RSS Feed for Phát triển bền vững thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 04:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển bền vững thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai

 - Thời gian qua, việc nhìn nhận về phát triển thủy điện còn có những quan điểm sai lệch, rất cần được xem xét lại một cách đa chiều để có những đánh giá đúng đắn để phát huy giá trị tích cực trong từng dự án thủy điện. Một số phân tích dưới đây của Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO1) về điển hình khai thác thủy điện bền vững trên hệ thống sông Đồng Nai trong suốt 50 qua sẽ giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về sự phát triển bền vững thủy điện tại Việt Nam hiện nay.

>> Thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ thủy điện ở nam Trung Bộ
>> Quy trình vận hành liên hồ chứa đảm bảo lợi ích các bên
>> Phát động trồng rừng bảo vệ môi trường thủy điện

 

PHẠM VĂN CÚC - Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai

 

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2013 các nhà máy thủy điện trên toàn quốc đã sản xuất được 58,17 tỷ kWh, chiếm 45,5% sản lượng điện trên toàn hệ thống. Thủy điện cũng là nguồn năng lượng tái tạo, không bao giờ cạn kiệt như các loại năng lượng hóa thạch khác. Phát triển thủy điện đã góp phần cải thiện môi trường, điều hòa lại nguồn nước sông giữa các tháng trong năm và thậm chí còn có thể điều hòa giữa các năm khi cần thiết.

Từ đầu tư xây dựng

Hệ thống sông Đồng Nai nằm ở khu vực nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, bao gồm dòng chính là sông Đồng Nai, bên tả ngạn có nhánh sông La Ngà và bên hữu ngạn có nhánh sông Bé. Hệ thống sông Đồng Nai được người Pháp quy hoạch bậc thang thủy điện từ những năm đầu thế kỷ 20 và đến năm 1986 được Viện Năng lượng - Điện khí hóa lập qui hoạch và Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 2 đã điều chỉnh vào năm 2001. Hệ thống sông Đồng Nai là hệ thống sông lớn thứ ba của nước ta và có lưu vực hoàn toàn nằm trong nội địa, với nguồn thủy năng rất dồi dào. Theo qui hoạch toàn bộ hệ thống sông Đồng Nai có 21 nhà máy, công suất từ 20MW trở lên (trong đó EVN đầu tư 8 nhà máy, với 2.005MW, sản lượng điện 7,9 tỷ kWh).

Tuy đã được qui hoạch, nhưng qua thời gian do điều kiện xã hội có nhiều biến đổi, điều kiện tự nhiên không còn phù hợp đã được các nhà quy hoạch tính toán trước đó. Vì vậy, nhiều bậc thang đã bị loại ra khỏi quy hoạch vì tính các yếu tố liên quan đến môi trường, môi sinh như Đồng Nai 1, 7, 8, Bù Gia Mập và một số dự án khác.

Sau 50 năm kể từ thời điểm nhà máy thủy điện Đa Nhim (160MW) là nhà máy đầu tiên đi vào vận hành (1963), đến nay, trên hệ thống sông có 16 nhà máy đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, với tổng công suất lắp đặt 2.480MW, sản lượng điện bình quân hàng năm đạt trên 10 tỷ kWh.

Giai đoạn khảo sát thiết kế thực sự là một khâu rất quan trọng trong lập dự án, với khối lượng công việc lớn có nhiều đặc thù về địa hình, địa chất, thủy văn, điều kiện dân sinh, môi trường nên không thể coi nhẹ. Công tác khảo sát có chất lượng sẽ là cơ sở tin cậy cho công tác thiết kế, chọn phương án tối ưu. Trong 8 dự án đã đầu tư của EVN, có đến 6 dự án do tư vấn nước ngoài đảm nhận. Thực tế thiết kế của tất cả các dự án thủy điện vừa qua đều lựa chọn được các phương án tối ưu nhất và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường.

Điển hình là việc chọn tuyến của dự án thủy điện Đại Ninh. Theo qui hoạch, dự án này sẽ làm ngập cụm dân cư xã Ninh Gia và một đoạn đường Quốc lộ 20 của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên khi tiến hành khảo sát, để giảm bớt sự di dân, EVN đã quyết định chuyển vị trí tuyến đập về thượng lưu. Việc dịch tuyến công trình về thượng lưu dự án chỉ phải di dời 122 hộ dân, với 610 nhân khẩu và vẫn giữ nguyên tuyến Quốc lộ 20. Với sự thay đổi này, tuy giá thành của dự án có tăng cao, nhưng đã mang lại lợi ích to lớn cho xã hội và môi trường.

Trong giai đoạn xây dựng, thời gian qua, các dự án của EVN đã thực hiện đúng qui định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng. Quá trình thi công tại công trường thường trực có tư vấn tác giả, tư vấn giám sát, ban QLDA để quản lý, giám sát các nhà thầu và cùng với nhà thầu kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Do vậy, tất cả các dự án được thực hiện đều bám sát đồ án thiết kế được phê duyệt.

Công tác quản lý chi phí, tiến độ và chất lượng của dự án trên sông Đồng Nai được EVN giao cho Ban QLDA thủy điện 6 đảm nhiệm. Tất cả 8 dự án được triển khai đều đáp ứng tiến độ, đảm bảo chất lượng, chi phí hợp lý và đảm bảo môi trường.

Công tác hoàn nguyên, hoàn thổ đối với các mỏ vật liệu, các khu vực thi công được các nhà thầu thực hiện đúng cam kết như khi lập dự án. Các dự án đảm bảo tốt môi trường trong quá trình thi công như dự án Hàm Thuận-Đa Mi, Đại Ninh.

Công tác trồng bù rừng cũng được EVN đã và đang triển khai theo qui định. Tại dự án Thủy điện Đại Ninh, việc trồng rừng cũng đã được triển khai ngay từ khi dự án được khởi công xây dựng năm 2003. Đến nay, dự án đã trồng được 500 ha rừng theo chương trình IPDP do tỉnh Lâm Đồng thực hiện. Bên cạnh đó, các dự án thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 đang triển khai các thủ tục theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trồng khoảng 1.000ha rừng.

Đến giai đoạn vận hành

Với 8 dự án thủy điện của EVN hiện có trên hệ thống sông Đồng Nai, với trình độ quản lý chuyên nghiệp, các đơn vị quản lý, vận hành của EVN luôn tuân thủ đúng qui trình, công tác duy tu bảo dưỡng được quan tâm đúng mức nên đã phát huy hiệu quả cao, đảm bảo an toàn trong quá trình xả lũ và điều tiết nước vào mùa khô. Các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách cho các địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nhân dân trong khu vực dự án.

Các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách cho các địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nhân dân trong khu vực dự án.

Từ năm 2011, ngoài các khoản nộp thuế GTGT, thuế tài nguyên cho địa phương, các dự án thủy điện còn thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ. Mỗi năm các nhà máy thủy điện do EVN đầu tư trên hệ thống sông Đồng Nai nộp phí dịch vụ môi trường rừng khoảng 158 tỷ đồng (20 đồng/kWh) cho qũy phát triển rừng trung ương và quỹ của các địa phương. Đây là nguồn phí đáng kể để chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn.

Qua thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Lâm Đồng, mức khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân đã tăng từ 2,8-3 triệu đồng lên 10,5-12 triệu đồng, góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo cho người dân, đồng thời tăng diện tích nhận khoán rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Từ tháng 3/2011, các nhà máy trên hệ thống sông Đồng Nai đã ký cơ chế phối hợp vận hành xả lũ các hồ chứa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với địa phương, do vậy thời gian qua đã không để xảy ra tình trạng ngập lụt do xả lũ. Từ khi Thủy điện Đại Ninh tích nước (2007) và nhất là từ khi Thủy điện Đồng Nai 3 đi vào vận hành (2010) đã chấm dứt tình trạng ngập lụt tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng. Cùng đó, giảm gánh nặng cho thủy điện Trị An trong việc điều hòa xả lũ vào mùa mưa, đặc biệt trong các dịp triều cường ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Cùng với việc tham gia chống lũ, các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai đã tích cực, chủ động điều tiết bổ sung lưu lượng, góp phần rất lớn trong việc cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho vùng hạ du như: Đồng Nai 3, 4, Đắk Tih, đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho các huyện Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) vào mùa khô, đảm bảo lưu lượng bình quân 60-70m3/s. Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đảm bảo cung cấp nước phục vụ sinh hoạt sản xuất cho 17.000ha đất sản xuất nông nghiệp cho huyện Tánh Linh và huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, đặc biệt trong mùa khô luôn duy trì lưu lượng 25 - 35m3/s. Thủy điện Trị An luôn duy trì lưu lượng 100m3/s vào mùa khô để đảm bảo đẩy mặn cho vùng hạ du…

Để đảm bảo vận hành an toàn các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai xây dựng Quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả hệ thống sông để sớm trình Chính phủ phê duyệt. Một khi qui trình này được phê duyệt, các hồ chứa sẽ phát huy cao hiệu quả kinh tế tổng hợp của cả hệ thống.

Hệ thống sông Đồng Nai có nguồn nước dồi dào, việc khai thác nguồn nước một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng. Hai bậc thang trên cùng của hệ thống thực hiện chức năng, vừa phát điện, nhưng đồng thời cũng vừa phân chia nguồn nước cho các tỉnh cực nam Trung bộ của nước ta, nơi có lượng mưa thấp nhất cả nước.

Thủy điện Đa Nhim được đưa vào vận hành năm 1963, với công suất lắp đặt 160MW, sản lượng điện bình quân 1 tỷ kWh, mỗi năm cung cấp cho tỉnh Ninh Thuận 550 triệu m3 nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho trên 40.000ha của các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Năm 2008, Nhà máy thủy điện Đại Ninh đưa vào vận hành với công suất lắp đặt 300MW, sản lượng điện bình quân 1,1 tỷ kWh, hàng năm cung cấp 750 triệu m3 nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho trên 31.000ha cho các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, TP. Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận.

Như vậy, hai dự án thủy điện này đã phân chia nguồn nước cho hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận với 1,3 tỷ m3 nước mỗi năm, đảm bảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất của 5 huyện, thị và đặc biệt chống được hiện tượng sa mạc hóa của hai tỉnh cực nam Trung bộ.

Việc hai bậc thang thủy điện Đa Nhim và thủy điện Đại Ninh chuyển nước về các lưu vực khác thì các bậc thang dưới là Đồng Nai 2 và Đồng Nai 3 đã đảm nhận nhiệm vụ tích ở các hồ này vào mùa mưa trên 1 tỷ m3 để vừa điều tiết lũ, đồng thời đảm bảo dòng chảy cao cho mùa khô năm sau.

Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được các nước khuyến khích phát triển, trong đó có nguồn thủy điện. Đến nay, nhiều nhà máy trên hệ thống sông Đồng Nai đã đăng ký thành công tại Liên Hợp Quốc về phát thải khí CO2, như các dự án: thủy điện Đồng Nai 4 (340MW), thủy điện Đăk Tih (144MW), thủy điện Dambri (75MW), thủy điện Đa Dâng (34MW) và các dự án đang trong quá trình xem xét hồ sơ như: Đồng Nai 2 (70MW), Đồng Nai 5 (150MW). Các dự án này đã minh chứng cho việc thủy điện phát triển một cách bền vững theo các tiêu chuẩn của thế giới.

Sớm phê duyệt quy trình vận hành liên hồ cho sông Đồng Nai

Việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục giải quyết như đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân tái định cư, tiếp tục trồng bù rừng đủ theo qui định. Tuy nhiên không thể phủ nhận các tác động tích cực mà các dự án này mang lại gồm: Đảm bảo nguồn năng lượng sạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách cho địa phương và thay đổi căn bản diện mạo đời sống của người dân trong vùng. Bên cạnh đó, các hồ chứa còn có tác động tích cực đến môi trường, góp phần cắt, giảm lũ vào mùa mưa và chủ động cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và bảo vệ môi trường ở vùng hạ du.

Hiện nay, tuy còn một số tồn tại trong quá trình quản lý vận hành có nguy cơ làm mất ổn định mái đào tại các nhà máy, do vậy, EVN cần xem xét việc xử lý để đảm bảo các nhà máy vận hành an toàn. Mặt khác, hệ thống sông Đồng Nai hiện vẫn chưa có quy trình vận hành liên hồ, vì vậy, Chính phủ cần sớm phê duyệt qui trình này để tạo điều kiện thuận lợi trong điều tiết hồ chứa bậc thang. Việc trồng rừng phòng hộ đầu nguồn của các dự án trên hệ thống sông Đồng Nai đã suy giảm khá nhiều, do vậy, trong thời gian tới cần có phương án duy trì, phát triển rừng, đảm bảo hạn chế đến biến đổi dòng chảy của dòng sông trong hiện tại và tương lai.

NangluongVietnam.vn

SỰ KIỆN BẠN ĐỌC QUAN TÂM

"Việt Nam đã chuẩn bị kỹ cho tình huống trên Biển Đông"
Khi cảnh sát Biển Việt Nam áp sát giàn khoan HD981 Trung Quốc
Quan hệ Nga - Trung và ẩn số Biển Đông
Việt Nam, Nga và trật tự thế giới mới?
"Trung Quốc đừng hy vọng kìm cương Triều Tiên"
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của ngư

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động