RSS Feed for Giảm lệ thuộc năng lượng nước ngoài và chính sách của Bắc Kinh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 14:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giảm lệ thuộc năng lượng nước ngoài và chính sách của Bắc Kinh

 - Lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng gấp 5 lần (từ 2 triệu thùng dầu mỗi ngày hiện nay, lên gần 11 triệu thùng dầu mỗi ngày) vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ buộc phải nhập khẩu 80% lượng dầu mỏ cho tiêu dùng trong nước. Để giảm sự phụ thuộc nước ngoài, Trung Quốc đã, đang thực thi các chính sách tổng thể, đồng bộ có tính tiên quyết cho an ninh năng lượng quốc gia...

Nguồn điện cho 1,4 tỉ người: Kinh nghiệm của Trung Quốc

PGS, TS. PHẠM THỊ THANH BÌNH - VIỆN KINH TẾ, CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI

Trung Quốc hiện đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ (với mức độ tiêu thụ hiện nay gần 10 triệu thùng/ngày). Dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới đến năm 2030.

Sự trỗi dậy với tốc độ cao của Trung Quốc trong gần 4 thập kỷ (1980-2014) không phải không bị trả giá. Mức tiêu hao năng lượng để tạo ra GDP của Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư vốn, nhân lực và vật lực. Tiêu hao năng lượng cho một đơn vị GDP của Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao gấp 3-4 lần bình quân của thế giới. 

Cơn khát năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế, sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số, mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người tăng và đô thị hoá không ngừng...

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA - International Energy Agency), lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng gấp 5 lần (từ 2 triệu thùng dầu mỗi ngày hiện nay, lên gần 11 triệu thùng dầu mỗi ngày) vào năm 2030. Thiếu hụt dầu mỏ và  khí đốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng của Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ buộc phải nhập khẩu 80% lượng dầu mỏ cho tiêu dùng trong nước. Để giảm sự phụ thuộc nước ngoài, Trung Quốc đang thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Để bảo đảm nguồn năng lượng, Trung Quốc quan tâm đến 4 yếu tố sau:

1/ Đảm bảo đa dạng hoá nguồn cung năng lượng tối đa.

2/ Đầu tư phát triển công nghệ với lợi ích chính là khả năng phát triển, ứng dựng và chuyển giao đồng thời hỗ trợ giảm giá thành năng lượng.

3/ Công nghệ phát triển giúp đạt nhiều mục tiêu khác nhau (bao gồm đáp ứng thách thức môi trường.

4/ Ứng dụng kiến thức thương mại về thị trường toàn cầu nhằm đảm bảo khách hàng và đối tác được tiếp cận với nguồn cung khi cần thiết.

Các giải pháp bảo đảm nguồn năng lượng Trung Quốc chú trọng, bao gồm:

Thứ nhất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc sử dụng điện năng hiệu quả, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là vô cùng quan trọng. Vấn đề tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường đang là mục tiêu ưu tiên hướng tới của nhiều quốc gia  trên thế giới. Trung Quốc đã tiến hành một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng để hạn chế sự gia tăng nhập khẩu năng lượng. Trong đó, thực hiện nghiêm ngặt tiết kiệm dầu mỏ trong nước, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng; cử các chuyên gia đi học tập kinh nghiệm tiên tiến nước ngoài... Đặc biệt là thực hiện các công xưởng luân phiên ngừng sản xuất, tránh căng thẳng về điện trong giờ cao điểm, kêu gọi toàn dân tiết kiệm và xây dựng mô hình xã hội tiết kiệm năng lượng.

Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có một số đặc điểm riêng là hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực bao gồm: giao thông, xây dựng và công nghiệp. Mặt khác, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thường phụ thuộc vào rất nhiều đối tác khác nhau nên cần nhiều thời gian, năng lực chuyên môn để điều phối mối quan hệ giữa các đối tác nhằm đạt được kết quả; vấn đề sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng đòi hỏi phải xây dựng chương trình trung, dài hạn. Mọi quyết định hiện tại sẽ tác động rất lớn đến tương lai.              

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2010-2015), Trung Quốc đã đưa ra những mục tiêu chính về bảo vệ tài nguyên và môi trường như sau:

1/ Cắt giảm 16% cường độ tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, cắt giảm 17% mức thải các-bon trên mỗi đơn vị GDP và tăng mức độ sử dụng các nguồn năng lượng nhiên liệu tái tạo từ mức 8% hiện nay lên 11,4% mức tiêu thụ năng lượng chủ yếu, giảm 8% lượng khí suphur, giảm 10% lượng khí amoniac và các khí nitơ ôxit được phát thải chủ yếu ở các khu vực sản xuất than đá.

2/ Tập trung cắt giảm ô nhiễm kim loại nặng trong sản xuất công nghiệp; giảm 30% mức độ tiêu thụ nước trên một đơn vị giá trị gia tăng sản lượng công nghiệp vào năm 2015.

3/ Tăng mức độ che phủ rừng lên 21,66%.

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Trung Quốc đã tăng đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2011- 2015 hơn 3 nghìn tỷ NDT. Phần lớn khoản tiền này được sử dụng để đầu tư kiểm soát ô nhiễm, giảm đáng kể việc phát thải các chất gây ô nhiễm chủ yếu.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp (như giảm chi phí năng lượng, tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng suất sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa...). Lớn hơn nữa là cho quốc gia (như giảm nhập khẩu năng lượng, tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia, tiền tiết kiệm được có thể dùng cho các hoạt động xóa đói giảm nghèo, chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng). Còn đối với toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính, duy trì, ổn định môi trường bền vững.

Trong khoản đầu tư kích cầu 4.000 tỷ NDT (2008) ứng phó khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó có 210 tỷ NDT được đầu tư cho chiến lược tiết kiệm năng lượng và bảo vệ mội trường. Trung Quốc đã ban hành hàng loạt văn bản, chính sách về hỗ trợ tài chính cho hoạt động tiết kiệm năng lượng, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hiệu quả cao, đồng thời cũng có các chính sách trợ giá thúc đẩy sản xuất các nhiên liệu tái sinh. Bên cạnh đó, áp dụng chính sách cắt giảm thuế cho các dự án thân thiện với môi trường.

Thứ hai, đa dạng hóa nguồn cung, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới thay thế. Cùng với tiết kiệm năng lượng, chủ động đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống và đa dạng hóa các nguồn năng lượng mới thay thế như: năng lượng hạt nhân và phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng đại dương...). Phát triển năng lượng tái sinh và các nguồn năng lượng thay thế khác đang là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh năng lượng Trung Quốc.

Chiến lược năng lượng của Trung Quốc trong tương lai có sự chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ sang các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (gồm thủy điện, năng lượng gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học). Chiến lược này được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu (2005-2010): Năng lượng tái tạo đóng vai trò phụ trợ; Giai đoạn hai (2010-2020): Nguồn năng lượng thay thế dần dần cho các loại năng lượng khác; Giai đoạn ba (2020-2030): Năng lượng tái tạo sẽ vươn lên chiếm lĩnh.

Hiện có hơn 2,5 triệu người đang làm việc trong ngành năng lượng mặt trời ở Trung Quốc, so với 260.000 người ở Mỹ. Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng công suất điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn cầu và cam kết, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 15% mức sử dụng năng lượng vào năm 2020, lượng khí thải trên một đơn vị GDP sẽ giảm 40%-45% so với mức năm 2005. Dự báo, năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp chính, chiếm 35-40% tổng năng lượng của Trung Quốc.

Phát triển năng lượng tái sinh thông qua việc xây dựng các thiết bị phát điện bằng sức gió, các nhà máy thủy điện để tăng cường điện năng. Năm 2020, năng lượng điện dùng sức gió ở Trung Quốc có thể đạt 250 GW. Hiện Trung Quốc được xem là nhà sản xuất năng lượng gió lớn thứ ba trên thế giới (sau Hoa Kỳ và Đức).

Trung Quốc có nguồn năng lượng gió đặc biệt dồi dào và phong phú. Nguồn tài nguyên gió ở phía Đông Bắc, phía Bắc, phía Tây Bắc, các vùng ven biển, các hải đảo và thậm chí là ở cả các khu vực nội địa có trữ lượng rất lớn. Năm 2020, ngành công nghiệp năng lượng gió của Trung Quốc sẽ có công suất lắp đặt là 200GW, tương đương với 440.000 GWh điện và sẽ giúp giảm 440 triệu tấn CO2, giảm lượng tiêu thụ 200 triệu tấn than.

Huy động nguồn năng lượng mới (năng lượng hạt nhân). Năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng duy nhất có thể thay thế với quy mô lớn năng lượng hoá dầu, đồng thời giảm được việc thải thể khí và vật chất vào môi trường. Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tự thiết kế và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng 40 tổ máy phát điện hạt nhân.

Thứ ba, thu hút đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó phát triển năng lượng tái tạo được coi là một trong những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và thân thiện với môi trường, giúp nguồn cung điện bớt phụ thuộc vào các nguồn truyền thống. Tuy nhiên, vốn đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo không hề nhỏ. Giá điện từ các nguồn năng lượng tái tạo  có sự chênh lệch khá lớn với giá điện từ các nguồn truyền thống. Vì vậy, thu hút vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo rất khó khăn, cần có sự "chung tay" của các nguồn vốn đầu tư tư nhân cộng với "sức đẩy" từ sự trợ giúp của Chính phủ.

Ở Trung Quốc, để hỗ trợ phát triển điện mặt trời, Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp và người dân bằng cách hỗ trợ chi phí nghiên cứu, sản xuất máy nước nóng năng lượng mặt trời nhằm giảm giá thành loại máy năng lượng mặt trời  bằng với giá loại máy nước nóng chạy điện bình thường. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ chi phí tuyên truyền, quảng bá máy nước nóng. Nhờ những giải pháp "mạnh tay", tỷ lệ "phổ cập" máy nước nóng năng lượng mặt trời ở Trung Quốc có nơi lên đến trên 90%.

Thứ tư, đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh là mô hình  tăng trưởng mới, được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Trung Quốc (cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản) trong gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đều dành ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh (cơ cấu của Trung Quốc là 35% so với của Hàn Quốc lên đến 80%). Trong đó, đầu tư tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh. Đặc biệt, quốc gia này coi trọng đến những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao, vv...

Trong chiến lược phát triển, Trung Quốc cơ cấu lại 10 ngành, nghề chủ chốt (thép, ôtô, xi măng...) nhằm tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước hiện đại hóa các ngành chủ chốt để tiếp cận công nghệ xanh. Với ngành ôtô, Trung Quốc chuyển hướng chiến lược sản xuất ôtô tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Với ngành thép, quốc gia này khống chế sản lượng ở mức 300 triệu tấn/năm và loại bỏ công nghệ  lạc hậu.

Trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc coi phát triển "xanh" là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chiến lược tăng trưởng xanh là giải pháp để Trung Quốc và các quốc gia vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được Trung Quốc và các quốc gia đang hướng tới.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động