Vì sao các nhà phân tích gặp khó khi giải mã thị trường dầu mỏ hiện nay?
06:45 | 23/07/2025
![]() Giá dầu đã trải qua những biến động dữ dội trong năm nay. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, giá dầu Dtd Brent đã “trượt dốc” từ đỉnh 83,06 USD/bbl (bbl - giá của một thùng dầu tính bằng đô la Mỹ) hồi tháng 1/2025 xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua là 61,09 USD/bbl vào đầu tháng 5/2025. Đà giảm này không phải do một yếu tố đơn lẻ, mà là hệ quả của một chuỗi sự kiện vĩ mô đan xen, tạo nên bức tranh đầy thách thức và khó đoán định. (Tổng hợp của Lê Trung Lân - Ban Kinh tế Đầu tư của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn). |
![]() Năm 2025, chính sách thương mại nổi lên như một trong các yếu tố then chốt định hình giá hàng hóa và dòng vốn toàn cầu. Đặc biệt, làn sóng thuế quan đối ứng giữa Mỹ và các đối tác lớn, mà trọng tâm là Trung Quốc, đang có tác động rõ rệt đến thị trường năng lượng. Để thấu hiểu vấn đề này, các nhà đầu tư buộc phải đi sâu vào các động thái chính trị đầy biến động và những cảm xúc mà chúng tạo ra. (Tổng hợp của Lê Trung Lân - Ban Kinh tế Đầu tư của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn). |
![]() Trong nhiều thập kỷ, rủi ro địa chính trị từng là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngành năng lượng toàn cầu. Chỉ một biến cố nhỏ ở Trung Đông cũng đủ khiến giá dầu leo thang, kéo theo hệ lụy kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây đang cho thấy một sự thay đổi căn bản: Rủi ro địa chính trị không còn là nỗi sợ cố hữu, mà dần trở thành yếu tố mà thị trường chủ động hấp thụ, quản trị và thậm chí là dự đoán trước. |
![]() Rất ít nhà đầu tư thực sự nhận thức đầy đủ về những thay đổi mô hình đang diễn ra trong thị trường dầu mỏ thế giới. Quá trình chuyển dịch này chắc chắn sẽ tạo ra các tác động sâu rộng đối với kinh tế vĩ mô và toàn bộ cấu trúc thị trường chứng khoán toàn cầu. |
Trước hết, chúng ta cần biết: OPEC giờ đây không chỉ là một liên minh kiểm soát giá dầu mỏ đơn thuần nữa, mà đã trở thành công cụ địa chính trị và Saudi Arabia đang sử dụng nó để định hình cả thị trường dầu mỏ lẫn các liên minh quốc tế.
Từ kiểm soát giá, đến kiểm soát quyền lực:
Giai đoạn 2011-2014, giá dầu Brent duy trì mức bình quân 110 USD/thùng - mức cao nhất lịch sử trong thời gian dài nhờ nhu cầu mạnh, nguồn cung eo hẹp, căng thẳng địa chính trị và sự tài chính hóa thị trường dầu. Điều này tạo điều kiện để dầu đá phiến Mỹ tăng trưởng mạnh, dẫn đến cú sốc dư cung cuối năm 2014 và giá dầu lao dốc. Khi đó, Saudi Arabia từ chối giảm sản lượng, quyết định để giá dầu giảm sâu nhằm buộc các nhà sản xuất ngoài OPEC cùng gánh vác trách nhiệm cân bằng thị trường. Tuy nhiên, các nước ngoài OPEC không hợp tác và hệ quả là thị trường rơi vào chu kỳ giá thấp kéo dài đến năm 2018, đồng thời thanh lọc các nhà sản xuất chi phí cao khỏi thị trường.
Từ đây, Saudi Arabia nhận ra rằng: Chỉ kiểm soát giá đơn thuần không đủ đảm bảo quyền lực năng lượng trong môi trường cạnh tranh và tài chính hóa toàn cầu. Quốc gia này đang dần xây dựng một cấu trúc chi phối toàn diện hơn - nơi sản lượng chỉ là một công cụ trong tổng thể hệ sinh thái quyền lực gồm tài chính, quan hệ quốc tế và vận hành dòng tiền toàn cầu.
![]() |
“Dự trữ đen” và cơ chế tài chính hóa dầu mỏ:
Từ năm 2017, một khái niệm mới xuất hiện trong thị trường dầu mỏ toàn cầu: “dầu chưa xác định” (unaccounted-for oil), hay “dự trữ đen” (dark inventory). Đó là chênh lệch giữa lượng dầu đã khai thác và lượng dầu thực sự giao dịch, chủ yếu tồn trữ qua các hợp đồng tài chính tư nhân.
Thực tế, đây là các giao dịch trả trước, trong đó các tổ chức tài chính, hoặc các công ty dầu quốc doanh trả tiền cho các nhà sản xuất trước, đổi lấy quyền sở hữu dầu trong tương lai. Dầu được lưu kho, nhưng quyền sở hữu đã chuyển sang bên mua thông qua các hợp đồng tài chính phức tạp.
Số liệu của EIA cho thấy: Khối lượng “dầu chưa xác định” này đã tăng từ 370 triệu thùng đầu năm 2017 lên 790 triệu thùng cuối nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, đạt 1,1 tỷ thùng vào giữa 2024 và hiện vẫn trên 1 tỷ thùng - mức cao nhất lịch sử. Điều này có nghĩa là thị trường vật chất bị “siết cung” trên sổ sách, trong khi thực tế nguồn dầu vẫn còn đó, nhưng không được bán ra thị trường dầu giao ngay.
Các giao dịch trả trước này thường được bảo đảm bằng trái phiếu kho bạc Mỹ (T-bills), tạo ra một cơ chế hoán đổi (đổi USD lấy dầu trong tương lai), gắn chặt giá trị của dầu mỏ với sức mạnh của đồng tiền Mỹ.
Đối với giới tài chính, đây là cách kết hợp lợi nhuận từ lãi suất trái phiếu và biến động giá dầu, trong khi các nhà sản xuất - điển hình là Saudi Arabia - thì có ngay tiền mặt, mà không làm giá dầu vật chất giảm, vì lượng cung thực tế vẫn bị “ẩn đi”. Thị trường kỳ hạn hưởng lợi nhờ cấu trúc backwardation (giá giao ngay cao hơn giá tương lai) ngày càng dốc, cho thấy nguồn cung ngắn hạn “khát” hơn dài hạn. Dù thùng dầu đó là dầu đá phiến Mỹ, Saudi Arabia vẫn hưởng lợi vì nguồn cung bị siết giả tạo làm giá toàn cầu tăng.
Hiện tại, năm 2025, chiến thuật này vẫn tiếp tục được dùng. Các thỏa thuận “dự trữ đen” cho phép Saudi Arabia bơm thêm dầu, bảo đảm dòng tiền, duy trì ổn định giá bằng cách che giấu thực trạng nguồn cung. Đây là cách quản lý thị trường dầu và quan hệ địa chính trị rất tinh vi, không làm giá sụp đổ. Bất chấp những tuyên bố dư cung, thị trường vẫn rất eo hẹp. Như Bộ trưởng Năng lượng UAE nói hồi tuần trước: “Thị trường thực sự cần số thùng dầu đó”.
Các chuyên gia phân tích vẫn bám lấy các quan điểm cũ kỹ, cho rằng: Mọi thứ sẽ thay đổi sau mùa lái xe, hoặc khi OPEC dừng cắt giảm sản lượng. Họ không hiểu cách thị trường hiện nay vận hành, hoặc cũng có thể họ hiểu, nhưng chỉ nói theo lợi ích riêng của mình.
Ảnh hưởng tài chính và địa chính trị toàn cầu:
Vai trò của Saudi Arabia trong mô hình này không còn dừng ở điều tiết giá mà mở rộng ra kiểm soát nguồn cung thực tế, đảm bảo dòng tiền USD và củng cố quyền lực địa chính trị. Các hợp đồng “dự trữ đen” không chỉ làm chặt cung trên giấy tờ, mà còn neo chặt mối quan hệ giữa dầu mỏ và hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời duy trì vị trí trung tâm của USD trong chuỗi giá trị năng lượng quốc tế.
Bên cạnh đó, Saudi Arabia và UAE kiểm soát tới 90% năng lực dự phòng của OPEC, đủ sức tạo ra “tấm đệm” điều tiết thị trường khi xuất hiện biến động địa chính trị, khủng hoảng nguồn cung, hay nhu cầu tăng vọt đột biến. Việc chủ động tăng, hoặc giảm sản lượng, kết hợp điều chỉnh các thỏa thuận trả trước, mang tính tín hiệu chiến lược trong quan hệ với các tổ chức kinh tế lớn, đồng thời là đòn bẩy đàm phán trong các thương vụ vũ khí, an ninh, đầu tư và tái cấu trúc liên minh khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và sự chuyển hướng quyền lực dầu mỏ:
Khi Tổng thống Trump nói muốn giá dầu thấp, nhưng thực chất ông ấy muốn đồng USD yếu.
Một dấu mốc then chốt là sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã tái định hình quan hệ chiến lược với Saudi Arabia, nhấn mạnh yếu tố “ưu thế năng lượng”, tối đa hóa xuất khẩu dầu Mỹ và coi xuất khẩu như công cụ đàm phán địa chính trị. Giai đoạn này, các thỏa thuận tài chính hóa dầu mỏ, các hợp đồng trả trước được hợp thức hóa và trở thành trụ cột trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia. Điều này không chỉ mang lại lợi ích tài chính, an ninh cho Saudi Arabia, mà còn đảm bảo quyền tiếp cận vốn USD dài hạn cho các chương trình cải cách lớn.
Chính sách này đã giúp củng cố vị thế của Saudi Arabia cả trên bình diện kinh tế, lẫn địa chính trị, đồng thời gia tăng vai trò của USD trong chuỗi giá trị năng lượng toàn cầu.
Dầu mỏ giờ không còn chỉ là hàng hóa, nó đã gắn với hệ thống tài chính và liên minh địa chính trị.
Thông qua các công cụ như dự trữ đen, hợp đồng trả trước, năng lực dự phòng và mối liên kết với các cường quốc tài chính, Saudi Arabia không chỉ bảo vệ lợi ích kinh tế, mà còn củng cố vị thế quyết định trong thị trường dầu mỏ, tài chính quốc tế và trật tự quyền lực khu vực. Đây là xu thế mà các mô hình phân tích cung - cầu truyền thống không còn khả năng lý giải trọn vẹn trong kỷ nguyên năng lượng mới./.
LÊ TRUNG LÂN - BSR (TỔNG HỢP)