Ai Cập trước thách thức 'đập thủy điện Đại phục hưng Ethiopia'
09:51 | 14/06/2013
>> Trung Quốc lại gây hấn với láng giềng trên các dòng sông
>> Ấn Độ phản đối Trung Quốc xây thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo
>> Hạ nguồn Mekong, phụ thuộc vào 'ông lớn' thượng nguồn
>> Thủy điện Trung Quốc: Lợi bất cập hại
>> Việt Nam trước nguy cơ tác động từ thượng nguồn MeKong
>> Đập thủy điện: Nhân tố tác động đến biến đổi khí hậu
Ethiopia dự kiến khai thác 25.000 MW điện từ các con sông khác, trở thành nước xuất khẩu điện lớn nhất và kiểm soát năng lượng ở khu vực Đông Phi. Họ sẽ sớm xuất khẩu năng lượng tới Xômali và Dibuti ở phía Đông, Kênia và Uganđa ở phía Nam, Sudan và Nam Sudan ở phía Tây, Ai Cập và các nước châu Âu ở phía Bắc.
NHẬT NAM
Anwar Al-Sadad, tổng thống thứ hai của Ai Cập, người hùng của cuộc chiến tranh năm 1973 với Israel, đã tuyên bố sau cuộc chiến tranh này: Từ nay, nếu phải tiến hành chiến tranh thì đó là vì nguồn nước sông Nile!
Trong những ngày qua, quan hệ giữa Ai Cập và Ethiopia đột ngột trở nên căng thẳng sau khi quốc gia vùng Sừng châu Phi này tiến hành chuyển hướng dòng chảy của sông Blue Nile (Nile Xanh) trong khuôn khổ dự án xây dựng đập thủy điện Đại phục hưng Ethiopia, có tổng vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD, với công suất 6.000 MW.
Động thái này của quốc gia vùng Sừng châu Phi làm sống lại những tranh cãi lịch sử về tác động của dự án đối với hai nước hạ lưu sông Nile là Sudan và Ai Cập.
Hôm 29/5, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã triệu Đại sứ Ethiopia đến để bày tỏ phản ứng. Nhiều chính khách Ai Cập chỉ trích động thái của Ethiopia là “hành động gây chiến” và kêu gọi Cairô có biện pháp đáp trả cứng rắn.
Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập khẳng định không muốn lựa chọn chiến tranh vì nguồn nước sông Nile. Chính sách mà Ai Cập lựa chọn là đối thoại, đàm phán và hợp tác theo luật quốc tế và quyền của các nước.
Dòng chảy của sông Nile qua 7 nước châu Phi: Ai Cập, Sudan và Ethiopia có tìm được giải pháp giải quyết cuộc xung đột nguồn nước hay không?
Tuyên bố này được đưa sau khi Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi tuyên bố rằng Ai Cập không thể chiến thắng trong cuộc chiến với Ethiopia về quyền khai thác nguồn nước sông Nile và nói rằng Ai Cập đã ủng hộ các nhóm nổi dậy nhằm gây mất ổn định ở Ethiopia.
Ai Cập - sông Nile Xanh - Ethiopia
Chính quyền Cairo cho rằng Ai Cập có quyền lợi lịch sử đối với nguồn nước sông Nile. Theo một thỏa thuận ký kết với Anh năm 1929, Ai Cập có quyền phủ quyết bất kỳ dự án nào tại các nước thượng nguồn ảnh hưởng đến lưu lượng nước sông Nile chảy qua lãnh thổ nước này, song văn bản này chỉ mang tính ràng buộc đối với 3 quốc gia thượng nguồn vốn là thuộc địa của Anh gồm Tanzania, Kênia, Uganđa.
Sông Nile chảy qua ít nhất là 7 nước châu Phi. Khởi nguồn từ Burundi (Trung Phi), sông Nile chảy vào hồ Victoria, tại biên giới Kenia, Uganđa và Tanzania. Từ hồ này, một nhánh chảy vào Sudan đến thủ đô Khartoum, được gọi là Nile Trắng. Cũng từ hồ này, một nhánh khác chảy qua xứ Ethiopia vòng đến Khactum, gọi là Nile Xanh. Và từ đây được gọi là Nile chính, tiếp tục chảy qua Sudan, Ai Cập rồi đổ vào Địa Trung Hải. Tổng chiều dài từ đầu nguồn là 6.671 km.
Từ thời xa xưa, dòng sông này, nhất là tại Ai Cập và Sudan, đã là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại.
Việc chuyển hướng dòng chảy sông Nile Xanh được các quan chức Ethiopia mô tả là một sự kiện lịch sử. Adi Abêba đã tổ chức một buổi lễ lớn vào sáng 28/5 tại khu vực xây dựng đập thủy điện nói trên - công trình dự kiến có quy mô lớn thứ 10 thế giới. Cả Ai Cập và Sudan đã tỏ ra hết sức bất ngờ về động thái của Ethiopia. Các chuyên gia thủy lợi lại lên tiếng chỉ trích phản ứng chính thức của chính quyền Ai Cập khi cho rằng, dự án của Ethiopia không ảnh hưởng đến nước này.
Cựu Bộ trưởng Nguồn nước và Tưới tiêu Ai Cập Nasreddin Allam báo động rằng, công trình nói trên chỉ là một trong số 4 con đập thủy điện mà Ethiopia dự kiến xây dựng trên sông Nile Xanh - một trong hai nhánh sông chính hiện đang cung cấp cho Ai Cập 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm. “Dung lượng chứa của đập Đại phục hưng Ethiopia là 200 tỷ m3, cộng với đập Takazi nằm trên sông Stet - một nhánh của sông Nile - được Ethiopia bắt đầu xây dựng vào năm 2009. Do vậy, có thể thấy trước tình huống theo đó Ethiopia sẽ kiểm soát lượng nước chảy về Ai Cập và Sudan”.
Ethiopia dự kiến khai thác 25.000 MW điện từ các con sông khác, trở thành nước xuất khẩu điện lớn nhất và kiểm soát năng lượng ở khu vực Đông Phi. Họ sẽ sớm xuất khẩu năng lượng tới Xômali và Dibuti ở phía Đông, Kênia và Uganđa ở phía Nam, Sudan và Nam Sudan ở phía Tây, Ai Cập và các nước châu Âu ở phía Bắc.
Hani Raslan, người đứng đầu Chương trình nghiên cứu Sudan và các nước lưu vực sông Nile thuộc Trung tâm Nghiên cứu có trụ sở tại Cairô, cho biết hạn ngạch khai thác nước của Ai Cập trên sông Nile có thể sẽ giảm ít nhất là 7 tỷ m3 một khi dự án Đại phục hưng Ethiopia hoàn thành. Thông báo chuyển hướng dòng chảy sông Nile Xanh của Ethiopia ngay sau chuyến thăm của ông Morsi là “bằng chứng cho thấy Adi Abêba đang theo đuổi chính sách lừa dối dư luận và Chính phủ Ai Cập”. Với việc tự đánh lừa mình, các quan chức Ai Cập đã gây “tổn hại đến các lợi ích quốc gia”.
Đảng Cải cách và Phát triển cáo buộc ông Morsi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về “tình trạng thiếu nước dự kiến ở Ai Cập”. Trong tuyên bố ngày 28/5, đảng này khẳng định: “Việc xây dựng đập Đại phục hưng Ethiopia sẽ tác động tiêu cực đến hạn ngạch khai thác nước sông Nile của Ai Cập và lưu lượng nước đổ về đập thủy điện High Dam trên hồ Nasser. Điều này sẽ khiến gần 0,8 triệu ha đất nông nghiệp không thể tiếp tục canh tác và có thể gây ra các vấn đề về cung cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp. Chúng ta đang đứng trên bờ vực thảm họa nếu Ai Cập không có các hành động nhanh chóng và trực tiếp. Việc Ethiopia đưa ra quyết định chỉ một ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Mohamed Morsi cho thấy số phận của Ai Cập hiện đang nằm trong tay của một nhóm người nghiệp dư, không có khả năng quản lý các vấn đề cả bên trong lẫn bên ngoài".
Đại sứ Sudan tại Cairo mô tả quyết định chuyển hướng dòng chảy sông Nile Xanh của Ethiopia là một “thảm họa”.
Sudan và Ai Cập hiện đang thảo luận về khả năng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Liên đoàn Arập để thảo luận về mối đe dọa đối với việc chia sẻ nguồn nước sông Nile.
Cuộc xung đột giữa một bên là hai nước hạ nguồn sông Nile vàgồm Sudan và Ai Cập, bên các nước thượng nguồn bắt đầu nổ ra khi Cairo và Khactum không chấp nhận Công ước khung về Sáng kiến lưu vực sông Nile được hầu hết các nước thượng nguồn ký kết. Phía Ai Cập cho rằng văn bản này không bảo đảm cho họ quyền khai thác 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Nile, đồng thời bãi bỏ quyền phủ quyết của nước này đối với các dự án ở thượng nguồn. Cuộc tranh chấp quốc tế này sẽ còn căng thẳng hơn nữa nếu các bên liên quan không chịu thay đổi quan điểm của mình. Theo ông Raslan, “hiện không có nhiều lựa chọn thay thế.
Thay vì các cuộc đàm phán chính trị và ngoại giao, hay nhờ trọng tài quốc tế phân giải, lựa chọn duy nhất còn lại là sử dụng vũ lực”.
Nhưng, một nước Ai Cập bị chấn thương, chia rẽ và suy yếu hơn bao giờ hết, rất ít khả năng sử dụng vũ lực. Mặt khác, một cuộc chiến tranh vì nguồn nước, chưa kể những tác động lớn đối với khu vực, sẽ buộc chính quyền Anh em Hồi giáo của Tổng thống Morsi phải dựa vào quân đội, như vậy sẽ làm suy yếu quyền lực của chính quyền Morsi. Đó là điều giới cầm quyền chính trị phải tính đến.
Ai Cập có rất ít sự lựa chọn. Lời nguyền của Sadad đang ám ảnh họ.
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Nước mắt bao giờ cũng mặn...
Trung Quốc: Bạn hay thù của nước Mỹ?
Nước cờ khôn ngoan, bản lĩnh của Nhật ở châu Á
Vận mệnh quốc gia và lòng tự trọng...
Cảnh báo nguy hiểm và thông điệp của Việt Nam
Nhật Nam (Toquoc)