RSS Feed for Nhật ký Năng lượng: Ngành than định vị tương lai | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 20:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật ký Năng lượng: Ngành than định vị tương lai

 - Nghiên cứu và đánh giá về quá khứ đã là khó, nhưng nghiên cứu và định vị cho tương lai còn khó hơn gấp nhiều lần. Than là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế đất nước. Nhiều nhà khoa học tâm huyết đã dành cả cuộc đời mình cho lĩnh vực này. Cho đến nay, mặc dù Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 60/QĐ-TTg ngày 9 tháng 1 năm 2012, nhưng để biến bản Quy hoạch đó thành hiện thực là cả một đoạn đường dài.

>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>> Nhật ký Năng lượng: Năng lượng tái tạo và tiếng gọi của lương tri
>> Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng
>> Nhật ký Năng lượng: "Quyền lực thượng nguồn"
>> Nhật ký Năng lượng: 'Khi cơn đói dầu hoành hành'
>> Nhật ký Năng lượng: Thông điệp toàn cầu về điện hạt nhân
>> Nhật ký Năng lượng: Kỳ tích 'chinh phục lòng đất'

>> Nhật ký năng lượng: Lọc dầu Dung Quất - vạn sự khởi đầu nan

Bình luận tuần thứ 9:

Nội dung quy hoạch đã công bố

Nếu ai đã đọc bản Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đều có quyền nghĩ rằng, mọi việc đã rõ như ban ngày, từ quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, nội dung quy hoạch đến giải pháp và cơ chế, chính sách.

Về định tính được xác định:

1. Phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước là chủ yếu; đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng tối đa nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

2. Phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước v.v…) kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, quản trị tài nguyên, quản trị rủi ro trong khai thác than.

3. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành; kết hợp đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò, khai thác để bổ sung nguồn than cho nhu cầu lâu dài trong nước.

4. Đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong ngành than trên cơ sở doanh nghiệp do Nhà nước chi phối đóng vai trò chủ đạo; thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

5. Phát triển ngành than gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn, đặc biệt là vùng than Quảng Ninh; đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Về định lượng cũng đã được xác định rất rõ cả về không gian và thời gian. Thí dụ:

Về thăm dò than

a) Bể than Đông Bắc

- Đến hết năm 2015 hoàn thành việc thăm dò phần tài nguyên và trữ lượng than thuộc tầng trên mức -300 m và một số khu vực dưới mức -300 m đảm bảo đủ tài nguyên và trữ lượng than huy động vào khai thác trong giai đoạn đến năm 2020.

- Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ tài nguyên và trữ lượng than huy động vào khai thác trong giai đoạn 2021-2030.

b) Bể than đồng bằng sông Hồng

- Lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, có điều kiện địa chất - mỏ thích hợp để tiến hành thăm dò trong kỳ kế hoạch 2012 - 2015, phục vụ việc đầu tư khai thác thử nghiệm và cuối kỳ kế hoạch.

- Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể than đồng bằng sông Hồng và kết quả triển khai một số dự án thử nghiệm, tiến hành thăm dò mở rộng để làm cơ sở phát triển các mỏ than ở quy mô công nghiệp với công nghệ phù hợp. Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi thuộc khối nâng Khoái Châu - Tiền Hải.

Về khai thác than

Sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong các giai đoạn của Quy hoạch:

- Năm 2012: 45 - 47 triệu tấn.

- Năm 2015: 55 - 58 triệu tấn.

- Năm 2020: 60 - 65 triệu tấn.

- Năm 2025: 66 - 70 triệu tấn.

- Năm 2030: trên 75 triệu tấn.

Trong đó:

- Bể than Đông Bắc và các mỏ than khác (ngoài bể than đồng bằng sông Hồng): Sản lượng than thương phẩm khoảng 55 - 58 triệu tấn vào năm 2015; 59 - 64 triệu tấn vào năm 2020; 64 - 68 triệu tấn vào năm 2025 và duy trì khoảng 65 triệu tấn từ sau năm 2025.

- Bể than đồng bằng sông Hồng: Trong giai đoạn đến năm 2015 đầu tư khai thác thử nghiệm một số dự án để làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển sau năm 2015. Phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm (quy đổi) khoảng 0,5 - 1 triệu tấn vào năm 2020; 2 triệu tấn vào năm 2025 và trên 10 triệu tấn vào năm 2030.

Sản lượng than thương phẩm toàn ngành có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn, kể cả việc xuất, nhập khẩu than, nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế...

Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, phát triển ngành than phải gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và củng cố an ninh quốc phòng trên địa bàn, đặc biệt là vùng than Quảng Ninh; đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Tính liên ngành và hệ thống không thể bỏ qua

Cách đây ít lâu, trong bài viết Quy hoạch năng lượng tổng thể - Cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng, PGS, TS Bùi Huy Phùng đã có một nhận xét đáng lưu ý, rằng "ngành năng lượng có tính hệ thống cao, nhưng các quy hoạch phân ngành: Điện, Than, Dầu-khí, NLTT được xây dựng riêng, khá biệt lập, vì vậy thể hiện thiếu đồng bộ và bất cập". Cụm từ thiếu đồng bộ và bất cập luôn cảnh báo một căn bệnh vốn thường xảy ra đối với công tác quy hoạch, đó là "vạch ra để đấy".

Theo PGS, TS Bùi Huy Phùng, trong cả quá trình phát triển cho tới nay (2012), chúng ta đã xây dựng các quy hoạch, chiến lược sau:

- 7 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ).

- 5 Quy hoạch phát triển ngành than (QHT).

- 3 Quy hoạch phát triển dầu-khí (QHDK).

- Dự thảo Quy hoạch năng luợng tái tạo (NLTT).

- 1 Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia - 2007.

Những thiếu đồng bộ và bất cập như sau:

Thứ nhất, Thời gian quy hoạch chưa thống nhất.

Thứ hai, Tư liệu, số liêu phục vụ quy hoạch thiếu thống nhất, thiếu tin cậy, thiếu thẩm định.

Thứ ba, Các nội dung quy hoạch chưa được xem xét, tính toán một cách đồng bộ, dẫn tới khập khiễng, thiếu thống nhất.

Thứ tư, Cơ cấu, tỷ lệ đầu tư chưa hợp lý giữa các phân ngành, giữa các giai đoạn quy hoạch.

Thứ năm, Giá cả của các loại nhiên liệu - năng lượng là đầu vào đầu ra của nhau, nhưng thiếu sự cân đối và tương quan hợp lý.

Thứ sáu, Phương pháp tính toán xây dựng quy hoạch chưa hợp lý, thể hiện ở hai khía cạnh chính: (i) xây dựng riêng lẽ và thiếu tính hệ thống, (ii) trong từng phân ngành năng lượng tuy có sử dụng một số phương pháp và công cụ hiện đại, nhưng chưa đồng bộ, chưa thật hợp lý (như QHĐ), một số phân ngành khác chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công truyền thống.

Chính vì những lý do như vậy, ông đã đề xuất kiến nghị cần có một Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia (QHNLTT) và coi đây là cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng, trong đó có ngành than.

Theo PGS, TS Bùi Huy Phùng, QHNLTT là bước đầu tiên, là cơ sở để xây dựng quy hoạch các phân ngành năng lượng, là tiền đề cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Bởi vậy nó là cơ sở khoa học và theo pháp quy xây dựng quy hoạch nó còn là cơ sở pháp lý cho các quy hoạch phân ngành.

Nội dung cơ bản của QHLNTT: Xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế - năng lượng quốc tế, chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, điều kiện các nguồn năng lượng trong và ngoài nước (than, dầu, khí, thuỷ năng, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân…), tính thay thế lẫn nhau giữa chúng, tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu bảo vệ môi trường, tính toán và xây dựng phương án hợp lý phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả, bền vững trong suốt thời gian quy hoạch.

Tái cơ cấu ngành Than Việt Nam là một chủ trương lớn của Nhà nước, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển Tập đoàn kinh tế vững mạnh, đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, do vậy, tái cơ cấu cần phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn và phải được triển khai một cách bài bản, công khai, minh bạch... 

Thay đổi quan điểm và tính toán khoa học

Ai cũng hiểu rằng muốn biến bản Quy hoạch đầy ước vọng nêu trên thành hiện thực, ngành than cẩn có những bước chuyển mình thích hợp. Tái cơ cấu ngành Than Việt Nam là một chủ trương lớn của Nhà nước, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển Tập đoàn kinh tế vững mạnh, đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, do vậy, tái cơ cấu cần phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn và phải được triển khai một cách bài bản, công khai, minh bạch... Nhưng nên bắt đầu từ đâu?

Đầu năm 2013, TS. Nguyễn Thành Sơn đã có bài viết 10 lý do phải tái cơ cấu ngành Than Việt Nam. Tuy đây là ý kiến của một nhà khoa học chuyên ngành với cách nhìn có phần "hơi khắt khe" và ngôn từ có phần "hơi nghiệt ngã" với ngành của chính mình cùng quan niệm "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhưng nhiều con số, sự kiện và đánh giá trong bài viết thiết nghĩ cũng cần được tham khảo khi tư duy tổng thể vì lợi ích quốc gia, bởi đã có câu phương ngôn rằng "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".

Trong một bài viết khác có tựa đề Đổi mới mô hình tăng trưởng của Vinacomin một cách bài bản, TS. Nguyễn Thành Sơn phân tích về những cơ hội và thách thức của ngành than Việt Nam theo mô hình SWOT khá phổ biến trên thế giới.

Phân tích SWOT là một trong 5 bước hình thành chiến lược sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, bao gồm: xác lập tôn chỉ của doanh nghiệp, phân tích SWOT, xác định mục tiêu chiến lược, hình thành các mục tiêu và kế hoạch chiến lược, xác định cơ chế kiểm soát chiến lược. SWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) - là một mô hình nổi tiếng trong phân tích kinh doanh của doanh nghiệp

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Standford cho rằng, nên bắt đầu bước thứ nhất bằng cách yêu cầu đánh giá ưu điểm và nhược điểm của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp nên bắt đầu hệ thống này bằng cách tự đặt câu hỏi về những điều "tốt" và "xấu" cho hiện tại và tương lai. Những điều "tốt" ở hiện tại là "Những điều hài lòng" (Satisfactory), và những điều "tốt" trong tương lai được gọi là "Cơ hội" (Opportunity); những điều "xấu" ở hiện tại là "Sai lầm" (Fault) và những điều "xấu" trong tương lai là "Nguy cơ" (Threat). Công việc này được gọi là phân tích SOFT. Năm 1964, nhóm nghiên cứu quyết định đổi chữ F thành chữ W và từ đó SOFT đã chính thức được đổi thành SWOT

Với phương pháp phân tích này, TS. Nguyễn Thành Sơn cho rằng ngành than hiện nay có nhiều cơ hội cần được chính Vinacomin và cả các đơn vị thành viên tận dụng triệt để. Đó là: Nhu cầu về than của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng tăng (đặc biệt là than cho phát điện); Giá năng lượng có xu hướng đang tăng, giá dầu mỏ và khí đốt trên thế giới dự kiến sau 2013 sẽ ngày càng tăng; Tỷ trọng của than trong cân bằng năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng; Các “đối thủ” cạnh tranh của than (dầu mỏ, khí đốt, thủy điện, điện nguyên tử ở Việt Nam và than nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam) đang có nhiều khó khăn; Trong giá thành sản phẩm của than và khoáng sản không có khoản mục “nguyên liệu chính”; Các công nghệ sử dụng than sạch ngày càng được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới; ...

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức như: Than cấp cho điện trong nước có nhu cầu lớn, nhưng trong tương lai phải cạnh tranh với than nhập khẩu;   Hạ tầng kỹ thuật ở vùng than Quảng Ninh tương đối thuận lợi, nhưng chưa đáp ứng; Công nghệ khai thác than hầm lò ngày càng phức tạp, tỷ trọng khai thác hầm lò ngày càng tăng; Trữ lượng than vùng Quảng Ninh đang ngày cạn kiệt nhanh, mức độ thăm dò than không đáp ứng; Hạ tầng xã hội ở các vùng miền khác đều đang ngày càng được cải thiện, nhưng còn chậm; Dân trí và mức sống có tăng nhưng nghề mỏ vẫn kém hấp dẫn; Việc khai thác, chế biến khoáng sản còn tổn thất cao, hiệu quả của việc sử dụng khoáng sản còn thấp; ...

Lời kết

Không chỉ riêng ngành than mà mọi người dân Việt Nam đều mong muốn ngành công nghiệp "vàng đen" của nước nhà thực hiện thành công việc tái cấu trúc thành công theo những mục tiêu mà  bản Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đặt ra. Tuy nhiên, để biến ước vọng về một tương lai tốt đẹp ấy thành hiện thực, chúng phải được thực hiện bằng mồ hôi, trí tuệ và lòng quả cảm chứ không chỉ bằng những nét vẽ đầy ắp màu hồng và sự an ủi.

NGUYỄN HOÀNG LINH (tổng hợp)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động