RSS Feed for Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 10:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

 - Theo các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện về lý thuyết khá lớn, với tổng công suất lắp máy (Nlm) khoảng 35.000 MW và điện lượng bình quân năm (Eo) khoảng 300 tỷ kWh. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế - kỹ thuật và môi trường - xã hội (còn gọi là tiềm năng kinh tế), chỉ có thể khai thác được khoảng 26.000 MW, với Eo đạt khoảng 100 tỷ kWh. Đây là tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý.

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 1)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 2)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 3)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 4)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 5)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 6)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 7)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 8)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 9)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 10)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 11)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 12)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 13)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 14)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 15)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 16)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 17)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 18)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 19)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 20)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 21)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 22)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 23)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 24)

BÀI 25 (TẠM KẾT): CẦN KHAI THÁC HỢP LÝ NGUỒN THỦY NĂNG VIỆT NAM

Tổng quan tiềm năng và quá trình phát triển thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam

Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên lượng mưa bình quân năm khá cao từ 1600-2000 mmm, chủ yếu tập trung trong mùa mưa, với tổng lượng nước chiếm tới 70-80%, thường gây ra lũ lụt. Với 3/4 lãnh thổ là địa hình đồi núi, phân cắt mạnh, nước ta cũng có hệ thống sông ngòi dày đặc với hơn 3.450 sông, suối lớn nhỏ (trong đó có 2.360 sông dài trên 10 km).

Với đặc điểm trên, các nghiên cứu đến năm 2005 cho thấy, nước ta có tiềm năng thủy điện về lý thuyết khá lớn với tổng công suất lắp máy (Nlm) khoảng 35.000 MW và điện lượng bình quân năm (Eo) khoảng 300 tỷ kWh.

Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế - kỹ thuật và môi trường - xã hội (còn gọi là tiềm năng kinh tế), chỉ có thể khai thác được khoảng 26.000 MW với Eo đạt khoảng 100 tỷ kWh. Đây là tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý.

Có thể nói, quá trình phát triển thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam phân thành hai gia đoạn rõ rệt và có sự phát triển tương đối khác biệt.

Một là: Giai đoạn trước năm 2000. Trong giai đoạn này thủy điện vừa và nhỏ chưa được quan tâm đầu tư xây dựng vì đang tập trung vào quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện có quy mô vừa và lớn.

Mặt khác, do hệ thống lưới điện và điều độ vận hành chưa thuận lợi, giao thông đến các dự án khó khăn, nhu cầu dùng điện tại các tỉnh miền núi còn thấp, chưa chủ động về thiết kế, thi công xây dựng công trình, thiết bị còn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành cao... Hơn nữa các chính sách pháp luật chưa được ban hành đầy đủ, có hệ thống, chưa khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư.

Hai là: Giai đoạn sau năm 2000. Trong giai đoạn này, sau khi tiềm năng thủy điện trên các sông suối đã cơ bản được quan tâm nghiên cứu và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời, các quy định pháp luật liên quan như: Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, các nghị định, thông tư hướng dẫn lần lượt được hoàn thiện và ban hành đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để khuyến khích sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế.

Cạnh đó, nhu cầu điện tăng cao theo quá trình phát triển nền kinh tế thời kỳ đổi mới, hệ thống lưới điện, giao thông phát triển, thuận lợi hơn, vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu xây dựng thủy điện nhỏ. Các cơ quan tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng trong nước đã có kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ để chủ động thực hiện các dự án thủy điện, đã thiết kế và chế tạo được thiết bị cơ khí thủy công ở trong nước, thiết bị cơ điện nhập khẩu cạnh tranh, giá cả hợp lý hơn.

Chủ trương phát triển và hiện trạng quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ

Căn cứ pháp luật, để hướng dẫn thực hiện và kêu gọi đầu tư các dự án điện, từ năm 2002, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập (IPP). Từ năm 2012 đến nay đã được thay thế bởi Thông tư 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện.

Có thể nói, sự ra đời của Thông tư số 43/2012/TT-BCT đã cơ bản giải quyết cơ bản các vướng mắc trong công tác quản lý, lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và hướng dẫn đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án, công trình thủy điện, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý theo thẩm quyền từ Bộ Công Thương đến các địa phương.

Theo Thông tư số 43/2012/TT-BCT, việc nghiên cứu lập quy hoạch bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông chính và việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thủy điện trên địa bàn cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, việc nghiên cứu, lập quy hoạch thủy điện trên các lưu vực sông nhánh thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.

Ngoài ra, các thành phần kinh tế trong xã hội cũng được chính quyền tạo điều kiện và cho phép nghiên cứu lập quy hoạch các dự án thủy điện để đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ theo đúng các quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định rõ ràng các tiêu chí về môi trường - xã hội, diện tích chiếm đất, sự phù hợp với quy hoạch điện lực, các quy định liên quan đến công tác lựa chọn chủ đầu tư và công tác lập, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện...

Bộ Công Thương ban hành mẫu Hợp đồng để áp dụng thống nhất cho các nhà máy phát điện. Hàng năm, Cục Điều tiết Điện lực (thuộc Bộ Công Thương) ban hành Biểu giá chi phí tránh được - giá bán điện được phân chia theo mùa (mùa khô, mùa mưa) và theo giờ trong ngày (cao điểm, bình thường, thấp điểm) trên cơ sở chi phí tránh được của hệ thống điện.

Đến nay, qua các nghiên cứu quy hoạch do Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp) và UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo lập, có 824 dự án thủy điện với tổng Nlm = 24.778 MW nằm trong quy hoạch, đạt đến 95,3% về công suất so với tiềm năng kinh tế.

Trong số đó, đã vận hành khai thác 343 dự án với tổng Nlm = 17.987 MW (bằng 72,59% công suất quy hoạch); đang thi công xây dựng 165 dự án với tổng Nlm = 3.348 MW (13,51% công suất quy hoạch); đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 260 dự án với tổng Nlm = 3.050 MW (12,31% công suất quy hoạch). Còn lại 56 dự án với tổng Nlm = 393,5 MW (1,59% công suất quy hoạch) chưa có chủ trương đầu tư.

Theo Quyết định số 2394/QĐ-BCT ngày 1 tháng 9 năm 2006 của Bộ Công nghiệp về phân ngưỡng thủy điện thì các công trình, dự án thủy điện nhỏ có Nlm nằm trong phạm vi từ 1 MW đến 30 MW. Với tiêu chí này, cả nước hiện có 714 dự án thủy điện nhỏ với tổng Nlm = 7.238 MW nằm trong quy hoạch. Trong đó, đã vận hành khai thác 270 dự án với tổng Nlm =  2.767,7 MW (38,2% công suất quy hoạch); đang thi công xây dựng 141 dự án với tổng Nlm = 1.739 MW (24% công suất quy hoạch); đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 250 dự án với tổng Nlm = 2.466 MW (34,1% công suất quy hoạch). Còn lại 53 dự án với tổng Nlm = 265,5 MW (3,7% công suất quy hoạch) chưa có chủ trương đầu tư.

Năm 2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Tiếp đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội.

Thực hiện các nghị quyết nêu trên, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh cũng đã loại bỏ 468 dự án, vị trí tiềm năng thủy điện với tổng Nlm = 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội (chủ yếu là thủy điện nhỏ, bình quân 4,4 MW/dự án).

Với các số liệu nêu trên cho thấy, tiềm năng thủy điện của nước ta về cơ bản đã được quy hoạch (đạt đến 95,3% tổng công suất tiềm năng kinh tế); các dự án đã hoàn thành và đang thi công xây dựng cũng đạt 86,1% công suất quy hoạch.

Hiện nay, cả nước còn 316 dự án đã quy hoạch với tổng Nlm = 3.443 MW chưa thực hiện đầu tư, trong đó chủ yếu là thủy điện nhỏ (303 dự án, công suất 2.731 MW).

Những thuận lợi 

1/ Hệ thống văn bản pháp luật (quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đảm bảo môi trường,...) là tương đối hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, nâng cao năng lực cho công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện.

2/ Chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ hầu hết là các doanh nghiệp ngoài nhà nước (theo hình thức IPP tại Quyết định số 50/2002/QĐ-BCN ngày 25/11/2002 của Bộ Công nghiệp) cơ chế này đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển nguồn điện (trong đó thủy điện được quan tâm nhất), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.

Hiện nay, các nhà máy thủy điện nhỏ đã vận hành đang đóng góp khoảng 6,6% công suất lắp đặt và 5,4% điện lượng cho hệ thống điện.

3/ Hệ thống lưới điện, giao thông phát triển, thuận lợi hơn cho đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ.

4/ Các cơ quan tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng đã có kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ để chủ động thực hiện các dự án thủy điện.

5/ Đã thiết kế và chế tạo được thiết bị cơ khí thủy công ở trong nước; thiết bị cơ điện nhập khẩu cạnh tranh, giá cả hợp lý hơn; nguồn cung cấp vật liệu xây dựng dồi dào, phong phú đáp ứng đủ nhu cầu.

6/ Nhận thức của các nhà đầu tư về công tác quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo môi trường và thực hiện các quy định về thuế tài nguyên nước, trồng bù rừng,... ngày càng được nâng cao.

7/ Các chi phí vận hành, bảo dưỡng hàng năm là rất thấp, so với vốn đầu tư và thấp hơn nhiều các nhà máy điện khác; là nguồn cung ứng linh hoạt, bởi khả năng điều chỉnh công suất. Nhờ công suất phủ đỉnh của thủy điện, có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền bởi các nguồn kém linh hoạt hơn (như các nhà máy nhiệt điện, hoặc điện hạt nhân).

8/ Các dự án thủy điện nhỏ được xây dựng phân tán rải rác sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình điện khí hoá nông thôn tại các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người.

9/ Việc xây dựng hệ thống hồ chứa thủy điện trên các sông suối sẽ góp phần chậm lũ, giảm lũ vào mùa lũ và góp phần cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, cấp nước tưới - sinh hoạt cho bà con vùng cao vào mùa cạn mà không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng không làm biến đổi các đặc tính của dòng nước sau khi chảy qua tua bin.

10/ Đóng góp của các nhà máy thủy điện vào ngân sách nhà nước ngày càng cao (thông qua các khoản như thuế VAT, phí dịch vụ môi trường rừng, thuế tài nguyên nước, thuế thu nhập doanh nghiệp,...), tạo đà cho phát triển công nghiệp tại các địa phương, phát triển thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống của bà con miền núi, đặc biệt là các tỉnh nghèo miền núi phía Bắc. (Theo báo cáo của một số tỉnh, nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn các huyện nghèo từ thủy điện chiếm 30-40% nguồn thu của địa phương). Vì vậy, đã tạo được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân và chính quyền địa phương nơi xây dựng thủy điện.

Những khó khăn

1/ Công tác nghiên cứu, lập quy hoạch tại một số địa phương còn thuần tuý dựa trên đề xuất của các doanh nghiệp mà chưa có cách tiếp cận, nghiên cứu tổng thể về khai thác tiềm năng thuỷ điện, chưa thực sự phù hợp với quy hoạch điện lực của tỉnh và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

2/ Việc quản lý chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình thủy điện nhỏ vẫn còn tồn tại một số bất cập (khảo sát địa chất không đầy đủ, chính xác; thiết kế chưa tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; biện pháp tổ chức và tiến độ thi công xây dựng công trình chưa đảm bảo an toàn,...) dẫn đến một số sự cố, hoặc phát sinh cần xử lý, khắc phục để đảm bảo an toàn cho công trình.

3/ Các dự án thủy điện hầu hết được đầu tư xây dựng tại các huyện miền núi xa trung tâm, có địa hình đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa lũ nên rất khó khăn và gặp nhiều rủi ro không lường trước trong việc thi công xây dựng công trình.

4/ Tiến độ xây dựng thủy điện phải đồng bộ với tiến độ xây dựng của các quy hoạch khác có liên quan, tuy nhiên hiện nay tại một số địa phương, tuy đã có quy hoạch lưới điện, giao thông, hạ tầng một cách đồng bộ nhưng do thiếu vốn, hoặc phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng của các dự án thủy điện.

5/ Để xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ, đã phải thu hồi khá nhiều diện tích đất, bình quân 1 MW chiếm dụng khoảng 7,41 ha (trong đó gồm 0,078 ha đất ở, 0,256 ha đất trồng lúa, 0,808 ha đất trồng màu, 2,726 ha đất rừng, 1,507 ha đất mặt nước sông suối và các loại đất khác) và phải di dời, tái định cư 0,16 hộ dân.

6/ Các tác động của việc xây dựng thủy điện đến môi trường sinh thái trong giai đoạn xây dựng (chế độ thủy văn, chất lượng nước, xói lở đất, bụi đất xây dựng, tiếng ồn,...) chưa được chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương quan tâm giám sát chặt chẽ. Việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công và vận hành công trình thủy điện, mặc dù góp phần tăng cường kết nối giao thông nhưng cũng tạo cơ hội cho lâm tặc sử dụng để tiếp cận khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

7/ Hầu hết cán bộ chuyên môn tại các Sở Công Thương còn thiếu và chưa đúng chuyên môn công tác nên việc thẩm định hồ sơ quy hoạch, đánh giá chất lượng xây dựng,... chưa được thực hiện một cách bài bản, còn nhiều thiếu sót dẫn đến chất lượng quản lý chưa cao. Một số dự án còn chồng lấn phạm vi khai thác, mâu thuẫn về khai thác nguồn nước và chưa phù hợp với các quy hoạch liên quan khác như: thủy lợi, giao thông, du lịch, điện lực, hoặc hiệu quả kinh tế còn thấp,...

8/ Trong quá trình vận hành phụ thuộc nhiều vào chất lượng các bản tin dự báo khí tượng thủy văn (còn nhiều hạn chế như: phát không kịp thời, thông tin về thời điểm xuất hiện lũ, lưu lượng lũ còn sai lệch lớn) trong khi ngày càng xuất hiện nhiều những điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, lũ có xu hướng bất lợi hơn. Do đó, đòi hỏi công tác quản lý vận hành ngày càng được nâng cao và vốn đầu tư cho hệ thống thiết bị quan trắc hiện đại đảm bảo yêu cầu thực tế.

Định hướng phát triển bền vững

Thứ nhất: Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện, tiến tới từng bước phát triển thủy điện một cách bền vững trên cơ sở hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng với việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, giữa yêu cầu về phát triển kinh tế với môi trường, giữ gìn bản sắc dân tộc, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc.

Thứ hai: Tuân thủ các quy định của pháp luật về: đảm bảo an toàn đập, đảm bảo môi trường, quản lý chất lượng công trình một cách chặt chẽ từ khâu thiết kế, giám sát, thi công, quy trình vận hành hồ chứa. Mặt khác phải làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, trồng bù rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các dự án thủy điện.

Thứ ba: Tuyên truyền, nâng cao năng lực với ứng xử với lũ, lụt, tăng cường sự phối hợp của nhân dân và các đơn vị chức năng ở hạ du để có các biện pháp phòng, chống lũ lụt phù hợp với năng lực cắt giảm lũ của các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên lưu vực.

Thứ tư: Đào tạo nâng cao năng lực, tăng cường cán bộ chuyên môn quản lý thủy điện tại các Sở Công Thương; phối hợp chặt chẽ giữa Sở Công Thương với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh.

Thứ năm: Trước mắt, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy định phân cấp công trình trong quản lý chất lượng công trình xây dựng đảm bảo phù hợp với điều kiện năng lực của các Sở Công Thương.

PHAN PHÚ DUY - CỤC ĐIỆN LỰC VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO (BỘ CÔNG THƯƠNG)

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động