RSS Feed for Quy hoạch điện VII: Nhận định, đề xuất ban đầu cho triển khai hiệu chỉnh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 23:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy hoạch điện VII: Nhận định, đề xuất ban đầu cho triển khai hiệu chỉnh

 - Báo cáo của Viện Năng lượng - Bộ Công Thương tại Hội thảo khoa học trực tuyến "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách" được truyền và giải đáp trực tuyến trên NangluongVietnam.vn.

ÔNG NGUYỄN ANH TUẤN, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)

 

 

 

ÔNG DƯƠNG QUANG THÀNH - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam 

Để thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong các giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 (Qui hoạch điện VI) và giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực và tập trung mọi nguồn lực trong quá trình chỉ đạo điều hành cũng như trong công tác thi công xây dựng các dự án điện. Đối với công tác thu xếp vốn, EVN rất tích cực và chủ động tìm kiếm và đàm phán với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để huy động các nguồn vốn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đầu tư các dự án điện. Nhìn chung, các dự án điện do Tập đoàn đầu tư cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt góp thúc đẩy triển phát triển kinh tế - xã hội trên toàn quốc.

Tuy nhiên, do tổng nhu cầu đầu tư các công trình điện rất lớn, nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng tài chính vừa qua đã tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của Việt Nam nói chung cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, các ngân hàng đã ngừng giải ngân làm cho các dự án thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng. Trong những giai đoạn khó khăn đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhận được sự chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời của Chính phủ, sự giúp đỡ chia sẻ của các ngân hàng cho vay, giúp cho Tập đoàn vượt qua được các khó khăn để đáp ứng mục tiêu đề ra.

Năm 2014 và các năm tiếp theo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư theo Qui hoạch điện VII, đặc biệt đối với các dự án nguồn điện đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ nay đến năm 2020.

I. TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN NGUỒN ĐIỆN CỦA EVN

1. Giai đoạn 2006-2010

Giai đoạn 2006-2010 cũng là giai đoạn EVN hoạt động theo mô hình của Tập đoàn kinh tế, tự chủ về tài chính và tự huy động vốn cho đầu tư, là thời kỳ đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện có qui mô lớn, trong khi tình hình tài chính Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong các giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 (Qui hoạch điện VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 17/7/2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao đầu tư và đưa vào vận hành 49 tổ máy, thuộc 25 dự án nguồn điện, với tổng công suất 7.730MW trong giai đoạn 2006-2010.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư phần lớn các đường dây và trạm biến áp đồng bộ có cấp điện áp từ 110-500kV.

* Kết quả thực hiện:

Trong 5 năm (2006-2010), Tập đoàn đã đầu tư và đưa vào vận hành 25 tổ máy thuộc 19 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 6.177 MW (kể cả đầu tư để mua điện Trung Quốc tăng thêm 940MW), đạt 79,9% tổng công suất nguồn của EVN được giao trong Qui hoạch điện VI.

Với kết quả này, trong giai đoạn 5 năm (2006-2010), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân,với tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2006-2010 là 13,74%/năm (tăng gấp gần 2 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm).

Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 5 năm (2006-2010) là 204.520 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào nguồn điện 94.150 tỷ đồng. Giá trị thực hiện vốn đầu tư tăng bình quân trong 5 năm qua là 19,3%/năm.

2. Giai đoạn 2011-2015-2020

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong các giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Qui hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao đầu tư và đưa vào vận hành 61 tổ máy thuộc 28 dự án nguồn điệnm với tổng công suất 19.164 MW. Tiến độ theo từng giai đoạn như sau:

+ Giai đoạn 2011-2015: đưa vào vận hành 34 tổ máy thuộc 16 dự án nguồn điện, với tổng công suất 9.738 MW;

+ Giai đoạn 2016-2020: đưa vào vận hành 27 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện, với tổng công suất 9.426 MW.

* Đánh giá  khả năng thực hiện:

- Giai đoạn 2011-2015

+ Trong 3 năm từ 2011-2013, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành 22 tổ máy thuộc 10 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 4.838 MW, đạt 50% khối lượng được giao trong giai đoạn 2011-2015.

+ Dự kiến trong 2 năm 2014-2015, tiếp tục đưa vào vận hành 14 tổ máy thuộc 9 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 4.946 MW.

Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đưa vào vận hành 36 tổ máy, với tổng công suất là 9.784MW bằng 100,8% so Qui hoạch điện VII.

- Đối với giai đoạn 2016-2020, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành thêm 4.920MW công suất các nhà máy điện.

II. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ VÀ TÌNH HÌNH THU XẾP VỐN

1. Nhu cầu vốn đầu tư toàn Tập đoàn

a. Giai đoạn 2011-2015

Để đảm bảo đầu tư các dự án điện trong Qui hoạch điện VII, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của Tập đoàn và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012. Trong kế hoạch 5 năm, Tập đoàn đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp thực hiện đối với công tác đầu tư xây dựng. Trong đó:

- Tổng nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của toàn Tập đoàn là 501.470 tỷ đồng (bình quân trên 100.000 tỷ đồng/ năm). Bao gồm:

+ Nhu cầu vốn đầu tư thuần là 378.800 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho các dự án nguồn điện 225.282 tỷ đồng, chiếm 59,6%.

+ Trả nợ gốc và lãi vay: 130.668 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 3 năm 2011-2013 đạt 240.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào nguồn điện ước khoảng 106.000 tỷ đồng.

Năm 2011, khi xây dựng kế hoạch đầu tư 5 năm 2011-2015, Tập đoàn mới thu xếp được khoảng 315.220 tỷ đồng (~62,85% tổng nhu cầu), nguồn vốn còn thiếu, chưa thu xếp được khoảng: 186.250 tỷ đồng. Cho đến nay, Tập đoàn đã thu xếp, ký kết được các hợp đồng vay vốn với các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, với các tổ chức tài chính quốc tế đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2011-2015.

b. Giai đoạn 2016-2020

- Theo tính toán, tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 750.000 tỷ đồng (bình quân 150.000 tỷ đồng / năm). Bao gồm:

+ Nhu cầu vốn đầu tư thuần là 552.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho các dự án nguồn điện là 318.600 tỷ đồng, chiếm 57,7%.

+ Trả nợ gốc và lãi vay khoảng: 198.000 tỷ đồng.

- Trong đó khoảng 500.000 tỷ đồng  đang được Tập đoàn đàm phán thoả thuận với một số tổ chức tín dụng để vay vốn, còn lại khoảng 250.000 tỷ đồng hiện phải tiếp tục tìm kiếm đối tác.

c. Tổng hợp cả giai đoạn 2011-2020

- Như vậy, tổng nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong 10 năm từ năm 2011-2020 dự kiến khoảng 1.251.500 tỷ đồng, bao gồm:

+ Vốn đầu tư thuần: 921.000 tỷ đồng;

+ Trả nợ gốc, lãi vay: 330.500 tỷ đồng.

- Riêng đối với các dự án nguồn điện: để đáp ứng mục tiêu đầu tư theo Qui hoạch điện VII, dự kiến tổng nhu cầu vốn Tập đoàn cần thu xếp để đầu tư các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2011-2020 rất lớn, ước khoảng 542.000 tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng nhu cầu đầu tư thuần của EVN (trên 920.000 tỷ đồng).

2. Tình hình thu xếp vốn các dự án nguồn điện trong thời gian qua

Trong thời gian qua, công tác thu xếp vốn và đầu tư xây dựng các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và nguồn điện nói riêng gặp không ít khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính trên thế giới đã tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh điện và đầu tư của Tập đoàn tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ. Khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn, trong khi giá điện chưa thu hút đầu tư, tình hình tài chính của Tập đoàn lại đang trong tình trạng lỗ nên việc huy động vốn đầu tư càng trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, kịp tháo gỡ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và sự giúp đỡ chia sẻ của các ngân hàng, Tập đoàn vượt qua được các khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong đầu tư xây dựng theo kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, tổng giá trị nguồn vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn từ năm 2006 đến hết năm 2013 nay đạt 444.520 tỷ đồng.

Một số thuận lợi và khó khăn vướng mắc trong công tác thu xếp vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong thời gian qua như sau:

i, Về vốn tự tích lũy:

+ Trong thời gian quan, nguồn vốn khấu hao cơ bản của Tập đoàn chỉ đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay các hợp đồng tín dụng, phần còn lại dùng để đầu tư các dự án điện rất thấp. Riêng các năm 2010-2012 nguồn vốn khấu hao cơ bản của Tập đoàn không đủ để trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.

+ Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn không đáng kể do các chi phí đầu vào tăng nhanh và do diễn biến thời tiết khó lường trước, phải phát các nguồn đắt tiền.

+ Nguồn thu từ cổ phần hoá không đạt được như kỳ vọng. Do đó trong các năm tới Tập đoàn sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn tự tích luỹ để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các dự án.

Việc thiếu vốn tự tích luỹ làm cho Tập đoàn không đạt tỷ lệ tự đầu tư là 25% theo yêu cầu của các tổ chức cho vay như WB, ADB và rất khó khăn trong việc đàm phán để vay thêm các khoản vay mới.

ii, Về vốn vay tín dụng ưu đãi:

Ngân hàng phát triển Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ EVN trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng ưu đãi để cho EVN vay đầu tư các dự án điện. Đây là nguồn vốn với lãi suất ưu đãi thường sử dụng để thanh toán chi phí đền bù di dân tái định cư và thiết bị cơ khí thủy công trong nước chế tạo được.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Ngân hàng phát triển Việt Nam đã hỗ trợ EVN trong việc thu xếp vốn để bổ sung nguồn vốn đối ứng còn thiếu cho các dự án nguồn điện cấp bách, trong đó có các nhiệt điện Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2... đây là các nguồn điện cấp bách đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện miền Nam giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, với tính chất là nguồn vốn ưu đãi nên việc bố trí nguồn vốn các dự án của EVN tại một số thời điểm không đáp ứng được kế hoạch giải ngân của dự án.

iii, Về vốn vay tín dụng thương mại: 

Các ngân hàng thương mại đã tích cực trong việc thẩm định và thu xếp vốn để ký hợp đồng tín dụng với EVN đầu tư vào các dự án điện. Do đó, nguồn vốn tín dụng thương mại chiếm tỉ trọng lớn và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư các dự án nguồn điện của EVN.

Các ngân hàng thương mại giữ vai trò chủ đạo, đi đầu trong việc thu xếp vốn các dự án điện cho EVN như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP ngoại Thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Tuy nhiên, trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế khi bị hạn chế mức tăng trưởng tín dụng, lãi suất điều chỉnh theo thực tế thị trường nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn này, thậm chí có ngân hàng đã ngừng giải ngân các khoản vay dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thi công của một số dự án nguồn điện.

Đến nay, hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng hoặc nhóm khách hàng. Vì vậy, mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.

iiii, Về vốn vay nước ngoài:

Tập đoàn đã chú trọng tăng cường quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế đa phương, song phương như ADB, WB, AFD, JICA, KfW.... Mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế được duy trì tốt, nên đã ký được nhiều hiệp định vay vốn ODA và vốn vay thương mại quốc tế, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện. Đồng thời, EVN nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tìm kiếm nguồn vốn cũng như trong chuẩn bị thủ tục và phê duyệt khoản vay.

Hiện tại, ngoài 3 dự án thuỷ điện (gồm: thủy điện Trung Sơn vay vốn WB, thủy điện Sông Bung 2 vay vốn ADB, thủy điện Sông Bung 4 vay vốn NEXI), các dự án nguồn điện vay vốn nước ngoài chủ yếu là các dự án nhiệt điện than, khí.

Tuy nhiên thời gian từ khi bắt đầu triển khai để đàm phán ký kết cho đến khi hợp đồng có hiệu lực giải ngân tương đối dài nên có ảnh hưởng đến nhu cầu giải ngân của dự án. EVN thường phải ứng vốn để thực hiện trong giai đoạn ban đầu. Mặt khác, với tình hình tài chính của EVN hiện tại thì các chỉ số tài chính sẽ không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của các nhà tài trợ nên sẽ rất khó khăn trong việc đàm phán ký kết hợp đồng vay.

3. Khả năng tiếp cận và thu xếp vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện mới

Với khối lượng đầu tư các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn, trong khi tình hình kinh tế trong nước và quốc tế vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, do đó công tác huy động vốn đầu tư luôn là thách thức, khó khăn lớn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

* Thuận lợi

+ Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn cho Tập đoàn.

+ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số quyết định quan trọng, liên quan trực tiếp tới hoạt động của Tập đoàn từ năm 2014 trở đi, đó là quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015; Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

+ Các chỉ tiêu tài chính thu xếp vốn của Tập đoàn đã được cải thiện sau khi các bộ Tài chính, Công Thương phê duyệt kết quả đánh giá lại tài sản và tăng vốn điều lệ cho EVN.

* Khó khăn

+ Các quy định hiện hành gây khó khăn cho EVN trong việc tiếp cận thị trường vốn thế giới.

+ Chính phủ chưa xây dựng cơ chế thu xếp vốn riêng cho các dự án điện.

+ Chưa có cơ chế rõ ràng cho hoạt động dự báo biến động lãi suất, tỷ giá.

a. Đối với nguồn vốn tự tích lũy:

Trong giai đoạn 2011-2020, nguồn vốn khấu hao cơ bản của Công ty Mẹ Tập đoàn và các Tổng công ty phát điện chỉ đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay các hợp đồng tín dụng, phần còn lại dùng để đầu tư các dự án điện rất thấp.

Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn không đáng kể do các chi phí đầu vào tăng nhanh và do diễn biến thời tiết khó lường trước, phải phát các nguồn đắt tiền.

Nguồn thu từ cổ phần hoá không đạt được như kỳ vọng. Do đó trong các năm tới Tập đoàn sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn tự tích luỹ để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các dự án.

b. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay

i, Đối với vốn vay trong nước:

- Thuận lợi

+ Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp một số thuận lợi do có mối quan hệ tốt với các ngân hàng, đồng thời các ngân hàng luôn giành sự quan tâm và hỗ trợ Tập đoàn trong việc thu xếp vốn để đầu tư các dự án nguồn điện.

+ Thủ tục vay vốn không quá phức tạp và thời gian chuẩn bị ngắn.

- Khó khăn

+ Các dự án nguồn điện tổng mức đầu tư rất lớn tư nên phải thực hiện theo hình thực đồng tài trợ.

+ Do hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng, vì vậy mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.

+ Khó khăn trong việc vay ngoại tệ để thanh toán các gói thầu nước ngoài.

+ Đối với vốn vay ưu đãi: tổng nguồn vốn không lớn trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các các chương trình, dự án trọng cần khuyến khích đầu tư, do đó khả năng bố trí nguồn vốn cho các dự án điện của EVN bị hạn chế.

ii, Đối với vốn vay nước ngoài: 

- Thuận lợi

+ EVN duy trì tốt mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB, AFD, JICA, KfW... và có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị thủ tục cũng như đàm phán hiệp định vay vốn nước ngoài.

+ Đối với các khoản vay ODA đa phương và song phương lãi suất ưu đãi, thời hạn trả nợ dài hơn so với vay thương mại.

+ Hồ sơ, thủ tục rõ ràng. Đối với nguồn vốn ODA đa phương, cả Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ đều có các quy định, hướng dẫn đầy đủ rõ ràng tất cả các khâu, từ chuẩn bị, thẩm định, đấu thầu, giải ngân dự án.

- Khó khăn

+ Giá trị khoản vay ODA bị hạn chế theo chương trình của nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam. Mỗi nhà tài trợ chỉ phân bổ cho ngành/quốc gia một số tiền nhất định trong năm. Dựa vào số tiền được phân bổ mà chủ đầu tư tìm các dự án phù hợp.

+ Việc chuẩn bị và giải ngân dự án thường kéo dài do liên quan đến nhiều cơ quan (Chủ trì là Bộ KH&ĐT, cơ chế tài chính phải thông qua TTCP phê duyệt, Bộ Công Thương quản lý ngành...).

+ Các khoản vay ODA này không phù hợp đối với các dự án cấp bách.

+ Đối với các khoản vay song phương: thủ tục thẩm định không thống nhất giữa các nhà tài trợ. Thường bị ràng buộc về nguồn gốc thiết bị (ví dụ JICA yêu cầu dự án phải có tư vấn Nhật Bản, tỷ lệ hàng hoá xuất xứ Nhật Bản...)

+ Đối với thương mại nước ngoài phải tuân theo tất cả các điều kiện của thị trường về lãi suất, thời gian, các loại phí, hồ sơ thủ tục. Đồng thời, một ngân hàng đơn phương cũng không thể cung cấp vốn cho toàn bộ dự án nguồn điện (khoảng 1 tỷ USD) mà phải kêu gọi sự tham gia của các ngân hàng khác.

+ Việc đánh giá mức độ tín dụng (credit rating) đối với EVN chưa được thực hiện nên EVN thường phải vay qua Chính phủ hoặc có bảo lãnh của Chính phủ. Quy định của Chính phủ về vay thương mại cũng rất chặt chẽ và khó khăn.

+ Việc thiếu vốn tự tích luỹ làm cho Tập đoàn không đạt tỷ lệ tự đầu tư là 25% theo yêu cầu của các tổ chức cho vay như WB, ADB và rất khó khăn trong việc đàm phán để vay thêm các khoản vay mới.

III. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

Để tạo điều kiện cho Tập đoàn có đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án nguồn điện theo Qui hoạch điện VII, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin kiến nghị một số vấn đề  như sau:

1. Đối với Chính phủ và các bộ ngành

- Kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường như trong quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, nhằm đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính để bổ sung cho nguồn vốn đầu tư, đồng thời sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế khác trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án nguồn điện.

- Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên;

- Tiếp tục cho phép các Ngân hàng thương mại cho EVN vay vốn mà không bị giới hạn tỷ lệ 15% vốn tự có đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng;

- Cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.

- Có cơ chế đặc biệt đối với Tập đoàn trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong nước và trái phiếu quốc tế.

- Nghiên cứu rút gọn quy trình và thủ tục đàm phán các dự án nguồn điện thực hiện theo hình thức BOT đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

2. Đối với các ngân hàng thương mại trong nước:

- Tiếp tục phối hợp tạo điều kiện cho Tập đoàn vay vốn để đầu tư các dự án nguồn điện trên cơ sở EVN sẽ đang ký kế hoạch với ngân hàng về nhu cầu và tiến độ giải ngân cho từng dự án.

- Xem xét miễn thẩm định tính khả thi của các dự án nguồn điện khi cho vay vì các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư đều là các dự án lớn đã được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ phê duyệt;

- Giảm bớt các trường hợp phải xin bảo lãnh của Chính phủ.

Xin trân trọng cảm ơn!

Xin trân trọng cảm ơn!

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động