RSS Feed for Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 3] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 23:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 3]

 - Mới đây, trên một số tờ báo lớn có đăng bài viết của Nguyễn Đăng Anh Thi (Thạc sỹ, chuyên gia tư vấn sử dụng hiệu quả tài nguyên của Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC) với tiêu đề "Nhiệt điện than giá rẻ, thật sao?". Qua bài báo, tác giả cung cấp thông tin và phản biện lại một số thông tin được cung cấp tại hội thảo "Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường" do Ủy ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Nhiệt Việt Nam tổ chức ngày 29-8-2017 tại Hà Nội. Trong đó, tác giả tập trung ý kiến phản biện về ý kiến của PGS, TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, cho rằng: Phát triển nhiệt điện than là con đường tất yếu của Việt Nam để đáp ứng "nhu cầu điện năng rất cao" cho "thời kỳ phát triển mạnh kinh tế" và "khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện từ nguồn năng lượng tái tạo và mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than"... Về một số nội dung tác giả nêu, chúng tôi xin trao đổi lại trong các bài viết dưới đây.

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết)
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 1]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 2]

KỲ 3: PHÁT TRIỂN NHIỆT ĐIỆN THAN LÀ CẦN THIẾT VÀ KHẢ THI NHẤT [PHẦN 1]

Trong bài báo Nguyễn Đức Anh Thi nêu một số ý kiến như sau:

1/ "Than đâu phải màu hồng" - vì than, tuy có trữ lượng lớn nhưng chủ yếu tập trung ở 5 nước Trung Quốc, Mỹ, Nga, Úc, Ấn Độ (chiếm 75% trữ lượng thế giới); trong khi than của Việt Nam chỉ chiếm 0,3% trữ lượng của thế giới. Từ năm 2015 để đáp ứng nhu cầu than của các nhà máy nhiệt điện, Việt Nam đã phải nhập khẩu than và với sản lượng nhập khẩu ngày càng cao. Nếu xác định nhiệt điện than đóng vai trò chi phối thì "điều gì sẽ xảy ra nếu nguồn nhập khẩu bị tắc nghẽn, hoặc than tăng giá không kiểm soát được? An ninh năng lượng quốc gia sẽ được kiểm soát sao đây?"

2/ "Vì sao Việt Nam không chọn nhiệt điện khí như Singapore và Thái Lan mà lại chọn nhiệt điện than?", trong khi nhiệt điện khí có hiệu suất cao hơn, thời gian xây dựng ngắn hơn, chi phí đầu tư thấp hơn, giá thành rẻ hơn, hiệu quả cao hơn và ô nhiễm môi trường ít hơn, đặc biệt không thải tro xỉ và không phát thải khí SO2. "Không phải ngẫu nhiên mà Singapore hay Thái Lan lựa chọn nhiệt điện khí là nguồn chủ đạo trong cấu trúc phát điện của họ".

3/ Nếu Việt Nam chuyển hướng ưu tiên đầu tư năng lượng sạch, loại bỏ nhiệt điện than, thì những chi phí thiệt hại về môi trường và sức khỏe sẽ được tránh khỏi, đồng thời lợi ích kinh tế thu được tương đương 9% GDP hay 23 tỉ USD/năm đến năm 2025, theo tính toán của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) và Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) năm 2016. Con số này vượt xa số tiền dự kiến bỏ ra để bù cho điện mặt trời và gió khoảng 1,5 - 1,7 tỉ USD mà ông Nghĩa đưa ra. Không còn nghi ngờ gì nữa, lựa chọn con đường năng lượng sạch mới đúng là con đường tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Sau khi đọc những ý kiến nêu trên, cảm giác đầu tiên của tôi là nhớ lại kỷ niệm gần 45 năm về trước. Năm ấy, khi đó tôi từ nước ngoài về phép thăm nhà. Sau thời gian ở thăm gia đình, quê hương và trước ngày trở lại nước ngoài tôi "dốc bầu tâm sự" cùng bố tôi, đại ý là: Tại sao nhà mình bán lúa non mà không để đến lúc giáp hạt có thể bán với giá cao gấp nhiều lần? Tại sao cứ cam tâm ở dưới mái nhà tranh khổ sở, vất vả, ẩm thấp, thấm dột mà không xây nhà tầng để ở cho lâu bền, đỡ phải dỡ đi làm lại hàng năm; ở tầng cao thoáng mát, tránh được côn trùng, an toàn khi mưa bão? Tại sao không sắm đồ điện, bếp điện mà dùng vừa tiện lợi, nấu nướng nhanh, tiết kiệm thời gian, sạch sẽ mà cứ phải dùng nồi đất, bếp củi vừa bất tiện, bẩn thỉu, tốn kém thời gian? Tại sao cứ phải ăn khoai, ăn sắn, rau, cháo suốt ngày mà không mua gạo, thịt, cá mà ăn cho bổ dưỡng?, vv...

Sau khi nghe "rao giảng", bố tôi (khi đó là Phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp cấp cao của xã, đã kinh qua kinh nghiệm chiến trường) từ tốn, ngắn gọn nói lại với tôi đại ý là: Con ạ, là con người thì ai cũng muốn sung sướng, ăn ngon, mặc đẹp, ở đàng hoàng, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, nhưng có điều phải thực tế - "liệu cơm mà gắp mắm".

Ngày nay những điều "khuyên răn" trên đây của tôi cơ bản đã trở thành hiện thực, nhưng đúng là không thể có vào thời đó cách đây hơn 40 năm về trước.

Trở lại vấn đề, trước hết, về ý kiến: "Tại sao Việt Nam không chọn nhiệt điện khí như Singapore và Thái Lan mà lại chọn nhiệt điện than?"

Về phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam, chúng tôi xin trao đổi lại với ThS. Nguyễn Đăng Anh Thi như sau:

Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 418/2016/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đã đề ra mục tiêu và định hướng phát triển nhiệt điện khí như sau:

Mục tiêu nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG): Đến năm 2020, tổng công suất khoảng 9.000 MW, sản xuất khoảng 44 tỷ kWh điện, chiếm 16,6% sản lượng điện sản xuất; năm 2025, tổng công suất khoảng 15.000 MW, sản xuất khoảng 76 tỷ kWh điện, chiếm 19% sản lượng điện sản xuất; năm 2030, tổng công suất khoảng 19.000 MW, sản xuất khoảng 96 tỷ kWh điện, chiếm 16,8% sản lượng điện sản xuất.

Để đạt được mục tiêu đó, khu vực Đông Nam bộ: Bảo đảm nguồn khí ổn định cung cấp cho các nhà máy điện tại: Phú Mỹ, Bà Rịa và Nhơn Trạch. Khu vực miền Tây Nam Bộ: Khẩn trương đưa khí từ Lô B vào bờ từ năm 2020 để cung cấp cho các nhà máy điện tại các trung tâm điện lực: Kiên Giang và Ô Môn với tổng công suất khoảng 4.500 MW. Khu vực miền Trung: Dự kiến sau năm 2020 sẽ phát triển các nhà máy điện khí với tổng công suất khoảng 3.000 MW - 4.000 MW, tiêu thụ khoảng 3,0 đến 4,0 tỷ m3 khí/năm. Phát triển hệ thống kho, cảng nhập khẩu LNG tại Sơn Mỹ (Bình Thuận) để bổ sung khí cho các trung tâm điện lực: Phú Mỹ, Nhơn Trạch khi nguồn khí thiên nhiên tại khu vực miền Đông suy giảm; nghiên cứu phương án cung cấp khí bổ sung cho các trung tâm điện lực: Cà Mau, Ô Môn qua đường ống khí liên kết các hệ thống khí khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Như vậy, đến năm 2030 với tổng công suất điện khí 19.000 MW sẽ tiêu thụ khoảng 19 tỷ m3 khí, gần gấp đôi sản lượng khí hiện nay (2016).

Thực tế, năm 2016 Việt Nam đã sản xuất được 44,7 tỷ kWh nhiệt điện khí (trong đó Cà Mau 1 và 2: 8 tỷ kWh; BOT Phú Mỹ 2.2: 5,1 tỷ kWh; BOT Phú Mỹ 3: 5,4 tỷ kWh; Nhơn Trạch 1: 3,6 tỷ kWh; Nhơn Trạch 2: 5,2 tỷ kWh; Bà Rịa: 1,4 tỷ kWh; Phú Mỹ: 16 tỷ kWh). Tất cả nguồn khí khai thác trong nước khoảng hơn 10 tỷ m3.

Qua mục tiêu, định hướng và thực tế phát triển khí thiên nhiên nói chung và nhiệt điện khí nói riêng của Việt Nam nêu trên không thể nói Việt Nam không chú trọng phát triển khí thiên nhiên và nhiệt điện khí. Có điều là Việt Nam phải phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Còn so sánh chiến lược nhiệt điện khí của Việt Nam với Singapore là khập khiễng. Vì rằng, Singapore là một quốc đảo có nhiều đặc điểm về diện tích, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, xã hội, quy mô nhu cầu năng lượng và vị trí địa lý trong mối quan hệ tiếp cận nguồn khí đốt thiên nhiên khác hẳn với Việt Nam - cho nên không thể lấy đó làm hình mẫu về phát triển nhiệt điện khí để cho Việt Nam noi theo.

Nếu cứ so sánh theo kiểu khập khiễng như thế thì hệ thống điện của Singapore (với tư cách là một đảo) cũng không sạch bằng hệ thống điện của đảo Phú Quốc - Việt Nam (có diện tích gần bằng Singapore và gần nhau về mặt địa lý). Tại đây không cần nhiệt điện khí (dẫu sao vẫn có ô nhiễm) mà chủ yếu được cung cấp điện bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển từ đất liền ra đảo.

Còn so với Thái Lan - hãy xem xét các số liệu sau của Việt Nam và Thái Lan. (Theo BP Statistical June 2017).

1/ Tổng quan quy mô và cơ cấu sử dụng năng lượng sơ cấp (NLSC) năm 2016 (%):

Tên nước

Tổng năng lượng sơ cấp (TOE)

% trên tổng số thế giới

Tỷ trọng trên tổng số (%)

Dầu

Khí tự nhiên

Than

Nguyên tử

Thủy điện

năng lượng tái tạo

Việt Nam

64,8

0,49

31,02

14,81

32,87

-

21,14

0,15

Thái Lan

123,8

0,93

47,66

35,14

14,3

-

0,65

2,26

 

Qua số liệu nêu trên cho thấy, quy mô sử dụng NLSC của Thái Lan cao gần gấp đôi Việt Nam (tính theo bình quân đầu người thì cao gấp khoảng 2,7 lần - điều đó hoàn toàn phù hợp với quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế Thái Lan lớn và cao hơn của Việt Nam, GDP bình quân đầu người của Thái Lan cao gấp khoảng 2,7 lần của Việt Nam). Về cơ cấu NLSC của Thái Lan: dầu và khí đốt là chính (tổng cộng chiếm gần 73%, than có vai trò đáng kể, chiếm tới 14,3%; còn của Việt Nam thì than, dầu, thủy điện là chính (tổng cộng chiếm tới 84%), khí đốt có vai trò đáng kể, chiếm tới 14,81%; cả Thái Lan và Việt Nam đều chưa có năng lượng và điện nguyên tử (hạt nhân).   

2/ Trữ lượng, sản lượng và tiêu thụ dầu năm 2016: Trữ lượng của Thái Lan 0,4 và Việt Nam 4,4 tỷ thùng; sản lượng của Thái Lan 17,6 và Việt Nam 16,0 triệu tấn; sử dụng dầu của Thái Lan 59,0 và Việt Nam 20,1 triệu tấn. 

3/ Trữ lượng, sản lượng và tiêu thụ khí năm 2016: của Thái Lan tương ứng là: 200 tỷ m3; 38,6 tỷ m3 và 48,3 tỷ m3 (nhập khẩu khoảng 10 tỷ m3); của Việt Nam: 600 tỷ m3; 10,7 tỷ m3 và 10,7 tỷ m3. Thái Lan từ trước đã khai thác và nhập khẩu khí thiên nhiên từ các nước trong khu vực, còn Việt Nam có ngành khai thác khí và nhiệt điện khí phát triển rất muộn so với Thái Lan và hiện đang trên đường phát triển - với trữ lượng hiện có và mục tiêu khai thác, sử dụng khí (nhiệt điện khí và các mục đích sử dụng khác) đã đề ra thì trữ lượng khí của Việt Nam chỉ có thể khai thác trong khoảng 30-35 năm.

4/ Trữ lượng, sản lượng và sử dụng than năm 2016: của Thái Lan tương ứng là: 1.063 triệu tấn; 4,3 triệu TOE; 17,7 triệu TOE; của Việt Nam: 3.360 triệu tấn; 22,0 triệu TOE; 21,3 triệu TOE. Tỷ trọng than trong tổng sử dụng NLSC của Việt Nam (bằng 32,87%) tuy cao hơn Thái Lan (bằng 14,3%), nhưng số tuyệt đối sản lượng than sử dụng thì chỉ là 21,3 triệu TOE, chỉ cao hơn 3,6 triệu TOE so với Thái Lan (17,7 triệu TOE) - tức cao hơn 20,3%, trong khi dân số Việt Nam cao hơn 40,9%.

Như vậy, tính theo đầu người thì Thái Lan sử dụng than nhiều hơn Việt Nam khoảng 20%, mặc dù trữ lượng và sản lượng than của Thái Lan quá thấp so với Việt Nam. Năm 2016 Việt Nam xuất khẩu than 0,7 triệu TOE, còn Thái Lan nhập khẩu than 13,4 triệu TOE (tương đương khoảng gần 30 triệu tấn than tự nhiên).

Thực tế cho thấy, Thái Lan cũng rất quan tâm sử dụng than và nhập khẩu than để sử dụng (hiện nay Thái Lan chiếm tới 4% sản lượng than xuất khẩu của In-đô-nê-xia) [3].

Qua những phân tích nêu trên cho thấy, Thái Lan và Việt Nam có những đặc điểm khác nhau về quy mô, trình độ phát triển kinh tế, về tiềm năng tài nguyên năng lượng cũng như điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng dầu mỏ, khí đốt và than trong khu vực, điều đó đã dẫn đến quy mô, trình độ phát triển và cơ cấu ngành năng lượng của 2 nước có những khác biệt nhất định. Song, Thái Lan và Việt Nam có điểm chung là đều phát triển phù hợp với tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng và điều kiện thực tế của mỗi nước.

Ngoài ra, đối với Việt Nam có giá thành nhiệt điện khí hiện nay còn thấp là vì khí cho nhiệt điện khí hiện nay khai thác được trong nước, nhưng nếu nhập khẩu khí để sản xuất điện chắc chắn sẽ đắt hơn.

Việc nhập khẩu khí với khối lượng lớn để sản xuất điện là hết sức khó khăn và rất đắt nếu không nói là không thể được. Vì rằng, trữ lượng khí của các nước châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2016 chỉ khoảng 17.500 tỉ m3, chiếm 9,4% của toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc, Úc, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia. Năm 2016 sản lượng khí của châu Á - Thái Bình Dương là 579,9 tỷ m3, trong khi tiêu thụ 722,5 tỷ m3. Như vậy, phải nhập khẩu từ ngoài vào 142,6 tỷ m3.

Trong khu vực chỉ có Úc, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia xuất khẩu khí đốt, nhưng khối lượng không lớn. Cụ thể, Úc 50 tỷ m3, In-đô-nê-xia 32 tỷ m3, Ma-lai-xia 31 tỷ m3, trong khi đa phần là các nước nhập khẩu với khối lượng lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan - các nước này đều đã chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khí của 3 nước trong khu vực.

Tóm lại, về ý kiến đặt vấn đề "tại sao Việt Nam không chọn nhiệt điện khí như Singapore và Thái Lan" là không có cơ sở, không đúng và không phù hợp với thực tế.    

Về ý kiến: "Nếu chuyển hướng ưu tiên đầu tư năng lượng sạch, loại bỏ nhiệt điện than" - Thực hư vấn đề này thế nào?

Về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam (trong bài này để đảm bảo tính so sánh với các nước, NLTT sẽ không kể thủy điện mà chỉ bao gồm năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt,...).

"Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" được phê duyệt tại Quyết định số 2068/2015/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu là tăng tổng các nguồn NLTT sản xuất, sử dụng từ khoảng 25 triệu TOE năm 2015 lên khoảng 37 tiệu TOE năm 2020, khoảng 62 triệu TOE vào năm 2030 và 138 triệu TOE vào năm 2050.

Theo đó, tỷ lệ NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp (NLSC) năm 2015 đạt 31,8%, năm 2020 đạt khoảng 31%; năm 2030 đạt 32,3% và năm 2050 đạt khoảng 44,0 %. Nếu không kể thủy điện thì sản lượng và tỷ trọng NLTT trong tổng tiêu thụ NLSC tương ứng với từng năm sẽ là: năm 2015: 12,3 triệu TOE và 15,5%; năm 2020: 16,5 triệu TOE và 13,8%; năm 2030: 40,2 triệu TOE và 20,9%.

Đặc biệt, Chiến lược cũng đã đề ra mục tiêu giảm 40 triệu tấn than cho mục đích năng lượng vào năm 2030 (so với Chiến lược năng lượng phê duyệt theo Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg và Quy hoạch phát triển điện phê duyệt theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg).

Tiếp theo, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) 428/2016 đã đề ra một trong những quan điểm phát triển ngành điện Việt Nam là "Sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện". Trên tình thần đó định hướng và mục tiêu phát triển sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo như sau:

Về sản xuất điện từ nguồn NLTT: Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030. Trong đó,

1/ Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.

2/ Phát triển điện sử dụng nguồn năng lượng sinh khối: Đồng phát điện tại các nhà máy đường, nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm; thực hiện đồng đốt nhiên liệu sinh khối với than tại các nhà máy điện than; phát điện từ chất thải rắn, vv... Tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng sinh khối đạt khoảng 1% vào năm 2020, khoảng 1,2% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.

3/ Đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời (bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà). Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% vào năm 2020, khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030.

Tổng cộng sản lượng điện sản xuất từ 3 nguồn NLTT nêu trên đến năm 2020 chiếm khoảng 2,3% (tương ứng 6,1 - 6,4 tỷ kWh), đến năm 2025 chiếm 3,8% (tương ứng 15,2 - 16,4 tỷ kWh) và đến năm 2030 chiếm khoảng 7,5% (tương ứng 42,9 - 47,4 tỷ kWh).

Để thực hiện mục tiêu, định hướng nêu trên, không những trong Chiến lược và Quy hoạch mà trong thực tế Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, bao gồm chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư, chính sách giá cả, ưu đãi về thuế, phí, sử dụng đất, vv... nhằm khuyến khích các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NLTT và sản xuất điện từ các nguồn NLTT.

Như vậy, Việt Nam đã có mục tiêu và định hướng cụ thể, rõ ràng và tích cực về phát triển NLTT nói chung và sản xuất điện từ các nguồn NLTT nói riêng. Theo đó, sản lượng điện từ NLTT từ mức không đáng kể hiện nay sẽ tăng lên 6,1 - 6,4 tỷ kWh vào năm 2020, lên 15,2 - 16,4 tỷ kWh vào năm 2025 (tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2020) và lên 42,9 - 47,4 tỷ kWh vào năm 2030 (tăng khoảng gần 3 lần năm 2025).

Vì rằng, hiện nay Việt Nam chưa điều tra, đánh giá đầy đủ, sát thực tiềm năng trữ lượng các nguồn NLTT sẵn có trong nước cho nên chưa thể đánh giá mục tiêu và định hướng nêu trên đã phát huy hết tiềm năng các nguồn NLTT sẵn có hay chưa, nhưng có thể xem xét, đánh giá trên cơ sở so sánh với thực tế nước ngoài cho thấy: theo [1] tỷ lệ NLTT trong tổng NLSC của toàn thế giới năm 2016 là 3,16%. Trong đó, chỉ có LB Đức đạt 11,75%, còn các cường quốc đều dưới 5%. Ví dụ như: Nhật Bản 4,22%, Úc 3,91%, Mỹ đạt 3,69%, Trung Quốc 2,82%, Ấn Độ 2,28%, Hàn Quốc 1,50%, Đài Loan  0,89%, vv... Trong các nước ASEN chỉ có Phi-líp-pin đạt 7,36%, còn Thái Lan đạt 2,26%, In-đô-nê-xia 1,49%, Ma-lai-xia 0,3%.

Qua đó có thể thấy, mục tiêu và định hướng phát triển NLTT của Việt Nam với mức tăng trưởng đề ra cho năm 2020, 2025 và 2030 so với thực tế trong nước thời gian qua và thực tế của các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới thì mức tăng trưởng đó là rất cao, còn định hướng phát triển là rất táo bạo.

Chưa kể từ nay đến thời điểm đã định hướng, sau khi có kết quả điều tra, đánh giá đầy đủ, chính xác tiềm năng trữ lượng các nguồn NLTT trong nước và những thành tựu khoa học công nghệ mới của thế giới trong lĩnh vực NLTT chắc chắn Việt Nam sẽ còn tăng cường đầu tư phát triển mạnh hơn nữa trong khai thác, sản xuất, sử dụng NLTT nói chung, cũng như nguồn điện từ NLTT nói riêng.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, từ kinh nghiệm thực tế thời gian qua ở trong nước, cũng như trên thế giới cho thấy: việc phát triển NLTT nói chung và nguồn điện từ NLTT nói riêng do nhiều nguyên nhân nên gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đúng là "nói thì dễ, nhưng làm lễ thì khó" - nhất là năng lượng gió, năng lượng mặt trời quá phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, địa hình, vị trí địa lý, ban đêm, ban ngày, vv... Do vậy, trong giai đoạn trước mắt, chí ít đến năm 2030 nguồn NLTT chủ yếu chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu tăng thêm và thay thế phần nào năng lượng truyền thống chứ không thể giữ vai trò chính trong hệ thống năng lượng nói chung, năng lượng sơ cấp nói riêng cả trên thế giới và ở Việt Nam.

Ví dụ ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân nên kết quả thực hiện Chiến lược phát triển NLTT và Quy hoạch phát triển nguồn điện từ NLTT còn hết sức hạn chế. Cụ thể là tổng sản lượng nguồn điện gió và sinh khối (bã mía) năm 2016 mới chỉ đạt 343,5 triệu kWh. Trong đó, Nhà máy Phong điện 1 Bình Thuận (45,29 triệu kWh), Nhà máy điện gió Bạc Liêu (156,67 triệu kWh), Nhà máy Điện gió Phú Lạc (15,5 triệu kWh), Nhiệt điện Mía đường Lam Sơn (25,54 triệu kWh), Nhiệt điện Mía đường Thành Thành Công  - Tây Ninh (35,27 triệu kWh), Nhiệt điện Ninh Hòa (30,07 triệu kWh)Nhiệt điện Mía đường Sóc Trăng (6,69 triệu kWh)Nhiệt điện bã mía Ayun Pa - Gia Lai (0,94 triệu kWh)Nhiệt điện Mía đường Nghệ An (4,77 triệu kWh)Nhiệt điện Mía đường Khánh Hòa (3,82 triệu kWh), vv... [4].

Tóm lại, hiện chúng ta chưa có nhà máy nào đạt sản lượng quá 200 triệu kWh.

Đón đọc kỳ tới: Trao đổi về bài viết "Nhiệt điện than giá rẻ, thật sao?" của Nguyễn Đăng Anh Thi [Phần 2]

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM     

Tài liệu tham khảo:

1. BP Statistical Review of World Energy June 2017.

2. PGS.TS. Trương Duy Nghĩa: Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường. (Kỷ yếu hội thảo "Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam" do Ủy ban KH-CN-MT Quốc hội và Hội KHKT Nhiệt Việt Nam tổ chức ngày 29/8/2017).

3. Phan Ngô Tống Hưng: Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam. (Năng lượng Việt Nam Online 7.30h ngày 18/8/2017).

4. Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của EVN.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động