Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ cuối]
06:25 | 16/04/2019
Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ 1]
Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ 2]
Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam [kỳ 3]
KỲ CUỐI: XEM XÉT GIÁ ĐIỆN TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI GIÁ THÀNH SẢN XUẤT ĐIỆN THÔNG QUA CƠ CẤU NGUỒN ĐIỆN VÀ NHIÊN LIỆU ĐẦU VÀO
Như đã phân tích trong các kỳ trước, giá thành sản xuất điện phụ thuộc vào các nhóm yếu tố chính là:
1/ Cơ cấu nguồn điện: Nếu tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo và điện dầu càng cao thì giá thành càng cao, vì tuy rằng, đến nay giá thành điện gió và điện mặt trời có xu thể giảm xuống, nhưng vẫn còn rất cao so với điện năng phát ra từ các nguồn nhiên liệu truyền thống như thủy điện, nguyên tử, khí, than.
2/ Nước phải nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện có giá thành điện cao hơn các nước sản xuất điện từ các nguồn nhiên liệu khai thác trong nước.
3/ Ngay cùng trong nhóm nước nhập khẩu nhiên liệu, hay nhóm nước tự khai thác nhiên liệu trong nước cho sản xuất điện cũng có giá thành điện cao thấp khác nhau do điều kiện nhập khẩu hay điều kiện khai thác của từng nước cũng có mức độ khó khăn, thuận lợi khác nhau làm cho giá thành nhập khẩu, hoặc giá thành khai thác nhiên liệu cao thấp khác nhau.
4/ Các nước giàu có thu nhập cao, đồng nghĩa với tiền lương cao nên chi phí tiền lương trong giá thành sản xuất điện cũng tăng lên.
Các nước có giá điện thấp (dưới 10 cent/kWh trở xuống):
Ai Cập: 2; Iran: 3; Ảrập Xê-út: 5; U-crai-na: 5; Ka-dắc-xtan: 5; Malaixia: 6; Nga: 6; Việt Nam: 7; Mê-hi-cô: 8; Trung Quốc: 8; Ấn Độ: 8; U.A.E: 8; Thổ Nhĩ Kỳ: 9; Đài Loan: 9.
Các nước ở khu vực Trung Đông, LB Nga, Ka-dắc-xtan, Malaixia có đặc điểm chung là nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện được khai thác từ các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước với tiềm năng dồi dào, hoặc tương đối dồi dào và điều kiện khai thác thuận lợi nên giá thành thấp. Chỉ riêng Malaixia phải nhập khẩu than, nhưng đổi lại có nguồn khí và thủy điện tương đối lớn, chiếm tương ứng là 38,1% và 15,3% tổng sản lượng điện, còn than thì nhập khẩu từ Inđônêxia ngay cạnh và vận chuyển bằng đường biển nên giá thấp.
Các nước còn lại (trừ Đài Loan) có nguồn nhiên liệu khai thác trong nước là chính và một phần nhập khẩu từ nước ngoài. Riêng Đài Loan phải nhập khẩu toàn bộ, nhưng chủ yếu từ các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư khai thác than ở nước ngoài. Còn U-crai-na có tỷ trọng điện hạt nhân rất cao, chiếm tới 54,5% và điện than chiếm 32,2% tổng sản lượng điện.
Nhìn chung, các nước trong nhóm này có tỷ trọng điện năng lượng tái tạo thấp, hoặc rất thấp so với mức bình quân của thế giới (8,4%), chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ điện năng lượng tái tạo chiếm 9,9%, nhưng đổi lại có tỷ trọng thủy điện đến 19,8%; Trung Quốc tương ứng là 7,3% và 17,8%; Mê-hi-cô: 6,2% và 10,1%; Ấn Độ: 6,4% và 9,1%; Việt Nam: 36,9% và 0,2%.
Qua phân tích trên đây có thể suy diễn các nước trong nhóm này có giá thành sản xuất điện thấp, đó là yếu tố chính làm cho giá điện thấp (dưới 10 cent/kWh).
Các nước có giá điện ở mức trung bình (từ 10 đến 20 cent/kWh):
Ba Lan: 17 cent/kWh, Braxin: 17 cent/kWh, Nam Phi: 15 cent/kWh, Mỹ: 13 cent/kWh, Hàn Quốc: 11 cent/kWh, Thái Lan: 11 cent/kWh, Canađa: 10, In-đô-nê-xia: 10 cent/kWh, Ác-hen-ti-na: 10 cent/kWh.
Đây là nhóm nước vừa có các yếu tố làm giảm, vừa có các yếu tố làm tăng giá thành điện đan xen nhau. Các yếu tố làm giảm giá thành điện gồm có: Nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện được khai thác trong nước (hầu hết các nước, trừ Hàn Quốc). Riêng Thái Lan nhập khẩu một phần than và khí. Trình độ phát triển kinh tế ở mức trung bình (In-đô-nê-xia, Thái Lan, Nam Phi, Braxin), tỷ trọng điện năng lượng tái tạo thấp (Nam Phi, Hàn Quốc, Ác-hen-ti-na), tỷ trọng thủy điện cao (Ác-hen-ti-na, Braxin, Canađa), tỷ trọng điện hạt nhân cao (Mỹ, Canađa, Hàn Quốc).
Các yếu tố làm tăng giá thành điện gồm có: Trình độ phát triển kinh tế cao (thuộc nhóm nước giàu: Mỹ, Canađa, Hàn Quốc, Ba Lan, Ác-hen-ti-na), tỷ trọng điện năng lượng tái tạo cao (so với bình quân của thế giới) như: Braxin, Ba Lan, Mỹ, Thái Lan, nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện phải nhập khẩu (Hàn Quốc, Thái Lan).
Như vậy, qua phân tích nêu trên có thể suy diễn nhóm nước này có giá thành điện vào mức trung bình, đó là yếu tố chính dẫn đến giá điện ở mức trung bình.
Các nước có giá điện cao (trên 20 cent//kWh):
Gồm các nước: Vương quốc Anh: 21 cent/kWh, Hà Lan: 21 cent/kWh, Ý: 23 cent/kWh, Tây Ban Nha: 25 cent/kWh, Nhật Bản: 26 cent/kWh, Úc: 26 cent/kWh, Đức: 33 cent/kWh. Các nước này có đặc điểm là:
Thứ nhất: Đều là các nước giàu.
Thứ hai: Tỷ trọng điện năng lượng tái tạo vào loại cao nhất, cao hơn mức bình quân của thế giới là 8,4%, như: Đức: 30,3%, Vương quốc Anh: 27,7%; Tây Ban Nha: 25,2%; Ý: 23,2%; Hà Lan: 15,0%; Nhật Bản: 9,7%; Úc: 9,7%.
Ngoài ra, một số nước có tỷ lệ điện dầu cao hơn bình quân của thế giới (3,5%) như: Tây Ban Nha: 6,4%; Nhật Bản: 5,5%.
Thứ ba: Trừ Úc chỉ nhập khẩu dầu còn các nước khác đều phải nhập khẩu nhiên liện cho sản xuất điện với mức độ khác nhau tùy theo từng loại nhiên liệu, trong đó nhiều nhất là khí và than.
Kết luận
Tổng hợp nguyên nhân giá điện cao - thấp khác nhau giữa các nhóm nước phân loại theo GDP bình quân đầu người, theo cơ cấu kinh tế và theo mức giá điện nêu trên cũng như giữa các nước ngay trong cùng nhóm cho thấy:
1/ Giá điện của các nước trên thế giới chịu tác động của nhiều yếu tố (bao gồm mức GDP bình quân đầu người, cơ cấu của nền kinh tế theo ngành nghề, lĩnh vực, chính sách giá điện và giá thành sản xuất điện).
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến giá điện của từng nước có sự khác nhau tùy theo tình hình, đặc điểm của từng nước theo kiểu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".
2/ Trong số các yếu tố ảnh hưởng thì yếu tố giá thành điện giữ vai trò quyết định đến giá điện nhằm hai mục tiêu chính: Đảm bảo bù đắp chi phí và đảm bảo chất lượng cung cấp điện năng (ổn định, an toàn và sạch) theo đúng tinh thần "tiền nào của nấy".
PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM