RSS Feed for Đánh giá vĩ mô ngành năng lượng [phần 3]: Rủi ro địa chính trị - từ cú sốc, đến quản trị rủi ro | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 12/07/2025 06:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đánh giá vĩ mô ngành năng lượng [phần 3]: Rủi ro địa chính trị - từ cú sốc, đến quản trị rủi ro

 - Trong nhiều thập kỷ, rủi ro địa chính trị từng là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngành năng lượng toàn cầu. Chỉ một biến cố nhỏ ở Trung Đông cũng đủ khiến giá dầu leo thang, kéo theo hệ lụy kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây đang cho thấy một sự thay đổi căn bản: Rủi ro địa chính trị không còn là nỗi sợ cố hữu, mà dần trở thành yếu tố mà thị trường chủ động hấp thụ, quản trị và thậm chí là dự đoán trước.
Đánh giá vĩ mô ngành năng lượng [phần 1]: Toàn cảnh hiện tại của thị trường dầu mỏ thế giới Đánh giá vĩ mô ngành năng lượng [phần 1]: Toàn cảnh hiện tại của thị trường dầu mỏ thế giới

Giá dầu đã trải qua những biến động dữ dội trong năm nay. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, giá dầu Dtd Brent đã “trượt dốc” từ đỉnh 83,06 USD/bbl (bbl - giá của một thùng dầu tính bằng đô la Mỹ) hồi tháng 1/2025 xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua là 61,09 USD/bbl vào đầu tháng 5/2025. Đà giảm này không phải do một yếu tố đơn lẻ, mà là hệ quả của một chuỗi sự kiện vĩ mô đan xen, tạo nên bức tranh đầy thách thức và khó đoán định. (Tổng hợp của Lê Trung Lân - Ban Kinh tế Đầu tư của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn).

Đánh giá vĩ mô ngành năng lượng [phần 2]: Giải mã chính sách thuế quan Đánh giá vĩ mô ngành năng lượng [phần 2]: Giải mã chính sách thuế quan

Năm 2025, chính sách thương mại nổi lên như một trong các yếu tố then chốt định hình giá hàng hóa và dòng vốn toàn cầu. Đặc biệt, làn sóng thuế quan đối ứng giữa Mỹ và các đối tác lớn, mà trọng tâm là Trung Quốc, đang có tác động rõ rệt đến thị trường năng lượng. Để thấu hiểu vấn đề này, các nhà đầu tư buộc phải đi sâu vào các động thái chính trị đầy biến động và những cảm xúc mà chúng tạo ra. (Tổng hợp của Lê Trung Lân - Ban Kinh tế Đầu tư của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn).

Rủi ro địa chính trị:

Các sự kiện địa chính trị gần đây, đặc biệt là xung đột giữa Israel và Iran trong tháng 6/2025 đã làm nổi bật một xu hướng đáng chú ý: Các xung đột dường như được sắp xếp cẩn thận để tránh gây rối loạn nghiêm trọng cho thị trường năng lượng.

Các đòn tấn công qua lại giữa hai bên, kể cả với sự tham gia trực tiếp của Mỹ, thoạt nhìn tưởng chừng sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến diện rộng và kéo theo cú sốc dầu mỏ khó lường. Thế nhưng, điều ngược lại đã xảy ra: Giá dầu không tăng vọt, mà thậm chí còn lao dốc.

Ngày 24/6/2025, giá dầu Dtd Brent giảm xuống dưới 70 USD/thùng, mất 12%, còn WTI rơi về 65 USD/thùng, mất 13%, sau khi Mỹ không kích ba cơ sở hạt nhân của Iran (Fordow, Natanz, Esfahan) và Iran đáp trả vào căn cứ Al Udeid của Mỹ tại Qatar.

Phải chăng, những gì chúng ta chứng kiến chỉ là một “màn trình diễn” được dàn dựng khéo léo?

Các dấu hiệu cho thấy sự phối hợp và cảnh báo trước khi các cuộc tấn công diễn ra. Iran được cho là đã biết trước về các cuộc không kích của Mỹ vào cơ sở hạt nhân của mình, thậm chí còn có thời gian di chuyển thiết bị và che đậy lối vào.

Tương tự, khi Iran phóng tên lửa vào căn cứ Mỹ tại Qatar, dường như đã có cảnh báo trước, cho phép di dời tài sản và tránh thương vong đáng kể. Tất cả những điều này khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi về tính “bất ngờ” của các cuộc tấn công và mức độ “leo thang có kiểm soát” trong các diễn biến địa chính trị.

Đánh giá vĩ mô ngành năng lượng [phần 3]: Rủi ro địa chính trị - từ cú sốc đến quản trị rủi ro
Bản đồ những khu vực eo biển và kênh đào lượng dầu mỏ thông qua hàng ngày (triệu thùng/ngày).

Điều này không giống sự hỗn loạn chiến lược. Nó giống một màn biên đạo chiến lược hơn - nơi các nhân vật chủ chốt đang thủ vai trong một vở kịch địa chính trị phức tạp.

Thị trường dường như cũng nhận ra tính chất “có kiểm soát” của các sự kiện này. Thay vì hoảng loạn, các nhà giao dịch đã nhanh chóng định giá lại rủi ro, dẫn đến sự ổn định trở lại chỉ trong vài giờ sau các vụ tấn công. Điều này trái ngược hoàn toàn với các cuộc khủng hoảng lịch sử như cấm vận dầu mỏ năm 1973, hay cuộc tấn công vào Saudi Aramco năm 2019, khi giá dầu tăng lần lượt 300% và hơn 19% chỉ trong thời gian ngắn.

Quyền lực dầu mỏ Trung Đông - Đã qua thời hoàng kim:

Sự thay đổi này phản ánh một thực tế mới: Quyền lực địa chính trị của dầu mỏ Trung Đông đang suy giảm rõ rệt. Nếu như trước đây, dầu mỏ là vũ khí chiến lược giúp các quốc gia vùng Vịnh thao túng thị trường và tạo lợi thế chính trị, thì hiện nay, vai trò đó đã phai nhạt do thị trường năng lượng đã đa dạng hóa nguồn cung, tích trữ kho dự trữ chiến lược và phát triển mạnh các nguồn năng lượng thay thế.

Hoa Kỳ, từng là quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông, giờ đây đã trở thành một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến. Châu Âu, sau bài học từ sự phụ thuộc vào khí đốt Nga trong cuộc chiến Nga - Ukraine cũng đã đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào Trung Đông. Kết quả là các xung đột như Hamas - Israel năm 2023 ,hay Israel - Iran năm 2025 chỉ tạo ra biến động giá dầu rất ngắn hạn, tăng tối đa 10-14% rồi nhanh chóng quay về mặt bằng cũ.

Vai trò của OPEC+ thể hiện rõ nét trong việc giữ ổn định thị trường. Khi các nước xuất khẩu lớn (như Saudi Arabia) không bị ảnh hưởng trực tiếp, thị trường có xu hướng tin tưởng vào sự liên tục của nguồn cung. Ngược lại, bất kỳ đe dọa nào tới cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia (như vụ tấn công Aramco năm 2019) vẫn có thể tạo ra phản ứng mạnh. Điều này cho thấy thị trường năng lượng toàn cầu ngày nay được quản lý chặt chẽ hơn, với các cơ chế ổn định chiến lược do OPEC+ dẫn dắt.

Quản trị rủi ro - Kỷ nguyên chủ động của ngành năng lượng:

Sự suy giảm ảnh hưởng của rủi ro địa chính trị không chỉ làm thay đổi cấu trúc thị trường mà còn mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Về mặt tích cực, sự “tách rời” giữa xung đột Trung Đông và cú sốc giá dầu giúp các quốc gia phương Tây linh hoạt hơn trong việc định hình chính sách đối ngoại, có thể theo đuổi các mục tiêu chiến lược mà không phải lo ngại lập tức về an ninh năng lượng.

Ở chiều ngược lại, điều này cũng buộc các nhà lãnh đạo Trung Đông phải tập trung nhiều hơn vào cải cách nội bộ, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, hướng tới mô hình quản trị và phát triển bền vững.

Sự thay đổi về bản chất rủi ro địa chính trị không đồng nghĩa với việc các xung đột sẽ không còn tác động tới thị trường. Tuy nhiên, tác động đó giờ đây mang tính ngắn hạn, kiểm soát được và đã trở thành một phần trong cơ chế quản trị rủi ro của ngành năng lượng.

Thậm chí, trong một số trường hợp, biến động địa chính trị được xem như “cơ hội tài chính” hơn là mối đe dọa, khi các tổ chức lớn tận dụng biến động để kiếm lợi nhuận từ cổ phiếu, phái sinh, hoặc tận dụng để điều chỉnh chính sách vĩ mô.

Như vậy, bản chất rủi ro địa chính trị đang dần chuyển dịch từ những cú sốc bất ngờ sang trạng thái được kiểm soát, tích hợp vào cơ chế quản trị của toàn ngành năng lượng toàn cầu.

Rủi ro địa chính trị - Từ cú sốc tới năng lực thích nghi:

Rủi ro địa chính trị với ngành năng lượng đang bước vào giai đoạn chuyển hóa căn bản. Thị trường đã thích nghi, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ không còn nắm “quyền lực tuyệt đối” và nhà đầu tư ngày càng nhạy bén hơn với mọi biến động. Địa chính trị vẫn là yếu tố quan trọng, nhưng giờ đây là phép thử năng lực quản trị và khả năng thích nghi của toàn ngành, thay vì là lực lượng tạo ra khủng hoảng thực sự.

Điều này đòi hỏi các nhà máy lọc dầu, các nhà hoạch định chính sách lẫn nhà đầu tư phải liên tục cập nhật tư duy quản trị rủi ro, tránh sa vào cảm tính ngắn hạn và chủ động thích ứng với trật tự năng lượng mới đang hình thành để duy trì lợi thế trong ngành năng lượng toàn cầu./.

LÊ TRUNG LÂN - BSR (TỔNG HỢP)

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động