Cháy xe đạp/xe máy điện - Từ kinh nghiệm quản lý của Trung Quốc, liên hệ với Việt Nam
06:34 | 24/07/2025
![]() Trung Quốc có hệ thống điện lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia có tốc độ phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất thế giới. Do đó, lộ trình thay đổi chính sách hỗ trợ nguồn năng lượng này của Trung Quốc có thể là kinh nghiệm quý cho các nước. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin giới thiệu bước cải cách tiếp theo của chính sách giá đối với điện gió, mặt trời ở Trung Quốc để bạn đọc cùng tham khảo. |
![]() Đầu tháng 6/2025, nhiều tờ báo trong và ngoài nước đưa tin Trung Quốc phê duyệt tăng sản lượng, công suất các nhà máy điện than sau suy giảm vào năm 2024. Để nhìn thấy bức tranh tổng thế hơn về điện than và nhiệt điện của Trung Quốc, Tạp chí Năng lượng Việt Nam điểm lại sản lượng và công suất đặt điện than đã thực hiện trong những năm gần đây và định hướng cho Quy hoạch điện 15 của quốc gia này sắp tới. |
Một video lan truyền nhanh trên mạng xã hội về vụ cháy trưa ngày 11/6/2025, xảy ra tại bãi đỗ xe điện trên đường Vũ Châu, quận Cửu Long Pha, Thành phố Trùng Khánh. Khói lửa dày đặc bốc lên nghi ngút tại hiện trường và ngọn lửa lan nhanh. Theo các nhân chứng: Vụ cháy bắt đầu từ bãi đỗ xe tập trung dành cho xe điện. Ban đầu, chỉ có 1 chiếc xe bị cháy, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, ngọn lửa đã thiêu rụi hàng chục xe đạp điện ở khu vực xung quanh. Lực lượng cứu hỏa đã nhanh chóng dập tắt đám cháy và không có thương vong.
Qua vụ cháy này cho thấy vấn đề phòng cháy chữa cháy xe điện cần được quan tâm hơn nữa, dù Trung Quốc đã đạt được những thành công đáng kể.
Trung Quốc tự chủ được về máy móc thiết bị phát điện, nguồn nhiên liệu phát điện và nhà máy điện từ thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, trong khi chưa tự chủ về nguồn dầu mỏ và vẫn là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Do đó, việc chuyển sang xe đạp điện (bao gồm cả xe máy điện) và ô tô điện không chỉ là biện pháp môi trường, hay biến đổi khí hậu, mà là biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng.
Trung Quốc hiện có 380 triệu chiếc xe đạp điện và con số đang tăng trưởng nhanh chóng. Đồng thời, xe đạp điện cũng gây ra nhiều vụ cháy nổ trong những năm gần đây. Cục Cứu hỏa và Cứu hộ Quốc gia Trung Quốc từng báo cáo rằng: Có 18.000 vụ cháy do xe đạp điện gây ra vào năm 2021 và con số này đã tăng nhanh chóng lên 25.000 vụ vào năm 2023. Vì mục tiêu này, vào tháng 4 năm 2024, Văn phòng Ủy ban An toàn Quốc vụ viện Trung Quốc đã triển khai chiến dịch chấn chỉnh toàn diện các mối nguy hiểm về an toàn xe đạp điện trên toàn quốc.
Trong thời gian đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã tổ chức xây dựng và sửa đổi 4 tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc đối với xe đạp điện, pin lithium, bộ sạc và an toàn điện. Trong số đó, tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc với xe đạp điện mới được sửa đổi (GB 17761-2024) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2025.
Ngày 17/7/2025, Cục Cứu hỏa và Cứu hộ Quốc gia Trung Quốc cho biết: Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2024, cả nước xảy ra 9.175 vụ cháy xe đạp điện, làm 6 người chết và 15 người bị thương, giảm lần lượt 46%, 90% và 87% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1 năm nay, xảy ra 1.863 vụ cháy xe đạp điện, làm 1 người chết và 3 người bị thương, giảm lần lượt 12,4%, 75% và 66,6% so với tháng trước. So với trước khi điều chỉnh, số vụ cháy xe đạp điện trên 1 triệu người mỗi tháng đã giảm từ 5,6 xuống còn khoảng 2 vụ hiện nay.
Có thể nói, các vụ cháy xe đạp điện gây tử vong ở quốc gia này đã được kiềm chế hiệu quả.
Tuy nhiên, Cục Cứu hỏa và Cứu hộ Quốc gia Trung Quốc cũng chỉ ra rằng: Xét theo tình hình hiện tại, nhiệm vụ khắc phục một số nguy cơ mất an toàn của xe đạp điện vẫn chưa lạc quan, một số vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết triệt để, cần phải đẩy nhanh tiến độ.
Thứ nhất: Việc xây dựng các trạm sạc và điểm để xe vẫn chưa đạt. Hiện tại, cả nước Trung Quốc có hơn 39 triệu trạm sạc tại các khu dân cư, tỷ lệ chỉ đạt 20% vẫn còn cách xa mục tiêu khoảng 30% do các địa phương đặt ra.
Các địa phương phát triển không đồng đều. Giang Tây và Ninh Hạ có tiến độ xây dựng trạm sạc nhanh hơn, trong khi Quảng Đông, Quảng Tây, Sơn Đông và các nơi khác có tiến độ xây dựng chậm hơn.
Thứ hai: Việc loại bỏ dần xe đạp điện và pin cũ sẽ mất nhiều thời gian. Mặc dù có 8,456 triệu xe đã được thay thế trong nửa đầu năm nay (theo chính sách khuyến khích), nhưng việc thay thế tất cả bằng xe mới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia mới (có mức độ an toàn cao hơn) không thể tiến hành trong thời gian ngắn. Nguy cơ hỏa hoạn do xe cũ và pin cũ gây ra sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài.
Việc để xe đạp điện trái phép vẫn diễn ra (dù đã bị cấm). Gần đây, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại một tòa chung cư 5 tầng ở Dương Phố, Thượng Hải, khiến bốn người bị thương. Nguyên nhân là do một chiếc xe đạp điện để ở cầu thang tầng 1 tự bốc cháy. Trong khi đó, bãi để xe rất gần tòa nhà, điều này cho thấy một số cư dân vẫn chưa nhận thức về rủi ro và chưa hình thành thói quen sử dụng xe đạp điện an toàn.
Tình trạng độ xe đạp điện trái phép vẫn còn tràn lan. Ở Nam Ninh, Quảng Tây đã hình thành dây chuyền độ xe gồm hàng chục cửa hàng cung cấp dịch vụ độ xe tại chỗ. Trên các nền tảng thương mại điện tử, nhiều cửa hàng công khai rao bán và cung cấp dịch vụ độ xe. Họ sẵn sàng độ mọi thứ thành hàng thời thượng (trừ biển số xe).
“Quy định về xác định Nguy cơ cháy nổ lớn” của Trung Quốc mới được ban hành gần đây (bao gồm cả việc để xe đạp điện trái phép tại tầng trệt của các tòa nhà cư dân) như một yếu tố để xác định nguy cơ cháy nổ lớn. Điều đó không hoàn toàn có nghĩa là xe đạp điện không được phép để tại tầng trệt. Nhưng muốn biến thành khu vực để xe phải đáp ứng các điều kiện phòng cháy khắt khe.
Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra ở tòa nhà chung cư thuộc quận Vũ Hoa Đài, Nam Kinh vào tháng 2 năm 2024. Nguyên nhân chính khiến đám cháy lan nhanh và gây thương vong lớn là do bãi để xe tại tòa nhà chung cư ở tầng trệt thông với hệ thống chiếu sáng tự nhiên (giếng trời) và thông gió của tòa nhà và không có biện pháp ngăn cháy nào được áp dụng.
Trong vụ hỏa hoạn này, đêm về sáng, pin lithium-ion của một chiếc xe đạp điện để trên tầng trệt của tòa nhà vào ban đêm đã mất kiểm soát và bốc cháy, làm cháy những xe đạp điện xung quanh, sau đó lan sang khu vực khác, gây ra thảm họa. Khói nhiệt độ cao từ đám cháy đã tràn vào các ống thông gió và giếng trời từ tầng trệt, bắt lửa các vật liệu dễ cháy được cư dân ở các tầng khác nhau xây thêm, xếp chồng lên nhau trong các ống thông gió và giếng trời, khiến đám cháy lan nhanh theo phương thẳng đứng và phương ngang. Khói độc xâm nhập vào nhà của cư dân, gây thương vong nặng nề (15 người chết, 44 người bị thương).
Rút kinh nghiệm từ vụ tai nạn này, “Quy định về xác định Nguy cơ cháy nổ lớn” đã được quốc gia này sửa đổi. Trong đó, liệt kê yếu tố chính gây ra thảm họa là “các bãi để xe đạp điện tập trung, hoặc sạc xe đạp điện trên tầng trệt của các tòa nhà chung cư, giếng trời chiếu sáng, thông gió, sảnh công cộng, hành lang thoát hiểm của tòa nhà mà không có biện pháp ngăn cháy” là yếu tố xác định nguy cơ cháy nổ lớn. Mục đích của điều khoản này là ngăn ngừa các vụ cháy tương tự tái diễn bằng cách bố trí các biện pháp kiểm soát phòng cháy chữa cháy. Yếu tố xác định này không cấm để xe đạp điện ở tầng trệt (nếu đáp ứng các điều kiện cơ bản về an toàn phòng cháy chữa cháy).
Liên hệ với Việt Nam:
Theo Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Hà Nội có các giải pháp, biện pháp để “không có xe ô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông” trong Vành đai 1 từ 1/7/2026 và “không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch” từ 1/1/2028 trong Vành đai 1 và 2. Điều đó sẽ tạo ra một làn sóng chuyển đổi sang xe đạp, xe máy điện mạnh mẽ.
Từ thực tế ở Trung Quốc cho thấy, để thực hiện trong thời gian ngắn như vậy, Chính phủ cần ban hành ngay các quy định cụ thể về an toàn cháy nổ cho khu vực để xe điện và sạc xe điện.
Hiện tại mới có ít xe đạp điện/xe máy điện, nhưng nhiều nhà riêng dạng ống và chung cư đang để xe và sạc xe ở tầng hầm, hay tầng 1 của tòa nhà mà không có các biện pháp phòng cháy chữa cháy cần thiết, cũng không biết phải dùng thiết bị chữa cháy nào khi có cháy xe điện xảy ra, nhiều nhà dạng ống không có lối thoát hiểm.
Mật độ để xe máy hiện đã rất cao trong các khu vực gửi xe. Nếu trong Vành đai 1 nhanh chóng có 450.000 xe đạp điện và xe máy điện để và sạc tại nhà riêng, hay hầm chung cư, thì nguy cơ cháy nổ rất lớn.
Thời gian sạc xe điện tại trạm rất dài (gấp 8-10 lần so với xe xăng), nên nếu thay thế các trạm xăng công cộng ít ỏi trong Vành đai 1 sẽ không đủ chỗ cho nhu cầu sạc điện tại trạm. Nhưng nếu tăng số trạm sạc lên gấp 8 lần số trạm xăng hiện nay, thì Hà Nội không có mặt bằng và cũng chưa có tiêu chuẩn cho trạm sạc xe đạp/máy điện.
Ngoài ra, tăng số xe đạp/máy điện và ô tô điện lên một cách nhanh chóng có thể làm quá tải hệ thống điện vốn đã quá tải trong những đợt nắng nóng ở Thủ đô và Thành phố Hồ Chí Minh. Hy vọng nhân dân sử dụng điện mặt trời để sạc cũng không khả thi, vì ngoại trừ xe dịch vụ sạc ban ngày, phần lớn xe điện sẽ sạc vào buổi tối khi không có điện mặt trời. Do đó, ngành điện cần tính toán nhu cầu sạc điện, thời gian sạc trong ngày và hệ số trùng lặp để ra được nhu cầu phát sinh do xe điện tạo ra từ nay đến năm 2028 và năm 2030./.
ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Nguồn tham khảo: http://www.news.cn/20250717/97b8efa57ce6487781df2f750af77cec/c.html