RSS Feed for Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ 3] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 07:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ 3]

 - Qua phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho thấy: Giá điện tuy có chịu ảnh hưởng của cơ cấu kinh tế xét trên góc độ 3 lĩnh vực: Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ, nhưng chỉ ở mức độ rất hạn chế. Điều đó do 2 nguyên nhân, một là giá điện chủ yếu chịu tác động của các yếu tố khác; hai là giá điện có thể chịu tác động của cơ cấu kinh tế, nhưng phải phân tích cơ cấu kinh tế ở góc độ chi tiết hơn theo các ngành nghề trong từng lĩnh vực...

Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ 1]
Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ 2]


KỲ 3: XEM XÉT GIÁ ĐIỆN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CƠ CẤU KINH TẾ

Ta biết rằng, cơ cấu của nền kinh tế thường được thể hiện qua tỷ trọng của 3 lĩnh vực: Nông nghiệp (gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản), Công nghiệp (gồm công nghiệp và xây dựng) và Dịch vụ. Theo đó, cơ cấu của nền kinh tế phát triển trung bình là: Công nghiệp 35%, Dịch vụ 55%, Nông nghiệp 10%; phát triển cao là: Công nghiệp 29%, Dịch vụ 69%, Nông nghiệp 2%; phát triển thấp: Công nghiệp 40%, Dịch vụ 40%, Nông nghiệp 20%.

Sau đây sẽ phân tích giá điện trong mối quan hệ với cơ cấu kinh tế theo tỷ trọng 3 lĩnh vực: Nông nghiệp - Công Nghiệp -  Dịch vụ (%):

Nhóm 1: Các nước có giá điện thấp (< 10 cent/kWh).

Ai Cập: 2 cent/kWh; Ảrập Xê-út: 5 cent/kWh; Iran: 3 cent/kWh; U-crai-na: 5 cent/kWh; Ka-dắc-xtan: 5 cent/kWh; Malaixia: 6 cent/kWh; Nga: 6 cent/kWh; Việt Nam: 7 cent/kWh; Mê-hi-cô: 8 cent/kWh; Trung Quốc: 8 cent/kWh; Ấn Độ: 8 cent/kWh; U.A.E: 8 cent/kWh; Thổ Nhĩ Kỳ: 9 cent/kWh; Đài Loan: 9 cent/kWh.

Nhóm 2: Các nước có giá điện trung bình (từ 10 đến 20 cent/kWh).

Indonesia: 10; Ác-hen-ti-na: 10; Canađa: 10; Hàn Quốc: 11; Thái Lan: 11; Mỹ: 13; Nam Phi: 15; Baraxin: 17; Ba Lan: 17.

Nhóm 3: Các nước có giá điện cao (> 20 cent/kWh):

Vương quốc Anh: 21; Hà Lan: 21; Ý: 23; Tây Ban Nha: 25; Úc: 26; Nhật Bản: 26, LB Đức: 33.

Qua 3 nhóm nêu trên cho thấy:

Một là: Tất cả các nước có giá điện cao đều thuộc diện nền kinh tế phát triển cao. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là:

1/ Ngay trong nhóm này, giá điện của các nước có khoảng dao động rất lớn, từ 21 đến 33 cent/kWh, chênh lệch gần 1,6 lần.

2/ Một số nước cũng có cơ cấu kinh tế thuộc diện nền kinh tế phát triển cao nhưng có giá điện thấp hơn, như:  Đài Loan (69,2 và 29,2%): 9 cent/kWh, Canađa (69,8 và 28,5%): 10 cent/kWh, Mỹ (78,9 và 20%): 13 cent/kWh, Nam Phi (68,6 và 28,9%): 15 cent/kWh, Baraxin (73,3 và 21,2%): 17 cent/kWh.

Hai là: Các nước có tỷ trọng lĩnh vực Nông nghiệp cao từ 10% trở lên đều có giá điện vào loại thấp (10 cent/kWh trở xuống), như Ai Cập 11,9%; Ấn Độ 17,4%; In-đô-nê-xia 14,0%; Việt Nam 16,3%; U-crai-na 13,7%; Iran 10%.

Tuy nhiên, một số nước có giá điện vào loại thấp nhưng tỷ trọng lĩnh vực Nông nghiệp cũng thấp, ví dụ như Mê-hi-cô, Trung Quốc, Canađa, Đài Loan, Ka-dắc-xtan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ảrập Xê-út, U.A.E, Ác-hen-ti-na.

Ba là: Cùng có mức giá điện như nhau, nhưng cơ cấu kinh tế của các nước lại khác nhau đáng kể thể hiện qua tỷ trọng % của lĩnh vực Dịch vụ và Công nghiệp.

Ví dụ, cùng có giá điện 5 cent/kWh, song cơ cấu kinh tế của Ảrập Xê-út: 54,0% và 43,3%; U-crai-na: 59,2% và 27,1%; Ka-dắc-xtan: 61,3% và 33,9%. Hoặc cùng có mức giá điện 8 cent/kWh nhưng cơ cấu kinh tế của Mê-hi-cô: 63,4% và 32,7%; Trung Quốc: 51,6% và 39,8%; Ấn Độ: 53,8% và 28,8%. Tương tự cùng có giá điện ở mức: 10, 11, 17, 21, 26 cent/kWh nhưng cơ cấu kinh tế của các nước có sự khác nhau.

Như vậy, qua những phân tích nêu trên cho thấy giá điện tuy có chịu ảnh hưởng của cơ cấu kinh tế xét trên góc độ 3 lĩnh vực: Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ nhưng chỉ ở mức độ rất hạn chế. Điều đó do 2 nguyên nhân, một là giá điện chủ yếu chịu tác động của các yếu tố khác; hai là giá điện có thể chịu tác động của cơ cấu kinh tế, nhưng phải phân tích cơ cấu kinh tế ở góc độ chi tiết hơn theo các ngành nghề trong từng lĩnh vực: Nông nghiệp, Công nghiệp và Dịch vụ, nhất là các ngành sản xuất. Điều này được thể hiện qua 2 ví dụ sau đây: chỉ tiêu cường độ điện năng (CĐĐN) và giá điện cho ngành điện phân nhôm.

Chỉ tiêu CĐĐN năm 2015 của một số nước (GDP theo giá năm 2018) nêu ở Bảng 2.

Chỉ tiêu

Thái Lan

Trung Quốc

Hàn Quốc

Nhật Bản

Đức

Việt Nam

CĐĐN(kWh/1000USD)

560

650

350

350

200

740

Cơ cấu kinh tế (%)

 

 

 

 

 

 

- Nông nghiệp

8,7

8,8

2,3

1,1

0,6

17,0

- CN&XD

36,4

40,9

38,3

28,9

30,5

33,3

- Dịch vụ

54,9

50,2

59,4

70,0

68,9

39,7

 

Nguồn: Cơ cấu kinh tế theo NGTK VN 2017; CĐĐN: theo “Năng lượng Việt Nam: Hiện trạng và triển vọng phát triển”, Năng lượng Việt Nam Online 07:38 |09/01/2019.

Qua bảng 2 nêu trên cho thấy:

Thứ nhất: Nhìn chung các nước có tỷ trọng Dịch vụ cao thì có chỉ tiêu CĐĐN thấp hơn.

Thứ hai: Đức tuy có cùng cơ cấu kinh tế tương đương như Nhật Bản nhưng chỉ tiêu CĐĐN thấp hơn hẳn, chỉ bằng khoảng 57% của Nhật Bản.

Thứ ba: So với Nhật Bản thì Hàn Quốc mặc dù có tỷ trọng Công nghiệp cao hơn 10% và tỷ trọng Dịch vụ thấp hơn 10% nhưng chỉ tiêu CĐĐN như nhau.

Chỉ tiêu CĐĐN chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố:

1/ Trình độ công nghệ của các ngành sử dụng điện năng: trình độ càng cao thì mức tiêu hao điện càng thấp, tức sử dụng điện tiết kiệm hơn.

2/ Tỷ trọng của các ngành, lĩnh vực ít tiêu dùng điện: tỷ trọng này càng cao thì giá trị GDP tạo ra trên một đơn vị điện năng tiêu hao càng cao, tức sử dụng điện hiệu quả hơn. Khi một nền kinh tế sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn thì chắc chắn sẽ có khả năng chấp nhận giá điện cao hơn. Điều đó được thể hiện rõ rệt qua trường hợp Đức và Nhật Bản so với các nước khác cũng như Hàn Quốc, Thái Lan so với Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, như trên đã nói giá điện còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như sẽ nêu dưới đây.       

Giá điện cho ngành điện phân nhôm giai đoạn 2009-2015 của một số nước và khu vực được nêu ở Bảng 3.

Khu vực

Sản lượng nhôm năm 2012, 103T

Giá điện (cent/kWh)

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Trung Đông

4.031

2,46

2,48

2,57

2,57

2,56

2,51

2,59

Canađa

2.780

1,80

2,38

2,66

2,63

2,45

2,49

3,13

CIS

4.591

2,00

2,59

3,16

2,96

2,89

2,93

3,08

Úc

2.186

2,17

2,57

3,06

3,03

3,07

3,05

2,97

Trung và Nam Mỹ

2.052

3,03

3,70

3,94

3,45

2,97

3,05

3,12

Châu Phi

1.639

1,97

3,22

3,61

3,47

3,18

3,28

3,64

Châu Á

2.113

3,18

3,72

3,81

3,83

4,09

4,21

4,39

Mỹ

2.070

3,38

3,72

3,81

3,83

4,09

4,21

4,39

Châu Âu

4.234

3,69

3,86

4,38

4,16

3,99

4,06

4,13

Bình quân thế giới (không gồm Trung Quốc)

 

2,63

3,07

3,40

3,27

3,18

3,21

3,36

Nguồn: CRU. Ghi chú: giá điện tính bình quân theo sản lượng.

Qua bảng 3 cho thấy, giá điện cho ngành điện phân nhôm của các nước và khu vực có ngành điện phân nhôm phát triển (không kể Trung Quốc) đều rất thấp so với mức giá điện bình quân nêu ở bảng 1 (kỳ 1), nhất là tại khu vực Trung Đông và Úc có mức giá thấp hơn 3 cent/kWh.

Xét trên phạm vi toàn thế giới thì giá điện bình quân cho điện phân nhôm chỉ bằng khoảng ¼ giá điện bình quân. Từ năm 2015 đến nay giá điện cho điện phân nhôm có thể đã tăng lên, song xét theo xu thế biến động trong giai đoạn 2009-2015 thì giá điện cho điện phân nhôm bình quân toàn thế giới hiện nay cũng không thể vượt qua mốc 4 cent/kWh, tức tối đa cũng chỉ bằng 1/3,5 lần (khoảng 28,6%) mức giá điện bình quân năm 2018. Giá điện phân nhôm không chỉ thấp ở các nước và khu vực có giá điện rẻ (như Trung Đông, CIS, v.v.) mà cả tại các nước và khu vực có giá điện cao (như châu Âu, Úc, Nhật Bản, v.v.). Điều đó cho thấy giá điện cho điện phân nhôm thấp là chính sách chung của tất cả các nước và khu vực, bất kể ở đó có giá điện cao hay thấp.

Ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước cho ngành điện phân nhôm là ngành tiêu dùng điện năng rất lớn, dao động từ khoảng 13.000 - 15.000 kWh trên một tấn nhôm tùy theo mức độ hiện đại của công nghệ điện phân nhôm và nhôm là kim loại cơ bản có nhu cầu rất lớn đối với tất cả các nước trên thế giới, đứng thứ hai chỉ sau thép, giá điện cho điện phân nhôm thấp còn do một số lợi thế của ngành điện phân nhôm đối với ngành điện theo hướng làm giảm giá thành điện, đó là:

Thứ nhất: Có nhu cầu điện lớn, liên tục và ổn định.

Thứ hai: Sử dụng điện ở cấp điện áp cao nên có tổn thất điện thấp.

Thứ ba: Khoảng cách truyền tải điện từ nhà máy điện đến nhà máy điện phân nhôm tương đối ngắn nên giảm chi phí truyền tải và tổn thất điện năng.

Thứ tư: Thực hiện nguyên tắc "không dùng cũng phải trả tiền" ("take or pay" provisions), điều này đảm bảo cho ngành điện có nhu cầu điện ổn định.

Tóm lại, giá điện chịu ảnh hưởng ở mức độ nhất định của trình độ phát triển kinh tế của các nước được thể hiện qua chỉ tiêu GDP bình quân đầu người và cơ cấu kinh tế phân theo 3 lĩnh vực: Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ.

(Kỳ tới: Xem xét giá điện trong mối quan hệ với giá thành sản xuất điện thông qua cơ cấu nguồn điện và nguồn nhiên liện cung cấp cho sản xuất điện)

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động