RSS Feed for Tránh rủi ro an ninh năng lượng, Việt Nam cần điện tái tạo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 05/10/2024 22:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tránh rủi ro an ninh năng lượng, Việt Nam cần điện tái tạo

 - Đối với các quốc gia, việc phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu sẽ mang lại rủi ro trong việc cung cấp năng lượng, khi nguồn cung giảm, hoặc khi giá năng lượng tăng đột biến, việc bảo đảm an ninh năng lượng sẽ khó kiểm soát. Nguồn nhiên liệu hóa thạch khai thác trong nước của Việt Nam (khí thiên nhiên, than đá và dầu mỏ) đã đến mức giới hạn và dần suy giảm trong thời gian tới, phát triển bền vững và an ninh năng lượng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và làm giảm tác động môi trường, Việt Nam cần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, đầu tư vào lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tiêu thụ và thực hiện sản xuất với công nghệ sạch hơn.

Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 1)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 2)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 3)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 4)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 5)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 6)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 7)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 8)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 9)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 10)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 11)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 12)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 13)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 14)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 15)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 16)

TRẦN VIẾT NGÃI, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam

1. Tiềm năng các nguồn thủy điện

Theo quy hoạch bậc thang thủy điện các doàng sông lớn và quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tại các địa phương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Việt Nam có thể phát triển 1279 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 26.500 MW. Trong đó, có 1164 dự án thủy điện nhỏ (công suất ≤ 30MW) với tổng công suất lắp máy 7745 MW; có 72 dự án thủy điện vừa (công suất lớn hơn 30 MW đến 100 MW) và 43 dự án thủy điện lớn (công suất lớn hơn 100 MW) với tổng công suất lắp máy 14.583 MW.

Ngoài ra, còn có tiềm năng phát triển thêm hơn 200 dự án, chủ yếu là thủy điện nhỏ, với tổng công suất trên 400 MW. Khai thác hết, các nhà máy thủy điện của Việt Nam hàng năm có thể sản xuất khoảng 95 - 100 tỷ kWh; trong đó nguồn thủy điện vừa và nhỏ khoảng 35 - 40 tỷ kWh.

Một số địa phương có tiềm năng thủy điện lớn. Chỉ tính thủy điện vừa và nhỏ: Các tỉnh Lào Cai, Quảng Nam có thể phát triển trên 1.000 MW; nhiều tỉnh có thể phát triển 500 - 800 MW: Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng.

2. Tiềm năng các nguồn điện gió

Các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh cao nguyên của Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió; ước tính điện gió trên đất liền có thể phát triển khoảng 40 - 50 nghìn MW công suất điện gió. Nếu tính thêm tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW công suất điện gió.

Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió một số địa phương; theo đó, dự kiến đến năm 2030: Cà Mau có thể phát triển 3.607 MW; Bình Thuận - 2.500 MW; Ninh Thuận - 1.409 MW; Trà Vinh - 1.608 MW; Sóc Trăng - 1.470 MW;...

3. Tiềm năng các nguồn điện mặt trời

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, nguồn năng lượng mặt trời sử dụng hầu như quanh năm; số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 1500 giờ tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và lên đến 2700 giờ tại các tỉnh Nam Trung bộ. Mật độ năng lượng mặt trời biến đổi trong khoảng 3.000 đến 5.000 kCal/m2.ngày.

Nhiều địa phương và các doanh nghiệp đã nghiên cứu đẩy mạnh phát triển các dự án điện mặt trời: EVN và các đơn vị thành viên đang triển khai các bước Quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án, tổng công suất khoảng 3.100MW, chủ yếu phát triển trên các mặt hồ của thủy điện. Tại Bình Định, có hơn 20 nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 01 dự án, công suất 64MW; thống nhất cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư đối với 02 dự án;...

4. Tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối

Năng lượng sinh khối là các dạng năng lượng có nguồn gốc từ các chất hữu cơ, như: gỗ, sản phẩm nông nghiệp, chất thải hữu cơ, chất thải rắn đô thị, tảo và các loài thực vật khác.

Tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối:

- Củi gỗ: Chất đốt có nguồn gốc từ gỗ, được khai thác từ rừng, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và cây trồng phân tán, phế thải gỗ của các nhà máy chế biến gỗ,... Năng lượng từ nguồn gỗ củi của Việt Nam hiện nay khoảng 32 triệu tấn, tương đươn 11,6 triệu TOE (tấn dầu tương đương).

- Phế thải từ cây nông nghiệp: Bao gồm phế thải nông nghiệp sau thu hoạch như rơm rạ, ngọn và lá mía, thân và lá ngô, thân cây sắn, vv..., và phế thải sau chế biến công - nông nghiệp, như trấu, bã mía, vỏ lạc, vỏ hạt cà phê,... Tổng nguồn phế thải nông nghiệp của Việt Nam khoảng 80 triệu tấn, tương đương 17,6 triệu TOE.

- Chất thải chăn nuôi: Chất thải chăn nuôi (phân gia súc) có thể được sử dụng để sản xuất khí sinh học. Sản lượng khí sinh học có thể thu hồi từ chăn nuôi khoảng 11,3 tỷ m3/năm.

- Rác thải: Rác thải có thể sử dụng cho mục đích năng lượng gồm rác hữu cơ, thải từ sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; rác thải từ các cơ sở sản xuất, cơ sở thương mại, các cơ quan,… Khả năng thu hồi năng lượng từ rác thải hữu cơ khoảng 0,82 triệu TOE.

- Các nguồn chất thải hữu cơ (mật đường, dầu ăn đã sử dụng và mỡ cá da trơn) có thể được sử dụng làm nguyên liệu chính để sản xuất nhiên liệu sinh học. Khả năng thu hồi năng lượng từ các chất hữu cơ này hiện nay khoảng 0,8 triệu TOE.

- Tổng hợp tiềm năng năng lượng sinh khối của Việt Nam: Tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối của Việt Nam hiện nay khoảng 60 triệu TOE. 

Các lợi ích và sự cần thiết phát triển nguồn năng lượng tái tạo 

Kể từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu tinh sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Do vậy, sự phát triển của nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần quan trọng trong bảo đảm an năng lượng quốc gia.

Việc phát triển năng lượng tái tạo cũng sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững. Đặc biệt là ở cấp quốc gia, bằng cách khai thác các nguồn lực địa phương và tạo ra ngành công nghiệp mới và tạo việc làm.

Điều quan trọng là phát triển năng lượng tái tạo sẽ tạo cơ hội cho hình thành các doanh nghiệp kinh doanh mới, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là hình thành các doanh nghiệp mới. Các doanh nghiệp lớn cũng sẽ được hưởng lợi thông qua đầu tư vào các công nghệ mới như một phần của kế hoạch kinh doanh dài hạn; từ đó nền kinh tế quốc gia phát triển bền vững.

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương

1/ Phát triển đời sống và cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn

Phần lớn các nhà máy thủy điện, các công trình năng lượng tái tạo nằm ở vùng sâu, vùng xa tại khu vực nông thôn, trong quá trình thi công xây dựng và sau khi hoàn thành đi vào vận hành khai thác, chủ các dự án đã sử dụng một phần lực lượng lao động tại chỗ. Hệ thống đường giao thông phục vụ cho việc thi công xây dựng và vận hành nhà máy trở thành hệ thống giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

2/ Phát triển kinh tế đa mục tiêu

Ngoài mục đích phát điện, các dự án thủy điện còn góp phần chống lũ trong mùa mưa, cấp nước trong mùa khô; phát triển chăn nuôi thủy sản, tạo ra cảnh quang môi trường có khả năng phát triển du lịch. Phần không gian trên mặt hồ, có thể lắp đặt hệ thống pin mặt trời làm tăng tính hiệu quả của việc sử dụng đất và hiệu quả của dự án.

Bên cạnh đó là tăng thu ngân sách cho các địa phương. Bình quân 01 MW công suất nguồn thủy điện đóng cho việc thu ngân sách của địa phương khoảng 01 tỷ đồng, qua các loại thuế, phí gồm: Tài nguyên nước, dịch vụ môi trường rừng, VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ước tính 01 MW nguồn điện mặt trời cho doanh thu hàng năm khoảng 1,5 - 2,0 tỷ đồng, đóng cho nguồn ngân sách của địa phương khoảng 200 - 250 triệu đồng. Bình quân 01 MW thủy điện sử dụng khoảng 5 ha đất; 01 MW điện mặt trời sử dụng khoảng 01 ha đất.

Như vậy, 01 ha đất dùng phát triển nguồn điện sử dụng NLTT đóng góp cho nguồn thu ngân sách của địa phương khoảng 200 triệu đồng/năm. Nói tóm lại, việc phát triển NLTT có tiềm năng góp phần phát triển nhanh KTXH của các địa phương.

Thực tế hiện nay, nhiều tỉnh miền núi (như Lào Cai), các nhà máy thủy điện đóng góp khoảng 50% nguồn thu trên địa bàn. Gió và nắng gây khó khăn lớn cho phát triển nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận; nhưng lại là điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội để phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời.

Điều quan trọng là góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Năng lượng tái tạo là một nguồn năng lượng bền vững, không thải ra các chất ô nhiễm gây thiệt hại cho môi trường và có thể được khai thác mà không gây tổn hại đến các hệ sinh thái.

Đặc biệt, là việc góp phần cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo; vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Phát triển, cung cấp điện và năng lượng sạch cho người dân nông thôn, các vùng khó khăn có tác động đến các vấn đề xã hội quan trọng như tạo việc làm, xóa đói nghèo, bảo đảm công bằng xã hội, phát triển kinh tế và đô thị hóa.

Hiệu quả kinh tế - tài chính của các dự án năng lượng tái tạo

Thứ nhất: Các dự án thủy điện nhỏ được áp dụng Biểu giá chi phí tránh được (tính cả các loại thuế, phí khoảng 1.400 - 1500 đồng/kWh), bảo đảm nhà đầu tư thu hồi được chi phí và có lợi nhuận hợp lý; góp phần quan trọng cho thu ngân sách của các địa phương có nguồn thủy điện lớn.

Thứ hai: Điện năng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo khác (gió, mặt trời, sinh khối) được áp dụng mức giá bán điện hỗ trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong nhiều trường hợp đã có thể cạnh tranh được với điện năng sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch (than nhập khẩu, dầu,..), nhất là khi các tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải đóng phí môi trường tương ứng với khối lượng nhiên liệu được sử dụng.

Kết luận

1/ Việt Nam có tiềm năng khá lớn về nguồn năng lượng tái tạo; đến thời điểm hiện tại, chủ yếu tập trung khai thác nguồn thủy điện; nguồn điện gió và điện mặt trời có quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng.

2/ Chính phủ Việt Nam đã đặt các mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

3/ Một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã được ban hành, như: Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng năng lượng sinh khối tại Việt Nam; Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam; Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam;... Tuy nhiên, phát triển nguồn năng lượng tái tạo còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đã đề ra.

4/ Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc bổ sung, điều chỉnh các cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án nguồn năng lượng tái tạo.

Kiến nghị

1. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ

Một là: Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường bãi bỏ văn bản số 5657/BTNMT-TCMT ngày 01/12/2016 quy định các dự án thủy điện có công suất lắp máy từ 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc lập, thẩm định, phê duyệt ĐTM của các dự án thủy điện được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hai là: Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét sửa đổi quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP theo hướng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại Giấy phép khai thác tài nguyên nước đối với những dự án thủy điện nằm trên địa bàn của hai tỉnh trở lên và những dự án có công suất trên 30 MW; các dự án còn lại phân cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Ba là: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát tình hình thực tế nhu cầu dùng nước của địa phương phía sau các đập thủy điện, kiến nghị Thủ tưởng Chính phủ điều chỉnh dòng chảy môi trường đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2016 cho phù hợp, nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên nước, thiệt hại sản lượng điện của các nhà máy thủy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện có cột nước cao.

Bốn là: Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về Quản lý an toàn đập để các chủ đầu tư các dự án thủy điện có cơ sở thực hiện cho phù hợp với Luật Thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan. Trong đó xem xét bàn hành quy định về không phải xây dựng Quy trình vận hành hồ chứa đối với các hồ có đập nhỏ, dung tích không đáng kể hoặc không có hồ chứa.

Năm là: Chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định không được phép chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác tại Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tại  Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ về các dự án thủy điện ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, nhằm giảm thiệt hại cho chủ đầu tư các dự án thủy điện theo hướng:

Thứ nhất: Đối với những dự án thủy điện đã được cấp có thẩm quyền cấp phép đầu tư trước khi ban hành Chỉ thị 13 hoặc Thông báo số 191/TB-VPCP, chủ đầu tư các dự án được tiếp tục triển khai theo nội dung được duyệt.

Thứ hai: Đối với những dự án thủy điện có sử dụng đất lâm nghiệp nhưng không có rừng (tức là không chuyển đổi rừng tự nhiên) được thực hiện bổ sung quy hoạch và kêu gọi đầu tư.

Sáu là: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Bảy là: Chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện khung chính sách cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có một số nội dung sau:

Thứ nhất: Xây dựng một khuôn khổ chính sách ổn định, lâu dài cho năng lượng tái tạo, để tăng sự tự tin cho nhà đầu tư và cho phép việc phát triển nhanh nguồn năng lượng tái tạo.

Thứ hai: Bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ban hành giá phát thải khí CO2 trên cơ sở cá tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải trả phí phát thải để đảm bảo bình đẳng cho năng lượng tái tạo.

Thứ ba: Ban hành các yêu cầu phát triển bền vững và tiêu chuẩn của các dự án nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ tư: Yêu cầu các Bộ cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Kiến nghị Bộ Công Thương

1/ Xem xét điều chỉnh quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 43/2012/TT-BCT theo hướng khi thay đổi sơ đồ khai thác hoặc dịch chuyển vị trí tuyến đập, nhà máy thủy điện so với Quy hoạch đã được phê duyệt quá 100 m mới phải lập hồ sơ trình Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

2/ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo cấp tỉnh; tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo quốc gia. Trong các Quy hoạch này, cần xác định quy mô, địa điểm các dự án NLTT tiềm năng; thời điểm đưa vào vận hành được xác định trong Quy hoạch phát triển điện cấp tỉnh và cấp quốc gia.

3/ Xây dựng, ban hành để áp dụng hoặc công bố áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho lưới điện đồng bộ với các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các công trình, thiết bị khác liên quan đến năng lượng tái tạo mà cần phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để áp dụng thống nhất toàn quốc.

4/ Đôn đốc các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng hoặc công bố để áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến các công trình phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan này.

5/ Tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mới và bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển nguồn NLTT.

6/ Nghiên cứu ban hành, hoặc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện và các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định hệ thống điện khi nguồn điện gió, điện mặt trời có tỷ lệ cao; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS), thủy điện tích năng, song song, đồng bộ với phát triển NLTT.

7/ Nghiên cứu, ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án NLTT.

8/ Tăng cường hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chỉ đạo UBND các tỉnh nghiên cứu, bổ sung vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh các dự án thủy điện tiềm năng, không ảnh hưởng nhiều đến di dân - tái định cư, không ảnh hưởng đến đất lúa, đất canh tác của người dân, ít ảnh hưởng đến môi trường, đất rừng,... Đề xuất đưa lại vào Quy hoạch các dự án thủy điện đã có giải pháp khắc phục được các nguyên nhân, bất cập để bị đưa ra khỏi Quy hạch. Xem xét, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt bổ sung, điều chỉnh quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với các dự án thủy điện nhỏ.

9/ Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình lưới điện để bảo đảm truyền tải hết công suất phát của các nhà máy thủy điện và các dự án NLTT trên địa bàn các tỉnh sẽ hoà vào Hệ thống điện quốc gia trong năm 2017.

10/ Sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tính toán, xác lập các tình huống vỡ đập vào trong Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập.

11/ Xem xét, hướng dẫn quy định không bắt buộc phải lập quy trình vận hành hồ chứa đối với các công trình thủy điện nhỏ có kết cấu đập tràn bằng bê tông, hình thức tràn tự do, không có khả năng điều tiết nước.

12/ Trong biểu giá chi phí tránh được, đề nghị Bộ xem xét nâng giá mua điện vào các khung giờ bình thường, thấp điểm, mùa mưa, giảm giá công suất để huy động tối đa nguồn phát điện thủy điện vừa và nhỏ, tăng tính khả thi cho việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ có hồ chứa nhỏ hoặc không có hồ chứa; giảm công suất phát vào các khung giờ này của các nhà máy thủy điện có hồ điều tiết năm, nhiều năm công suất lớn có khả năng điều tiết cân bằng hệ thống quốc gia (điều tấn) và để làm dự trữ điện năng cho hệ thống.

13/ Đề nghị đưa ra các giới hạn định lượng về tác động đến môi trường, xã hội, để việc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ khỏi quy hoạch được chủ động rõ ràng và minh bạch hơn. Không đưa các tiêu chí: Dự án không đảm bảo hiệu quả đầu tư, không có nhà đầu tư quan tâm, không thuận tiện cho đấu nối, giao thông,... làm cơ sở để loại các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch, vì các chỉ tiêu này có thể thay đổi, có giải pháp khắc phục.

14/ Chỉ đạo nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn tại khu vực phía Nam, đưa vào vận hành từ năm 2018 - 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho khu vực này khi nhiều nhà máy nhiệt điện đang xây dựng đưa vào chậm so với tiến độ đã được phê duyệt.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động