RSS Feed for Từ hạn chế của năng lượng tái tạo, nhiều nước trở lại điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 07:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Từ hạn chế của năng lượng tái tạo, nhiều nước trở lại điện hạt nhân

 - "Nhìn toàn cảnh thì một điều trớ trêu là, nhiều chính phủ chống hạt nhân xưa nay luôn "vịn" vào việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nhằm biện minh cho các chính sách của họ, thì giờ đây, chính những quyết sách ấy lại có thể đảo chiều, bởi các đợt sóng nhiệt đỉnh điểm như vừa qua" - Michael Shellenberger - Chủ tịch Tổ chức Vì Tiến bộ môi trường (EP) - tác giả của bài báo dưới đây.

Điện hạt nhân phải là một phần của giải pháp năng lượng
Xu hướng phát triển mới của điện hạt nhân trên thế giới

Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng, một chính phủ từng tẩy chay hạt nhân như Hàn Quốc đã công bố tuần trước rằng nước này sẽ tăng số lượng lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động từ con số 14 lên 19 lò, thậm chí cho khởi động lại hai lò phản ứng mà trước đây dự kiến đóng cửa vào mùa hè này để bảo trì.

Một chính phủ khác phản đối hạt nhân là Đức, song quốc gia này vẫn phải phụ thuộc nặng nề vào các nhà máy điện hạt nhân còn sót lại và các nhà máy điện than, ngay cả vào thời điểm ban ngày, khi các tấm pin năng lượng mặt trời, các tua bin gió của Đức đạt công suất điện năng tối đa. Nguyên nhân ư? Chính là do tính khôn lường của gió, của nắng. Một ngày quá ít gió, ít nắng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất điện.

Quay về châu Á, vào tháng 6/2018, chính phủ Đài Loan - luôn chống đối hạt nhân vừa phải khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân đã đóng cửa trong khi căng mình đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của người dân. Một năm trước đó, quốc đảo này từng gánh chịu đợt cúp điện tồi tệ nhất trong lịch sử khi 7 triệu ngôi nhà không còn điện để sử dụng.

Không khác Đài Loan, khi dự đoán được nhu cầu điện tăng cao trong mùa hè, chính phủ Nhật Bản tiến hành đẩy nhanh việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân "cửa đóng then cài" sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Công suất điện hạt nhân đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 3/2018.

Sự phụ thuộc vào nhà máy điện hạt nhân của các chính phủ từng "nói không" với hạt nhân cho thấy những hạn chế của năng lượng tái tạo và chương trình bảo tồn năng lượng.

Sau cơn hoảng loạn  mang tên Fukushima năm 2011, Nhật Bản đã đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và đầu tư mạnh vào việc bảo tồn năng lượng (conservation) và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (efficiency). Tuy nhiên, hạn chế của những nỗ lực này đã được cảm nhận rõ rệt khi đầu tháng 8/2018, doanh số điều hòa nhiệt độ bán ra bởi một nhà bán lẻ hàng đầu đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn sang phía Tây bán cầu, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã chi hàng tỉ đô la cho các chương trình tiết kiệm năng lượng và bảo tồn năng lượng. Nhưng mới đây, giới chức trách vẫn liên tục phải kêu gọi dân chúng giảm bớt việc tiêu thụ năng lượng trong đợt sóng nhiệt cao điểm. Một chuyên gia thuộc Trung tâm Khí tượng quốc gia lên tiếng cảnh báo: "Hãy lên kế hoạch đi đâu đó nếu bị cúp điện".

Năng lượng mặt trời của California đã bị hạn chế sử dụng bởi vì theo nhật báo San Diego Union-Tribune: "Công suất điện của năng lượng mặt trời giảm khi mặt trời lặn, trong khi đó, đây chính là lúc việc tiêu thụ năng lượng bắt đầu, mọi người trở về nhà sau giờ làm việc, bật máy điều hòa và sử dụng các thiết bị ngốn rất nhiều điện, chẳng hạn như máy giặt, máy sấy".

Hơn nữa, các tấm pin mặt trời tạo ra ít điện hơn trong sóng nhiệt. Các chuyên gia về năng lượng mặt trời cho hay, theo các tiêu chuẩn sản xuất thì nhiệt độ 25°C (77°F) chính là đỉnh của dải nhiệt độ tối ưu để các tấm pin mặt trời hấp thụ tối đa năng lượng mặt trời dưới dạng quang năng để chuyển đổi thành điện năng.

Theo báo cáo của The Times of London, năm ngoái nhiệt độ mùa hè có thể đạt tới 50°C, kết hợp với sự tích tụ của bụi, khiến hiệu suất của một tấm pin năng lượng mặt trời giảm đi  hơn một nửa dưới khí hậu nắng nóng gay gắt.

Tất cả đã đẩy giá điện bán buôn ở California tăng vọt lên 1000 đô la cho mỗi MWh - cao hơn gấp 30 lần so với mức giá trung bình của năm ngoái.

Trở lại châu Á, giới truyền thông Hàn Quốc đã chỉ trích chính phủ nước này về việc đánh giá quá thấp nhu cầu tiêu dùng điện trong nước, hòng biện minh cho các chính sách chống hạt nhân mà chính phủ đưa ra.

Thông tin xã luận từ một tờ báo Hàn Quốc có viết: "Những thất bại trong việc dự đoán nhu cầu điện như vậy cho thấy chính phủ đã tùy tiện đưa ra con số ước tính về nhu cầu điện năng thấp đi để việc loại bỏ các nhà máy hạt nhân của họ trở nên logic hơn".

Nhìn toàn cảnh thì một điều trớ trêu là, nhiều chính phủ chống hạt nhân xưa nay luôn "vịn" vào việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nhằm biện minh cho các chính sách của họ, thì giờ đây, chính những quyết sách ấy lại có thể đảo chiều, bởi các đợt sóng nhiệt đỉnh điểm như vừa qua.

"Đây là cám cảnh trong tương lai đối với chúng ta" - phát ngôn viên của Công ty cung ứng các dịch vụ (điện, nước, gas…) Los Angeles cảnh báo. "Chúng ta đang chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự, cản đường chúng ta ứng phó lại chúng".

"Việc gấp rút loại bỏ điện hạt nhân của chính phủ càng làm cho nguồn điện cung ứng cần thiết từ các nhà máy sử dụng than đá và khí tự nhiên phải tăng lên để bù đắp thiếu hụt, gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường" - theo tin của báo Hàn Quốc.

Sóng nhiệt cực đoan - hiện tượng đánh thức các chính phủ chống hạt nhân

Đài Loan có thể là trường hợp được thức tỉnh đầu tiên. Nước này dự kiến đóng cửa một nhà máy hạt nhân trong tháng 12/2018, nhưng sau khi điêu đứng vì đợt nóng cực độ của mùa hè này và các vụ cúp điện trên diện rộng vào mùa hè năm ngoái thì có thể chính phủ sẽ phải suy nghĩ lại về dự định trên.

Tương tự, chính phủ California đang xúc tiến kế hoạch đóng cửa nhà máy hạt nhân Diablo Canyon, nguồn cung ứng 9% điện của tiểu bang này, chậm nhất là năm 2025. Song, cũng tại đây, giá điện được ghi nhận tăng nhanh hơn 5 lần so với các bang còn lại của Hoa Kỳ kể từ năm 2011, khi tiểu bang bắt đầu mở rộng việc triển khai năng lượng tái tạo và đóng cửa một nhà máy hạt nhân.

Việc vắng bóng các nhà máy điện hạt nhân đã khiến cho tình hình giá điện bị "đội lên" ngay cả trong điều kiện bình thường. Do đó, rõ ràng là chi phí để được tiêu thụ điện năng sẽ nhảy vọt theo cấp số nhân trong suốt diễn biến khắc nghiệt như sóng nhiệt cao điểm của mùa hè này.

Chứng kiến các đợt sóng nhiệt thiêu đốt,  ngay cả các nhóm chống hạt nhân như Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF) - luôn ủng hộ quyết sách đóng cửa nhà máy hạt nhân Diablo Canyon, cũng phải thừa nhận rằng "Nhu cầu điện năng đang tăng lên".

Trên trang xã luận của EDF có viết: "Bên cạnh một thực tế là, so với 20 năm trước, hiện nay các công ty cung ứng dịch vụ phải phục vụ thêm 50 triệu người Mỹ, thì mỗi cá nhân chúng ta lại dựa vào điện nhiều hơn. Cho dù đó là iPhone, máy tính xách tay, hoặc các dịch vụ đám mây mà chúng ta thường xuyên sử dụng, thì đời sống cá nhân và công việc đều hoàn toàn phụ thuộc vào điện năng và một mạng lưới điện đáng tin cậy".

Đó là còn chưa kể đến việc chuyển đổi nhanh chóng sang sử dụng ô tô điện, thì nhu cầu về điện có thể vượt gấp 300 lần từ năm 2016 đến năm 2040.

Bài báo của Michael Shellenberger - Chủ tịch Tổ chức Vì Tiến bộ môi trường (EP), đăng trên thời báo "Người Anh hùng của Môi trường".

Ghi chú: Conservation đề cập tới những nỗ lực nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng, thông qua tăng cường sử dụng hiệu quả và tiết kiệm (efficiency) các nguồn năng lượng truyền thống.

BIÊN DỊCH: PHẠM THỊ THU TRANG (VINATOM)

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động