Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 7]
07:23 | 26/10/2017
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết)
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 1]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 2]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 3]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 4]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 5]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 6]
KỲ 7: TRAO ĐỔI VỚI ĐỒNG SỰ VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ "KHÔNG KHÁCH QUAN" [PHẦN 1]
Lời đầu tiên, chúng tôi xin hoan nghênh ý kiến trao đổi phản hồi của đồng sự (tức cùng quan tâm đến vấn đề này) vì trong cuộc tranh luận này không có kẻ thắng, người thua mà tất cả chúng ta "cùng thắng", với nghĩa rằng, các ý kiến của chúng ta chỉ để (và mong rằng như thế) cho những người có nhiệm vụ hoạch định chính sách tham khảo nhằm đề ra chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam một cách hợp lý, đáp ứng các mục tiêu năng lượng: nhu cầu, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Còn về các ý kiến của đồng sự, chúng tôi xin trao đổi lại như sau:
1/ Phát thải trên GDP của Việt Nam cao gấp đôi thế giới, nếu tiếp tục phát triển than thì ô nhiễm sẽ còn đi đến đâu?
Trước hết, phát thải khí CO2 của Việt Nam không chỉ do khai thác và sử dụng than mà còn do nhiều nguồn khác. Còn nếu tính riêng phần phải thải CO2 do than thì bạn cứ tính đi: Đến năm 2030, theo dự kiến Việt Nam sẽ tiêu thụ tổng cộng sản lượng than gấp 3 lần mức hiện nay (2016). Vì rằng, như đã nêu trong bài của tôi [Kỳ 3 và Kỳ 4], không thể phát triển than nói chung và nhiệt điện than nói riêng theo kiểu cũ mà phải triệt để quan tâm đến giảm tiêu hao than và giảm thiểu phát thải, cũng như các tác động xấu tới môi trường trong quá trình khai thác, sử dụng than.
Như vậy, cùng với các biện pháp nâng cao hiệu suất, giảm tiêu hao than, giảm phát thải và bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng than trong thời gian tới: Cứ cho rằng, đến năm 2030 tổng mức phát thải CO2 do than sẽ gấp đôi, hay hơn một tý so với tổng mức hiện nay thì mức phát thải CO2 do than khi đó theo bình quân đầu người vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức hiện hành của Hoa Kỳ, Trung Quốc và so với các nước không có, hoặc có tài nguyên than không đáng kể như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (nằm trong khu vực của chúng ta).
2/ Xu thế của công nghệ, giá thành năng lượng tái tạo những năm gần đây giảm rất nhiều. Đối với một số nước (Ấn Độ, Trung Quốc) giá thành năng lượng mặt trời đã bằng giá thành của năng lượng từ than và sắp tới, xu thế sẽ còn giảm nữa.
Chúng tôi không phản đối phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), mà ngược lại là "fan" nhiệt tình ủng hộ phát triển NLTT. Chúng tôi đã từng nêu và ủng hộ Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam nói chung và phát triển điện từ NLTT nói riêng. Trong đó, đề ra mục tiêu đến năm 2050 đạt được tỷ lệ của NLTT trong tổng năng lượng sơ cấp là hơn 43%. Vấn đề là từ nay tới thời điểm đó, nhất là đến năm 2030 không phát triển than và nhiệt điện than thì Việt Nam dựa vào nguồn năng lượng nào? Theo chúng tôi, dù có là Thánh Gióng thì cũng không thể khi mới "đẻ ra" đã "vươn vai đứng dậy" mà cũng phải mất một thời gian nhất định.
Như Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã nhiều lần đề cập, hầu như tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều sử dụng than, bất kể trong nước có than, hay không có than - tùy theo tiềm năng, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mỗi nước mà than, nhiệt điện than đóng vai trò chủ chốt (hoặc quan trọng, hoặc đáng kể, hoặc một phần nhất định nào đó trong tổng năng lượng sơ cấp của mình).
Nếu tiềm năng nguồn NLTT của Việt Nam thực sự dồi dào và vấn đề công nghệ, giá thành giải quyết được thỏa đáng thì với đặc điểm của nguồn NLTT cũng không thể thay thế toàn bộ năng lượng truyền thống nói chung và than nói riêng.
Về mặt kỹ thuật (vận hành hệ thống điện), ở Việt Nam, có phát triển mạnh đến đâu, thì phong điện và quang điện chưa thể thay thế được nhiệt điện than trong chức năng "chạy nền".
Còn về môi trường, nhiệt điện chạy than không hề bẩn. Đóng góp (tỷ trọng) về phát thải khí nhà kính của nhiệt điện chạy than ở Việt Nam không cao hơn nông nghiệp (chăn nuôi).
Chưa kể, phát triển NLTT không chỉ toàn "màu hồng", kể cả vấn đề về môi trường không phải là không có. Thực tế của các nước công nghiệp phát triển đã chứng tỏ điều đó.
3/ Rất nhiều vấn đề không được cân nhắc một cách toàn diện, tác giả chỉ tập trung vào bảo vệ cho điện than. Ví dụ, khi cho rằng, điện than trên đầu người của Thái Lan cao hơn Việt Nam 20%. Sao tác giả không so sánh rằng, năng lượng tái tạo trên đầu người của Thái Lan cao gấp 28 lần Việt Nam?
Không phải là chúng tôi cố tình muốn bảo vệ cho nhiệt điện than, mà trên thực tế với những gì chúng tôi biết được thì đến năm 2030, thậm chí đến năm 2035 - 2040, ngoài những định hướng đã đề ra về phát triển khí, nhiệt điện khí, thủy điện, NLTT cùng với triệt để sử dụng tiết kiệm năng lượng, Việt Nam không có con đường nào khác là phải tiếp tục phát triển than, nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng và điện năng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Mong rằng, sự hiểu biết của chúng tôi nêu trên là không hoàn toàn đúng, nhưng phải chỉ rõ "lối thoát" chứ không thể ngồi "cầu mong" và "phán xét" thiếu cơ sở.
Còn khi chúng tôi so sánh sử dụng bình quân đầu người của Việt Nam với Thái Lan là nhằm mục đích minh chứng cho việc không thể "loại bỏ nhiệt điện than" như một số ý kiến đòi hỏi.
Qua ví dụ đó cho thấy rằng, ngay cả một nước như Thái Lan quan tâm phát triển năng lượng từ dầu mỏ và khí đốt là chính (thậm chí có ý kiến coi phát triển nhiệt điện khí của Thái Lan là hình mẫu cho Việt Nam noi theo).
Trên thực tế, Thái Lan có tài nguyên than và khai thác than trong nước rất thấp so với Việt Nam, thế nhưng họ vẫn quan tâm nhập khẩu than để sử dụng và giữ vai trò đáng kể (đứng thứ 3) trong tổng năng lượng sơ cấp của mình. Không những thế, quốc gia này vẫn tiếp tục quan tâm nâng cao sản lượng than nhập khẩu để sử dụng.
Còn khi đã so sánh năng lượng tái tạo của Thái Lan với Việt Nam, nếu tính cả thủy điện (cũng là một loại năng lượng tái tạo) thì Thái Lan còn thua xa Việt Nam. Nhưng trao đổi vấn đề này thực ra là chỉ để mà nói cho ra nhẽ, chứ mỗi quốc gia đều phải có chính sách phát triển năng lượng riêng của mình phù hợp với điệu kiện thực tế, chứ không thể "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" được.
Đón đọc kỳ tới: Trao đổi với cộng sự về những vấn đề "không khách quan" [Phần 2]
PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM