RSS Feed for Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 4) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 4)

 - Theo nghiên cứu tính toán của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho hệ thống thủy điện Việt Nam thấy rằng: Sản lượng điện tính đến năm 2060 không những không giảm mà còn có thể tăng gần 1%. Nhưng với các trạm thủy điện vừa và nhỏ, dung tích tích nước hồ thường nhỏ (hệ số dung tích kho nước <0,02) nên sản lượng điện sẽ giảm do tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế cần thiết phải tính toán tác động của biến đổi khí hậu đến sản lượng điện, an toàn công trình, môi trường cho các trạm thủy điện vừa và nhỏ để có giải pháp ứng phó cụ thể.

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 1)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 2)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 3)

BÀI 4: CẦN PHẢI RÕ RÀNG, MINH BẠCH KHI LOẠI BỎ CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN

Thế nào là thủy điện nhỏ?

Cho đến nay ở Việt Nam chưa có văn bản pháp quy nào phân loại thủy điện vừa và nhỏ. Trong Quyết định số 2394/QĐ-BCN, ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) cũng chỉ phân ra thủy điện nhỏ và siêu nhỏ theo công suất lắp máy. Theo đó, thủy điện nhỏ có 1MW ≤ Nlm ≤ 30MW và thủy điện siêu nhỏ có Nlm < 1MW.

Tuy nhiên, đã từ lâu khái niệm "thủy điện vừa và nhỏ" được dùng rất phổ biến nhưng khái niệm về thủy điện vừa vẫn chưa rõ ràng.

Theo Tổ chức thủy điện của Liên Hiệp quốc (Small Hydropower UNIDO), thì các nguồn thủy điện có công suất từ 200kW - 1 MW gọi là thủy điện nhỏ, còn các nhà máy có công suất từ 10MW - 100MW là thủy điện vừa.

Như vậy, theo phân loại của Việt Nam thì thủy điện nhỏ công suất ≤ 30MW đã bao gồm cả thủy điện vừa của Liên Hiệp quốc [1].

Trong các dự án quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ cho các tỉnh, các lưu vực sông của Viện Năng lượng trong thời gian qua, các trạm thủy điện có công suất >30MW cũng được đưa vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ.

Tiềm năng khả thi thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam

Theo số liệu trong đề tài cấp Bộ năm 2010 của Viện Năng lượng "Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng khả thi và các giải pháp khai thác hiệu quả nguồn thủy điện nhỏ có công suất N = 1 - 30MW" thì cả nước có khoảng 900 công trình; tổng công suất lắp đặt xấp xỉ 7.000MW, điện năng ước tính khoảng 30 tỉ kWh/năm [2].

Tiềm năng khả thi của các địa phương như bảng dưới đây.

STT

Tỉnh

Số công trình

Tổng công suất (MW)

1

Lào Cai

116

772

2

Yên Bái

42

256

3

Lai Châu

62

593

4

Điện Biên

28

247

5

Sơn La

66

569

6

Hoà Bình

8

22

7

Tuyên Quang

7

19

8

Hà Giang

82

540

9

Cao Bằng

13

167

10

Bắc Cạn

18

56

11

Lạng Sơn

13

61

12

Quảng Ninh

3

20

13

Thanh Hoá

16

87

14

Nghệ An

40

228

15

Hà Tĩnh

14

142

16

Quảng Bình

16

132

17

Quảng Trị

12

100

18

Thừa Thiên Huế

7

39

19

Đà Nẵng

7

60

20

Quảng Nam

50

378

21

Quảng Ngãi

20

221

22

Bình Định

15

163

23

Phú Yên

7

82

24

Khánh Hoà

15

134

25

Kon Tum

61

493

26

Gia Lai

52

335

27

Đak Lăk

41

218

28

Đăk Nông

24

162

29

Ninh Thuận

4

16

30

Bình Thuận

6

69

31

Bình Phước

10

124

32

Lâm Đồng

34

312

Theo báo cáo về phát triển thủy điện nhỏ năm 2016 của UNIDO thì tiềm năng thủy điện nhỏ của Việt Nam là 7.200 MW. Hiện đã khai thác 1.836 MW, chiếm 25,5% [3].

Hiện trạng đầu tư

Trong thời gian qua, về quá trình phát triển, hiện trạng đầu tư xây dựng, các vướng mắc tồn tại, các nhận xét, kiến nghị và các giải pháp khắc phục… đã được rất nhiều tác giả đề cập trong các bài viết, trong các tài liệu, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi vậy, trong bài viết này chúng tôi không nêu lại các vấn đề trên mà chỉ nêu ra số liệu thống kê gần đây nhất của Bộ Công Thương.

Theo số liệu thống kê, hện cả nước có 330 công trình thủy điện được đưa vào khai thác, sử dụng, với tổng công suất lắp đặt 17.615MW, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên. Tổng sản lượng điện phát của các công trình thủy điện năm 2016 là 63.730 triệu kWh. Ngoài ra, còn có khoảng 193 dự án (tương đương 5.662 MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án (3.006MW) đang nghiên cứu đầu tư.

Tính đến hết năm 2016, các nhà máy thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 32% về điện năng và 40% về công suất lắp máy (các số liệu này thay đổi theo từng thời điểm thống kê) [4].

Kết luận, kiến nghị

(1) Tiềm năng khả thi của thủy điện vừa và nhỏ của Việt Nam còn rất lớn. Với vai trò quan trọng của các trạm thủy điện vừa và nhỏ đối với hệ thống năng lượng quốc gia, Việt Nam vẫn cần tiếp tục khai thác nguồn năng lượng sạch và tái tạo này sao cho đạt hiệu quả kinh tế, an toàn về môi trường và xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

(2) Cần có quy định mang tính pháp lý về phân loại các trạm thủy điện; phân rõ thủy điện vừa và thủy điện nhỏ để có chính sách đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư thích hợp.

(3) Có cơ chế đầu tư và khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị thủy điện vừa và nhỏ để đáp ứng các nhu cầu lắp mới, thay thế và sửa chữa trong thời gian sắp tới.

(4) Sớm tư duy đến cách ứng xử đối với các trạm thủy điện vừa và nhỏ có hồ chứa hết tuổi thọ. Trong đó ưu tiên giải pháp trả lại cảnh quan môi trường tự nhiên như nó vốn có.

(5) Đưa ra các giới hạn định lượng về hiệu quả kinh tế, giới hạn định lượng về môi trường… để việc loại bỏ các trạm thủy điện vừa và nhỏ khỏi quy hoạch được chủ động rõ ràng và minh bạch hơn.

(6) Rà soát lại quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ cho các tỉnh, các lưu vực sông đồng thời đưa ra phạm vi (giới hạn trên, giới hạn dưới) về mực nước hồ, mực nước hạ lưu và công suất; tránh trường hợp phải duyệt lại quy hoạch, bổ sung quy hoạch bị động và đơn lẻ.

(7) Viện Năng lượng trong quá trình Lập quy hoạch thủy điện nhỏ cho gần 20 tỉnh và lưu vực sông thấy rằng: Việc đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn này chỉ ở mức hết sức sơ bộ như: xác định diện tích ngập của lòng hồ (căn cứ mức nước dâng bình thường) để từ đó xác định diện tích chiếm đất, số hộ và số dân bị ngập tại thời điểm để tính sơ bộ chi phí đền bù di dân tái định cư; việc đánh giá tác động môi trường cụ thể là cho từng công trình ở giai đoạn tiếp sau. Tuy nhiên, rất hiếm thấy nhà đầu tư nào sau khi có đánh giá tác động môi trường lại từ bỏ dự án khi thấy có các tác động quá lớn.

(8) Tác động của Biến đổi khí hậu (BĐKH) đến thủy điện. Theo nghiên cứu tính toán của Viện Năng lượng cho hệ thống thủy điện Việt Nam thấy rằng: Về sản lượng điện tính đến năm 2060 không những không giảm mà còn có thể tăng gần 1%. [5]. Nhưng với các trạm thủy điện vừa và nhỏ, dung tích tích nước hồ thường nhỏ (hệ số dung tích kho nước <0,02) nên sản lượng điện sẽ giảm do tác động của BĐKH. Vì thế cần thiết phải tính toán tác động của BĐKH đến sản lượng điện, đến an toàn công trình, đến môi trường cho các trạm thủy điện vừa và nhỏ này để có giải pháp ứng phó cụ thể.

(9) Cần tính toán bài toán vỡ đập và xả lũ vượt thết kế cho đập cao từ 20m trở lên và lập phương án ứng phó ngập lụt ở hạ du công trình. Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 đã có quy định về việc này nhưng hầu hết các nhà máy thủy điện đều chưa thực hiện vì chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.

(10) Việc các tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định được nhà đầu tư thuê trực tiếp bằng tiền của nhà đầu tư nên cũng thường bị phụ thuộc và "chiều" theo ý kiến của nhà đầu tư sao cho mức đầu tư nhỏ, hiệu quả cao và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(11) Kinh nghiệm cho thấy, các tư vấn thiết kế đã từng thực hiện các dư án thủy điện lớn, khi thiết kế cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ họ vẫn làm bài bản và chi tiết hơn - nhất là về mặt an toàn công trình. Điều này cũng đúng cho các đơn vị thi công công trình. Tuy nhiên các chủ đầu tư thường chọn các nhà thầu bỏ giá rẻ hơn.

(12) Thị trường điện cũng sắp vận hành đầy đủ, do vậy, cần có chế tài ràng buộc các dư án thủy điện vừa và nhỏ của các nhà đầu tư đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du, chia sẻ lợi ích trên bậc thang; tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận đơn thuần và đơn lẻ.

THS. TRẦN VŨ - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM THỦY ĐIỆN (VIỆN NĂNG LƯỢNG)

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.TS. Đặng Đình Thống, Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: “Thủy điện Việt Nam: Tiềm năng và thách thức” NANGLUONGVIETNAM ngày 14/9/2015.

2. PGS. TS. Nguyễn Danh Oanh, Viện Năng lượng: “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng khả thi và các giải pháp khai thác hiệu quả nguồn thủy điện nhỏ có công suất N = 1 - 30MW”; Đề tài cấp Bộ Công Thương năm 2010.

3. World Small Hydropower Development Report 2016 - UNIDO.

4. Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương: “ Hiến kế các giải pháp quản lý vận hành an toàn và hiệu quả các hồ thủy điện” Bài viết ngày 17/03/2017.

5. Viện Năng lượng, Nhiệm vụ: “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực thủy điện và đề xuất các giải pháp ứng phó”. Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương năm 2013.

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động