RSS Feed for Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 14) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 08:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 14)

 - Đến nay, phần lớn các công trình thuỷ điện có quy mô lớn trên các dòng sông chính của Việt Nam đã được quy hoạch và đang được triển khai xây dựng, đi vào vận hành, tiềm năng còn lại của các dự án thủy điện lớn là không nhiều, do đó việc nghiên cứu để xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ nhằm tận dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo là hoàn toàn hợp lý.

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 1)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 2)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 3)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 4)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 5)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 6)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 7)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 8)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 9)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 10)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 11)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 12)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 13)

BÀI 14: Ý KIẾN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC (1)

Tổng quan về thủy điện nhỏ Việt Nam

Việt Nam có nguồn ẩm tương đối phong phú trên phần lớn lãnh thổ. Hệ quả của sự tác động tổng hợp giữa điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm mưa nhiều (trên 1950 mm/năm) và cấu trúc địa chất, địa hình (diện tích đồi núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ), cho nên dòng chảy sông ngòi Việt Nam được hình thành rất thuận lợi là nguyên nhân khách quan cơ bản nhất tạo nên một mạng lưới sông suối dày đặc trên lãnh thổ nước ta. Mật độ sông suối có sự dao động khá lớn giữa các vùng, tương đối phù hợp với sự phân hoá không gian của điều kiện khí hậu và cấu trúc địa chất, địa hình.

Với đặc điểm địa hình và nguồn nước như vậy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện về lý thuyết dồi dào, hàng năm có thể sản xuất ra khoảng 300 tỷ kWh điện năng (tương đương với 150 triệu tấn than). Tổng kết các nghiên cứu về quy hoạch thuỷ điện ở nước ta cho thấy tiềm năng kinh tế - kỹ thuật của các con sông đựơc đánh giá khoảng 83 tỷ kWh/năm tương ứng với công suất 20.750 MW, trong đó có 80 công trình trên 9 con sông lớn đã đạt hơn 68 tỷ KWh/năm.

Như vậy, trữ năng kinh tế của thuỷ điện nhỏ toàn quốc có thể đạt tới con số trên 10 tỷ kWh/năm. Đây là nguồn điện năng tái tạo rất quan trọng cần khai thác triệt để nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng của các ngành kinh tế quốc dân.

Hiện trạng phát triển thủy điện nhỏ

Đến nay, phần lớn các công trình thuỷ điện có quy mô lớn trên các dòng sông chính của Việt Nam đã được quy hoạch và đang được triển khai xây dựng, đi vào vận hành, tiềm năng còn lại của các dự án thủy điện lớn là không nhiều, do đó việc nghiên cứu để xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ nhằm tận dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo là hoàn toàn hợp lý.

Một lợi thế của chúng ta là hệ thống lưới truyền tải và phân phối điện hầu như đã được phủ đến các xã trong phạm vi cả nước, do đó việc xây dựng các trạm thuỷ điện vừa và nhỏ có thể dễ dàng đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, hoặc khu vực. Hiện nay nhu cầu phát triển điện cho phép các thành phần kinh tế đều có thể tham gia đầu tư xây dựng các công trình điện, do đó việc xây dựng thuỷ điện có công suất vừa và nhỏ là phù hợp cho các nhà đầu tư khác nhau vì nhu cầu vốn đầu tư không lớn, thời gian thi công ngắn, công trình sớm đưa vào vận hành và phát huy hiệu ích nhanh chóng.

Quá trình phát triển thủy điện nhỏ ở Việt Nam có thể tạm chia thành ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trước năm 1986, nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế bao cấp, kinh tế quốc doanh là chủ đạo, bên cạnh là kinh tế hợp tác xã, còn kinh tế tư nhân rất nhỏ bé, vai trò rất mờ nhạt - vì vậy, tất cả các dự án thủy điện lớn, vừa, nhỏ và rất nhỏ đều do nhà nước xây dựng, quản lý khai thác.

Giai đoạn 2: Từ năm 1986 - 2008 là giai đoạn bùng nổ phát triển thủy điện vừa và nhỏ - do có những chính sách hỗ trợ và đặc biệt là nguốn vốn tín dụng dồi dào, lãi suất hấp dẫn với những điều kiện vay khá dễ dàng. Hầu hết những dự án thủy điện vừa và nhỏ có điều kiện xây dựng thuận lợi, tính khả thi cao đều đã được triển khai đầu tư ở giai đoạn này.

Giai đoạn 3: Từ năm 2008 tới nay: Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nguồn tín dụng teo tóp, lãi suất cao, điều kiện vay ngặt nghèo nên phát triển thủy điện vừa và nhỏ khựng lại và có chiều hướng giảm dần. Đến năm 2017 có thể nói hầu hết các dự án có quy mô trên 30MW đã được đầu tư, xây dựng và đi vào vận hành, còn một số dự án đang được triển khai xây dựng do chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn, hoặc chưa cơ cấu lại được thành phần cổ đông nên chưa thu xếp được vốn. Còn lại chỉ là những dự án quy mô nhỏ, tại những vùng có địa hình rất khó khăn về hạ tầng giao thông và truyền tải điện.

Những khó khăn vướng mắc trong đầu tư

Khách quan:

Một là: Qua quá trình được nghiên cứu, sàng lọc, đến nay hầu hết các dự án có tính khả thi nhất đều đã và đang được khai thác vận hành. Những dự án còn lại đều nằm tại những vùng sâu, vùng xa, có điều kiện hạ tầng giao thông và truyền tải rất khó khăn, vùng có lượng mưa sinh thủy thấp, địa chất phức tạp, dẫn đến suất đầu tư cao, tính khả thi thấp.

Hai là: Đặc điểm cố hữu của các dự án thủy điện là có vốn đầu tư lớn, thi công lâu, thời gian hoàn vốn dài cho nên việc huy động vốn khó khăn, gặp nhiều rủi ro cả về điều kiện tự nhiện và rủi ro về chính sách.

Chủ quan:

Một là: Về kinh tế xã hội. Do công tác tuyên truyền lệch lạc về vấn đề chiếm dụng và phá rừng cũng như gây lũ lụt nên đại đa số người dân và quan chức có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với thủy điện nhỏ. (Phân tích sâu về vấn đề này trong bài 7 của chuyên đề này)

Mặt khác, các dự án thủy điện đều liên quan đến rừng, nhưng các cơ quan địa phương đều rất e ngại trong các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng, dẫn đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tiến hành rất lâu, chậm tiến độ.

Do chính sách thắt chặt tài chính và tránh rủi ro của ngân hàng nên lãi suất vay cao, điều kiện vay khó khăn (trước đây có thể dùng tài sản hình thành từ dự án để thế chấp).

Cạnh đó là phí và lệ phí liên quan đến dự án thủy điện đều tăng cao. Thủ tục về đăng ký đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phức tạp hơn trước đây, dựa theo quy mô công suất 2MW hiện nay là thiếu cơ sở khoa học.

Hai là: Chủ đầu tư. Là một trong những đại diện của các chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ cũng phải thẳng thắn nhận thấy rằng, phần lớn chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ có nguồn vốn, tài sản thế chấp ít, khả năng quản trị doanh nghiệp hạn chế, nhiều dự án do chọn đơn vị tư vấn, thi công cũng như chọn thiết bị chưa đúng, công tác giám sát thi công còn lỏng lẻo, thiếu năng lực. Ở nhiều dự án, chủ đầu tư hạ thấp những chỉ tiêu kỹ thuật, châm chước trong quá trình phê duyệt và nghiệm thu nên trong thời gian vừa qua nhiều dự án bị sự cố lớn dẫn đến dư luận xã hội không tốt cho việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ.

Ba là: Công tác tư vấn. Qua quá trình phát triển công tác tư vấn đã có những bước tiến dài, tiệm cận với trình độ quốc tế, nhưng cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng, nhiều đơn vị tư vấn mặc dù có đủ các chứng chỉ hành nghề, nhưng năng lực thực tế kém, nên nhiều dự án xảy ra sự cố, gây ra tổn thất về người và tài sản, phát sinh chi phí và kéo dài tiến độ thi công (không những dự án trong nước mà cả ở nước ngoài); dự án khai thác không đạt được cả công suất và sản lượng điện như thiết kế. Công tác áp dụng tiến bộ khoa học mới được áp dụng rộng khắp, nhưng chưa có một nghiên cứu nào tổng kết ưu nhược điểm và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ quản lý xây dựng của Việt Nam. Nổi cộm hiện nay là công nghệ bê tông đầm lăn được áp dụng rộng khắp, nhưng hiện tại ở các công trình đang đi vào vận hành khai thác đều xảy ra những vấn đề không mong muốn là lượng thấm quá lớn, công trình bị nứt, hệ thống thu và thoát nước thấm bị tắc, vv...

Bốn là: Đơn vị thi công. Cũng như công tác tư vấn, sau khi xây dựng nhiều công trình lớn của nhà nước, đội ngũ thi công thủy điện đã trưởng thành vượt bậc cả về số và chất lượng. Tuy nhiên, theo thời gian, những cán bộ chủ chốt có bề dày kinh nghiệm đến tuổi nghỉ hưu, một số tách ra lập công ty riêng... dẫn đến phân tán nguồn lực, cạnh tranh không lành mạnh, làm yếu đi năng lực của đội ngũ những nhà thầu xây dựng chuyên ngành thủy điện.

Năm là: Công tác quản lý chuyên ngành. Sau thời gian phân cấp cho các địa phương thì hiện nay cơ quan quản lý nhà nước lại thu lại quyền tự chủ của các địa phương. Với biên chế rất hạn chế về nhân sự của các cơ quan này khó có thể sâu sát những vấn cụ thể của các địa phương và đáp ứng được

Kiến nghị

Thứ nhất: Giá bán điện hiện nay chưa hấp dẫn đầu tư.

Thứ hai: Các loại phí và lệ phí bất hợp lý.

Thứ ba: Các nhà đầu tư cần thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt các công trình trên cùng bậc thang để vận hành an toàn và hiệu quả các dự án.

Thứ tư: Các đơn vị tư vấn cần cập nhật những tiến bộ kỹ thuật, thận trọng trong áp dụng tiến bộ mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trình độ quản lý và xây dựng của Việt Nam, có tổng kết kinh nghiệm và kịp thời khắc phục.

Thứ năm: Theo Luật xây dựng hiện hành, các dự án thủy điện vừa và nhỏ nằm ở vùng sâu, vùng xa, không chồng lấn với các quy hoạch đô thị sẽ được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đòi hỏi có giấy phép xây dựng. Các chủ đầu tư phải xin xác nhận từ cấp huyện, đến tỉnh, cuối cùng Bộ Xây dựng mới cấp giấy chứng nhận miễn giấy phép xây dựng. Quá trình này rất mất thời gian, có thể dẫn tới mất cơ hội của các nhà đầu tư do đặc thù xây dựng thủy điện theo mùa, phụ thuộc lớn vào thời tiết.

Thứ sáu: Đánh giá tác động môi trường. Đề nghị phân cấp dự án cần có DTM theo quy mô đập, hồ chứa như trước đây, chứ không nên quy định theo quy mô công suất như hiện nay.

Thứ bảy: Đất chuyển đổi từ đất rừng sang mục đích khác, nếu địa phương đã thu bằng tiền cho việc trồng rừng thay thế thì không nên bắt chủ đầu tư phải lập phương án trồng rừng nữa.

NGUYỄN VĂN NGỌC, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG SƠN VŨ

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động