RSS Feed for Nhật ký Năng lượng: Thông điệp toàn cầu về điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 14/01/2025 11:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật ký Năng lượng: Thông điệp toàn cầu về điện hạt nhân

 - Diễn đàn "Năng lượng hạt nhân thế kỷ 21" do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phối hợp với Cơ quan Năng lượng hạt nhân (NEA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia - ROSATOM tổ chức đã bế mạc. Tham dự Hội nghị là các bộ trưởng, quan chức cấp cao và các chuyên gia đến từ 87 quốc gia và 7 tổ chức quốc tế, với trên 500 đại biểu tham dự. Song song với diễn đàn này là Triển lãm AtomExpo 2013, với sự tham gia của trên 100 công ty trong ngành năng lượng nguyên tử của Nga và hàng chục quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này… Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam.vn trực tiếp tham dự sự kiện này tại St Petersburg, LB Nga sẽ tổng hợp qua Nhật ký Năng lượng dưới đây...

>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>> Nhật ký Năng lượng: Năng lượng tái tạo và tiếng gọi của lương tri
>> Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng
>> Nhật ký Năng lượng: "Quyền lực thượng nguồn"
>> Nhật ký Năng lượng: 'Khi cơn đói dầu hoành hành'

Toàn cảnh Hội nghị Quốc tế về năng lượng hạt nhân thế kỷ 21

Bình luận tuần thứ 6:

LÊ MỸ

Mở đầu Hội nghị, Tổng giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 434 nhà máy phản ứng hạt nhân đang hoạt động, 69 nhà máy đang xây dựng. Theo dự đoán, trong vòng 20 năm tới, số nhà máy này sẽ tiếp tục tăng ít nhất từ 80 - 90 nhà máy.

Ông cho rằng, kể từ sau Hội nghị Bộ trưởng về điện hạt nhân thế kỷ 21 được tổ chức vào năm 2005 tại thủ đô Paris nước Pháp và vào năm 2009 tại Beijing, Trung Quốc, điện hạt nhân đã có những bước tăng trưởng đáng kể trên toàn cầu.

Tổng giám đốc IAEA khẳng định: Điện hạt nhân sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững trong những thập kỷ tới. IAEA cam kết đảm bảo việc mở rộng năng lượng hạt nhân diễn ra theo cách sẽ mang lại sự an toàn, tin cậy và hiệu quả tối đa, bảo vệ chống lại sự gia tăng của vũ khí hạt nhân. IAEA sẽ là đối tác đáng tin cậy cho tất cả các quốc gia thành viên.

Đoàn Chủ tịch Hội nghị "Năng lượng hạt nhân thế kỷ 21"

Tổng thư ký OECD Angel Gurria trong một thông điệp nêu ra tại Hội nghị đã nhấn mạnh: Điện hạt nhân không những đã đạt được mục tiêu môi trường, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, mà còn giải quyết bài toán giá năng lượng và an ninh năng lượng cho các quốc gia phát triển.

Ông Sergei Kirienko, Tổng giám đốc "ROSATOM" khẳng định: Năng lượng hạt nhân là một phần quan trọng trong năng lượng - hỗn hợp (energy-mix) của thế giới. Các đặc trưng tiến bộ của loại năng lượng này sẽ mang tới cho chúng ta sự phát triển bền vững trong tương lai. Chu trình nhiên liệu hạt nhân khép kín và các phản ứng tổng hợp có thể mở ra cho nhân loại những chân trời hoàn toàn mới... Và với tư cách là một thành viên đồng sáng lập của IAEA, Nga sẽ luôn nỗ lực để phát triển, mở rộng các tiêu chuẩn an toàn, an ninh trên toàn thế giới.

Phát biểu tham luận của các bộ trưởng, quan chức cấp cao và các chuyên gia tại Hội nghị đều có chung nhận định: Sau sự cố bất ngờ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản), năng lượng hạt nhân vẫn là một lựa chọn quan trọng đối với nhiều quốc gia, nhằm nâng cao an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động của giá các nhiên liệu hóa thạch và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Năng lượng hạt nhân, được xem như một nguồn điện ổn định trong thời đại nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng lên.

Điều đặc biệt đáng chú ý tại Hội nghị lần này là hầu hết các quốc gia phát triển đã rất quan tâm đến việc khởi động các chương trình điện hạt nhân và có ý định mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân tại quốc gia mình, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tại Hội nghị, tất cả các nước đã cam kết tiếp tục cải thiện, tăng cường an toàn hạt nhân, kịp thời ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp và vấn đề môi trường toàn cầu (có tính đến bài học kinh nghiệm từ tai nạn Fukushima Daiichi).

Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng đại diện đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân đối với sự phát triển kinh tế trong thế kỷ 21. Bộ trưởng hy vọng Hội nghị về điện hạt nhân lần này sẽ mở thêm một cơ hội hợp tác tốt cho Việt Nam. Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực nhất từ các đối tác về lĩnh vực công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực… để đáp ứng được những yêu cầu của IAEA trong việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân. Việt Nam cũng cam kết bằng nổ lực cao nhất trong việc thực hiện trách nhiệm của mình về vấn đề an ninh, an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - Vũ Huy Hoàng

Kết luận của Chủ tịch Hội nghị "Năng lượng hạt nhân thế kỷ 21" một lần nữa khẳng định cam kết đối với Kế hoạch hành động của IAEA về an toàn hạt nhân và quyết tâm thực hiện các biện pháp nhằm không ngừng tăng cường an toàn hạt nhân. Đồng thời công nhận vai trò lãnh đạo của IAEA trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, cũng như trong việc thiết lập các tiêu chuẩn an toàn, hướng dẫn bảo mật, thúc đẩy hợp tác quốc tế và nỗ lực nhằm tăng cường an toàn, an ninh hạt nhân toàn cầu.

Kết luận của Chủ tịch Hội nghị đã ghi nhận rằng, để thúc đẩy, nâng cao sự hiểu biết năng lượng hạt nhân, công tác truyền thông cần phải kịp thời, rõ ràng, minh bạch, khách quan và dễ hiểu. Công tác truyền thông cần phải được dựa trên kiến thức khoa học.

Bên cạnh đó, mỗi quốc gia phải có trách nhiệm trong việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý phù hợp, đầy đủ, đồng thời thực hiện các biện pháp cụ thể để hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến an toàn, an ninh hạt nhân và các biện pháp bảo vệ. Hội nghị khẳng định sự cần thiết phải thành lập một chế độ trách nhiệm hạt nhân toàn cầu để giải quyết những mối quan tâm của tất cả các nước, nhằm đưa ra sự bồi thường hợp lý trong trường hợp có thiệt hại do sự cố hạt nhân gây ra.

Hội nghị một lẫn nữa tái khẳng định việc quản lý an toàn nhiên liệu đã qua sử dụng và xử lý các chất thải phóng xạ là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của điện hạt nhân. Các thành viên tham gia hội nghị đã công nhận những cải tiến liên tục trong sự phát triển của thiết kế lò phản ứng hạt nhân trong những năm qua và huy vọng thiết kế của lò phản ứng hạt nhân trong tương lai ​​sẽ có các tính năng an toàn hơn. Khẳng định lò phản ứng nhanh, chu kỳ nhiên liệu khép kín và tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân chính là lựa chọn quan trọng trong việc tăng cường tính bền vững của hệ thống hạt nhân trong tương lai.

Cuối cùng, Hội nghị đã đi đến kết luận: Điện hạt nhân sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển bền vững trong thế kỷ 21.

Tổng thống Nga Putin và Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano

Kết thúc Hội nghị, Tổng thống Nga Putin đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc IAEA. Tổng thống Nga khẳng định, kế hoạch của Nga trong những năm tới là tiếp tục phát triển điện hạt nhân, với công nghệ an toàn và hiện đại nhất - đó là các lò phản ứng nước áp lực VVER.

Trong quá trình trao đổi với Tổng giám đốc IAEA, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh mối quan hệ xây dựng của Nga với cơ quan này, và nhắc tới sự tham gia của Nga từ khi IAEA mới thành lập năm 1957. Tổng thống cho biết, IAEA là công cụ quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm như hạt nhân.

Theo Tổng thống Putin: Kế hoạch của Nga trong những năm tới là tăng sản xuất điện hạt nhân, sử dụng các công nghệ an toàn và hiện đại nhất - đó là các lò phản ứng nước áp lực VVER. Tất cả sẽ là các công nghệ "hậu Fukusima", bảo đảm sự an toàn tối đa.

Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano xác nhận: Nga là một trong những đối tác quan trọng của IAEA. Theo ông, hội nghị tại St Petersburg là cơ hội tích cực để thảo luận tương lai năng lượng hạt nhân cũng như những biện pháp cần thiết cho sự phát triển an toàn công nghệ trên thế giới.

Theo Tổng giám đốc IAEA, Hội nghị quốc tế được tổ chức tại St Petersburg là hoạt động kịp thời và công nhận vai trò hàng đầu của Nga trong thiết kế và phát triển công nghệ hạt nhân...

Ông Sergei Kirienko, Tổng giám đốc "ROSATOM"

Thay lời kết Nhật ký Năng lượng tuần này, NangluongVietnam.vn xin được dẫn lời của người đứng đầu Cơ quan hạt nhân Nga - ROSATOM, ông Sergey Kiriyenko trao đổi với báo chí tại diễn đàn St Petersburg.

"Với những kinh nghiệm từ Chernobyl và Fukushima, ngôn từ "an ninh năng lượng" đã được các đại biểu tham dự diễn đàn "Năng lượng hạt nhân thế kỷ 21" thường xuyên nhắc đến. Tuy nhiên, hạt nhân tiếp tục là hình thức khai thác có triển vọng và thân thiện nhất với môi trường. Đối với người tiêu dùng, đây còn là nguồn điện năng tương đối rẻ và giá thành ổn định. Năng lượng hạt nhân là cơ sở phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Ví dụ, sau tai nạn tại cơ sở Fukushima của Nhật Bản, Trung Quốc không những không từ chối hình thức năng lượng này mà còn đưa vào hoạt động 4 tổ máy phát điện mới và đang xây thêm 10 nhà máy khác.

Năng lượng hạt nhân đóng góp đáng kể vào việc giải quyết vấn đề môi trường trên hành tinh. Trong tương lai gần, sự thiếu hụt điện hạt nhân sẽ không đủ khả năng cung cấp điện ổn định cho toàn thế giới. Trước hết, điều này liên quan đến các nước đang sở hữu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng tiếp cận hạn chế với các nguồn năng lượng khác. Rõ ràng, nguồn năng lượng tin cậy như điện hạt nhân là điều kiện quan trọng để phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới".

(St Petersburg, LB Nga, cuối tháng 6/2013)

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động