
Thứ tư: Đưa văn hóa an toàn vào nội dung đào tạo bắt buộc đối với cán bộ kỹ thuật, thanh tra viên và người vận hành NMĐHN.
3. Bảo vệ bức xạ và môi trường:
Các tiêu chuẩn chính:
- GSR Part 3 - Radiation Protection and Safety of Radiation Sources: Quy định các yêu cầu về bảo vệ người lao động, dân chúng và môi trường khỏi tác động bức xạ.
- GSG-7, GSG-8, GSG-10 - Hướng dẫn tính toán liều chiếu, kiểm soát phóng xạ trong vận hành và đánh giá tác động bức xạ trong báo cáo ĐTM.
Gợi ý cho Việt Nam:
Thứ nhất: Nội luật hóa các yêu cầu của IAEA, đặc biệt là các yêu cầu về liều chiếu nghề nghiệp, giới hạn liều công chúng và khu vực kiểm soát.
Thứ hai: Điều chỉnh các QCVN hiện hành để tích hợp yêu cầu về phóng xạ nghề nghiệp, phát thải phóng xạ và giám sát môi trường.
Thứ ba: Triển khai mạng lưới giám sát bức xạ môi trường, kết nối dữ liệu trực tuyến.
Thứ tư: Bắt buộc đánh giá liều cộng đồng và liều tích lũy lâu dài trong báo cáo ĐTM và hồ sơ SAR.
4. Quản lý chất thải phóng xạ và tháo dỡ:
Các tiêu chuẩn chính:
- GSR Part 5, GSR Part 6 - Các yêu cầu về quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu đã qua sử dụng và chấm dứt hoạt động cơ sở hạt nhân.
- GSG-1, GSG-3, GSG-23, GSG-29 - Hướng dẫn thực hành về xử lý, phân loại, đóng gói và chôn lấp chất thải.
- SSG-40, SSG-41, SSG-47 - Hướng dẫn chuẩn bị chấm dứt hoạt động và tháo dỡ cơ sở hạt nhân.
Gợi ý cho Việt Nam:
Thứ nhất: Xây dựng chiến lược quốc gia về chất thải phóng xạ, bao gồm phân loại theo mức hoạt độ, phương án xử lý trung gian và dài hạn.
Thứ hai: Thiết lập trung tâm xử lý tập trung, phân loại, áp dụng công nghệ nén, đóng rắn.
Thứ ba: Chuẩn bị từ sớm hồ sơ an toàn cho cơ sở chôn lấp theo hướng dẫn của IAEA.
Thứ tư: Quy định rõ trách nhiệm tháo dỡ nhà máy ngay từ giai đoạn thiết kế, bao gồm chi phí, công nghệ và quản lý sau khi chấm dứt hoạt động.
III. Bảo đảm thực thi - Cơ quan pháp quy, nguồn nhân lực và tri thức:
Việc xây dựng hệ thống đảm bảo thực thi là yếu tố then chốt để duy trì một chương trình điện hạt nhân an toàn, bền vững và có trách nhiệm. Theo hướng dẫn của IAEA, ba trụ cột cần được củng cố đồng thời là: Cơ quan pháp quy độc lập và đủ năng lực, nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ sinh thái tri thức cùng hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ.
1. Củng cố năng lực cơ quan pháp quy:
Các tài liệu IAEA liên quan: GSR Part 1 (Rev.1) - Governmental, Legal and Regulatory Framework, GSG-12 - Organization, Management and Staffing of the RB, GSG-13 - Functions and Processes of the RB, SSG-16 - Establishing the Safety Infrastructure for a NP Programme.
Nội dung chính:
GSR Part 1 xác lập các yêu cầu cơ bản về thiết lập một cơ quan pháp quy độc lập, minh bạch, có thẩm quyền và nguồn lực phù hợp. Các hướng dẫn đi kèm nhấn mạnh việc xây dựng cơ cấu tổ chức, tuyển dụng nhân sự có trình độ và triển khai đầy đủ các chức năng như cấp phép, kiểm tra, giám sát, ứng phó sự cố và thực thi pháp luật.
Gợi ý cho Việt Nam:
Thứ nhất: Tái cấu trúc và nâng cấp cơ quan pháp quy (VARANS): Xem xét tái cơ cấu theo hướng tăng cường độc lập về tài chính và tổ chức, tách bạch rõ ràng giữa chức năng thúc đẩy phát triển ứng dụng và chức năng thanh tra, cấp phép kỹ thuật.
Thứ hai: Củng cố bộ máy chuyên môn: Thành lập các đơn vị chuyên trách theo chức năng kỹ thuật (cấp phép, thanh tra, phân tích an toàn, ứng phó khẩn cấp, bảo vệ bức xạ...).
Thứ ba: Tăng cường hợp tác quốc tế: Tham gia các chương trình rà soát IRRS của IAEA để đánh giá và cải tiến năng lực, thúc đẩy đào tạo qua học bổng, hội thảo chuyên môn và chương trình hợp tác kỹ thuật IAEA.
2. Phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái tri thức:
Các tài liệu IAEA liên quan: TECDOC-1510 - Knowledge Management for Nuclear Industry Operating Organizations, NG-T-6.7 - Comparative Analysis of Methods and Tools for Nuclear Knowledge Preservation, TECDOC-1835 - TSSO Providing Support to Regulatory Functions, SSG-16 - Establishing the Safety Infrastructure for a NP Programme.
Nội dung chính:
IAEA nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch nhân lực dài hạn và xây dựng hệ thống quản lý tri thức cho các quốc gia triển khai điện hạt nhân. Việc phát triển tổ chức hỗ trợ kỹ thuật (TSO), phòng thí nghiệm đạt chuẩn, hệ thống dữ liệu kỹ thuật quốc gia và các chương trình đào tạo xuyên suốt - là những cấu phần thiết yếu.
Gợi ý cho Việt Nam:
Thứ nhất: Xây dựng TSO độc lập: Phát triển TSO tách biệt khỏi cơ quan quản lý, với hạt nhân là các đơn vị thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) hoặc tổ chức mới, đủ năng lực phân tích an toàn, tham gia thẩm định và đánh giá kỹ thuật.
Thứ hai: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật: Thiết lập các phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025 phục vụ kiểm định thiết bị, phân tích mẫu phóng xạ và hỗ trợ ứng phó sự cố.
Thứ ba: Triển khai hệ thống quản lý tri thức quốc gia (NKM): Xây dựng cơ sở dữ liệu kỹ thuật dùng chung cho các bên liên quan, áp dụng phần mềm quản lý tri thức theo khuyến nghị của IAEA.
Thứ tư: Hợp tác quốc tế: Ký kết các thỏa thuận hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các tổ chức TSO hàng đầu như IRSN (Pháp), KINS (Hàn Quốc), NRA, hoặc JAEA (Nhật Bản); tận dụng mạng lưới GNSSN và ANSN do IAEA điều phối.
IV. Kết luận:
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy: Thành công và tính bền vững của một chương trình điện hạt nhân không chỉ phụ thuộc vào lựa chọn công nghệ, mô hình đầu tư hay thiết kế kỹ thuật, mà chủ yếu được quyết định bởi năng lực bảo đảm an toàn trong toàn bộ vòng đời dự án. Các tiêu chuẩn an toàn của IAEA cung cấp một hệ khung toàn diện để các quốc gia xây dựng chương trình điện hạt nhân theo hướng thận trọng, từng bước và có thể kiểm chứng được.
Bài viết đã phân tích các nhóm tiêu chuẩn cốt lõi của IAEA về địa điểm, thiết kế, vận hành, quản lý an toàn, bảo vệ môi trường, quản lý chất thải và tháo dỡ. Tuy nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để các tiêu chuẩn này có thể được nội luật hóa và thực thi hiệu quả chính là năng lực thể chế. Cơ quan pháp quy độc lập, có thẩm quyền, cùng hệ thống các TSO, cơ sở dữ liệu, phòng thí nghiệm và mạng lưới chuyên gia là nền tảng vận hành không thể thiếu.
Đặc biệt, bài học từ các nước đi trước nhấn mạnh rằng: Không thể có an toàn hạt nhân, nếu thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản và duy trì tri thức lâu dài thông qua các hệ thống quản lý tri thức quốc gia. Việc triển khai các chương trình đào tạo liên ngành, thiết lập cơ sở dữ liệu kỹ thuật và tham gia hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian xây dựng năng lực, đồng thời nâng cao độ tin cậy đối với cộng đồng và các đối tác nước ngoài.
Trong bối cảnh Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) vừa được thông qua, việc nội luật hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn của IAEA cần được đặt trong một chiến lược tổng thể (không chỉ soạn thảo nghị định và thông tư đầy đủ, đồng bộ) mà còn gắn với kế hoạch tăng cường thể chế thực thi và phát triển nguồn lực. Đó là con đường khả thi và vững chắc để Việt Nam triển khai thành công chương trình điện hạt nhân trong tương lai, đáp ứng đồng thời các yêu cầu về an ninh năng lượng, an toàn môi trường và phát triển bền vững./.
TS. LÊ CHÍ DŨNG - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
1. IAEA. Fundamental Safety Principles, SF-1, Vienna, 2006.
2. IAEA. Governmental, Legal and Regulatory Framework for Safety, GSR Part 1 (Rev.1), Vienna, 2016.
3. IAEA. Radiation Protection and Safety of Radiation Sources: International Basic Safety Standards, GSR Part 3, Vienna, 2014.
4. IAEA. Safety of Nuclear Power Plants: Design, SSR-2/1 (Rev.1), Vienna, 2016.
5. IAEA. Safety of Nuclear Power Plants: Commissioning and Operation, SSR-2/2 (Rev.1), Vienna, 2016.
6. IAEA. Safety Assessment for Facilities and Activities, GSR Part 4 (Rev.1), Vienna, 2016.
7. IAEA. Site Evaluation for Nuclear Installations, SSR-1, Vienna, 2019.
8. IAEA. The Management System for Facilities and Activities, GSR Part 2, Vienna, 2016.
9. IAEA. Disposal of Radioactive Waste, SSR-5, Vienna, 2011.
10. IAEA. Decommissioning of Facilities Using Radioactive Material, GSR Part 6, Vienna, 2014.
11. IAEA. Establishing the Safety Infrastructure for a Nuclear Power Programme, SSG-16, Vienna, 2011 (updated 2022).
12. IAEA. Licensing Process for Nuclear Installations, SSG-12, Vienna, 2010.
13. IAEA. Safety Analysis Report for Nuclear Power Plants, SSG-61, Vienna, 2021.
14. IAEA. Workforce Planning for New Nuclear Power Programmes, TECDOC-1510, Vienna, 2006.
15. IAEA. Knowledge Management for Nuclear Energy Organizations, TECDOC-1835, Vienna, 2018.