RSS Feed for Giá dầu thế giới trong ‘cú sốc tài chính’ ở Hoa Kỳ và châu Âu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 01:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá dầu thế giới trong ‘cú sốc tài chính’ ở Hoa Kỳ và châu Âu

 - Trong thời điểm như hiện nay, rõ ràng dầu mỏ không phải là hàng hóa có độ an toàn cao và sinh lời cho các nhà đầu tư, các nền kinh tế phát triển đang loay hoay chống chọi với lạm phát, giải cứu ngân hàng thì cũng cần có thêm thời gian để thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng nhu cầu tiêu dùng để giá dầu mỏ đi lên.
Giá dầu thế giới năm 2023 - Những yếu tố tích cực và bất lợi cần lưu ý Giá dầu thế giới năm 2023 - Những yếu tố tích cực và bất lợi cần lưu ý

Những tháng đầu năm 2023, thị trường dầu khí thế giới dồn dập bị tác động bởi các thông tin tích cực và những thông tin bất lợi. Những thông tin này làm giá dầu thế giới tăng giảm nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, và dự báo cho các hoạt động đầu tư tiếp theo, mà ở cấp độ quốc gia cũng bị ảnh hưởng trong việc điều hành kinh tế. Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, những yếu tố chính tác động lên giá dầu thế giới năm 2023 là gì và giá dầu 2023 sẽ dao động khoảng nào cần được xem xét? Tổng hợp, phân tích của chuyên gia Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

Đến giữa tháng 3/2023, giá dầu mỏ thế giới tiếp tục được các nhà nghiên cứu kinh tế sử dụng những từ “chao đảo”, “bốc hơi mạnh”… bởi bị tác động từ thị trường tài chính bắt đầu từ Mỹ rồi lan đến châu Âu. Các nhà đầu tư thực sự “hoảng loạn” và cho rằng: Cơn bão khủng khoảng tài chính tương tự năm 2008 đang bắt đầu xẩy ra. Những cuộc bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu diễn ra, cũng như các hàng hóa rủi ro khác, trong đó có dầu mỏ. Tâm lý bất an của các nhà đầu tư đối với hệ thống ngân hàng bắt đầu tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ thế giới.

Những cam kết và tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ về các biện pháp nhằm bình ổn hệ thống ngân hàng, bảo đảm cho những khách hàng gửi tiền tại 3 ngân hàng lớn của Mỹ vừa bị phá sản, còn Ngân hàng UBS đã mua lại ngân hàng Credit Suisse đều của Thụy Sĩ đã làm phần nào ổn định lại hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu và làm cho giá dầu thế giới tăng nhẹ. Đây là những biện pháp can thiệp nhanh chóng và mạnh để ổn định thị trường tài chính của Mỹ và Thụy Sĩ, tránh để các thị trường này rơi vào một cuộc khủng hoảng lan truyền ra thế giới với cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo, giá trị cổ phiếu sụt giảm, khách hàng rút tiền ồ ạt, các ngân hàng mất khả năng thanh toán như hồi năm 2008.

Cũng mới chỉ 3 ngân hàng Mỹ phải đóng cửa và một ngân hàng của Thụy Sĩ được mua lại đã làm cho giá dầu thế giới trong nửa đầu tháng 3 đã tụt xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.

Ngân hàng Goldman Sachs cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống 1,2% cho năm 2023 cho thấy những thiệt hại mà nền kinh tế Mỹ đang và sẽ hứng chịu trong những quý tới của năm 2023 [1].

Khởi đầu là ngày 7/3/2023, Chủ tịch Fed có cuộc điều trần về báo cáo chính sách tiền tệ của Fed trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ. Tại cuộc điều trần, Chủ tịch Fed cho rằng: Hầu như không có dấu hiệu giảm lạm phát nào ở những nhóm hàng hoá và dịch vụ quan trọng trong rổ tính lạm phát. Giá cả các nhóm nhà ở, thực phẩm, năng lượng và các số liệu kinh tế mới nhất đều cao hơn dự báo nên cần phải có một mức lãi suất cao hơn so với dự báo trước đây. Như vậy, khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng mức lãi suất lên để giảm lạm phát.

Sau phát biểu của Chủ tịch Fed, ngày 7/3, giá dầu WTI giao sau giao dịch tại New York ở mức 77,58 USD/thùng, giảm 2,88 USD, tương đương 3,6% trong ngày. Đây là lần giá dầu giảm mạnh thứ hai (tính từ đầu năm 2023). Lần đầu giá dầu thô WTI của Mỹ giảm mạnh trong một phiên là ngày 3 tháng 1 (giảm 4,2%). Lần này giá dầu WTI giảm từ mức trên 80 USD vào ngày 6/3/2023 (xuống 77,58 USD/thùng).

Còn dầu Brent giao sau giao dịch tại thị trường London ở mức 83,29 USD, giảm 2,89 USD, tương đương 3,4%. Đây cũng là lần thứ hai dầu Brent giảm mạnh nhất trong 1 phiên giao dịch (lần đầu xẩy ra ngày 3/1, giá giảm 4,4%). Giá dầu Brent giao dịch ngày 6/3/2023 là trên 86 USD/thùng giảm mạnh xuống 83.29 USD/thùng vào ngày 7/3/2023.

Ngày 8/3/2023, Chủ tịch Fed tiếp tục có cuộc điều trần về cùng chủ đề trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ. Tại buổi điều trần này, Chủ tịch Fed khẳng định quan điểm sẽ nâng lãi suất lên cao hơn cho tới khi lạm phát suy yếu như lập trường đã được đưa ra trong buổi điều trần ngày 7/3 tại Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ.

Sau buổi điều trần ngày 8/3, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,76 USD/thùng, chốt ở 82,66 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,19%, chốt ở 76,66 USD/thùng.

Sau cuộc điều trần của Chủ tịch Fed ngày 7/3, đồng USD tăng giá hơn 1% ở mức 105,6 điểm so với các đồng tiền chủ chốt khác. Các nhà đầu tư đều dự đoán Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 21-22/3 từ 25 - 50 điểm, khiến cho đồng USD tăng giá mạnh so với các ngoại tệ khác. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tuần, sự kiện chấn động trong lịch sử ngân hàng Mỹ đã xẩy ra là có tới 3 ngân hàng lớn tuyên bố phá sản và được cho là kết quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài của Mỹ dẫn tới những khoản lỗ lớn trong kinh doanh và ngân hàng mất khả năng thanh toán. Đó là ngày 8/3/2023, ngân hàng tiền ảo lớn thứ hai của Mỹ là Silvergate Bank tuyên bố phá sản; ngày 10/3/2023, Ngân hàng Silicon Valley Bank nằm trong 20 ngân hàng lớn nhất của Mỹ bị cơ quan chức năng giành quyền kiểm soát sau khi tuyên bố phá sản; ngày 12/3/2023, Signature Bank - Ngân hàng tiền ảo lớn nhất ở Mỹ và trên thế giới cũng phá sản.

Việc phá sản các ngân hàng này làm cho đồng USD giảm giá, chỉ số Dollar Index sáng 13/3/2023 giảm hơn 0,3% so với phiên giao dịch trước và ở mức 104,3 điểm. Sau cú sốc tài chính khiến 3 ngân hàng lớn của Mỹ bị phá sản từ 8/3-12/3/2023, ngày 14/3/2023, giá dầu thô Brent giao sau tiếp tục giảm 2,01 USD/thùng so với chốt phiên giao dịch trước, còn 80,77 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,88 USD/thùng so với phiên giao dịch trước, còn 74,8 USD/thùng.

Mặc dù ngày 10/3/2023, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm của tháng 2 ở khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế nước này có thêm 311.000 công việc, cao hơn nhiều so với mức dự báo 205.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,6%, so với mức dự báo là 3,4% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,4% trong tháng 2, giảm so với mức tăng 0,5% của tháng 1 là những tín hiệu tốt, nhưng những nhà đầu tư vẫn hoài nghi và lo lắng về thị trường tài chính Mỹ với những ám ảnh về một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính có thể xẩy ra khiến cho tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng xấu đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Và thực tế đã xẩy ra với lo lắng của các nhà đầu tư, ngày 15/3/2023, “cú sốc tài chính” đã dịch chuyển từ Mỹ sang châu Âu khi giá cổ phiếu Credit Suisse - Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ chốt phiên giao dịch giảm hơn 24%, có lúc giảm tới 30% trong phiên giao dịch, kéo theo chỉ số chứng khoán ngân hàng châu Âu giảm 7%. Nguyên nhân là Chính phủ Saudi Arabia - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse tuyên bố không thể hỗ trợ thêm tài chính cho ngân hàng này do các quy định luật pháp.

Câu hỏi đặt ra đối với các nhà đầu tư là: Liệu thế giới đang tiến đến một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008 hay không? Điều này làm các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu và nhiều hàng hoá có độ rủi ro cao khác trong đó có dầu thô, chuyển hướng đầu tư vào những tài sản có độ an toàn cao như trái phiếu chính phủ Mỹ, vàng, hoặc đồng USD khiến chỉ số USD tăng lên 104,24 điểm (ngày 16/3/2023, 15h17 phút giờ Việt Nam) [2].

Việc đồng USD lên giá làm chi phí mua dầu của các quốc gia khác bằng đồng USD tăng lên. Giá dầu thô giảm liên tiếp phiên thứ ba, xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Giá dầu thô Brent giao sau tại sàn giao dịch London giảm 3,76 USD/thùng, tương đương giảm 4,9%, còn 73,69 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,72 USD/thùng, tương đương giảm 5,2%, còn 67,61 USD/thùng. Tính chung lại, giá dầu thế giới đạt mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2021, sau ba ngày giảm liên tiếp. Dầu Brent đã mất gần 10% kể từ khi đóng cửa ngày 10/3/2023, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm khoảng 11%.

Mặc dù, Chính phủ Mỹ và Thụy Sĩ đều đã đưa ra các cam kết để ổn định thị trường tài chính, hỗ trợ các khoản thanh toán của các ngân hàng này, nhưng chưa thể làm vững tin các nhà đầu tư ở thị trường Mỹ và châu Âu. Credit Suisse tuyên bố sẽ vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ (khoảng 54 tỷ USD) từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ theo cơ sở cho vay có bảo đảm và cơ sở thanh khoản ngắn hạn [3].

Quan điểm của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát, đó là sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ. Thế nhưng, nếu tiếp tục nâng cao lãi suất để chống lạm phát thì đã xẩy ra 3 ngân hàng của Mỹ bị đóng cửa gây nên một phản ứng mạnh trên thị trường tài chính và thị trường dầu mỏ.

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có quan điểm tương tự như Fed và đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm ngày 16/3/2023 để giảm lạm phát trong bối cảnh Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ đang rơi vào tình trạng có thể phá sản nếu không có trợ giúp của Chính phủ lại càng làm cho lĩnh vực tài chính gặp thêm nhiều rủi ro và bộc lộ những yếu kém, niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm. Đó có thể là điều hạn chế cho tăng trưởng kinh tế thế giới không chỉ năm nay và trong cả năm sau. Các ngân hàng sẽ phải thực hiện xem xét kỹ lưỡng hơn các khoản cho vay, các khoản vay đầu tư của doanh nghiệp; các chính phủ sẽ kiểm soát, hoặc có yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các hoạt động kinh doanh của ngân hàng để không xẩy ra tình trạng mất khả năng thanh toán. Như vậy, vô hình chung sẽ kìm hãm các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp [4].

Vấn đề khủng hoảng của các ngân hàng Mỹ và Thụy Sĩ chưa lắng xuống, thì ngày 16/3/2023, 11 ngân hàng lớn của Mỹ phải cùng nhau giải cứu First Republic - Ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ bằng cách gửi vào ngân hàng này 30 tỷ USD do giá cổ phiếu ngân hàng này đã giảm 70% trong 9 phiên giao dịch. Đồng thời, Chính phủ Mỹ thông qua Ngân hàng JP.Morgan cho phép Ngân hàng First Republic tiếp cận với số tiền 70 tỷ USD để tăng khả năng thanh toán cho ngân hàng này và làm dịu bớt lo lắng của các nhà đầu tư về sự khủng hoảng của hệ thống ngân hàng đang lây lan rộng trong các ngân hàng Mỹ [5].

Ngay khi các thông tin giải cứu được công bố của các chính phủ, ngày 16/3/2023 cổ phiếu của Credit Suisse đóng cửa tăng hơn 19%, còn cổ phiếu của First Republic Bank lúc đóng cửa tăng 10%. Còn giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,37 USD/thùng, tương đương tăng gần 1,9%, chốt phiên ở 74,7 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,74 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 68,35 USD/thùng.

Đến ngày 17/3/2023, giá dầu tiếp tục giảm mạnh, do các nhà đầu tư vẫn lo ngại đối với hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu khiến dầu thô có xu hướng giảm mạnh nhất trong nhiều tháng. Giá dầu thô Brent giao sau giảm 1,59 USD, tương đương 2,1%, xuống 73,11 USD/thùng. Dầu thô WTI giao sau của Mỹ giảm 1,43 USD, tương đương 2,1%, ở mức 66,92 USD.

Hình 1: Giá dầu thay đổi trước những tác động của một số ngân hàng trên thế giới. Đơn vị: USD/Thùng.

Giá dầu thế giới trong ‘cú sốc tài chính’ ở Hoa Kỳ và châu Âu
Nguồn: Báo cáo thị trường dầu tháng 3/2023 của OPEC và tổng hợp của tác giả.

Ngày 19/3/2023, Ngân hàng UBS Thụy Sĩ đã đồng ý mua lại Ngân hàng Credit Suisse với giá 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,2 tỷ USD), đó là biện pháp của Chính phủ Thụy Sĩ ngăn chặn sự lây lan khủng hoảng hệ thống ngân hàng châu Âu và toàn cầu. Mặc dù, tuần trước Chính phủ Thụy Sĩ đã cam kết hỗ trợ cho Ngân hàng Credit Suisse vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ, nhưng cũng không thể cứu vãn được mức tiếp tục giảm mạnh giá cổ phiếu của ngân hàng này [6].

Sau khi thỏa thuật lịch sử mua lại Ngân hàng giữa UBS và Ngân hàng Credit Suisse nhằm trấn an các nhà đầu tư và ổn định hệ thống ngân hàng toàn cầu, giá dầu Brent giao sau tăng 35 cent, tương đương 0,5%, lên 73,32 USD/thùng lúc 0007 GMT sau khi giảm gần 12% vào tuần trước. Dầu thô WTI giao sau của Mỹ ở mức 67,11 USD/thùng, tăng 37 cent, tương đương 0,6%, sau khi giảm 13% vào tuần trước [7].

Nguyên nhân của việc giá dầu thế giới tăng nhẹ bởi thỏa thuận mua lại Ngân hàng Credit Suisse của Ngân hàng UBS đã thực hiện các biện pháp bơm thanh khoản vào thị trường nên phần nào khôi phục niềm tin của của các nhà đầu tư, dẫn đến sự phục hồi của các tài sản rủi ro, bao gồm cả thị trường dầu thô.

Hiện nay, các nhà đầu tư đang tiếp tục trông đợi kết quả họp của Fed có tăng, hay giữ nguyên lãi suất để tránh cho thị trường ngân hàng có thêm những biến động. Thị trường dầu mỏ thế giới liên tục bị ảnh hưởng mạnh bởi các quyết định của Fed khi thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, mức độ ảnh hưởng của chính sách thặt chặt tiền tệ đối với thị trường dầu mỏ thế giới của Fed còn lớn hơn cả những tín hiệu lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thì giá dầu lại lần nữa dao động mạnh.

Bên cạnh đó, vấn đề giá dầu giảm mạnh không phải do mất cân đối cung cầu dầu mỏ thế giới. Điều này đã được OPEC nêu ra trong báo cáo dầu mỏ tháng 3/20223 [8]. Còn theo Phòng thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo khả năng cung dầu thế giới 2023 có thể vượt cầu, tính từ đầu năm đến 10/3/2023, tồn kho dầu dự trữ của Mỹ là 480.1 triệu thùng, tăng 64.2 triệu thùng. Nguyên nhân chính dẫn tới giá dầu giảm mạnh được các nhà nghiên cứu cho là hệ lụy từ khủng hoảng của các ngân hàng Mỹ và châu Âu trong những ngày qua và tác động bởi Fed và ECB tăng lãi suất vài chục điểm phần trăm chỉ trong một thời gian ngắn, dẫn tới các ngân hàng gặp nhiều rủi ro trong kinh doanh, làm cho giá cổ phiếp sụt giảm và ngân hàng mất khả năng thanh toán khiến cho các nhà đầu tư bán tháo các loại cổ phiếu, hàng hóa có nhiều rủi ro như dầu mỏ và đầu tư vào hàng hóa có độ an toàn cao hơn.

Một nền kinh tế không thể ổn định, vững vàng nếu hệ thống ngân hàng bị trục trặc, suy yếu. Trong thời điểm như hiện nay, rõ ràng dầu mỏ không phải là hàng hóa có độ an toàn cao và sinh lời cho các nhà đầu tư, các nền kinh tế phát triển đang loay hoay chống chọi với lạm phát và giải cứu ngân hàng thì cũng cần có thêm thời gian để thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng nhu cầu tiêu dùng để giá dầu mỏ đi lên. Do vậy, hy vọng kết quả cuộc họp của Fed trong ngày 21-22/3 sẽ giúp cho nền kinh tế Mỹ giảm lạm phát và đạt tăng trưởng, hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu ổn định, niềm tin của các nhà đầu tư được khôi phục, lúc đó giá dầu mỏ thế giới tăng trở lại theo đúng xu thế giúp các quốc gia đạt tăng trưởng kinh tế./.

NGUYỄN ANH TUẤN - BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN CỦA PVEP

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.cnbc.com/2023/03/15/goldman-sachs-cuts-gdp-forecast-because-of-stress-on-small-banks.html

[2] https://www.cnbc.com/2023/03/15/dollar-finds-footing-as-banking-crisis-fears-calm-down.html

[3] https://www.cnbc.com/2023/03/16/credit-suisse-to-borrow-up-to-about-54-billion-from-swiss-national-bank.html

[4] https://www.marketwatch.com/articles/the-feds-new-bind-taming-inflation-while-preventing-financial-mayhem-4533213c?mod=markets

[5] https://www.investing.com/news/economy/credit-suisse-to-borrow-up-to-54-billion-as-it-seeks-to-calm-investor-fears-3031762

[6] https://www.cnbc.com/2023/03/19/ubs-agrees-to-buy-credit-suisse-as-regulators-look-to-shore-up-global-banking-system.html

[7] https://www.investing.com/news/commodities-news/oil-edges-up-on-historic-swiss-banks-deal-central-banks-support-3034099

[8] https://www.opec.org/opec_web/en/publications/338.htm

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động