RSS Feed for Hiện trạng ngành năng lượng Úc và kinh nghiệm cho Việt Nam [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 04/12/2024 19:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiện trạng ngành năng lượng Úc và kinh nghiệm cho Việt Nam [Kỳ cuối]

 - Trong hai thập kỷ qua, chính phủ Úc đã thất bại trong việc thiết kế các chính sách về năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng và tin cậy. Sự thất bại này có nghĩa là những lợi ích của công cuộc tái cơ cấu những năm 1990 đang bị mất. Công cuộc tái cơ cấu đã tạo ra thị trường điện quốc gia, hỗ trợ cạnh tranh lành mạnh và đầu tư tư nhân, cung cấp điện năng chi phí thấp, tin cậy trong nhiều năm... Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng, đây có lẽ là những kinh nghiệm quý mà Việt Nam nên tham khảo.

Hiện trạng ngành năng lượng Úc và kinh nghiệm cho Việt Nam [Kỳ 1]
Hiện trạng ngành năng lượng Úc và kinh nghiệm cho Việt Nam [Kỳ 2]

KỲ CUỐI: BÀI HỌC LỊCH SỬ

Các chính sách hiện nay của Úc đã làm tăng đáng kể chi phí sinh hoạt và giảm tính cạnh tranh quốc tế.

Sự gián đoạn cung cấp điện gây tốn kém cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và lĩnh vực từ các công ty khai thác mỏ đa quốc gia đến các doanh nghiệp nhỏ do gia đình sở hữu. Các chi phí chính là thiệt hại sản xuất và thiệt hại các sản phẩm dễ hỏng.

Sự gián đoạn cung cấp điện làm giảm năng suất, làm giảm niềm tin của khách hàng và tăng trưởng GDP thấp hơn, ảnh hưởng xấu đến sự thịnh vượng của quốc gia.

Gần một thập kỷ trước đây, Úc có một hệ thống điện mạnh đáng tin cậy với giá cả phải chăng. Hệ thống đã được cải tiến nhờ những cải cách trong những năm 1990. Tư nhân hoá ở Victoria là điểm bắt đầu của thị trường cạnh tranh áp dụng mô hình của Anh. Sự đồng thuận chính trị rộng rãi ở cấp bang và liên bang ủng hộ thị trường điện quốc gia ÚC (NEM). Đã có nhận thức chung về tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả và duy trì sự cạnh tranh quốc tế. Hiệu quả kinh tế nhờ cạnh tranh của ngành công nghiệp phát điện tăng đáng kể vào thời điểm đó.

Việc tăng gấp đôi phí truyền tải vào những năm 2000 và sự tăng gấp đôi giá bán buôn hiện đang chuyển qua giá điện bán lẻ. Điều này trái ngược với những lợi ích về hiệu quả đã đạt được từ những cải cách nhờ thị trường cạnh tranh những năm 1990. Những cải cách thời kỳ này đã thành công phần lớn bởi vì các công ty điện của tư nhân và của chính phủ được đối xử như nhau. Luật điều tiết và cạnh tranh được áp dụng bình đẳng. Sở hữu về truyền tải và phân phối điện cũng được tư hữu hóa.

Nhờ vào sự cạnh tranh, một hệ thống luật chặt chẽ và công suất phát đủ lớn, tăng trưởng nhu cầu phụ tải thấp, hoặc âm, giá điện bán buôn của Úc một thời gian dài ở mức thấp. Giai đoạn này chấm dứt khi trọng tâm chuyển sang giảm phát thải với sự tập trung duy nhất vào ngành điện.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm là độ tin cậy giảm xuất hiện cùng với sự gia tăng nhanh chóng giá điện bán buôn. Sự tăng của giá bán buôn đã chuyển qua giá bán lẻ, làm trầm trọng thêm ảnh hưởng lạm phát từ việc tăng chi phí truyền tải.

Vào năm 2016, Úc đã trải qua sự cố mất điện trên phạm vi toàn bang lần đầu tiên kể từ năm 1964 và trong năm vừa qua cả giá bán buôn và giá thị trường giao ngay của NEM đã tăng gấp đôi, chuyển qua giá bán lẻ. Những chi phí gia tăng này đang ngày càng được phản ánh trong giá điện sinh hoạt và giá điện kinh doanh.

Một bài học quan trọng trong 10 năm qua đối với nước Úc là chính phủ đã coi nhẹ những ràng buộc về kinh tế và kỹ thuật của hệ thống điện. Các nguồn năng lượng tái tạo đã trở nên được chú trọng hơn. Tuy nhiên, mặt trời không phải lúc nào cũng tỏa sáng và hiệu suất phát điện của công nghệ năng lượng mặt trời chỉ đạt khoảng 25%. Công nghệ điện gió chỉ sản xuất được khoảng 1/3 công suất nhiên liệu đầu vào (công suất đặt). Các nguồn điện năng lượng tái tạo không có chi phí nhiên liệu, nhưng đòi hỏi công suất đặt phải được xây dựng gấp từ 2-4 lần để cung cấp năng lượng tương đương năng lượng thực hàng năm.

Quy luật vật lý đòi hỏi cung và cầu được cân bằng với độ chính xác cộng, hoặc trừ 1% từng giây của từng ngày trong từng năm. Tính toán chi phí quy dẫn bình quân (LcoE) bao gồm chi phí sản xuất hàng năm nhưng không phản ánh các chi phí liên quan việc cân bằng cung cầu. Chúng cũng không phản ánh các chi phí thực tế đáng kể liên quan đến việc truyền tải với khoảng cách xa.

Cần thêm công suất từ máy phát điện dự phòng, hoặc công suất dự phòng để cân bằng sản lượng của điện năng lượng tái tạo theo nhu cầu. Khi có một lượng đáng kể công suất điện từ năng lượng tái tạo được bổ sung vào một hệ thống lớn, như đã xảy ra ở Úc, hệ số công suất của các nhà máy cũ sẽ giảm xuống. Hệ thống được đẩy ra khỏi điểm cân bằng tối ưu về mặt kinh tế, dẫn đến phát sinh các chi phí ẩn.

Pin năng lượng tạo ra tổn thất năng lượng dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo tăng. Các chi phí khác phát sinh trong việc đáp ứng yêu cầu hệ thống đo đếm, bao gồm cả việc đo và ứng phó độ quán tính (inertia). Nếu tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng lên trong một thị trường có công suất phát dư thừa - như đã xảy ra ở Úc - những vấn đề về chi phí này đã bị ẩn đi một thời gian.

Tuy nhiên, không có gì là miễn phí và vấn đề chi phí cuối cùng cũng xuất hiện. Điều này đang trở nên rõ ràng ở Úc, vì các nhà máy được tối ưu hóa để đáp ứng nhu cầu thực tế đang bị bó buộc vào các chế độ hoạt động càng ngày càng dưới mức tối ưu và dần dần không còn hiệu quả.

Kể từ những năm 1990, đã có cuộc tranh luận về số lượng tối thiểu của máy phát điện cần thiết cho một thị trường điện cạnh tranh. Cuộc tranh luận đó bàn về liệu có cần đến 5 hoặc 6 đối thủ cạnh tranh có quy mô tương tự nhau không. Rất ít nhà kinh tế học sẽ cho rằng ba đối thủ lớn là đủ để tạo ra điều kiện thị trường điện cạnh tranh. Vấn đề trở nên cấp bách hơn khi có rào cản gia nhập thị trường bán buôn và bán lẻ.

Năng lượng và tài nguyên khoáng sản, bao gồm cả khí đốt, chiếm khoảng 80% thu nhập xuất khẩu của Úc. Những mặt hàng xuất khẩu này đã góp phần đáng kể trong việc mang lại sự thịnh vượng quốc gia. Tuy nhiên, thị trường trong nước đã bị siết chặt dẫn đến thỏa hiệp các chính sách thương mại tự do dài hạn. Điều này là do sự gia tăng nhanh chóng các nghĩa vụ trong hợp đồng xuất khẩu LNG (gấp đôi quy mô thị trường nội địa ở Đông Úc), khó khăn trong sản xuất khí than (CSG) ở bang Queensland, và các rào cản đối với thăm dò và khai thác tại thềm lục địa (onshore) ở các bang khác.

Cạnh tranh trong thị trường điện mang lại nhiều lợi ích nhưng phải có những điều kiện nhất định để cạnh tranh có hiệu quả. Phải có đủ số lượng đối thủ cạnh tranh, một sân chơi bình đẳng (với sự trung lập về công nghệ), không có sự bóp méo thị trường (như trợ cấp trực tiếp và gián tiếp), và không có rào cản gia nhập thị trường. Chính sách cạnh tranh tốt phải dựa trên sự đánh giá cao về động lực của các bên liên quan, bao gồm cả các nhà đầu tư trong thị trường.

Thật không may, các mục tiêu về năng lượng tái tạo đã tạo ra rào cản thị trường và tăng cường quyền lực thị trường của các công ty phát điện, hoặc công ty bán lẻ lớn hiện tại. Các công ty bán lẻ này được thiết lập như là biện pháp duy nhất hợp lý về thương mại để đối phó với các khoản trợ cấp Mục tiêu Năng lượng tái tạo (RET) trong khi duy trì độ tin cậy.

Trong hai thập kỷ qua, chính phủ Úc đã thất bại trong việc thiết kế các chính sách về năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng và tin cậy. Sự thất bại này có nghĩa là những lợi ích của công cuộc tái cơ cấu những năm 1990 đang bị mất. Công cuộc tái cơ cấu đã tạo ra thị trường điện quốc gia, hỗ trợ cạnh tranh lành mạnh và đầu tư tư nhân, cung cấp điện năng chi phí thấp và tin cậy trong nhiều năm.

Một loạt các can thiệp của chính phủ đã làm méo mó NEM. Những can thiệp gây tổn hại bao gồm các chương trình trợ cấp của chính phủ để hỗ trợ năng lượng tái tạo - cụ thể là Mục tiêu Năng lượng tái tạo (RET) và các chính sách tương ứng ở các bang và vùng lãnh thổ. Chính sách cũng đã giảm bớt các ưu đãi cho việc phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên; các quy định gây thiệt hại được đưa ra dưới hình thức cấm tạm thời, cấm hoặc hạn chế việc khai thác khí thiên nhiên, cấm sử dụng năng lượng hạt nhân và hạn chế về quyền sở hữu tài nguyên.

Rõ ràng rằng, các can thiệp là những sai lầm chính sách lớn.

Về trung hạn, giá điện tăng có thể sẽ tiếp tục. Vào tháng 7 năm 2017, các nhà bán lẻ điện lớn tuyên bố tăng giá lên đến 20%. Giá tương lai dự báo cho năm tới  - một chỉ số về giá bán buôn điện dự kiến ​​- cao hơn đáng kể so với một năm trước trên NEM.

Không có biện pháp khắc phục nhanh chóng và dễ dàng cho các chính sách năng lượng được đưa ra trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, các vấn đề về thị trường cần được giải quyết khẩn cấp. Theo thời gian chúng sẽ chỉ xấu đi mà thôi.

Chúng tôi cho rằng, từ thực trạng và những vấn đề của ngành năng lượng nói chung và thị trường năng lượng nói riêng của Úc nêu trên là những kinh nghiệm quý giá cần tham khảo đối với Việt Nam.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.aemo.com.au/Electricity/National-Electricity-Market-NEM/Planning-and-forecasting/Generation-information.

2. Power off power on: Rebooting the national energy market. The Shepherd Review, Dec. 2017 (Báo cáo của MENZIES Research Centre).

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động