RSS Feed for Nhật ký Năng lượng: "Quyền lực thượng nguồn" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 11:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật ký Năng lượng: "Quyền lực thượng nguồn"

 - Thủy điện từ xưa đến nay vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi hiệu quả kinh tế mang lại luôn nổi trội hơn so với các nguồn điện sử dụng từ than, dầu-khí và các dạng năng lượng tái tạo khác... Mặc dù các nhà khoa học luôn cảnh báo cho các quốc gia về những nguy hại của việc phát triển thủy điện tràn lan, nhưng lời cảnh báo ấy dường như vẫn nằm ngoài tai của những "ông lớn thượng nguồn", nơi ẩn giấu một hình thái quyền lực mới có thể dẫn tới những cuộc tranh cãi, thậm chí là một cuộc chiến "vô tiền khoáng hậu" với các quốc gia hạ nguồn.

>> Nhật ký Năng lượng: 'An toàn hệ thống điện' và 'ý tưởng siêu dự án'
>>  Nhật ký Năng lượng: Năng lượng tái tạo và tiếng gọi của lương tri
>> Nhật ký Năng lượng: Nguy hiểm điện hạt nhân chỉ là tưởng tượng

Bình luận tuần thứ 4:

NGUYỄN HOÀNG LINH

Sông Nile Xanh thành nóng bỏng

Trong những ngày qua, quan hệ giữa Ai Cập và Ethiopia đột ngột trở nên căng thẳng sau khi quốc gia vùng Sừng châu Phi này tiến hành chuyển hướng dòng chảy của sông Blue Nile (Nile Xanh) trong khuôn khổ dự án xây dựng đập thủy điện Đại phục hưng Ethiopia, có tổng vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD, với công suất 6.000 MW. Dư luận đang xôn xao về việc Ai Cập trước thách thức 'đập thủy điện Đại phục hưng Ethiopia'.

Sông Nile chảy qua ít nhất là 7 nước châu Phi. Khởi nguồn từ Burundi (Trung Phi), sông Nile chảy vào hồ Victoria, tại biên giới Kenia, Uganđa và Tanzania. Từ hồ này, một nhánh chảy vào Sudan đến thủ đô Khartoum, được gọi là Nile Trắng. Cũng từ hồ này, một nhánh khác chảy qua xứ Ethiopia vòng đến Khactum, gọi là Nile Xanh. Và từ đây được gọi là Nile chính, tiếp tục chảy qua Sudan, Ai Cập rồi đổ vào Địa Trung Hải. Tổng chiều dài từ đầu nguồn là 6.671 km.

Hôm 29/5, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã triệu Đại sứ Ethiopia đến để bày tỏ phản ứng. Nhiều chính khách Ai Cập chỉ trích động thái của Ethiopia là “hành động gây chiến” và kêu gọi Cairô có biện pháp đáp trả cứng rắn.

Cựu Bộ trưởng Nguồn nước và Tưới tiêu Ai Cập Nasreddin Allam báo động rằng, công trình nói trên chỉ là một trong số 4 con đập thủy điện mà Ethiopia dự kiến xây dựng trên sông Nile Xanh - một trong hai nhánh sông chính hiện đang cung cấp cho Ai Cập 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm. “Dung lượng chứa của đập Đại phục hưng Ethiopia là 200 tỷ m3, cộng với đập Takazi nằm trên sông Stet - một nhánh của sông Nile - được Ethiopia bắt đầu xây dựng vào năm 2009. Do vậy, có thể thấy trước tình huống theo đó Ethiopia sẽ kiểm soát lượng nước chảy về Ai Cập và Sudan”.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập khẳng định không muốn lựa chọn chiến tranh vì nguồn nước sông Nile. Chính sách mà Ai Cập lựa chọn là đối thoại, đàm phán và hợp tác theo luật quốc tế và quyền của các nước.

Đến lúc này, nhiều người nhớ đến Anwar Al-Sadad, tổng thống thứ hai của Ai Cập, người hùng của cuộc chiến tranh năm 1973 với Israel, đã tuyên bố sau cuộc chiến tranh này: Từ nay, nếu phải tiến hành chiến tranh thì đó là vì nguồn nước sông Nile!

Đại sứ Sudan tại Cairo mô tả quyết định chuyển hướng dòng chảy sông Nile Xanh của Ethiopia là một “thảm họa”.

Sudan và Ai Cập hiện đang thảo luận về khả năng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Liên đoàn Arập để thảo luận về mối đe dọa đối với việc chia sẻ nguồn nước sông Nile.

Dòng chảy của sông Nile qua 7 nước châu Phi: Ai Cập, Sudan và Ethiopia có tìm được giải pháp giải quyết cuộc xung đột nguồn nước hay không?

Quyền lực từ "nóc nhà của thế giới"

Quyền lực vốn được mệnh danh là một trong những loại chất dễ gây nghiện nhất cho con người. Một khi đã xuất hiện "quyền lực thượng nguồn" thì ắt hẳn có những tư duy tương ứng để sử dụng chúng.

Mọi người đều biết đa số các con sông quốc tế của châu Á đều bắt nguồn từ các khu vực lãnh thổ mà Trung Quốc sáp nhập sau năm 1949. Đơn cử, Cao nguyên Tây Tạng rộng lớn vốn được mệnh danh "nóc nhà của thế giới" là kho lưu trữ nước ngọt lớn nhất thế giới và là ngọn nguồn của nhiều con sông lớn nhất châu Á, bao gồm cả các sông là huyết mạch của Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á. Các vùng đất của các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc cũng là nơi thượng nguồn của nhiều con sông khác như Irtysh, Illy và Amur, chảy qua Nga và khu vực Trung Á.

Bài báo: Trung Quốc lại gây hấn với láng giềng trên các dòng sông cho biết, Chính phủ Trung Quốc mới đây vừa quyết định xây một loạt đập thủy điện mới trên các con sông chảy qua biên giới nhiều nước láng giềng khiến quốc gia này đang sở hữu số lượng đập lớn nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. Đi ngược lại với các hiệp định nguồn nước song phương giữa nhiều nước láng giềng, Trung Quốc phản đối quan điểm về một thỏa thuận chia sẻ nguồn nước hay về việc cùng nhau quản lý theo pháp luật các tài nguyên chung.

Ảnh hưởng dài hạn của chương trình xây đập tại Trung Quốc đặc biệt sâu sắc đối với Ấn Độ bởi một số con sông lớn của Ấn Độ đều chảy từ Cao nguyên Tây Tạng xuống phía nam vào nước này. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc (LHQ), chỉ riêng lưu lượng nước chảy qua biên giới hằng năm của sông Brahmaputra đã lớn hơn lưu lượng cộng lại của 3 con sông chảy từ Tây Tạng xuống Đông Nam Á - là sông Mekong, sông Salween và sông Irrawaddy.

Ấn Độ có lẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hoạt động xây đập và "thao túng" nguồn nước của Trung Quốc trên các dòng chảy xuyên biên giới. Lý do là Ấn Độ nhận gần một nửa lượng nước sông chảy từ lãnh thổ Trung Quốc. Theo số liệu của LHQ, trong tổng dòng chảy mặt nước 718 tỷ m3 ra khỏi biên giới Trung Quốc hàng năm, thì có tới 347 tỷ m3 (tương đương 48,33%) chảy trực tiếp vào Ấn Độ.

Trung Quốc đang có hơn chục con đập trên lưu vực sông Brahmaputra và một đập thủy điện trên mỗi sông Indus và Sutlej. Trên Brahmaputra, Trung Quốc đang sắp hoàn thiện một đập và vừa khởi công xây dựng thêm 3 đập nữa. Hai dự án đập khác trong tổ hợp sắp được xây dựng trước khi chuyển lên khu vực biên giới dồi dào nước hơn, nơi dòng sông uốn khúc và đổ vào Ấn Độ.

Chương trình xây đập của Trung Quốc đang diễn ra theo mô thức đã định hình từ lâu trên các con sông quốc tế, như sông Mekong, sông Salween và Brahmaputra: trước tiên xây các đập quy mô khiêm tốn trên những khúc sông khó khăn trên cùng, và sau đó xây dựng những đập lớn hơn ở những đoạn giữa sông nơi sông bắt đầu quy tụ nhiều nước và xung lượng nước mạnh hơn, trước khi tiến hành xây dựng các siêu đập ở khu vực biên giới tiếp giáp với nước khác.

Điển hình là một loạt các siêu đập thủy điện trên sông Mekong đặt tại khu vực ngay trước khi con sông chảy vào Đông Nam Á lục địa. Các kỹ sư Trung Quốc đã xây dựng 6 đập khổng lồ trên sông Mekong, bao gồm đập Tiểu Loan với công suất 4.200 MW, có chiều cao cao hơn cả Tháp Eiffel của Paris, và đập Noa Trác Độ, với tổ máy đầu tiên bắt đầu cung cấp điện từ tháng 8 năm ngoái. Ít nhất 4 đập nữa đang trong kế hoạch xây dựng tại khu vực biên giới này.

Ấn Độ đã ký các hiệp định chia sẻ nguồn nước với cả các quốc gia nằm ở hạ lưu các con sông chảy qua Ấn Độ: hiệp định Indus với Pakistan đảm bảo dòng chảy xuyên biên giới lớn nhất thế giới này khỏi bất kỳ cơ chế điều ước quốc tế nào, trong khi hiệp định Ganges đặt ra một nguyên tắc mới trong luật nguồn nước quốc tế bằng cách đảm bảo cho Bangladesh một sự chia sẻ bình đẳng hạ lưu dòng chảy trong mùa khô.

Trái ngược với đó, Trung Quốc không hề ký một hiệp định chia sẻ nguồn nước nào với các nước láng giềng.

Câu chuyện thượng nguồn - hạ nguồn Mekong

Bài toán lượng giá được - mất giữa việc xây đập thủy điện và sự đe dọa an toàn sinh kế cho hàng triệu người đã khiến Ủy hội sông Mekong  từng nghĩ đến phương án: đề nghị không xây bất cứ thủy điện nào. Nhưng khi tính đến lợi ích kinh tế từ thủy điện và an ninh năng lượng ở hạ nguồn không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà còn phụ thuộc vào một “ông lớn” trên thượng nguồn.

TS. Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Mạng lưới Đối tác vì nước (VNWP) cho biết, mới đây Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đã thảo luận và đưa ra 4 phương án cho câu chuyện xây đập trên sông Mekong.

Với dòng sông MeKong, ai cũng có thể thấy an ninh lương thực quan trọng hơn vì đất đai ngày càng hiếm, con người đông hơn, còn an ninh năng lượng có thể đền bù được bằng nhiều cách khác. Tuy nhiên không đơn giản để buộc các quốc gia đưa ra quyết định dừng dự án thủy điện lại.

Theo TS Tứ, với 4 phương án MRC đưa ra: thứ nhất không xây bất cứ thủy điện nào; thứ hai để 7-8 năm nữa mới xây dựng sau khi có kết quả nghiên cứu xem tác động môi trường, đời sống người dân; thứ ba là xây thử một đập để thấy “nhỡn tiền”; thứ tư cùng một lúc xây đồng loạt, sau đó nghiên cứu công nghệ giải quyết.

Trong số này, phương án hay nhất với người hạ lưu là không xây đập nào, nhưng xem ra không khả thi vì đây là câu chuyện của từng quốc gia, không ai có thể can thiệp. Trừ khi có các quốc gia lớn, đủ tiềm năng kinh tế đứng ra lên tiếng. Điều này cũng không đơn giản vì còn liên quan đến cơ chế quốc tế, cơ chế khu vực...

TS Richard Cronin, Trung tâm Henry L. Stimson cho rằng, việc đáp ứng nhu cầu năng lượng là thỏa đáng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có nên đánh đổi lợi ích kinh tế với những tác động và hệ lụy về môi trường và sinh kế hay không? Câu trả lời trở nên phức tạp hơn vì đây là vấn đề xuyên quốc gia, khi mà trong nhiều trường hợp, lợi ích kinh tế lại do một nước thụ hưởng và hệ lụy môi trường lại là gánh nặng cho nước khác.

Còn trong trường hợp khác, ví dụ với nước hạ nguồn Lào, khi việc xuất khẩu điện rõ ràng mang lại lợi ích kinh tế cho họ thì bài toán đánh đổi giữa nguồn thu từ xuất khẩu và thiệt hại do ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Một góc độ khác, khi tính đến lợi ích kinh tế từ thủy điện và an ninh năng lượng ở hạ nguồn không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà còn phụ thuộc vào một “ông lớn” trên thượng nguồn.

“Bởi lẽ, các con đập ở hạ lưu không thể vận hành nếu các con đập lớn của Trung Quốc tích nước trên thượng nguồn vào mùa khô” TS Richard Cronin cảnh báo.

Giải pháp mang tên: "Hòa hợp"

Sở dĩ có những lo lắng từ “thượng nguồn” là vì MRC được thành lập từ năm 1995 bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam với sự ủng hộ của các nhà tài trợ đa quốc gia, tuy nhiên Trung Quốc và Myanmar đã từ chối tham gia.

Chính vì điều này nên mặc dù MRC đã thống nhất thủ tục duy trì dòng chảy trong mùa mưa và mùa khô vào sông Tonle và Biển Hồ, song mực nước quan trọng nhất của dòng chảy chính vào mùa khô vẫn chưa được thống nhất.

Bắc Kinh từ chối chia sẻ bất cứ thông tin quan trọng về các dự án đập của họ và các nghiên cứu riêng về vấn đề môi trường và thủy văn.

Hơn nữa, Trung Quốc trước sau vẫn một mực phủ nhận trách nhiệm về các tác động từ hoạt động phát triển trên thượng nguồn đối với hạ lưu, đồng thời còn khẳng định là họ chỉ “làm lợi” cho các nước hạ nguồn bằng chức năng điều tiết lưu lượng nước của các con đập.

Trong khi việc kêu gọi Trung Quốc và Myanmar vào MRC chưa có câu trả lời, thì câu chuyện của 4 nước thành viên MRC cũng đặt ra nhiều băn khoăn.

Đập nước Tiểu Loan ở Vân Nam, Trung Quốc, cao 292m trên thượng lưu sông Mekong - Ảnh: sinohydro

Sự hợp tác trong quản lý tài nguyên nước giữa các nước trong lưu vực Mekong hiện vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết. Mặc dù vậy, thông tin được xem là có chiều hướng tích cực gần đây được đưa ra bởi MRC đó là: Trung Quốc và Myanmar đã đồng ý chia sẻ với MRC thông tin dòng chảy cả về mùa mưa và mùa khô.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, trước mắt Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn với các dự án phát triển trên dòng Mekong từ các nước láng giềng. Với các nước trong lưu vực cần nâng tầm mối quan hệ hợp tác để tìm ra các giải pháp công bằng và thân thiện môi trường vì lợi ích chung của cả lưu vực Mekong.

Còn có quyền lực nào khác?

Thủy điện là con dao hai lưỡi, cái được và cái mất luôn luôn là những quyền lực tự chế ngự lẫn nhau được thể hiện trong bài: Đập thủy điện: Nhân tố tác động đến biến đổi khí hậu. Theo tác giả bài báo, trước những năm 1950, hầu hết mọi người đều đánh giá các mặt tích cực của các hồ chứa nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xây dựng hồ chứa nước, đặc biệt các hồ có dung tích lớn, vừa mang đến lợi ích cho nhiều ngành nhưng cũng để lại một số hậu quả tiêu cực cho xã hội, mà người gánh chịu thường là người dân sống trong vùng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phải trả giá đắt vì các đập nước thủy điện.

Đã có những công trình nghiên cứu cho thấy, nếu xét ở khía cạnh phát thải khí mêtan, đôi khi thủy điện lại ô nhiễm hơn là nhiệt điện. Hồ chứa đập thủy điện có thể sản sinh ra một lượng đáng kể khí mêtan và điôxit cácbon (CO2). Khí mêtan được sinh ra chủ yếu do vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện ít hoặc không có ôxy. Xác động, thực vật bị ngập chìm dưới lòng hồ, phân hủy trong môi trường yếm khí hình thành nên mêtan. Do hệ thống ống dẫn nước cho các tua-bin thủy điện thường được đặt sâu dưới đáy hồ, dưới điều kiện áp suất cao, khí mêtan trong nước dễ dàng thoát ra ngoài. Theo báo cáo của Ủy hội Đập Thế giới, ở nơi nào mà hồ chứa là khá lớn so với năng lực của đập (dưới 100 W/m2 diện tích bề mặt) và không có sự phát triển trở lại của bất cứ loài thực vật nào đã bị phát quang, thì lượng khí nhà kính phát thải từ đập khi sản xuất điện cũng ngang như việc đốt dầu mỏ để sản xuất cùng một lượng điện.

Sản xuất thủy điện có thể làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của sông. Thứ nhất, các điều kiện sinh cảnh ở hạ du có thể bị suy giảm do lượng phù sa không còn đủ để cung cấp các chất dinh dưỡng hữu cơ và vô cơ quan trọng cho các loài sinh vật. Thêm vào đó, do một lượng lớn phù sa trong nước bị giữ lại khi chảy qua tua-bin, dẫn đến làm giảm lượng bồi lắng ở lòng sông và gây xói lở bờ sông. Vì các tua-bin không được mở thường xuyên, nên có thể thấy được sự dao động của dòng chảy là nhanh hoặc đều đặn ngày cũng như đêm.

Thứ hai, khi phù sa lắng đọng ở đằng sau con đập, xảy ra một hiệu ứng gọi là “thừa mứa dinh dưỡng” có thể làm cho lượng ôxy cung cấp bị suy giảm. Đó là do lúc này, lượng dinh dưỡng trở nên nhiều hơn và nhiều sinh vật tập trung ở đó hơn để tiêu thụ nguồn dinh dưỡng dồi dào này, cũng có nghĩa là tiêu thụ nhiều ôxy hơn, gây ra hiện tượng suy giảm ôxy trong hồ chứa. Tương tự, cát sỏi cũng bị giữ lại giống như phù sa, nên trong trường hợp sự chuyển dịch của sỏi cuội về hạ du là một yếu tố tạo nên các bãi đẻ trứng cho cá thì có nghĩa là các điều kiện sinh cảnh quan trọng có thể bị tác động.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự thay đổi chế độ dòng chảy trên sông có thể tạo ra một hình thái xói lở và bồi lấp mới ở hạ lưu. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng một phần vào sự ổn định bờ sông và hệ sinh thái hai bên bờ sông. Marc Goichot, điều phối viên Chương trình lưu vực sông của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) khẳng định “Các con sông là rất cần thiết trong việc bảo vệ các cộng đồng vùng ven biển bằng việc tích tụ phù sa dọc bờ biển và thủy điện có thể sẽ giảm dòng chảy của phù sa”.

Chính vì thế, ở Mỹ, từ những năm 90, đích thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Bruce Babbitt, với chiếc búa tạ trong khi đi thị sát các đập thủy điện đã bổ những nhát búa đầu tiên mở màn cho chiến dịch phá bỏ các đập thủy điện để mở đường cho các con sông chảy tự do. Một nhà lãnh đạo quốc gia đã nhận ra cái giá phải trả do tác động xấu của các đập thủy điện gây ra, không chỉ làm mất đi những hệ sinh thái quan trọng mà còn mất nguồn sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư. Dự kiến đến năm 2020, các đập nước khổng lồ của Mỹ sẽ được phá bỏ để trả lại dòng sông như nguyên trạng lịch sử của nó. Đây là dự án phá bỏ đập thủy điện lớn nhất thế giới với tổng chi phí lên tới 450 triệu đô la Mỹ.

Tại Nhật Bản, theo Hãng tin Kyodo News, ngay sau khi vừa thắng cử vào tháng 9/2009, chính quyền của tân Thủ tướng Yukio Hatoyama đã ngừng ngay 48 trong số 56 Dự án xây đập thủy điện, thủy lợi trên toàn nước Nhật. Trong số các dự án bị hủy bỏ, nổi bật nhất là Dự án xây đập Yamba có chi phí dự kiến lên đến 5 tỷ đô la Mỹ và hiện đã hoàn tất 70%...

Cho dù vậy, với cách nhìn ngắn hạn và chăm chút lợi ích cục bộ, "quyền lực thượng nguồn" vẫn có thể khiến những con sông hiền hòa, đầy ắp nhân văn và lãng mạn trở thành công cụ của những kẻ tham lam.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động