Tầm nhìn chính sách năng lượng Việt Nam - Tham khảo gợi ý của chuyên gia quốc tế
06:15 | 08/05/2025
![]() Như chúng ta đều biết: Ngày 16/4/2025, một số báo của chúng ta thông tin về hệ thống điện Tây Ban Nha hoàn toàn chạy bằng năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện). 12 ngày sau (28/4), theo nguồn tin từ AFP, các quốc gia trên bán đảo Iberia là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha mất điện trên diện rộng, khiến các mạng di động, Internet bị tê liệt, tàu điện phải dừng hoạt động, gây hỗn loạn tại các sân bay, ga tàu, đường phố, nhiều người bị mắc kẹt trong thang máy. “Tình trạng khẩn cấp” đã được ban bố, trong khi các cơ quan hữu quan nỗ lực xử lý tình hình... Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích chi tiết hơn về sự cố này, kèm theo một vài khuyến nghị cho hệ thống điện của chúng ta. |
![]() Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản gửi các bộ liên quan - theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu và có ý kiến về báo cáo kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2, gửi Bộ Công Thương tổng hợp. Được biết, hiện các bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường... đang nghiên cứu, tổng hợp về nội dung liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Muốn phát triển bền vững và thịnh vượng lâu dài, Việt Nam cần một chính sách năng lượng bền vững, hiệu quả và độc lập. Chính sách này không chỉ cần phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp mà còn phải bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. Để làm được điều đó, cần xây dựng dựa trên 5 tiêu chí quan trọng sau:
Năm tiêu chí cốt lõi:
1. Giữ chi phí năng lượng ở mức thấp nhất có thể: Giá điện ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, một chính sách năng lượng tốt cần đảm bảo giá điện phù hợp với mức thu nhập, đảm bảo chất lượng, ổn định lâu dài.
2. Ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng nội địa: Việt Nam nên giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu bằng cách khai thác tối đa các nguồn trong nước như thủy điện, năng lượng tái tạo và hạt nhân. Khi tự chủ năng lượng, chúng ta cũng tự chủ được tương lai và an ninh quốc gia.
3. Bảo vệ môi trường, giảm nhẹ biến đổi khí hậu: Đây là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21. Do đó, cần ưu tiên các nguồn không phát thải khí nhà kính (như hạt nhân, hay tái tạo) để hướng tới mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0).
4. Tôn trọng hệ sinh thái và môi trường sống: Mỗi tấm pin năng lượng, mỗi tua bin gió hay mỗi nhà máy điện đều có thể ảnh hưởng đến môi trường nếu không được vận hành và tái chế đúng cách. Chính sách năng lượng phải hướng tới tác động tới thiên nhiên và sức khỏe cộng đồng là ít nhất.
5. Giảm thiểu rủi ro và tử vong liên quan đến năng lượng: An toàn là trên hết. Nguồn điện không chỉ cần rẻ mà còn phải an toàn, ít gây hại cho con người - từ quá trình sản xuất, sử dụng đến xử lý chất thải.
![]() |
Tổng quan 5 tiêu chí năng lượng. |
Phân tích sâu hơn về 5 tiêu chí cốt lõi:
Chi phí thấp - Năng lượng hạt nhân là ứng viên sáng giá:
Trong các nguồn năng lượng carbon thấp, năng lượng hạt nhân mang lại chi phí thấp nhất trên mỗi MWh với chất lượng dịch vụ tương đương. Theo chỉ số LFSCOE (Levelized Full System Costs of Electricity - chi phí bình quân toàn hệ thống), năng lượng hạt nhân vượt trội nhờ tính đến toàn bộ chi phí hệ thống, bao gồm đầu tư vào mạng lưới điện, giải pháp lưu trữ điện và các nhà máy điện điều chỉnh. Phân tích LFSCOE là cần thiết để so sánh khách quan giữa các phương tiện sản xuất năng lượng, bao gồm các giải pháp bổ sung để khắc phục hạn chế và đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp.
Tuy nhiên, LFSCOE chưa tính đến các chi phí trực tiếp và gián tiếp từ việc sửa chữa, hoặc thích ứng do tác động của CO2, hoặc các chất ô nhiễm như hạt mịn (PM 2.5 và PM 10). Theo Tổ chức Y tế Thế giới: Các hạt mịn gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm. Những chi phí này, dù thường bị bỏ qua trong các báo cáo phân tích tài chính, là thực tế và có tác động lớn đến xã hội.
Ngoài ra, chi phí sửa chữa và thích ứng do biến đổi khí hậu cũng cần được tích hợp vào tổng chi phí khi lựa chọn phương thức sản xuất năng lượng. Việc tính toán đầy đủ các chi phí này sẽ đảm bảo một chính sách năng lượng công bằng và bền vững.
Tự chủ năng lượng - Bài học từ châu Âu:
Một số quốc gia châu Âu từng trả giá đắt vì phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Việt Nam cần tránh vết xe đổ này bằng cách phát triển mạnh các nguồn nội địa, đặc biệt là thủy điện (có khả năng điều chỉnh công suất linh hoạt) và năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên, khi phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, hay mặt trời, cần chú ý giới hạn. Nếu vượt quá khả năng lưu trữ và điều tiết hiện tại, chúng ta có thể gặp rủi ro về ổn định lưới điện, gây lãng phí và đội chi phí.
Giải pháp cho vấn đề này là sự kết hợp khéo léo giữa các nguồn năng lượng tái tạo nên được ưu tiên ở chế độ “ngoài lưới” (off-grid), kết hợp với các nhà máy thủy điện tích năng, hoặc nhiệt điện có thể “gánh” lúc thiếu hụt.
Thủy điện hiện là tài sản chiến lược, hỗ trợ ổn định mạng lưới nhờ khả năng điều chỉnh công suất nhanh (dMW/dt). Tiềm năng mở rộng thủy điện cần được nghiên cứu, phát triển và duy trì trong chính sách năng lượng. Thủy điện là yếu tố bổ sung thiết yếu cho các nguồn sản xuất hạt nhân khó điều chỉnh, hoặc các nguồn giao động như gió và mặt trời, có thể bị gián đoạn.
Để giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và tránh chi phí lớn từ công suất lắp đặt dư thừa, công suất năng lượng gió, quang điện trên lưới không được vượt quá tổng công suất lưu trữ điện cộng với công suất nhà máy nhiệt điện hóa thạch hiện có.
Hiện nay, Việt Nam có công suất lắp đặt từ các nguồn hóa thạch là 36 GW (7.169 MW khí đốt, 26.744 MW than, 1.127 MW dầu, 805 MW nhập khẩu, 161 MW khác), trong khi năng lượng gió và quang điện trên lưới đạt khoảng 22 GW. Nếu không có thêm giải pháp lưu trữ, chỉ còn dư địa 14 GW cho năng lượng gió và quang điện trên lưới. Vượt quá giới hạn này sẽ làm tăng chi phí để đảm bảo ổn định mạng lưới và có thể gây nguy cơ cho an ninh cung cấp điện.
Nếu có nguồn thủy điện tích năng được nạp bằng nhà máy nhiệt điện hóa thạch, phần sản xuất dư thừa từ năng lượng gió, hoặc quang điện có thể được sử dụng để bơm nước tích trữ. Trong trường hợp này, nên ưu tiên lắp đặt các nguồn năng lượng này ở chế độ “ngoài lưới” (off-grid) để giảm nhiễu loạn mạng lưới do tính gián đoạn và không điều chỉnh được.
Năng lượng hạt nhân là trụ cột quan trọng để đáp ứng tiêu chí này. Các lò phản ứng có khả năng điều chỉnh công suất (30%-100%, như lò phản ứng ở Pháp) nên được ưu tiên để hỗ trợ ổn định mạng lưới. Triển khai chính sách hạt nhân không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng mà còn tăng khả năng hòa bình và thịnh vượng (như đã được nêu trong Hiệp ước Euratom).
Việt Nam có lợi thế sở hữu trữ lượng uranium nội địa, ước tính khoảng 210.000 tấn U₃O₈, với các mỏ chủ yếu tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Quảng Nam, Tây Nguyên và Bắc Kạn. Một lò phản ứng PWR 1000 MWe cần khoảng 27 tấn uranium làm giàu (3-5% U-235) mỗi năm, tương đương 190 tấn uranium tự nhiên. Với trữ lượng hiện có, Việt Nam có thể cung cấp nhiên liệu cho một lò phản ứng trong hơn 1.111 năm, hoặc năm lò trong một thế kỷ (nếu chỉ sử dụng 50% trữ lượng). Nếu muốn tăng công suất hạt nhân, cần ký thỏa thuận cung cấp uranium với các quốc gia có trữ lượng lớn. Nhiên liệu hạt nhân có ưu điểm phân bố tương đối đồng đều trên toàn cầu, giảm nguy cơ phụ thuộc vào một số quốc gia.
![]() |
Net Zero dài hạn - Không thể thiếu hạt nhân:
Nhiều quốc gia mắc sai lầm khi giảm phát thải CO2, nhưng không duy trì được chiến lược Net Zero Carbon với mức năng lượng hóa thạch tối thiểu trong thời gian dài. Để đạt mục tiêu Net Zero Carbon trong hàng thế kỷ tới, Việt Nam cần một nguồn năng lượng ổn định, phát thải cực thấp. Năng lượng hạt nhân là một trong những nguồn tốt nhất hiện nay, chỉ phát thải khoảng 12g CO2/kWh - thấp nhất trong các nguồn điện không hóa thạch. Đây là lựa chọn lý tưởng để bảo vệ tương lai môi trường của Việt Nam.
Bảo vệ thiên nhiên - Hạt nhân ít gây hại hơn bạn nghĩ:
Nghe có vẻ bất ngờ, nhưng năng lượng hạt nhân có tác động môi trường thấp hơn nhiều so với các nguồn khác, nếu quản lý đúng cách. Theo báo cáo JRC của Ủy ban châu Âu: Đến năm 2016, tổng thể tích nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có hoạt độ cao trên toàn cầu chỉ khoảng 30 m³. So với các nguồn năng lượng khác, năng lượng hạt nhân ít gây ảnh hưởng đến đất đai, giảm ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
An toàn và bền vững - Hướng đến thế hệ lò phản ứng mới:
Nhiều người lo ngại sự cố hạt nhân, nhưng trên thực tế, đây vẫn là nguồn năng lượng an toàn nhất tính trên mỗi MWh sản xuất được. Ở chất lượng dịch vụ tương đương, năng lượng hạt nhân dẫn đầu về độ an toàn trên mỗi MWh, ngay cả khi tính đến ba sự cố lớn trong lịch sử khai thác năng lượng hạt nhân dân sự. Việc tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng là bước đi chiến lược. Sau khi triển khai các lò phản ứng thông thường, Việt Nam nên đầu tư vào lò phản ứng thế hệ IV neutron nhanh, cho phép tái chế hơn 90% nhiên liệu đã qua sử dụng, giảm thể tích chất thải từ 30 m³ xuống 3 m³ trên toàn cầu. Điều này không chỉ tăng cường an toàn mà còn giảm chi phí lưu trữ và nguy cơ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu.
Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia châu Âu, Việt Nam cần làm chủ toàn bộ chuỗi hạt nhân quốc gia để đảm bảo chủ quyền. Việc vận hành các nhà máy hạt nhân bởi công ty tư nhân có nguy cơ dẫn đến tình trạng phụ thuộc hoặc ngừng hoạt động nếu các công ty này rút lui. Vì năng lượng là nhu cầu thiết yếu quốc gia, nhà nước cần kiểm soát để đảm bảo an ninh và ổn định.
Lời kết - Năng lượng sạch cho một tương lai sáng:
Muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững, chúng ta không thể thiếu một chiến lược năng lượng bài bản, dựa trên những tiêu chí rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn. Chính sách năng lượng của Việt Nam cần kết hợp năng lượng hạt nhân, thủy điện và các nguồn tái tạo được quản lý hợp lý để đạt được sự thịnh vượng bền vững. Với chiến lược dài hạn, làm chủ công nghệ và khai thác tài nguyên nội địa, Việt Nam có thể trở thành hình mẫu về năng lượng sạch, độc lập và an toàn, mang lại lợi ích cho thế hệ hiện tại và tương lai./.
[*] Eric Van Vaerenbergh - Giám đốc điều hành của ATENAS BELGIUM, Giảng viên về thiết bị và điện cao áp tại École Centrale des Arts et Métiers, là thành viên danh dự Hội trí thức Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg.