RSS Feed for Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 18) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 08:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 18)

 - Trên thực tế, các địa phương ở Quảng Nam rất ủng hộ việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ nếu hiệu quả kinh tế, ít tác động đến môi trường, đất rừng... Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có các chủ trương, chính sách, chỉ đạo cụ thể về phát triển thủy điện vừa và nhỏ tiềm năng, ít ảnh hưởng đến di dân, tái định cư, ít ảnh hưởng đến đất lúa, đất canh tác của người dân và ít ảnh hưởng đến môi trường, đất rừng... để địa phương có sở triển khai thực hiện.

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 1)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 2)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 3)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 4)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 5)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 6)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 7)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 8)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 9)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 10)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 11)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 12)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 13)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 14)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 15)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 16)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 17)

BÀI 18: Ý KIẾN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC (5)

Thực trạng tại Quảng Nam

Theo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Quảng Nam, có 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất là 425,9MW, điện lượng trung bình năm dự kiến là 1.703,9 triệu kWh. Sau khi rà soát, UBND tỉnh đã loại khỏi Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ 2 dự án thủy điện. Đến nay, còn 32 dự án, với tổng công suất 450,76MW, điện lượng bình quân năm 1.755,16 triệu kWh/năm.

Các dự án bao gồm: 11 công trình đã phát điện, với công suất thiết kế 140,46MW; 4 công trình đang thực hiện đầu tư xây dựng, với công suất thiết kế 147,5MW; 14 dự án triển khai thực hiện đầu tư trong năm 2017; 2 dự án UBND tỉnh đã thống nhất trình HĐND tỉnh loại khỏi Quy hoạch do công suất nhỏ, nhưng chiếm dụng đất quá lớn; 1 dự án dừng nghiên cứu đầu tư, thu hồi dự án do chủ đầu tư (CĐT) không có năng lực tài chính, vi phạm cam kết tiến độ và cam kết về thời hạn nộp tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án.

Trong thời gian qua, việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có phát sinh một số vướng mắc, tồn tại về công tác đền bù, tái định cư, cũng như vận hành, ảnh hưởng đến hạ du trong mùa lũ, nhưng chủ yếu ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện bậc thang do Chính phủ quyết định đầu tư như: Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4... Việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ chưa có vấn đề phát sinh lớn, chủ yếu là vấn đề chậm tiến độ đầu tư và hoàn thành của một vài dự án do CĐT khó khăn về tài chính giai đoạn 2010 - 2013.

Hiện 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh hầu hết là đập tràn tự do, có hồ chứa chỉ điều tiết ngày đêm nên dung tích nhỏ, hoặc không đáng kể, vì vậy tổng diện tích chiếm đất nhỏ, ít ảnh hưởng đến di dân, tái định cư.

Cụ thể, có 86 hộ bị ảnh hưởng phải di dời. Tổng diện tích chiếm đất các loại là 2.880ha. Trong đó, tổng diện tích chiếm đất lâm nghiệp là 1.025,6ha và tổng diện tích chiếm đất rừng là 207,14ha.

Hiệu quả của thủy điện vừa và nhỏ

Với bình quân đóng góp khoảng 0,8 tỷ đồng/1MW/năm, thì khi đi vào hoạt động, tất cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách khoảng 350 tỷ đồng/năm. Đây là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh và các huyện, đặc biệt là các huyện miền núi khó khăn, có điều kiện địa hình, vị trí địa lý không thuận lợi trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội với các loại hình kinh tế khác.

Ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế, cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ góp phần rất lớn trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống lưới điện cấp điện ổn định cho sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi mà ngành điện không thể đầu tư được do kém hiệu quả kinh tế, không khả thi qua việc đầu tư các đường dây 110kV và các trạm biến áp. Đặc biệt, việc đấu nối từ các nhà máy thủy điện đảm bảo cấp điện tại chỗ, giải quyết vấn đề bất cập bấy lâu nay mà các dự án thủy điện lớn có thể không giải quyết được - đó là những vùng có thủy điện, nhưng lại không có điện sử dụng cho nhân dân.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ ít tác động, ít ảnh hưởng đến môi trường hơn các các dạng năng lượng khác trong quá trình đầu tư xây dựng, phù hợp với các chủ trương, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo hiện nay. Không tác động đến môi trường trong quá trình vận hành, góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu mạnh mẽ đang diễn ra như hiện nay.

Khó khăn, tồn tại

Trong thời gian qua, việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có phát sinh một vướng mắc, tồn tại về chiếm đất rừng, đền bù, tái định cư, cũng như công tác vận hành ảnh hưởng đến hạ du trong mùa lũ, nhưng chủ yếu ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện bậc thang: Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4,... Vấn đề này cũng đã tác động đến tư tưởng của người dân khi nói về phát triển thủy điện, tác động đến việc ban hành chủ trương, chính sách của địa phương trong phát triển các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ có hiệu quả kinh tế cao.

Trong quá trình rà soát Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh theo các Nghị quyết và các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các địa phương miền núi cũng đã có các đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh các dự án thủy điện tiềm năng, không ảnh hưởng đến di dân, tái định cư, không ảnh hưởng đến đất lúa, đất canh tác của người dân, ít ảnh hưởng đến môi trường, đất rừng... Trên thực tế, các địa phương cũng ủng hộ việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ nếu hiệu quả kinh tế và ít tác động đến môi trường, đất rừng... Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có các chủ trương, chính sách, chỉ đạo cụ thể về phát triển các thủy điện vừa và nhỏ tiềm năng, ít ảnh hưởng đến di dân, tái định cư, ít ảnh hưởng đến đất lúa, đất canh tác của người dân và ít ảnh hưởng đến môi trường, đất rừng... để địa phương có sở triển khai thực hiện.

Kiến nghị

Thứ nhất, công tác tuyên truyền về hiệu quả phát triển của các dự án thủy điện vừa và nhỏ chưa được xem xét, dẫn đến việc ban hành các chính sách, chủ trương gặp nhiều trở ngại.

Thứ hai, theo quy định của Bộ Công Thương, việc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ phải thông qua Hội đồng nhân tỉnh rồi mới lập hồ sơ trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt. Đề nghị xem xét phân cấp cho UBND tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến của Bộ Công Thương.

Thứ ba, theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với các dự án thủy điện có công suất từ 2MW trở lên thì thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc này thường mất rất nhiều thời gian (khoảng từ 4 tháng đến 8 tháng, có khi cả năm) của doanh nghiệp, trong khi các dự án thủy điện vừa và nhỏ như phân tích ở trên thì chủ yếu là đập tràn tự do, hồ chứa nhỏ, hoặc không đáng kể, ít tác động đến môi trường. Đề nghị xem xét phân cấp cho UBND tỉnh phê duyệt.

Thứ tư, về quản lý vận hành, an toàn đập, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi về Quản lý an toàn đập để các chủ đập thủy điện vừa và nhỏ có cơ sở thực hiện. Cần xem xét bàn hành quy định về không xây dựng Quy trình vận hành hồ chứa đối với các hồ có đập nhỏ, dung tích không đáng kể, hoặc không có hồ chứa và cũng không thực hiện một số quy định của Nghị định 72/2007/NĐ-CP về an toàn đập: kiểm định an toàn đập, xây dựng các phương án phòng chống lụt bão…

NGUYỄN QUANG THỬ, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG QUẢNG NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động