RSS Feed for Mối quan hệ giữa đầu tư phát triển nguồn và lưới điện đã hợp lý? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 07:04
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mối quan hệ giữa đầu tư phát triển nguồn và lưới điện đã hợp lý?

 - Thực tế cho thấy, suốt thời gian dài vừa qua, việc đầu tư cho nguồn và lưới điện tại Việt Nam chưa hợp lý. Có nhiều nguyên nhân phải kể đến như: quy hoạch, kế hoạch, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, công nghệ, điều hành hệ thống… nhưng một điều rõ ràng rằng, một khi cơ cấu đầu tư nguồn - lưới chưa hợp lý thì kéo theo sự ảnh hưởng nghiêm trọng của vấn đề truyền tải và phân phối điện. Bài viết dưới đây của PGS, TS. Bùi Huy Phùng đã thẳng thắn đề cập đến những bất hợp lý của thực trạng đầu tư phát triển nguồn và lưới điện Việt Nam hiện nay. Từ những số liệu sát thực, phân tích, đánh giá, đến những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng, nhằm xem xét lại cách tính toán chi tiết về nhu cầu nguồn - lưới điện để việc phân bổ vốn đầu tư cho lĩnh vực này trở nên hợp lý hơn.

CÙNG TÁC GIẢ

>> Năm yếu tố khách quan dẫn đến hợp tác chiến lược giữa ba phân ngành năng lượng
>> Phát triển năng lượng xanh cho mùa xuân vĩnh hằng
>> Quy hoạch năng lượng tổng thể - Cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng
>> An ninh điện lực và kiến nghị bổ sung Luật Điện lực
>> Quy hoạch phát triển điện lực và một số kiến nghị sửa đổi Luật Điện lực Việt Nam (Kỳ 1)
>>  Quy hoạch phát triển điện lực và một số kiến nghị sửa đổi Luật Điện lực Việt Nam (Kỳ 2)
>> “Thần than” đồng bằng Sông Hồng có nhỡ “chuyến tàu” công nghiệp hóa? (Kỳ 1)
>> “Thần than” đồng bằng Sông Hồng có nhỡ “chuyến tàu” công nghiệp hóa? (Kỳ 2)

PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG
Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng - VEA

Qua gần 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển khá, rất đáng ghi nhận. 

Giai đoạn 2001-2009, GDP tăng bình quân 7%/năm, năm 2010 - 2012, GDP tăng khoảng 6%/năm; năm 2012, GDP đầu người 1.540 USD, Việt Nam bước qua ngưỡng nước nghèo. Sản xuất năng lượng sơ cấp tăng khoảng 7,5%/ năm. Năm 2012, sản xuất than sạch đạt 46 triệu tấn, dầu thô 16 triệu tấn, khí đốt 9 tỷ m3, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 25.600 MW, tổng sản lượng điện đạt 120,795 tỷ kWh (thuỷ điện 53 tỷ, nhiệt điện khí 40,2 tỷ, nhiệt điện than 21,2 tỷ, nhiệt điện dầu 0,159 tỷ và nhập khẩu 2,7 tỷ kWh), điện tiêu thụ đầu người đạt xấp xỉ 1.300 kWh/ người. Cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng phát triển nhanh.

Nội dung sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý thống nhất và có hiệu quả. Hoạt động năng lượng đang được định hướng dần theo cơ chế thị trường. Ngành năng lượng càng lớn mạnh, hệ thống năng lượng càng phức tạp, đa dạng, quá trình phát triển đang đòi hỏi tính cân đối, thống nhất, bền vững và hiệu quả cao hơn; trên thực tế nhiều năm qua đã thể hiện không ít khó khăn, bất cập.

"Quan hệ đầu tư nguồn - lưới điện của Việt Nam, trong thời gian dài vừa qua chưa hợp lý, đầu tư cho lưới điện thấp, chỉ mới khoảng 25-30% tổng đầu tư điện lực..."

Tình hình nguồn và lưới điện hiện nay

Nguồn điện của Việt Nam thời gian qua phát triển khá nhanh, tới năm 2012 tổng công suất trang bị đạt khoảng 25.600MW, công suất nguồn từ 2000 - 2012 theo loại nguồn được trình bày trong bảng 1 [1] và cập nhật.

Bảng 1. Công suất nguồn điện theo loại nguồn - MW

Loại nguồn

2000

2002

2004

2006

2008

2010

2012

Thủy điện

2.874

4.069

4.147

4.173

5.731

8.535

12.575

Nhiệt điện khí & dầu

2.138

3.278

5.005

5.431

7.283

7.768

8.313

Nhiệt điện than

645

1.245

1.506

1.621

1.621

3.041

4.712

Tổng

5.657   

8.592    

10.658   

11.225    

 14.635     

19.344   

25.600

         

Lưới truyền tải, đặc biệt là đường dây 500kV, xương sống của hệ thống điện Việt Nam được tăng cường, tổng hợp khối lượng đường dây và trạm 500kV đến 2010, trình bày trong bảng 2 [1].

Bảng 2. Tổng hợp khối lượng đường dây và trạm 500kV

Miền

Chiều dài (km)

Trạm biến áp (MVA)

Tổng dung lượng

Bắc

1039

5

2250

Trung

1802

4

1800

Nam

597

7

3450

Tổng

3438

16

7500

 

Tổng hợp khối lượng đương dây 110 và 220kV đến 2010, trình bày trong bảng 3 [1].

Bảng 3. Khối lượng đường dây 110 và 220kV

   Cấp điện áp                      

Tổng chiều dài đường dây (km)

 

M.Bắc       

M.Trung      

M. Nam     

Tổng

220 kV                       

3332

1925 

3241

8497

 

110 kV                       

5415

2146 

4584 

12145

 

 

Đầu tư cho nguồn-lưới điện giai đoạn vừa qua (2005-09) [1] và tính chi tiết thêm tỷ lệ đầu tư nguồn/lưới, được trình bày trong bảng 4.

Bảng 4. Vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2005 - 2009, tỷ VNĐ.

Năm

2005

2006

2007

2008

2009

Nguồn              

10.269

11.463

14.180

18.772

21.649

Lưới TT&PP      

7.297

7.970

6.431

9.403

12.044

Đầu tư khác            

21

42

69

6.467

6.523

Trả nợ                 

5.586

6580

8523

9435

9523

Tổng cộng       

23.173

26.059

29.203

40.089

45.677

 

Với số liệu trên, tính tỷ lệ đầu tư lưới trên tổng vốn (ĐTL/TV) và trên tổng vốn đã trả nợ (ĐTL/TVTN).

ĐTL/TV(%)          31,5               30,6             22,0               23,5            26,4

ĐTL/TVTN(%)    41,5                40,9            31,1               30,6             33,3

Từ những tư liệu trên cho thấy, giai đoạn vừa qua chúng ta đầu tư phát triển lưới điện chưa tới 36% tổng đầu tư điện lực.

 Phát triển nguồn và lưới điện theo QHĐVII

Theo QHĐ VII nhu cầu điện, nguồn và lưới điện như sau [1].

Năm

2015

2020

2030

 

Nhu cầu điện năng

SX&NK, tỷ kWh                     

194-210     

330-362        

695-834

                  

Về nguồn điện

+ Giai đoạn 2011 - 2015, tổng công suất nguồn 43.150MW (tăng so với 2010 là 22.890MW, mỗi năm tăng gần 5000MW);

+ Giai đoạn đến 2020, tổng công suất nguồn 75.000MW, trong đó nhiệt điện than 32.500MW (46%);

+ Giai đoạn đến 2025 tổng công suất nguồn 97.000MW, trong đó nhiệt điện than 45.200MW (46%);

+ Giai đoạn đến 2030, tổng công suất nguồn 146.000MW, trong đó nhiệt điện than 77.300MW (52%), điện sản xuất 695 tỷ kWh, với phương án cao là 834 tỷ kWh.;

+ Năng lượng tái tạo trong tổng sản xuất điện đạt 4,5% vào 2020, 6% vào 2030;

+ Điện hạt nhân dự kiến sẽ vào làm việc năm 2021 khoảng 2000MW và đến 2030 sẽ có tổng công suất khoảng 10.000MW.

 Về lưới điện (xem bảng 5)

Bảng 5. Khối lượng lưới truyền tải dự kiến xây dựng giai đoạn 2011-2030

Hạng mục

Đơn vị

2011-2015

2016-2020

2021-2025

2026-30

Trạm 500kV        

MVA

17.000

26.750

21.400

20.400

Trạm 220kV        

MVA

35.863

39.063

12.775

23.250

ĐZ 500kV           

km

3.833

4.539

2.234

2.724

ĐZ 220kV                 

km

10.637

5.305

5.552

5.020

 

Theo thuyết minh QHĐVII [1], đầu tư cho nguồn, lưới điện được giới thiệu ở bảng 6.

Bảng 6. Tổng hợp đầu tư nguồn và lưới điện giai đoạn 2011-2030 (tỷ VNĐ)

Hạng mục

2011- 2015

2016-2020

2021-2025

2026-2030

2011-2030

Tổng ĐT            

558.573

749.666

749.605

919.728

2.101.633

Nguồn điện     

420.548

549.209

514.442

617.434

2.101.633

Lưới điện         

138.025

200.457

235.163

302.294

875.939

ĐTL/TĐT (% )*     

24,7

26,74

31,37

27,80

29,41

* Số liệu tính thêm của người viết.

Tại QĐ phê duyệt QHĐVII của chính phủ [2] thì tỷ lệ đầu tư lưới điện so với tổng đầu tư điện lực lại cao hơn nhiều so với số liệu trong Thuyết minh chi tiết trình bày trên và chỉ ghi con số tổng hợp, cụ thể như sau:

Giai đoạn 2011-2020: tổng đầu tư 48,8 tỷ USD, bình quân 5 tỷ$/n; trong đó lưới 33%;

Giai đoạn 2021-2030: tổng đầu tư 75 tỷ USD, bình quân 7.5 tỷ$/n; trong đó lưới 34%.

Với nhiệm vụ của QHĐVII đã được duyệt, Giai đoạn 2011-2015, EVN dự kiến sẽ đưa vào vận hành 44 công trình lưới truyền tải điện (LTTÐ) 500 kV và 212 công trình LTTÐ 220 kV. Chính phủ cũng yêu cầu, ngoài lưới điện áp 500 kV, sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cấp điện áp 750 kV, 1000 kV, hoặc truyền tải bằng điện một chiều giai đoạn sau năm 2020. Việc này sẽ cần một lượng vốn không nhỏ và chưa được chứng minh cụ thể.

Theo đánh giá của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) và báo cáo của Ban chỉ đạo Nhà nước QHPTĐLQG 6-2013 [3,4], lưới điện Việt Nam đang bị quá tải và xuống cấp, thực trạng năng lực truyền tải đang không theo kịp nguồn, nếu không nhanh chóng nâng cấp, cải tạo và tăng cường đầu tư cho lưới điện thì nguy cơ quá tải ngày càng nghiêm trọng; tiềm ẩn nhiều sự cố và nguy cơ thiếu điện cục bộ. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn, đang là vấn đề nóng, không còn là chuyện riêng của NPT. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chúng tôi thiết nghĩ có căn nguyên từ quan hệ đầu tư nguồn - lưới chưa hợp lý, bố trí vốn không kịp.

Trước tình hình khó khăn trên, Công điện của Chính phủ 7-2013 đã hối thúc [3], Ban Chỉ đạo NN về QHĐVII có nhiều đánh giá và chỉ đạo [4], đã nêu rõ cần hoàn thành xây dựng các đường dây 500 kV: Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Sông Mây - Tân Định và Phú Lâm - Ô Môn vào cuối năm 2013, nhằm bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh khu vực miền Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bàn giao mặt bằng các vị trí móng cột còn lại của đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông trước ngày 15/7/2013, hoàn thành bồi thường hành lang tuyến trước ngày 15/8/2013; Chủ tịch UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Định trước ngày 15/7/2013, giải phóng mặt bằng đường dây 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây trong tháng 7/2013. Cũng trong tháng 7/2013; Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo hoàn thành bàn giao mặt bằng các vị trí móng cột còn lại của đường dây 500 kV Phú Lâm - Ô Môn; tiếp đó, hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phần móng và hành lang tuyến trong tháng 8/2013.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn thì vừa qua lại xẩy ra một số sự cố đường dây truyền tải nghiêm trọng. Theo đánh giá và thông báo của Bộ trưởng Vũ Đức Đam không chỉ 22 tỉnh, thành miền Nam mất điện mà ở Campuchia cũng bị mất theo. Ngay khi sự cố xảy ra, Chính phủ cũng nhận được ý kiến từ phía Campuchia là thủ đô Phnom Penh mất điện. Đây là sự cố nghiêm trọng, ngành điện đã dùng thuật ngữ là “rã lưới”, để khắc phục không phải đơn giản, không phải mất một cái là có thể đóng lại được ngay. Hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội. Đây là một sự cố lớn chưa từng có nên Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của Bộ Công Thương, yêu cầu Bộ Công Thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

Từ một số nghiên cứu thống kê [5,7], chúng tôi nhận thấy giai đoạn 1980-1990, tỷ lệ  đầu tư lưới điện của Việt Nam chỉ 15-20% tổng đầu tư điện lực, giai đoạn 2005-2009 tỷ lệ này khoảng 22-31,5% (bảng 5) và từ QHĐVII giai đoạn 2011-2030 như ở bảng 7, tỷ lệ này chưa tới 30%. Cũng từ nghiên cứu trên, tỷ lệ này ở một số nước tuy rất khác nhau tùy thuộc mức độ phát triển, vị trí địa lý rộng, hẹp, dài, ngắn, khoảng cách nguồn và phụ tải… nhưng có thể khái quát gần đúng tỷ lệ này khoảng 45-50%, nghĩa là đầu tư một đồng nguồn phải đầu tư gần một đồng lưới. Như vậy, cả một thời gian dài vừa qua chúng ta đầu tư lưới khá thấp, kể cả theo QĐ phê duyệt QHĐVII của Chính phủ cũng chỉ 33-34%. Có thể điều không hợp lý này kéo dài đã dẫn tới ách tắc, khó khăn trong truyền tải phân phối điện.

Nguyên nhân thì có nhiều, từ quy hoạch, kế hoạch, giải phóng mặt bằng, giải ngân, công nghệ, điều hành hệ thống…; song rõ ràng như phân tích trên, cơ cấu đầu tư nguồn - lưới chưa hợp lý đã ảnh hưởng quan trọng tới truyền tải và phân phối điện. Mặt khác thực tế giá truyền tải điện những năm qua thấp, cụ thể năm 2012 là 83,3 đồng/kWh, so với giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/kWh thì giá truyền tải điện của NPT chỉ chiếm 5,8% [8]; tính với giá điện 2013 thì chưa tới 5%, trong khi giá truyền tải điện của một số nước trên thế giới chiếm trên 10% giá bán điện bình quân.

Kết luận và kiến nghị

Quan hệ đầu tư nguồn - lưới điện của Việt Nam, trong thời gian dài vừa qua chưa hợp lý, đầu tư cho lưới điện thấp, chỉ mới khoảng 25-30% tổng đầu tư điện lực.

Kiến nghị sớm nghiên cứu hiệu chỉnh QHĐ VII, rà soát nhu cầu điện, tính toán chi tiết yêu cầu nguồn - lưới, phân bổ vốn đầu tư hợp lý.

Kiến nghị Bộ Công Thương tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá tình hình đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống điện để có đề xuất thỏa đáng về đầu tư lưới điện, điều khiển hệ thống, giá truyền tải hợp lý, góp phần đảm bảo hệ thống điện vận hành hiệu quả, an toàn, an ninh; đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về tình trạng thiếu an toàn của hệ thống điện như Chính phủ đã chỉ đạo.

                                                                        NangluongVietnam.vn

Tài liệu tham khảo

1. Thuyết minh  QHĐ VII, Viện Năng lượng, 9-2010.

2. QĐ phê duyệt QHĐ VII của Chính phủ, 7-2011.

3. Công điện CP số: 940CĐ-TTg, 26-6-2013, về đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình đường dây 500kV.

4. Thông báo ý kiến kết luận của PTT Hoàng Trung Hải-BCĐNN về QHPTĐLQG, 7-6-2013.

5. BCKH: Xác định các phương án đáp ứng của hai nguồn điện lớn Hòa Bình và Sơn La - Chủ trì TS. Bùi Huy Phùng và CS, Viện Khoa học Việt Nam, Hà Nội 12-1986.

6. Bùi Huy Phùng và cs.Nghiên cứu phương án tổng thể khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng VN, BCĐT thuộc CTKH&CN trọng điểm. Bộ CN, GĐ 2001-2005-Viện KH&CN VN, 8-2005.

7. Bùi Huy Phùng, Phương pháp TTTƯ phát triển bền vững HTNL, NXB KH&KT, Hà nội 2011.

8.  Website EVN, NPT

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Ý định khó đoán của Trung Quốc và dấu hỏi về sách Mỹ
Vinashin trở về với 'vạch xuất phát'
Những siêu dự án quân sự bí mật của Trung Quốc
Châu Á "phiên bản" 2013 và châu Á thời khủng hoảng
Trung Quốc thay đổi học thuyết phiên bản "made in China"
Sau cuộc 'tán tỉnh chính trị' Campuchia ngả về Trung Quốc
Nga quyết định cải tổ không quân nhằm tránh thảm họa

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động