RSS Feed for Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân [kỳ 5]: Quan điểm của tỉnh Ninh Thuận và chuyên gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 28/12/2024 16:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân [kỳ 5]: Quan điểm của tỉnh Ninh Thuận và chuyên gia

 - Để tạm kết chuyên đề này, chúng tôi tổng hợp một số quan điểm của tỉnh Ninh Thuận về chủ trương phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2; cùng một số kiến nghị độc lập của các chuyên gia điện hạt nhân và Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam [kỳ 1]: Quá trình tìm kiếm, sàng lọc, xác định Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam [kỳ 1]: Quá trình tìm kiếm, sàng lọc, xác định

Để bạn đọc có góc nhìn tổng thể về mặt bằng được lựa chọn cho 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, trong chuyên đề này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu một số bài viết tóm tắt về quá trình tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Chuyên đề bao gồm: [1] Tìm kiếm địa điểm tiềm năng, sàng lọc và xác định các địa điểm thí sinh - [2] So sánh, xếp thứ tự ưu tiên 3 địa điểm thí sinh có trọng số cao nhất - [3] Đánh giá các địa điểm đã lựa chọn - [4] Hai địa điểm đã chọn và các kiến nghị - [5] Quan điểm của tỉnh Ninh Thuận. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam [kỳ 2]: Ưu tiên địa điểm có trọng số cao nhất Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam [kỳ 2]: Ưu tiên địa điểm có trọng số cao nhất

Trên cơ sở danh sách 10 địa điểm thí sinh, các cơ quan chuyên ngành đã chọn ra 3 địa điểm có trọng số cao nhất bao gồm: Vĩnh Hải, Phước Dinh (Ninh Thuận) và Hoà Tâm (Phú Yên) để nghiên cứu sâu hơn trong dự án "Nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam".

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam [kỳ 3]: Đánh giá các địa điểm đã lựa chọn Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam [kỳ 3]: Đánh giá các địa điểm đã lựa chọn

Đánh giá địa điểm là nhằm xác định phẩm chất của địa điểm trên mọi khía cạnh, đặc biệt là trên quan điểm an toàn. Đánh giá địa điểm còn nhằm xác định ra các giá trị cực đoan nhất của các hiện tượng tự nhiên và nhân tạo có thể xảy ra làm ảnh hưởng tới an toàn nhà máy. Bộ các giá trị cực đoan nhất của các hiện tượng tự nhiên và nhân tạo này được sử dụng như các giá trị ban đầu để thiết kế nhà máy, do đó, chúng còn được gọi là "Các cơ sở thiết kế - Design Basics". Ví dụ, cấp động đất cao nhất có thể xảy ra tại khu vực địa xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong vòng 10.000 năm là 7 độ Richter thì thiết kế nhà máy phải có đủ khả năng chống lại động đất cấp 7 trở lên tại địa điểm đó.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam [kỳ 4]: Kết luận nội dung nêu trong kỳ [1-3] Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam [kỳ 4]: Kết luận nội dung nêu trong kỳ [1-3]

Lựa chọn được các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta thực sự là một quá trình lâu dài, công phu, tốn kém (kéo dài tư năm 1996-2016). Ngoài số tiền đầu tư từ LB Nga và Nhật Bản, Việt Nam đã bỏ ra nguồn kinh phí rất đáng kể suốt quá trình 20 năm để tìm kiếm, phân loại, đánh giá, lựa chọn các địa điểm đáp ứng yêu cầu để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Kết quả, có 8 địa điểm đã được đưa vào quy hoạch để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Đặc biệt, các nghiên cứu kỹ lưỡng đã được thực hiện đối với địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (Ninh Thuận 2) tại tỉnh Ninh Thuận.

TẠM KẾT: QUAN ĐIỂM CỦA TỈNH NINH THUẬN VÀ CHUYÊN GIA

Sau thời gian nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn địa điểm của các chuyên gia Việt Nam, Nga và Nhật Bản, với chi phí khá tốn kém, Chính phủ đã xác định được hai địa điểm Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 phù hợp nhất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đến nay, các đánh giá vẫn còn giá trị, không thay đổi.

Mới đây, ngày 2/11/2024 UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn số 5103 gửi Bộ Công Thương về ý kiến đối với phát triển điện hạt nhân.

Chính quyền đồng thuận, nhưng kiến nghị Trung ương cần tạo niềm tin công chúng bằng kế hoạch, lộ trình cụ thể, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực:

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận: Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã phá vỡ các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh do Thủ tướng phê duyệt. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã điều chỉnh chiến lược sang phát triển năng lượng tái tạo. Đến nay, trên địa bản tỉnh có 57 dự án điện gió, mặt trời, với tổng công suất 3.750 MW, tạo động lực lớn thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trong thời gian từ khi triển khai đến khi dừng thực hiện nhà máy điện hạt nhân, Ban Quản lý Điện hạt nhân đã xây dựng một số cơ sở hạ tầng: Hệ thống cấp điện phục vụ thi công nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận 1; khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu: “Giữ các vị trí đã quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (vị trí Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2) làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng, đảm bảo thuận lợi để thu hồi sau này khi có yêu cầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Quy hoạch để khai thác, sử dụng đất dự trữ chiến lược này hiệu quả, phù hợp quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích của người dân... quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, cấp bách phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Giao thông, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, các công trình giáo dục, phúc lợi xã hội... đảm bảo đồng bộ, kết nối, liên thông với các khu vực xung quanh”.

UBND tỉnh Ninh Thuận đồng thuận sự cần thiết nghiên cứu phát triển điện hạt nhân theo đề nghị của Bộ Công Thương tại Báo cáo số 250/BC- BCT ngày 1/10/2024.

Để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị một số nội dung như sau:

1. Hiện nay, Ninh Thuận đang triển khai đầu tư xây dựng 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng tại 2 vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 và có nguồn nhân lực được cử đi đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân vừa qua tại các quốc gia, trong đó có sinh viên tỉnh Ninh Thuận. Do đó, cần xác định lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, nhằm tránh làm lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn lực đất đai tại 2 vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân và nguồn nhân lực được đào tạo. Đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị các cơ quan thẩm quyền trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện lộ trình, bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho nhân dân khi triển khai chủ trương phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

2. Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân.

3. Ninh Thuận có tiềm năng về phát triển năng lượng nói chung, trong đó có năng lượng tái tạo, được Chính phủ xác định là Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018. Tỉnh đã xác định năng lượng là ngành trụ cột quan trọng số 1 của tỉnh trong Quy hoạch tỉnh. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương trong quá trình triển khai chiến lược phát triển điện hạt nhân, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành “Trung tâm công nghiệp xanh, sạch” nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận, cũng như cho cả nước trong phát triển kinh tế, xã hội.

Một số kiến nghị của chuyên gia điện hạt nhân và Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam:

An ninh năng lượng quốc gia luôn luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với các quốc gia. Đối với bất kỳ quốc gia nào, vấn đề cung cấp năng lượng luôn luôn cần được đi trước một bước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi tiến bộ khoa học công nghệ đã đi vào cuộc sống với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành năng lượng, do 10-15 năm trước đây Việt Nam đã làm tốt quy hoạch và triển khai các dự án điện, hiện hay Việt Nam vẫn đang có đủ điện đáp ứng nhu cầu. Tuy vậy, khó khăn sẽ đến trong một vài năm tới, khi triển khai Quy hoạch điện của chúng ta đang có nhiều vướng mắc, các dự án nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn đang gặp nhiều thách thức về huy động đầu tư.

Trong vài năm qua, hầu như không có dự án điện lớn nào được bắt đầu triển khai xây dựng. Các dự án điện gió, điện mặt trời được triển khai nhiều, nhưng quy mô công suất không lớn và khi đưa vào sử dụng cũng chỉ có số giờ sử dụng công suất thiết bị từ 1.500 đến 2.500 giờ (quy đổi) trong tổng số 8.760 giờ của năm.

Như vậy, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu điện cho một số thời điểm trong năm.

Theo đánh giá hiện nay của các chuyên gia trong ngành năng lượng, điện hạt nhân là cần thiết trong tương lai cho Việt Nam. Điện hạt nhân sẽ là nguồn cung cấp điện năng ổn định, có giá thành hợp lý và là nguồn không phát thải CO2 khi vận hành. Đặc biệt điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh chúng ta đang và sẽ tiếp tục phải tăng nhập khẩu than từ nước ngoài cho các nhà máy nhiệt điện. Điện hạt nhân góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Việc triển khai các dự án điện hạt nhân thành công sẽ thực sự đưa đất nước Việt Nam lên một tầm cao mới về phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp, phát triển bền vững. Một đất nước với quy mô dân số khoảng hơn 100 triệu người cần có nền khoa học, công nghệ phát triển, nền công nghiệp tiên tiến.

Với tình hình thực tế như trên, chúng tôi kiến nghị:

1. Cần sớm đưa điện hạt nhân vào xem xét như là một nguồn điện trong tương lai để đáp ứng nhu cầu điện năng, đặc biệt xem xét bổ sung trong Quy hoạch điện VIII.

2. Kiến nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể với các địa điểm Phước Dinh (Ninh Thuận 1) và Vĩnh Hải (Ninh Thuận 2) tại Ninh Thuận cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai. Vì hiện nay, vấn đề cung cấp điện năng đang là nhiệm vụ lớn, quan trọng, cần đi trước một bước, đặc biệt các nguồn điện chạy phụ tải nền (chỉ có thể là thuỷ điện có hồ điều tiết nhiều năm, nhiệt điện và điện hạt nhân).

3. Rà soát lại các địa điểm còn lại (6 địa điểm trong 8 địa điểm đã được quy hoạch) và có chính sách hợp lý trong quy hoạch tiếp theo cùng với bài toán phát triển điện năng quốc gia.

Việc giữ lại 8 địa điểm nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì các nước có chương trình phát triển điện hạt nhân đều có những văn bản quy phạm pháp luật quy định cho phép chủ đầu tư giữ các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời hạn là 20 năm. Vượt quá thời hạn trên, địa điểm mới được xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng./.

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động