RSS Feed for Giải pháp năng lượng châu Á - bài học cho Việt Nam [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 06:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp năng lượng châu Á - bài học cho Việt Nam [Kỳ cuối]

 - Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đã đạt tới vị trí của một quốc gia có thu nhập trung bình (1.500 USD/năm năm 2016). Mặc dù đã đạt được điều đó, Việt Nam cần có chính sách cho một nền kinh tế có lượng khí thải CO2 thấp và bảo đảm an ninh năng lượng với biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm tăng trưởng kinh tế mà không gia tăng tiêu thụ năng lượng của Đan Mạch là bài học hữu ích cho Việt Nam.

Giải pháp năng lượng châu Á - bài học cho Việt Nam [Kỳ 1]
Giải pháp năng lượng châu Á - bài học cho Việt Nam [Kỳ 2]

KỲ 3: KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm của Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng, gió, mưa nhiều có điều kiện tự nhiên đặc biệt tốt để phát triển năng lượng tái tạo. Với nguồn sinh khối ở mức khoảng 2.500 MW, thủy điện nhỏ ở mức 7.000 MW, điện gió ở mức 3.000 MW… Tuy nhiên, khả năng khai thác nguồn năng lượng này còn khiêm tốn với khoảng 150 MW sinh khối, 1.100 MW thủy điện nhỏ, 55 MW điện gió đã được khai thác11. Nguyên nhân của tình trạng khai thác không hiệu quả này là do cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chính sách chưa đủ mạnh, nguồn lực hạn chế (đặc biệt là nguồn lực về tài chính) trong khi lĩnh vực năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn tài chính và nhân lực rất lớn.

Kinh nghiệm của các nước phát triển mạnh về các nguồn năng lượng tái tạo đã khẳng định rằng, các dự án năng lượng tái tạo mang lại số lượng việc làm đáng kể cho địa phương đặt dự án. Đây là điều hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển có dư thừa nguồn nhân lực như Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ đặc biệt cho các dự án năng lượng tái tạo như miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất cho các nhà đầu tư.

Nhu cầu năng lượng cần cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác các nguồn năng lượng an toàn, công nghệ đơn giản, không đắt tiền, bảo vệ môi trường thì trước tiên Việt Nam cần khai thác nguồn năng lượng gió. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, với tổng công suất ước tính khoảng 513.360MW (gấp 10 lần tổng công suất về nhu cầu điện năm 2020). Năng lượng gió là nguồn phát điện quan trọng nhất, sẽ được phát triển lên khoảng 1.000 MW (2020) và 6.200 MW (2030). Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm từ 0,7% (2020) lên 2,4% (2030).

Tiếp theo là các nguồn năng lượng tái tạo khác như nhiệt điện từ mặt trời (là nguồn điện bổ sung tốt nhất, sạch nhất), quang điện, thủy triều, địa nhiệt, sinh khối, nhiên liệu sinh học kết hợp với điện khí, điện than, khai thác thủy điện với các nước Đông Dương.

Năng lượng mặt trời với độ bức xạ từ 4-6kW/h đang được các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất phục vụ cho miền núi, hải đảo, (những nơi chưa có điện), cho ngư dân đánh cá, bảo vệ chủ quyền đất nước. Năng lượng thủy triều, sóng biển với tiềm năng rất lớn sản xuất điện để phục vụ trực tiếp cho hàng triệu hộ dân lưu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải.

Nhiên liệu sinh học với tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu để sản xuất như: sắn, với hơn 10 triệu tấn/năm (đứng thứ 5 thế giới), các phế phẩm nông nghiệp như bã mía, vỏ các loại hạt cà phê, cao su… với công suất sử dụng nhiên liệu sinh học lên đến 2 triệu tấn ethanol, biodiesel E5-E10 vào năm 2025.

Bảng: Phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2010-2030

Chỉ tiêu

Năm

2010

2015

2020

2025

2030

Tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp (Mtoe)

52.16

72.77

100.86

129.09

169.82

Năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện (Mtoe)

19.83

30.84

46.98

64.64

92.71

Khai thác nhiên liệu hóa thạch (Mtoe)

51.43

69.44

86.53

115.67

132.28

Than

24.75

33.00

41.25

57.75

68.75

Dầu thô

19.79

24.58

28.87

33.53

33.53

Khí

6.89

11.86

16.41

24.39

30.00

Xuất - nhập khẩu năng lượng (Mtoe)

11.61

6.29

-4.34

-12.91

-32.91

Sản xuất điện (TWh)

96.2

176.4

310.6

470.0

650.0

Nhu cầu năng lượng (Triệu TOE)

 

 

80.9

103.1

131.16

Nguồn: Hiện trạng và triển vọng năng lượng Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2011.

Năm 2011, Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh (2011- 2030) và tầm nhìn 2050. Chiến lược này là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự báo Việt Nam cần khoảng 130 tỷ USD giai đoạn (2010-2030) để đầu tư vào ngành năng lượng, trong đó 65,5% sẽ được chi cho phát triển điện. Cùng với điện, dầu khí cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Việt Nam. Kế hoạch đặt ra sẽ có các mỏ dầu được vận hành trong giai đoạn (2015-2020) nhằm góp phần quan trọng vào việc ổn định thị trường xăng dầu Việt Nam. Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực, Việt Nam cần tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thăm dò và khai thác dầu.

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng đang đẩy mạnh kế hoạch phát triển nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời (đặc biệt sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản). Bhutan - một quốc gia nhỏ bé cũng đang nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như Việt Nam.

PGS.TS. PHẠM THANH BÌNH - VIỆN KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI



Tài liệu tham khảo chính:

- Xavier Labandeira and Baltasar Manzano (2012), Some Economic Aspects of Energy Security, Economics for Energy, University of Vigo.

- APERC (2007), A Quest for Energy Security in the 21 st Century: Resources and Constraints. Asia Pacific Energy Research Center.

- Bùi Huy Phùng (2013), Phát triển năng lượng và chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học năng lượng, số 1/2013.

- An ninh năng lượng, giá dầu tăng cao và sự tác động tới tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN. Tạp chí Hội nhập và phát triển, số 36/2005.

- Military and Security Development Involving the People's Republic of China 2013. Office of the Secretary of Defense. Tài liệu tham khảo số 6-7/2013, Thông tấn xã Việt Nam.

- China’s Green Revolution energy, environment and the 12th Five - year Plan, Ebook001, 2011.

- Nguyen Duc Thanh, (2011), “The Rise of China and the Economic Divergence of the Southeast Asian Countries”, Singapore, August, 2011.

- Phạm Sỹ Thành (2011), Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949 - 2009), NXB ĐHQG Hà Nội.

- TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, tháng 2/2011.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động