RSS Feed for Nhật ký Năng lượng: Phòng bệnh hơn chữa bệnh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 14:59
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật ký Năng lượng: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

 - Cuối năm 2010, thương hiệu EVN như bị nung đỏ bởi sức nóng tại hội trường Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu xem xét năng lực cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. ĐB Bùi Văn Tĩnh (tỉnh Hòa Bình) nhấn mạnh: “Việc thiếu điện vẫn tiếp tục diễn ra gây ảnh hưởng đến đời sống, sự phát triển kinh tế, xã hội”; ĐB Huỳnh Ngọc Đáng nêu ý kiến: “Thiếu điện đang là nỗi bức xúc trong dư luận. Điện còn là chỉ số hài lòng của người dân đối với Chính phủ. Vì chúng ta không thể nói đến chuyện phát triển kinh tế, xã hội nếu không có nguồn điện ổn định”.

>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>> Nhật ký Năng lượng: Năng lượng tái tạo và tiếng gọi của lương tri
>> Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng
>> Nhật ký Năng lượng: "Quyền lực thượng nguồn"
>> Nhật ký Năng lượng: 'Khi cơn đói dầu hoành hành'
>> Nhật ký Năng lượng: Thông điệp toàn cầu về điện hạt nhân
>> Nhật ký Năng lượng: Kỳ tích 'chinh phục lòng đất'
>> Nhật ký Năng lượng: Lọc dầu Dung Quất - vạn sự khởi đầu nan
>> Nhật ký Năng lượng: Ngành than định vị tương lai

>> Nhật ký Năng lượng: Nỗ lực cho một điều bình thường
>> Nhật ký Năng lượng: An toàn thủy điện, "làm lồng sắt nhốt hổ dữ"
>> Nhật ký Năng lượng: Điều thần kỳ ở Vietsovpetro

Bình luận tuần thứ 13:

Đến nay, sau chưa đầy 3 năm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dõng dạc tuyên bố rằng, hiện nay, tình hình điện của Việt Nam không còn tình trạng “ăn đong” như trước. Việt Nam đã có khoảng 20% công suất điện dự phòng, đường dây 500 kV đã thêm nhiều mạch để điều hòa chung cho cả nước. Vì vậy, có thể khẳng định từ nay đến năm 2015, Việt Nam không thiếu điện.

Con đường đầy gian nan

Để có một lời tuyên bố "như đinh đóng cột" ấy quả không hề dễ dàng.

Năm 2011, trong điều kiện khó khăn của kinh tế đất nước, đặc biệt là tình hình tài chính, thu xếp vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án điện... song EVN và các đơn vị thành viên vẫn đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo cấp nước phục vụ thắng lợi sản xuất vụ Đông Xuân năm 2011. Theo đó, tổng sản lượng điện sản xuất và mua ngoài đạt 106,33 tỷ kWh, tăng 9,24% so với năm 2010. Điện thương phẩm ước đạt 94,04 tỷ kWh, tăng 9,74% so với năm 2010.

Năm 2011 lần đầu tiên đánh dấu mức tiêu thụ điện bình quân ở Việt Nam vượt ngưỡng 1.000 kWh/người/năm, trong đó tỷ lệ tổn thất điện năng dùng để truyền tải và phân phối  thực hiện ở mức 9,5%, giảm 0,65% so với năm 2010. Đặc biệt, năm 2011 cũng là năm đầu tiên hệ số đàn hồi điện/GDP giảm xuống ở mức 1,63% cho phát triển 1% GDP.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư, song lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản của EVN cũng đã thu xếp vốn đạt tới 63.645 tỷ đồng, trong đó huy động vốn nước ngoài lần đầu tiên đạt tới 4,9 tỷ USD để giải quyết nguồn vốn cho các dự án nguồn và lưới điện truyền tải. Năm 2011, EVN đã đưa 9 tổ máy với tổng công suất 1.965 MW nguồn điện mới bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, hoàn thành đóng điện 132 công trình lưới điện từ 110 kV - 500 kV với 1.450 km đường dây xây dựng mới và cải tạo

Sang đến năm 2012, EVN hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất điện với sản lượng 54,4 tỷ kWh vượt kế hoạch 3,58 tỷ kWh; điện mua đạt 63, 19 tỷ kWh, giảm 4,39% so với kế hoạch. Khai thác thủy điện đạt 52,96 tỷ kWh vượt 5,5 tỷ kWh so với kế hoạch đầu năm, giảm sản lượng điện phát bằng dầu được 125 triệu kWh, hệ thống điện quốc gia đạt hiệu quả kinh tế cao.

Giá bán điện bình quân toàn tập đoàn đạt 1.361đ/kWh. Tất cả các Tổng công ty Điện lực đều hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về giá bán điện bình quân, doanh thu đạt 143.419 tỷ đồng, giảm lỗ lũy kế so với các năm trước là 3.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách đã đảm bảo tiến bộ yêu cầu như nghiệm thu bàn giao 8 dự án thủy điện đáng chú ý như: Sơn La hoàn thành sớm 3 năm, Sê San 3, Pleikrông, Sê san 4, Đại Ninh, Bản Vẽ...

EVN đã hoàn thành đóng điện 147 công trình nguồn và lưới điện với tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm 7.010 MVA, tổng chiều dài đường dây xây mới, nâng cấp cải tạo hơn 2000 km, góp phần tăng cường thêm năng lực cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Tổng giá trị thực hiện ĐTXD ước đạt 71.444 tỷ đồng, tăng 20,63% so với năm 2011 và bằng 7,22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012...

image(1).jpg

Ngày 28/8/2013, EVNNPT đã đóng điện thành công Công trình Đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây giai đoạn 1, vận hành ở điện  áp 220kV cấp điện vận hành thử nghiệm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Trong tháng 8/2013, EVN đã hòa đồng bộ phát điện thành công tổ máy số 1 Nhiệt điện Hải Phòng 2; khởi công được 5 công trình, đóng điện 5 công trình lưới điện 500 - 220kV, trong đó đưa vào vận hành đường dây 500kV Sông Mây - Tân Định, hoàn thành nâng cấp tụ bù dọc đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm và hoàn thành các hạng mục phục vụ thử nghiệm tổ máy 1 - Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2013 đã đóng điện được 25 công trình và khởi công được 16 công trình lưới điện 220-500kV.

Đó là những con số biết nói và đã được ghi nhận rằng "từ nay đến năm 2015, Việt Nam không thiếu điện".

Sức nóng vẫn không thuyên giảm

Thiếu điện cục bộ đang là một thách thức đối với EVN. Theo tính toán của Bộ Công Thương về nhu cầu điện giai đoạn 2016-2020, trong năm 2017 sản lượng điện miền Nam thiếu hụt khoảng 228 triệu kWh (bằng 0,21% tổng nhu cầu điện toàn miền Nam); năm 2018 thiếu 2,7 tỉ kWh, thiếu điện ở tất cả các tháng trong năm, nhiều nhất rơi vào tháng 3, 4, 5; tương tự năm 2019, sản lượng thiếu khoảng 1,1 tỉ kWh.

Trong khi đó, cùng thời điểm trên, miền Bắc và miền Trung lại dư thừa điện, nhưng nghịch lý ở chỗ, điện năng truyền tải từ miền Bắc vào miền Nam dự tính luôn ở mức rất cao.

Bộ Công Thương đánh giá, lưới điện truyền tải 500 kV liên kết miền rất căng thẳng, khả năng xảy ra sự cố cao, đặc biệt là đoạn đường dây liên kết miền Bắc và miền Trung chạy qua tỉnh Hà Tĩnh - Đà Nẵng. Để khắc phục tình trạng thiếu điện của khu vực miền Nam, Bộ Công thương đang phải đề xuất bổ sung khẩn cấp để đưa vào vận hành trước năm 2017 khoảng 1.500 MW công suất nguồn điện mới.

Cụ thể, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ 3 phương án để đảm bảo cân đối đủ điện cho miền Nam. Đặc biệt, phương án khả thi nhất sẽ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy điện khu vực miền Nam gồm: Long Phú 1, Duyên Hải 3 và nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vận hành trước năm 2018.

Vấn đề an toàn và vận hành ổn định hệ thống truyền tải điện trong hoàn cảnh "lưới điện truyền tải 500 kV liên kết miền rất căng thẳng, khả năng xảy ra sự cố cao" cũng là thách thức lớn đối với EVN. Hẳn nhiều người còn nhớ sự cố xảy ra lúc 14 giờ 19 ngày 22/5/2013, trên đường dây 500kV đoạn Di Linh - Tân Định (ở khoảng trụ 1072 - 1073) đã làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc - Nam, gây mất điện ở TP HCM và một số tỉnh lân cận. Điều quan trọng là sự cố do một sơ suất rất nhỏ nhưng lại gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, đó là một xe cần cẩu đi vào hành lang đường dây 500kV để cẩu cây, cây đập vào đường dây 500kV gây ra chập mạch, gần trạm biến áp 500kV Tân Định.

Trong cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết đây là sự cố lớn chưa từng có, Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của các bên liên quan và yêu cầu Bộ Công Thương xem xét nghiêm túc mọi mặt, từ nguyên nhân, cách khắc phục và trách nhiệm của các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Ông cho rằng sự cố này không chỉ gây rã lưới điện ở 21 tỉnh thành mà còn gây mất điện ở Campuchia vì mua điện của Việt Nam. Hậu quả đến nay tuy chưa thể tính toán được hết nhưng có thể khẳng định là rất lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả xã hội.

Các chuyên gia đánh giá rằng, để có một hệ thống điện thực sự an toàn và có tính bền vững, cần phải thực hiện hoàn thành các dự án nguồn điện, cũng như đường dây truyền tải điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu thực hiện được như vậy, sẽ có 52 nhà máy điện được bố trí đều khắp từ các miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó, tập trung xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than. Ví dụ: khu vực Thái Bình, có nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, tổng công suất 3.600MW; Vũng Áng, có Vũng Áng 1,2,3, công suất trên 3.000MW; Quảng Trạch, Quảng Bình, công suất 2.400 MW; Bình Định, Ninh Thuận; Vĩnh Tân có 4 nhà máy trở thành trung tâm nhiệt điện than công suất trên 4.000 MW; Duyên Hải có Duyên Hải 1,2,3,4, công suất trên 4.000MW; Long Phú, công suất 1.200MW và nhiệt điện than Sông Hậu, công suất 2.100MW…

Nỗ lực không chỉ của EVN

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 28/8/2013, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, để khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực phía Nam những năm 2017-2018, do một số dự án chậm tiến độ, ngoài việc chỉ đạo điều chỉnh sơ đồ điện VII thì hiện Chính phủ đã có chủ trương cho phép một số dự án điện như: Long Phú, Vĩnh Tân… vào diện dự án khẩn cấp.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, hiện nay tình hình điện của Việt Nam không còn tình trạng “ăn đong” như trước. Việt Nam đã có khoảng 20% công suất điện dự phòng, đường dây 500 kV đã thêm nhiều mạch để điều hòa chung cho cả nước. Vì vậy, có thể khẳng định từ nay đến năm 2015 Việt Nam không thiếu điện.

Tuy nhiên, đến năm 2017-2018 do một số dự án điện chậm tiến độ nên có nguy cơ xảy ra thiếu điện cục bộ tại khu vực phía Nam. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh sơ đồ điện VII làm sao xây dựng tuyến truyền tải điện Bắc - Nam phải có thêm một số trạm đủ vận tải điện để điều hòa vững chắc hơn cho các khu vực. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu ngành điện kiên quyết tháo gỡ khó khăn tại một số dự án tại phía Nam để đảm bảo không thiếu điện cục bộ tại thời điểm đó. Với một số dự án như: Long Phú, Vĩnh Tân… Chính phủ sẽ chủ trương cho các dự án này thuộc diện dự án khẩn cấp. Vừa qua, Chính phủ đã có biểu quyết thông qua chủ trương này để Bộ Công Thương và các đơn vị ngành điện tập trung thực hiện nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện tại khu vực phía Nam.

http://icon.com.vn/Portals/0/userfiles/nhungdh/VIP/Ngoc%20Ha%208.jpg

Tại buổi làm việc với Tổng công ty Phát điện 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh việc thành lập các Tổng công ty phát điện, với mục đích góp phần đa dạng hóa hình thức đầu tư vào các công trình điện, từ đó giúp phát triển nguồn điện, gia tăng số lượng các nhà máy điện, thúc đẩy hình thành thị trường điện cạnh tranh. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Trước đó, chiều ngày 16/8, tại buổi làm việc với Tổng công ty Phát điện 1 (EVN Genco1), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh việc thành lập các Tổng công ty phát điện, với mục đích góp phần đa dạng hóa hình thức đầu tư vào các công trình điện, từ đó giúp phát triển nguồn điện, gia tăng số lượng các nhà máy điện, thúc đẩy hình thành thị trường điện cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ghi nhận những kết quả bước đầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng của EVN Genco1, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong những ngày đầu hoạt động theo mô hình mới.

Theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng mô hình EVN Genco1 thành công có ý nghĩa quyết định đến việc tái cơ cấu ngành điện và là bước đi quan trọng của việc hình thành thị trường điện cạnh tranh.

Vì vậy, EVN Genco1 cần tiếp tục nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung vào những nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn khởi đầu như: sắp xếp, tổ chức bộ máy, cân đối tài chính, năng lực phát triển...

Phó Thủ tướng cũng lưu ý về việc xây dựng nguồn nhân lực, chuyên nghiệp, đời sống cán bộ, công nhân viên làm việc tại các nhà máy, dự án, xây dựng mô hình quản trị hiện đại, hiệu quả để các Genco có thể bước ra thị trường một cách thành công.

Phó Thủ tướng đề nghị EVN xây dựng cơ chế tài chính cho các Genco tham gia thị trường điện và xem xét giải quyết nguồn vốn lưu động cho các Genco hoạt động, đồng thời theo dõi sát tình hình tài chính của các Genco để tháo gỡ kịp thời.

EVN Genco1 được thành lập, đi vào hoạt động từ đầu năm 2013, trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Uông Bí và 14 đơn vị thành viên.

Theo báo cáo của EVN Genco1, tính đến đầu tháng 8/2013, tổng sản lượng điện sản xuất là 8,32 tỷ kWh, đạt 56,8% kế hoạch năm 2013.

Trong Văn bản số 6132/VPCP-QHQT, ngày 25/7/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý gia hạn thời gian khóa sổ khoản vay dự án "Truyền tải điện miền Bắc mở rộng" vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đến hết ngày 30/6/2014.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam giám sát Chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện dự án tại địa phương hoàn thành các hoạt động của dự án theo đúng tiến độ đã thống nhất với nhà tài trợ, phù hợp với thời gian gia hạn.

Trong trường hợp không sử dụng hết vốn vào thời điểm đóng dự án đã được gia hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với ADB rà soát và hủy phần vốn không sử dụng hết để tái phân bổ cho các chương trình dự án khác nằm trong danh mục vay vốn của ADB giai đoạn tiếp theo.

Mục tiêu của dự án "Truyền tải điện miền Bắc mở rộng" nhằm nâng cao chất lượng và độ tin cậy của hệ thống truyền tải điện thông qua việc gỡ bỏ những ách tắc, giảm thiểu tổn thất điện năng và tăng cường hiệu quả sử dụng của các dự án điện đang hoạt động và các dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Quy mô dự án được chia làm 2 cấu phần và 8 tiểu dự án, bao gồm: Dự án đường dây 500 KV: Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, Sơn La - Sóc Sơn, Mông Dương - Quảng Ninh; trạm biến áp 500 KV: trạm biến áp Sóc Sơn và mở rộng trạm biến áp 500 KV Thường tín. Tiếp đó là Dự án đường dây 220 KV Thanh Hóa-Vinh (mạch 2), Hà Tĩnh-Thạch Khê và Dự án mở rộng trạm biến áp 220 KV Thanh Trì.

Dự án giúp tăng cường hệ thống truyền tải điện cao thế tại miền Bắc, nhằm cung cấp điện ổn định và hiệu quả tới người tiêu dùng, đặc biệt là tạo lợi ích cho các khách hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại và người dân.

Lời kết

Thiếu điện không phải là căn bệnh không thể tái phát. Để phòng bệnh, có lẽ chỉ nên nhắc lại lời của ĐB Quốc hội Huỳnh Ngọc Đáng cách đây 3 năm và hy vọng không lặp lại sau 3 năm nữa: “Thiếu điện đang là nỗi bức xúc trong dư luận. Điện còn là chỉ số hài lòng của người dân đối với Chính phủ. Vì chúng ta không thể nói đến chuyện phát triển kinh tế, xã hội nếu không có nguồn điện ổn định”.

NGUYỄN HOÀNG LINH (Tổng hợp)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động