RSS Feed for Tham vọng toàn cầu, "tiếp lửa" cho chiến lược điện hạt nhân Trung Quốc | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 09:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tham vọng toàn cầu, 'tiếp lửa' cho chiến lược điện hạt nhân Trung Quốc

 - Trong những năm qua, đã có một sự chuyển dịch rất lớn trong chính sách năng lượng của Trung Quốc hướng về điện hạt nhân. Và những tham vọng hạt nhân của Bắc Kinh không còn giới hạn trong biên giới của nước này. Bản kế hoạch mang tên "Made in China 2025" đang nhằm tăng cường vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất điện hạt nhân tại các nền kinh tế đang phát triển trên toàn cầu.

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 1]
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 2]
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 3]
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Một quá trình lâu dài và tốn kém [Kỳ 4]


Cộng đồng các nhà nghiên cứu chính sách năng lượng và môi trường phương Tây từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc vì họ không chịu từ bỏ sự phụ thuộc vào nhiệt điện than. Tuy nhiên, cam kết của Trung Quốc về việc mở rộng năng lượng tái tạo quả thực là phi thường. Năng lượng mặt trời đã trở thành một giải pháp khả thi vào năm 2013 đối với hầu hết các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sau khi Trung Quốc tham gia vào thị trường và làm cho các tế bào quang điện pin mặt trời vốn dĩ rất đắt đỏ đã hạ đến mức giá phải chăng (affordable). Đến năm 2016, cũng chính Trung Quốc đã gặt hái được thành công tương tự đối với pin xe điện và xe hybide.

Sự thật là lượng phát thải do nhiệt điện than của Trung Quốc vẫn chưa đạt đỉnh. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo đang chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, các nguồn năng lượng này vẫn bị sa lầy bởi việc bị khống chế công suất phát điện dưới mức có thể, đồng thời cắt giảm nguồn trợ cấp. Vì vậy, nhiên liệu hóa thạch dự kiến vẫn sẽ thống trị ngành sản xuất điện năng của Trung Quốc ít nhất là cho đến năm 2030.

Tuy nhiên, một sự thay đổi quan trọng về chính sách sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các mục tiêu phát thải của Trung Quốc, mà còn tác động đến các giải pháp lựa chọn năng lượng trong tương lai của các nước kém phát triển hơn: đó chính là các lò phản ứng điện hạt nhân nội địa được bao cấp của Trung Quốc.

Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2016, Trung Quốc đã tăng gần như gấp đôi sản lượng điện hạt nhân của mình. Nước này đã vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn thứ tư thế giới, với tổng công suất lắp đặt là 42,9 gigawatt điện (Gwe) vào năm 2018. Điện hạt nhân Trung Quốc đang có kế hoạch tăng trưởng lên tới 281,8 Gwe vào năm 2030. Tỷ lệ điện hạt nhân do vậy sẽ tăng từ 2% lên 20% trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc đang mở rộng 45 lò phản ứng hiện có, đang xây dựng thêm 43 lò và dự kiến năm 2020 sẽ bắt đầu xây dựng 92 lò nữa. Trung Quốc có kế hoạch đạt tổng cộng 56 lò phản ứng đang hoạt động vào năm 2020, trở thành quốc gia hạt nhân lớn thứ hai trên thế giới.

Để đạt được những mục tiêu này, theo ước tính của Zhefu Holding Group, một công ty tư nhân chuyên sản xuất thiết bị hạt nhân, Trung Quốc cần đầu tư khoảng 540 tỷ nhân dân tệ (80 tỷ USD). Rào cản về công nghệ cũng cần phải được phá vỡ với việc triển khai các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba và thứ tư của Trung Quốc.

Các hệ thống hạt nhân dân sự nội địa đều cần nước làm mát, một vấn đề mà Trung Quốc hiện đang giải quyết bằng cách sử dụng nguồn nước sông Dương Tử. Việc triển khai các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo sử dụng nước sông để làm mát về mặt quy mô là chưa có tiền lệ.

Nhưng nếu mô hình của Trung Quốc thành công, nó sẽ có thể được nhân rộng trên các hệ thống sông ở khắp các nước đang phát triển. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể xuất khẩu không chỉ các cấu phần (components) và thiết bị năng lượng hạt nhân, mà còn có thể xuất khẩu các nhà máy và công nghệ để sản xuất ra chúng. Trong khi xuất khẩu hạt nhân ban đầu của Trung Quốc đã nhắm vào các nền kinh tế tiên tiến như Pháp và Vương quốc Anh, trên thực tế phần lớn việc triển khai xuất khẩu hạt nhân sẽ được hướng đến Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.

Tham vọng của Bắc Kinh về sản xuất điện hạt nhân thực sự vượt khỏi tầm của nền kinh tế trong nước. Trên bình diện quốc tế, việc xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc sang các nền kinh tế nằm trong chiến lược Vành đai và Con đường được thiết kế nhằm nhân rộng các chính sách phát triển điện hạt nhân với định hướng xuất khẩu của một số quốc gia như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc xuất khẩu một nhà máy điện hạt nhân sẽ mang lại giá trị kinh tế khoảng 30 nghìn tỷ nhân dân tệ (4,5 nghìn tỷ USD), tương đương với việc xuất khẩu 300.000 chiếc xe hơi.

Kế hoạch Made in China 2025 là phương tiện để ngành công nghiệp điện hạt nhân Trung Quốc vươn ra thế giới thông qua việc thúc đẩy phát triển các thiết bị điện hạt nhân tiên tiến. Hai loại lò phản ứng nước áp lực cỡ lớn do Trung Quốc phát triển - CAP1400 và Hualong One đã được lựa chọn là công nghệ dẫn đường để thúc đẩy chiến lược toàn cầu. Sự phát triển của lò phản ứng nhiệt độ cao và lò phản ứng neutron nhanh cũng được coi là quan trọng đối với ảnh hưởng toàn cầu của ngành công nghiệp điện hạt nhân. Sự phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ sẽ cho phép Trung Quốc có được quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ tàu thủy dân sự chạy bằng điện hạt nhân và tạo ra thị trường 100 tỷ nhân dân tệ (15 tỷ USD) phục vụ cho việc khoan dầu ở ngoài khơi.

Được trang bị công nghệ điện hạt nhân thế hệ thứ ba, Trung Quốc đã ký kết, hoặc đang thương thảo để ký kết hợp đồng với 20 quốc gia bao gồm Ác-hen-ti-na, Ai Cập và Vương quốc Anh. Một thỏa thuận cũng đã được ký kết giữa Trung Quốc với Ả Rập Saudi và Hoa Kỳ về việc cung cấp các nhà máy chế tạo thiết bị năng lượng phục vụ các nhà máy điện hạt nhân đã có kế hoạch xây dựng trong tương lai ở hai nước này. Số lượng nhà máy điện hạt nhân được Trung Quốc xuất khẩu tới các quốc gia dọc theo Vành đai và Con đường dự kiến ​​sẽ đạt tới con số 100 vào năm 2030.

Việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự với các nền kinh tế phát triển có thể sẽ có các ràng buộc địa - chính trị đi kèm. Chẳng hạn, các dự án ở Anh và Pháp sẽ làm giảm bớt cơ hội phản đối của hai thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nếu các quốc gia khác, như Iran hoặc Ai Cập, chấp nhận những đề nghị tương tự cho phép Trung Quốc xây dựng các dự án điện hạt nhân dân sự trên lãnh thổ nước mình.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phát triển điện hạt nhân cũng sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh thị trường với các cường quốc hạt nhân khác như Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc - nếu nhà máy điện hạt nhân công nghệ Trung Quốc Hualong One được xây dựng thành công tại Vương quốc Anh.

Ở các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các thủ tục hành chính để xuất khẩu thiết bị hạt nhân và nhà máy chế tạo thiết bị hạt nhân. Một bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự với Nam Phi được ký kết nhằm khai thác kinh nghiệm của Trung Quốc, đặc biệt trong việc đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và điều hành cơ sở hạt nhân.

Ở những nước khác, Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc - China National Nuclear Corporation (CNNC) sắp xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ tư của Ac-hen-ti-na theo một thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD. Công ty Điện hạt nhân Trung Quốc - China General Nuclear Power (CGNP) cũng sẽ xây dựng bốn lò phản ứng hạt nhân công nghệ Hualong One ở Kenya, dự kiến đi vào hoạt động năm 2030.

Nếu Trung Quốc có ý định bán thiết bị hạt nhân ra nước ngoài, trước hết họ phải hiểu các rủi ro về công nghệ và an toàn có thể xảy ra ở ngay lãnh địa của chính mình, và đảm bảo rằng: công nghệ của họ là "đáng tin cậy". Một vụ tai nạn hạt nhân trong nước xảy ra trùng với một trận lụt trên sông Dương Tử có thể là một thảm họa. Trung Quốc cũng phải đảm bảo rằng, nước này đang tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn an toàn, hiệu quả. Để cho năng lượng hạt nhân dân sự có thể giải quyết được những rắc rối về chính sách môi trường của Trung Quốc, chính sách phát triển điện hạt nhân của nước này phải hoàn thiện đủ để không "xuất khẩu rủi ro môi trường" sang các quốc gia khác.

BIÊN DỊCH: NGUYỄN THỊ YÊN NINH - VINATOM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động