RSS Feed for Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 15) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 19:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 15)

 - Do sự phát triển ồ ạt, nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập trong khâu quản lý, vận hành, dẫn đến những tác hại không nhỏ đối với môi trường. Vì vậy, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch gần 500 dự án thủy điện nhỏ và không đưa vào diện xem xét quy hoạch 213 dự án. Tuy nhiên, xét về mặt phát triển xã hội, xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để tiếp tục phát triển.

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 1)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 2)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 3)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 4)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 5)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 6)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 7)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 8)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 9)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 10)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 11)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 12)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 13)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 14)

BÀI 14: Ý KIẾN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC (2)

Chúng ta đều biết rằng, thủy điện đóng vai trò vô cùng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế quốc dân. Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (QHĐ VII ĐC), đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện sẽ đạt khoảng 21.600MW, điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng khoảng 29,5%.

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại và cả tương lai gần, thủy điện vẫn là 1 trong 3 nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia. Do đó, nhiều dự án thủy điện lớn và mang tầm cỡ quốc gia (ở miền Bắc và miền Nam) đã được Nhà nước đầu tư xây dựng từ nhiều thập kỷ trước. Cho đến nay, các dự án thủy điện lớn có công suất trên 100MW hầu như đã được khai thác hết. Đối với khu vực miền Trung và Tây nguyên, hầu hết là các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xem xét đưa vào quy hoạch và bổ sung quy hoạch.

Tuy nhiên, do sự phát triển ồ ạt, nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập trong khâu quản lý, vận hành dẫn đến những tác hại không nhỏ đối với môi trường (chặt phá rừng, xả lũ không đúng quy trình gây ngập lụt hạ du…), hoặc chưa được xem xét đúng mức trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, dẫn đến nguy cơ mất an toàn đập, gây bất an trong đời sống nhân dân.

Do đó, thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội, thời gian qua Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch gần 500 dự án thủy điện nhỏ và không đưa vào diện xem xét quy hoạch 213 dự án.

Theo QHĐ VII ĐC, đến năm 2020, mỗi năm phải xây dựng nguồn điện mặt trời với công suất hơn 200 MW. Theo nguồn tin mới đây của Tạp chí Năng lượng Việt Nam: "Đầu tư vào năng lượng mặt trời vẫn khó do suất đầu tư còn cao… ". Theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, dự án điện mặt trời hiện nay được mua với giá 9,35 USCent/kWh, như vậy là khoảng gấp 2 lần giá thủy điện.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nguồn năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời...) là năng lượng sạch, nhưng có một số nhược điểm như: hệ số công suất thấp (chỉ từ 20 -30%), phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như địa điểm, thời điểm và chi phí đầu tư lớn (vốn đầu tư cho các dự án điện gió thường cao gấp 2-3 lần so với dự án thủy điện).

Như vậy, đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại và có cái nhìn công bằng hơn đối với những mặt "hại" của thủy điện vừa và nhỏ.

Nhận định thực trạng và kiến nghị

Thứ nhất: Chúng ta thừa nhận rằng, đã làm thủy điện (không phân biệt lớn, nhỏ) thì ảnh hưởng đến đất rừng là điều không thể tránh khỏi (mở đường thi công và vận hành, phát dọn lòng hồ, mặt bằng thi công…). Lợi dụng đặc điểm này, nhiều cá nhân và lâm tặc "thừa gió bẻ măng" đã khai thác gỗ tối đa để trục lợi (khai thác từ khi bắt đầu chuẩn bị thi công và mãi về sau vì có đường đi là có điều kiện để lâm tặc hoạt động).

Thiết nghĩ, không có một chủ đầu tư nào không biết giá trị của thảm thực vật đối với dòng chảy vào hồ, nhưng công tác quản lý chưa tốt nên đã dẫn đến hệ lụy là rừng bị chặt phá tràn lan.

Trong thời gian tới, nếu được thay đổi chủ trương đầu tư cho thủy điện, xin được kiến nghị cần có biện pháp phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm nhằm đạt kết quả tốt hơn trong công tác quản lý và giám sát khai thác rừng.  

Thứ hai: Về vấn đề xả lũ. Hầu hết những dự án thủy điện vừa và nhỏ có dung tích lòng hồ bé, không có khả năng điều tiết lũ. Nhưng cho dù không có khả năng điều tiết lũ thì các dự án thủy điện vừa và nhỏ cũng không thể làm tăng lũ tự nhiên lên được. Vấn đề là quy trình xả lũ chưa phù hợp, hoặc có sự cố ở thiết bị cửa van tràn.

Xin kiến nghị, trong thời gian tới nên xây dựng hạng mục đập tràn theo hình thức tràn tự do (không cửa van), lúc này lưu lượng qua tràn sẽ không tăng đột ngột như trong trường hợp tràn có cửa van, nhưng bị sự cố thiết bị (ở cửa van, hoặc ở máy đóng mở).

Thứ ba: Hầu hết các thủy điện vừa và nhỏ lâu nay không có hạng mục cống xả đáy, do đó không thể xả lượng nước dưới mực nước chết để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp trong những năm đặc biệt hạn hán.

Ngoài ra, do không có cống xả đáy, không có dòng chảy môi trường nên môi trường sinh thái ở hạ du bị thay đổi. Do đó xin kiến nghị, trong thời gian tới, các dự án thủy điện vừa và nhỏ cần có hạng mục cống xả đáy, ngoài mục đích khắc phục các thiếu sót như vừa nêu trên, cống xả đáy còn giúp tháo cạn hồ để sửa chữa đập - nếu chẳng may xảy ra sự cố.

Thứ tư: Cần xây dựng hệ thống trạm đo mưa trong lưu vực hồ nhằm giúp chủ đầu tư chủ động hơn trong công tác điều tiết dòng chảy phát điện và xả lũ. Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ cho vùng hạ du nhằm giảm tối đa các thiệt hại không đáng có cho nhân dân (các công trình thủy điện lớn đều có các hệ thống này, tuy nhiên vì chúng ta quan niệm là thủy điện nhỏ nên thường bỏ qua).

Thứ năm: Đối với chủ trương đầu tư và phát triển, chúng ta đều biết rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hoạt động bền vững của thủy điện, cần dựa trên nguyên tắc cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Xét về mặt phát triển xã hội, xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để tiếp tục phát triển.

NGUYỄN XUÂN PHƯƠNG, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TƯ VẤN XÂY DỰNG ĐIỆN 4

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động