RSS Feed for Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 4] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 01:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 4]

 - Để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, xét trên bình diện toàn cầu đặt ra đối với Việt Nam chỉ là tham gia cho có "phong trào" và thể hiện trách nhiệm chung, chứ với quy mô lượng phát thải thì chúng ta có giảm hết phát thải khí nhà kính cũng chẳng ảnh hưởng gì đáng kể đến thực trạng khí nhà kính hiện nay của thế giới. Theo chúng tôi, nhiệm vụ đó chủ yếu đặt ra trước hết cho Trung Quốc, Mỹ, tiếp theo là các nước công nghiệp phát triển. Nhưng trên thực thế, khi mới nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã nhận ra cách giải quyết sự chênh lệch giàu - nghèo ở Mỹ, mà trước hết là bằng cách đáp ứng công ăn việc làm và cung cấp nguồn năng lượng giá rẻ cho người nghèo. Theo đó, việc phát triển nguồn năng lượng từ than đã được khôi phục ở Mỹ. Còn gần đây nhất, chính Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận biến đổi khí hậu COP21-Pari và hủy bỏ quy định hạn chế khai thác than, dầu... Liên hệ với những phản ứng trên công luận về nhiệt điện than ở Việt Nam, thì phải chăng, nước Mỹ đã sai lầm và không biết "nhìn xa, trông rộng" (?)

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết)
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 1]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 2]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 3]

KỲ 4: PHÁT TRIỂN NHIỆT ĐIỆN THAN LÀ CẦN THIẾT VÀ KHẢ THI NHẤT [PHẦN 2]

Trong phần 2 của bài viết, chúng tôi xin trao đổi lại với tác giả Nguyễn Đăng Anh Thi về các câu hỏi: Liệu có thể loại bỏ nhiệt điện than được hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu nguồn nhập khẩu bị tắc nghẽn, hoặc than tăng giá không kiểm soát được? An ninh năng lượng quốc gia sẽ được kiểm soát sao đây?...

"Liệu có thể loại bỏ nhiệt điện than được hay không?"

Theo dự tính trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) 428/2016, để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu phải đạt đến: năm 2020 khoảng 265 - 278 tỷ kWh; năm 2025 khoảng 400 - 431 tỷ kWh và năm 2030 khoảng 572 - 632 tỷ kWh.

Để đáp ứng nhu cầu đó, ngoài mục tiêu phát triển nhiệt điện khí và điện từ các nguồn NLTT như đã nêu trong (Kỳ 3), Quy hoạch còn đề ra mục tiêu phát triển thủy điện. Cụ thể, tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng) từ gần 17.000 MW hiện nay lên khoảng 21.600 MW vào năm 2020, khoảng 24.600 MW vào năm 2025 (thủy điện tích năng 1.200 MW) và khoảng 27.800 MW vào năm 2030 (thủy điện tích năng 2.400 MW). Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng khoảng 29,5% vào năm 2020, khoảng 20,5% vào năm 2025 và khoảng 15,5% vào năm 2030.

Trong Quy hoạch cũng đề ra phát triển điện hạt nhân đến năm 2030 đạt sản lượng chiếm 5,7%, nhưng hiện nay Quốc hội đã quyết định tạm dừng triển khai thực hiện điện hạt nhân.

Như vậy, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn NLTT, thủy điện các loại và nhiệt điện khí khả dĩ có thể làm được đến năm 2020 chỉ đạt khoảng 128 tỷ kWh, bằng 48,3% tổng sản lượng điện cần sản xuất đáp ứng nhu cầu; năm 2025 đạt khoảng 174 tỷ kWh, bằng 43,4%; năm 2030 đạt khoảng 228 tỷ kWh, bằng 39,9%. 

Vậy, còn lại hơn một nửa sản lượng điện theo nhu cầu phải đáp ứng từ nguồn nào? 

1/ Từ nguồn điện nhập khẩu: Ngoài lý do hạn chế về nguồn, còn có lý do về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cho nên sản lượng điện từ nguồn này cũng chỉ hạn chế ở mức nhất định có thể chấp nhận được. Theo đó Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã đề ra mục tiêu về điện nhập khẩu đến năm 2020 là 2,4% (khoảng 6,4 tỷ kWh); năm 2025: 1,6% (khoảng 6,4 tỷ kWh); năm 2030: 1,2% (khoảng 6,9 tỷ kWh).

2/ Điện từ nhiệt điện dầu: Do những hạn chế về tiềm năng tài nguyên và nguồn cung dầu, chi phí cho nên đối với Việt Nam điện từ nguồn này không thể phát triển nhiều được mà chỉ ở quy mô dự phòng cho hệ thống điện.

3/ Tăng cường tiết kiệm điện trong quá trình sử dụng: Nguồn tiềm năng này đã được Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) tính đến khi xác định nhu cầu điện năng.

Qua phân tích nêu trên cho thấy, chí ít đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế, Việt Nam không còn con đường nào khác là phải tăng cường phát triển nhiệt điện than và đó là con đường tất yếu, khả thi nhất.     

Căn cứ vào tiềm năng nguồn tài nguyên than trong nước và khả năng nhập khẩu than, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) 428/2016 đã đề ra mục tiêu và định hướng phát triển nhiệt điện than là: Khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc. Đến năm 2020, tổng công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất khoảng 47.600 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than; năm 2030, tổng công suất khoảng 55.300 MW, sản xuất khoảng 304 tỷ kWh, chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than.

Như vậy so với Quy hoạch điện VII phê duyệt theo Quyết định số 1208/2011/QĐ-TTg thì nhiệt điện than theo Quy hoạch điều chỉnh 428/2016 đã đạt mục tiêu giảm 40 triệu tấn than cho mục đích năng lượng vào năm 2030 đề ra trong "Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" được phê duyệt tại Quyết định số 2068/2015/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển nhiệt điện than nêu trên, đến năm 2030 vẫn còn thiếu khoảng 5,7% nhu cầu điện do dừng thực hiện điện hạt nhân. Cứ cho rằng, phần thiếu hụt này sẽ được đáp ứng từ việc tăng cường các nguồn điện ngoài than, chủ yếu là từ nguồn tiết kiệm và điện từ NLTT.

Ngoài nhu cầu than cho sản xuất điện còn có nhu cầu than cho các mục đích sử dụng khác. Theo dự báo trong Quy hoạch điều chỉnh "Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030" phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tổng nhu cầu than của nền kinh tế quốc dân, bao gồm cho cả sản xuất điện (triệu tấn): đến năm 2020: 86,4; năm 2025: 121,5; năm 2030: 156,6.

Có thể nói, định hướng phát triển nhiệt điện than nêu trên là cần thiết và hoàn toàn có thể chấp nhận được xét trên mọi phương diện: nhu cầu điện, mức sử dụng than, vai trò của than trong đảm bảo an ninh năng lượng và mức phát thải khí nhà kính (CO2) của Việt Nam.

Chẳng hạn, đến 2016 sản lượng điện bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 1.995 kWh, bằng 56,65% bình quân của thế giới và 69% bình quân của Thái Lan [1]; đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 4.500 kWh/người, chỉ cao hơn khoảng 35% so với bình quân của thế giới năm 2016, khi đó tỉ trọng nhiệt điện than chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện sản xuất, vẫn còn rất thấp so với nhiều nước hiện nay. Ví dụ như: Nam Phi 93,8%, Ba Lan 86,7%, Trung Quốc 79%, Hồng Kông 71,2%, Úc 68,6%, Ấn Độ 67,9%, vv... [2].

Hoặc mức sử dụng than tính theo bình quân đầu người năm 2016 của Việt Nam là 0,23 TOE, bằng 45,7% bình quân của thế giới và rất thấp so với Úc, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, vv... Kể cả sau khi các nước này giảm sử dụng than theo mục tiêu đã đề ra [1], và với nhu cầu than dự báo nêu trên thì đến năm 2030 mức tiêu hao than bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với mức hiện nay của Nhật Bản, chỉ bằng khoảng một nửa của Hàn Quốc, Đài Loan là những nước không có, hoặc có tài nguyên than không đáng kể.

Hoặc tổng phát thải khí CO2 năm 2016 của Việt Nam là 167 triệu tấn, chiếm 0,5% của thế giới và chỉ bằng 40% bình quân đầu người của thế giới và rất thấp so với các nước công nghiệp phát triển, chỉ bằng 10,9% bình quân đầu người của Mỹ [1].

Vấn đề giảm thiểu khí nhà kính, để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu xét trên bình diện toàn cầu đặt ra đối với Việt Nam chỉ là tham gia cho có "phong trào" và thể hiện trách nhiệm chung, chứ với quy mô lượng phát thải của mình thì Việt Nam có giảm hết phát thải khí nhà kính cũng chẳng ảnh hưởng gì đáng kể đến thực trạng khí nhà kính hiện nay của thế giới. Theo chúng tôi, nhiệm vụ đó chủ yếu đặt ra trước hết cho Trung Quốc, Mỹ, tiếp theo là các nước công nghiệp phát triển.

Thế nhưng, trên thực tế như chúng ta đã chứng kiến, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua đã tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận biến đổi khí hậu COP21-Pari và hủy bỏ quy định hạn chế khai thác than, dầu. Còn trước đó, khi mới nhậm chức - Tổng thống Donald Trump đã nhận ra cách giải quyết sự chênh lệch giàu - nghèo ở Mỹ mà trước hết là bằng cách đáp ứng công ăn việc làm và cung cấp nguồn năng lượng giá rẻ cho người nghèo. Theo đó, việc phát triển nguồn năng lượng từ than đã được khôi phục ở nước Mỹ. Do vậy, Việt Nam cũng cần suy nghĩ về điều đó một cách nghiêm túc.

Nói như vậy không có nghĩa là việc phát triển nhiệt điện than sắp tới cứ làm theo cách cũ mà phải triệt để quan tâm đến việc giảm thiểu tác động môi trường của nhiệt điện than trên cơ sở xây dựng các nhà máy nhiệt điện than theo hướng sử dụng công nghệ mới tiên tiến hiện đại, nâng cao hiệu suất sử dụng than, giảm tiêu hao than, giảm thiểu phát thải tro xỉ, bụi, khí thải, tăng cường áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt là nghiên cứu và có chính sách tích hợp thực hiện tái chế, sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng, hạn chế diện tích đổ thải tro xỉ, vv... theo đúng tinh thần tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Còn về sự lo ngại đối với phát triển nhiệt điện than: "Điều gì sẽ xảy ra nếu nguồn nhập khẩu bị tắc nghẽn, hoặc than tăng giá không kiểm soát được? An ninh năng lượng quốc gia sẽ được kiểm soát sao đây?"

Cần phải lưu ý rằng, trên đời này mọi thứ đều có rủi ro. Vấn đề là phải có chiến lược phòng ngừa và quản trị rủi ro tốt, nhất định "trong cái khó sẽ ló cái khôn". 

Đành rằng, phát triển nhiệt điện than có thể có những rủi ro nêu trên, tuy nhiên, phát triển nhiệt điện khí, điện từ nguồn NLTT, vv... cũng vậy, thậm chí mức độ rủi ro còn cao hơn, khó giải quyết hơn. Nhưng tuyệt nhiên, Không ai đánh đổi tiền thật để lấy một thứ... vô hình và trong hoàn cảnh của Việt Nam thì càng phải cân nhắc thận trọng.

Theo chúng tôi, để phòng ngừa rủi ro đối với nhiệt điện than, trước hết phải tăng cường khai thác nguồn than trong nước để tạo thế chủ động, nâng cao mức tự chủ. Tiếp đến là phải lập hệ thống kho dự trữ than quốc gia một cách thích hợp (tương tự như hệ thống dự trữ dầu); đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu; thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về phục vụ trong nước, xây dựng chiến lược ngoại giao năng lượng bền chặt với các nước có tiềm năng tài nguyên năng lượng, vv... (tương tự như các nước trong khu vực và trên thế giới đang làm).    

Đón đọc kỳ tới: Nhiệt điện than đương đại và xu hướng hoàn thiện [Phần 1]

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM                     

Tài liệu tham khảo:

1. BP Statistical Review of World Energy June 2017.

2. PGS.TS. Trương Duy Nghĩa: Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường. (Kỷ yếu hội thảo "Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam" do Ủy ban KH-CN-MT Quốc hội và Hội KHKT Nhiệt Việt Nam tổ chức ngày 29/8/2017).

3. Phan Ngô Tống Hưng: Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam. (Năng lượng Việt Nam Online 7.30h ngày 18/8/2017).

4. Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của EVN.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động