RSS Feed for Tầm chiến lược quốc gia của điện hạt nhân Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 08:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tầm chiến lược quốc gia của điện hạt nhân Việt Nam

 - Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, việc xác định rõ những khó khăn, thách thức và đưa ra những giải pháp khắc phục là hết sức cần thiết.

Đào tạo nhân lực: Yếu tố cần cho phát triển điện hạt nhân
Đề xuất công nghệ cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

TRẦN VIẾT NGÃI - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA)

Trong xu thế của thế giới đối phó  với nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng truyền thống, hiện nay điện hạt nhân (ĐHN) là sự lựa chọn thích hợp, góp phần tích cực thay thế các nhà máy điện (NMNĐ) sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Yếu tố quan trọng khác đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sử dụng công nghệ NMĐHN từ các nước tiên tiến sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp nội địa phát triển. Vì lẽ đó, phát triển ĐHN đã trở thành nhiệm vụ mang tầm chiến lược của quốc gia hiện nay.

Chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) của Việt Nam được thể hiện tại nhiều văn bản pháp lý như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ngày 24/12/1996 xác định “chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2000”; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng quan phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, giao Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các cơ quan liên quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng NMĐHN ở Việt Nam; Kết luận số 55-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 27/9/2009 về Định hướng quy hoạch phát triển ĐHN giai đoạn đến năm 2030 và đầu tư NMĐHN Ninh Thuận; Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2009.

9 bước chuẩn bị xây dựng

Quá trình chuẩn bị dự án ĐHN của Việt Nam được thực hiện qua 9 bước.

Thứ nhất, tháng 3/2002, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) giao Viện Năng lượng lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng ĐHN ở Việt Nam.

Thứ hai, tháng 8/2005, trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu khả thi do Viện Năng lượng lập.

Thứ ba, ngày 27/12/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1855/QĐ-TTg Phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; tại Khoản 3 Điều 1 về định hướng phát triển ngành điện có nêu: “Nghiên cứu phát triển nhà máy điện hạt nhân” và mục tiêu cụ thể của chiến lược là “… đưa tổ máy ĐHN đầu tiên vào vận hành sau năm 2020, sau đó tăng nhanh tỷ trọng ĐHN trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Đến năm 2050 năng lượng ĐHN chiếm khoảng 15 - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc”.

Thứ tư, cuối năm 2008, Báo cáo nghiên cứu khả thi được cập nhật, bổ sung thành Báo cáo đầu tư xây dựng công trình NMĐHN Ninh Thuận có tổng công suất 4x1000MW gồm 2 tiểu dự án: NMĐHN Ninh Thuận I và Ninh Thuận II.

Thứ năm, triển khai các báo cáo chuyên ngành như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Báo cáo địa chất bổ sung  khu vực dự kiến xây dựng 2 nhà máy. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định các báo cáo trên trình Quốc hội vào tháng 11/2009 và Quốc hội đã ra Nghị quyết về Chủ trương đầu tư 2 NMĐHN Ninh Thuận.

Thứ sáu, trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện  hạt nhân Ninh Thuận; ban hành Văn bản số 460/TTg-KTN về kế hoạch tổng thể thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; đàm phán ký kết Hiệp định Liên chính phủ Việt Nam - Liên Bang Nga về hợp tác xây dựng NMĐHN Ninh Thuận I; ra Thông cáo chung Việt Nam - Nhật Bản về phát triển đối tác chiến lược cho hoà bình và thịnh vượng tại châu Á, trong đó lựa chọn Nhật Bản là đối tác xây dựng NMĐHN Ninh Thuận II.

Thứ bảy, ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII); theo các Phụ lục I và Phụ lục II của Quyết định Phê duyệt QHĐ VII này thì từ năm 2020 đến năm 2030 sẽ có 5 NMĐHN đưa vào vận hành với tổng công suất 10.700MW đó là: NMĐHN Ninh Thuận I: 2x1000MW (2020/2021) đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; NMĐHN Ninh Thuận II: 2x1000MW (2020/2021) đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận; NMĐHN số III: 2x1000MW (2022/2023) chưa xác định địa điểm; NMĐHN số IV: 2x1000MW (2026/2027) chưa xác định địa điểm; NMĐHN miền Trung: 2x1350MW (2028/2030) chưa xác định địa điểm.

Thứ tám, trong năm 2011, đàm phán ký kết thoả thuận Liên chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác xây dựng NMĐHN Ninh Thuận II; ký kết Hiệp định Liên chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về việc cung cấp tín dụng Nhà nước Nga để xây dựng NMĐHN Ninh Thuận I và Thoả thuận bổ sung thứ 2 kèm theo Hiệp định về xử lý nợ của Việt Nam đối với Liên bang Nga để tài trợ  cho việc lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm (HSPDĐĐ) và Dự án đầu tư xây dựng công trình (DAĐT) NMĐHN Ninh Thuận I.

Thứ chín, những nội dung công việc cụ thể đã hoàn thành vào cuối năm 2013 và hiện đang tiếp tục triển khai thực hiện: Tư vấn E4-KIEV-EPT đã hoàn thành HSPDĐĐ và DAĐT NMĐHN Ninh Thuận I; Tư vấn JAPC đã hoàn thành HSPDĐĐ và DAĐT NMĐHN Ninh Thuận II; hoàn thành chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án NMĐHN Ninh Thuận I và Ninh Thuận II.

Uỷ Ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Chủ đầu tư đề án di dân tái định cư hoàn thành cơ chế chính sách đặc thù về di dân, tái đinh cư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, đồng thời hoàn thành dự án đầu tư đề án này cũng như thực hiện tốt Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020.

Về hợp tác quốc tế: quan hệ tốt với các đối tác Nga (Rosatom, Atomstroyexport …), Nhật (JINED, JEPIC …) và IAEA về các chủ đề như an toàn hạt nhân, công nghệ điện hạt nhân, đào tạo nhân lực, cung cấp và xử lý nhiên liệu điện hạt nhân, nội địa hoá, quản lý dự án điện hạt nhân, quản lý môi trường…

Vai trò chiến lược

Mục tiêu của chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam nêu tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg là: “Phấn đấu đảm bảo cung cấp năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó năng lượng sơ cấp năm 2010 đạt khoảng 47,5 - 49,5  triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE, đến năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và đến năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE”. Như vậy nhu cầu năng lượng của Việt Nam năm 2020 gấp hơn 2 lần và năm 2050 gấp hơn 6 lần năm 2010.

Riêng về nhu cầu điện, nếu năm 2010 chúng ta sản xuất được hơn 100 tỷ kWh thì theo QHĐ VII đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg, nhu cầu điện của Việt Nam theo kịch bản cơ sở năm 2020 là 330tỷ kWh gấp hơn 3 lần và năm 2030 là 695 tỷ kWh gấp gần 7 lần năm 2010.

Nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho công nghiệp hóa và hiện đại hoá đất nước, giải pháp lựa chọn cách tận dụng các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước một cách hợp lý, kết hợp giữa nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí LNG với tỷ trọng thích hợp là giải pháp đúng đắn; tuy nhiên ta có một số nhận định sau đây:

Về thủy điện, Việt Nam có tổng tiềm năng lý thuyết tới 300 tỷ kWh tương đương khoảng 150 triệu tấn than, tiềm năng kỹ thuật được đánh giá khoảng 120 tỷ kWh tương ứng khoảng 30.000MW. Song nếu xem xét các yếu tố kinh tế - xã hội, tác động đến môi trường và dự báo về biến đổi khí hậu sẽ xảy ra tại Việt Nam thì tiềm năng kinh tế kỹ thuật chỉ trong phạm vi 83-104 tỷ kWh, với công suất tương ứng 20.750MW ~ 26.000MW.

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã đưa vào quy hoạch khai thác hết nguồn tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện này. Trong danh mục quy hoạch nguồn điện của QHĐ VII từ năm 2018 trở đi không còn nhà máy thủy điện nào đưa vào vận hành, ngoài các thủy điện tích năng và các nhà máy thủy điện xây dựng tại Lào và Campuchia. Mặt khác, khai thác thủy điện phải hết sức thận trọng về môi trường, môi sinh, bảo vệ rừng đầu nguồn, chú ý đầy đủ phòng lũ hạ lưu… để không gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến chiến lược phát triển xanh.

Về nhiệt điện than, để đáp ứng nhu cầu điện nêu tại QHĐ VII, số lượng các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than phải xây dựng trong 20 năm (2011 - 2030) là 61 nhà máy, với tổng công suất đặt 71.710MW, từ đó tính ra nhu cầu than của ngành điện năm 2020 là 67,3 triệu tấn và năm 2030 là 171 triệu tấn. Trong khi đó, theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 sản lượng than thương phẩm sản xuất than toàn ngành than năm 2020 đạt 60 - 65 triệu tấn và năm 2030 là trên 75 triệu tấn. Than trong nước sản xuất ra không chỉ cung cấp cho ngành điện mà còn cho các ngành kinh tế quốc dân khác và xuất khẩu.

Chính do sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc nhìn nhận cung - cầu dựa trên cơ sở các quy hoạch ngành nói trên, nên lượng than thiếu hụt giải quyết cho ngành điện không còn con đường nào khác là phải nhập khẩu. Vấn đề nhập than cho điện thời gian qua đã được đề cập khá nhiều, tuy nhiên với khối lượng nhập càng ngày càng lớn thì chưa tìm ra giải pháp nào chắc chắn. Ngoài ra, việc phát triển quá nhiều dự án NMNĐ than cũng không tránh khỏi tác động xấu đến môi trường.

Về nhiệt điện dầu - khí, dự báo khả năng khai thác dầu - khí của Việt Nam, kể cả đầu tư ra nước ngoài năm 2010: dầu thô 19,86 triệu tấn (trong đó nội địa là 19,16 triệu tấn), khí 8 tỷ m3; đến năm 2020: dầu thô 20,70 triệu tấn (trong đó nội địa là 16,2 triệu tấn), khí là 17 tỷ m3 và năm 2030: dầu thô 22,00 triệu tấn (trong đó nội địa là 16 triệu tấn), khí là 17 tỷ m3.

Qua dự báo này ta thấy nguồn dầu - khí trong nước là rất hạn chế, nên theo QHĐ VII chỉ đề ra một số nhà máy điện chu trình hỗn hợp chạy khí, ví dụ tại Trung tâm Điện lực Ô Môn - đến nay chắc chắn không đảm bảo tiến độ do hệ thống đường ống Lô B Ô Môn vào chậm. Việc nhập khí hóa lỏng (LNG) được quan tâm với mục đích bổ sung nguồn nhiên liệu có khả năng thiếu hụt, thay thế than, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, giá LNG là khá cao - tới 15 - 16USD/1 triệu BTU (giá năm 2014 tại châu Á), tính ra giá thành nhà máy điện chu trình hỗn hợp sử dụng LNG khoảng 11,5USc/kWh. Ngoài ra để nhập LNG phải đầu tư cơ sở hạ tầng gồm cảng, đường ống, kho bãi… cho nên nhập LNG, hay nhập than cho điện cần được nghiên cứu đầy đủ hơn trong Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia.

Về nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), trong QHĐ VII dự kiến đưa tỷ lệ NLTT trong sản xuất điện đạt 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030, tương ứng đạt 16 tỷ kWh  (6.000 - 7.000MW) và 42 ~ 45 tỷ kWh (15.000 ~ 20.000 MW). Tỷ lệ này được đánh giá còn thấp, trong khi Việt Nam được đánh giá có tiềm năng NLTT lớn, do đó cần phải nghiên cứu, nỗ lực từ khảo sát, quy hoạch, lựa chọn công nghệ thích hợp, đầu tư và nội địa hóa để nâng cao hơn tỷ trọng NLTT đáp ứng nhu cầu phát triển sạch.

Việc phát triển NLTT (gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, thủy triều…) ở Việt Nam đến nay, theo số liệu, tài liệu khảo sát đo đạc còn thiếu và độ tin cậy thấp, về thể chế đã có quan tâm, nhưng chưa đủ để khuyến khích đầu tư, phát triển, giá thành điện còn cao; công suất và sản lượng điện kỳ vọng chưa đủ lớn để cạnh tranh với các nguồn thủy điện, nhiệt điện.

Một điểm nữa, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là khâu cực kỳ quan trọng, được đánh giá là tạo ra nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, là quốc sách “thâm canh” trong năng lượng. Chúng ta đã có các chính sách khuyến khích hỗ trợ, xây dựng chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2006 - 2010 giảm được 3 - 5% tổng tiêu thụ  năng lượng và giai đoạn 2011 - 2015 dự  báo giảm 5 - 8%... Tuy nhiên, giải pháp này chủ yếu nhằm giảm bớt nhu cầu tiêu thụ điện, chứ không thể thay thế việc bổ sung nguồn điện lớn nhằm đáp ứng nhu cầu điện của đất nước.

Điện hạt nhân mang tầm chiến lược do nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam đã được nêu trong chiến lược, cũng như quy hoạch ngày càng tăng, cuộc khủng hoảng cung - cầu điện năng sẽ ngày càng gay gắt gấp bội. Trước tình thế đó cũng như các giải pháp nguồn điện và sử dụng điện như đã trình bày ở trên đều có mặt hạn chế thì ĐHN đương nhiên nằm trong tầm ngắm của các nhà chiến lược và công nghệ năng lượng nước ta.

Điện hạt nhân là sự hội tụ những ưu điểm nội tại về mặt công nghệ và kinh tế, mặt khác cũng thích ứng với chiều hướng hồi sinh của ĐHN trên thế giới ở thời điểm hiện nay. Dù vẫn còn những lo lắng về tính an toàn lò phản ứng hạt nhân và việc chôn cất chất phóng xạ, đặc biệt là sự cố Chernobyl và Fukushima đã xảy ra, nhưng sự vận hành an toàn của hàng trăm lò phản ứng rải rác trên thế giới, cũng như sự xuất hiện nhiều biện pháp an toàn khác nhau đã đem lại niềm tin mới cho dân chúng đối với công nghệ ĐHN.

Đặc biệt, trong xu thế của thế giới đối phó hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, ĐHN quả là sự lựa chọn thích hợp, góp phần tích cực thay thế các NMNĐ sự dụng nhiên liệu hóa thạch, nhằm giảm hạn chế phát thải khí ô nhiễm môi trường, gây hiệu ứng nhà kính. Các yếu tố quan trọng khác đối với những nước đang phát triển  như nước ta là điều kiện khá thuận lợi trong việc nhập công nghệ NMĐHN từ các nước tiên tiến và sự bảo đảm chắc chắn nguồn nhiên liệu uranium nội địa và ngoại nhập trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Tất cả  những yếu tố trên, cùng với thành tựu chế tạo được tổ máy công suất lớn của các lò phản ứng hạt nhân năng lượng, trên thị trường thế giới đã mở ra khả năng đáp ứng phần đáng kể nhu cầu điện năng cho đất nước trong tương lai (từ sau năm 2020 đến giữa thế kỷ 21). Vì lẽ đó, phát triển ĐHN đã trở thành nhiệm vụ mang tầm chiến lược của quốc gia hiện nay.

Đối với dự án xây dựng NMĐHN trên địa  bàn Ninh Thuận, ngày 13/4/2015 vừa qua khi đến thăm tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Mặc dù đây là công trình có vốn đầu tư rất lớn, nhằm đảm bảo nguồn điện năng cho đất nước, nhưng yêu cầu đầu tiên và cao nhất vẫn là bảo đảm an toàn bằng mọi giá. Do đó, dự án này được Chính phủ hết sức quan tâm và triển khai một cách thận trọng theo đúng quy trình đặt ra”. Thủ tướng cũng tán thành các giải pháp của các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho người dân trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Các nhà máy điện hạt nhân sẽ góp phần

- Đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp, tăng cường tính an ninh cung cấp năng lượng đảm bảo các nguồn tài nguyên trong nước được sử dụng hợp lý, phát triển bền vững.

- Giảm phát thải khí nhà kính, tác động xấu đến môi trường (bụi, CO2, SO2, NOX) thay vì phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát điện, giảm thiểu biến đổi khí hậu.

- Bảo đảm cân đối, đáp ứng được nhu cầu điện cho đất nước trong tương lai, bảo tồn các nguồn nhiên liệu hóa thạch của quốc gia.

- Tăng cường tiềm lực khoa học - kỹ thuật - công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác.

- Phù hợp với xu thế hiện nay và tương lai thế giới.

-  “Đời sống kinh tế” của dự án NMĐHN dài tới 60 năm, cao hơn nhiều các loại dự án nguồn điện khác (thủy điện công suất lớn 40 năm, nhiệt điện than 30 năm, tuabin khí chu trình hỗn hợp 25 ~30 năm, dezen cỡ lớn  20 năm) nên giá điện bình quân cả đời dự án NMĐHN là có tính hấp dẫn cạnh tranh được so với giá điện bình quân của các loại nguồn điện khác.

NangluongVietnam.vn

Lưu ý: Nghiêm cấm sao chép nội dung bài viết này dưới mọi hình thức nếu chưa có sự đồng ý của Tòa soạn Năng lượng Việt Nam bằng văn bản

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động