RSS Feed for Tiết kiệm năng lượng: Khó khăn và giải pháp thực hiện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 20:48
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm năng lượng: Khó khăn và giải pháp thực hiện

 - Tham luận của Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương

 

ÔNG TRẦN NGUYÊN VŨ - VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
TỔNG CỤC NĂNG LƯỢNG - BỘ CÔNG THƯƠNG

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Thay mặt cho Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, tôi xin kính chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe và chúc hội thảo thành công.

Năng lượng một vấn đề mang tính toàn cầu, Năng lượng đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, đó là: (i) Các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày một cạn kiệt, dẫn đến giá cả các loại năng lượng sơ cấp tăng cao; (ii) Vấn đề ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu trong sử dụng năng lượng; và (iii) Vấn đề an ninh năng lượng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng tiếp cận năng lượng cho tất cả mọi người.

Nhằm đối phó với các thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã dành sự ưu tiên thích đáng cho việc giải quyết vấn đề năng lượng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mình, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó Bộ Công Thương được giao làm đầu mối xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình. Thông qua Chương trình này, Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan đã chủ trì thực hiện tổ chức xây dựng Khung chính sách để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm:

- Xây dựng các văn bản pháp luật: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định Quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Triển khai thực hiện các hoạt động, dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ra đời và có hiệu lực từ năm 2011 đã thể chế hoá đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước.

Kết quả đạt được của Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Trong giai đoạn 2012 - 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung vào công tác triển khai xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động, nhằm thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc; xây dựng kiện toàn các cơ chế tài chính; thực hiện giám sát việc tuân thủ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như:

- Chính sách thúc đẩy sử dụng trang thiết bị hiệu suất cao, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp thực hiện thông qua chương trình dán nhãn năng lượng. Đến hết tháng 6 năm 2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị phải dán nhãn theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó dán nhãn cho 473 chủng loại máy thu hình, 749 chủng loại thiết bị chiếu sáng, gần 1585 chủng loại quạt điện, 863 sản phẩm điều hoà không khí, 301 chủng loại sản phẩm máy giặt, 1.354 loại nồi cơm điện và 210 sản phẩm máy biến áp phân phối....

Chương trình nhãn năng lượng trên thị trường đã tạo ra sự minh bạch về hiệu suất năng lượng giữa các thương hiệu, nhãn năng lượng đã tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp về đẳng cấp. Đây là dấu hiệu tốt khẳng định hiệu quả của chương trình dán nhãn năng lượng.

- Thực hiện hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bán lẻ sản phẩm hiệu suất năng lượng cao và các phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng trong nước;

- Xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng;

- Hỗ trợ phát triển dịch vụ kỹ thuật và tài chính để thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

 - Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế và mô hình hộ gia đình tiết kiệm năng lượng. Năm 2013, thông qua các tổng công ty điện lực thuộc EVN đã triển khai hỗ trợ lắp đặt được 3000 bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô hộ gia đình. Tính đến cuối năm 2013, trên toàn quốc đã có trên 600.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt và sử dụng, giúp giảm đáng kể việc tiêu thụ điện cho việc cung cấp nước nóng phục vụ sinh hoạt trong các hộ gia đình. Cũng trong năm 2013, Bộ Công Thương đã kết hợp với EVN triển khai hệ thống bình đun nước nóng mặt trời quy mô công nghiệp tại ba miền theo mô hình ESCO. Dự án triển khai đã tiết kiệm được hơn 2 GWh tương đương với hơn 5 tỷ đồng.   

- Phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội phụ nữ các tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của của người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phổ biến sử dụng trang thiết bị hiệu suất cao, ứng dụng hầm Biogas quy mô hộ gia đình đã triển khai tại 26 tỉnh, thành và hỗ trợ xây dựng hơn 3000 hầm Biogas quy mô gia đình.

- Trong năm 2013, Tổng cục Năng lượng đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của một số ngành công nghiệp; xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho ngành hoá chất, thực phẩm và dệt may. Sau khi xây dựng xong định mức cho các ngành công nghiệp sẽ xây dựng lộ trình, kế hoạch hành động và dự thảo các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sử dụng tiết kiệm năng lượng theo từng ngành. Tháng 01 năm 2014, Tổng cục Năng lượng đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp và quy định định mức tiêu thụ năng lượng trong ngành công nghiệp hóa chất.

- Tính đến nay, mạng lưới gồm 12 Trung tâm Tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh thành phố và gần 40 Trung tâm khuyến công và các công ty, trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ trên phạm vi toàn quốc đã được thành lập để triển khai các hoạt động của Chương trình. Mạng lưới các Tổ chức tư vấn, Trung tâm tiết kiệm năng lượng được hình thành trên phạm vi cả nước với nhiều dự án trình diễn trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng được triển khai thành công, đạt hiệu quả cao, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp như các dự án trong lĩnh vực chiếu sáng và khí sinh học.

- Thực hiện áp dụng mô hình quản lý năng lượng, tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 cho các cơ sở sử dụng năng lượng:

+ Triển khai công tác đào tạo nhân sự về quản lý năng lượng, Tiêu chuẩn ISO 50001 cho các cơ sở sử dụng năng lượng. Đến hết năm 2013 đã đào tạo cho 55 doanh nghiệp, với hơn 100 cán bộ và 45 chuyên gia đã tham dự các khóa đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001. Đào tạo về tối ưu hóa hệ thống hơi trong công nghiệp đã thu hút được 52 doanh nghiệp với hơn 80 cán bộ và 28 chuyên gia về lò hơi tham dự. 

+ Triển khai các dự án hỗ trợ, cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp trọng điểm thành lập hệ thống quản lý năng lượng theo yêu cầu của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và áp dụng tiêu chuẩn Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001. Hiện nay, Văn phòng TKNL, Tổng cục Năng lượng đã và đang cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 20 doanh nghiệp triển khai hệ thống ISO 50001.

Một số khó khăn, thách thức

Triển khai Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong bối cảnh khung pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách về tài chính chưa hoàn thiện, thiếu những kinh nghiệm xây dựng các mô hình tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn là một trong những trở ngại thực thi tiết kiệm năng lượng tại VN. Các vấn đề thường gặp trong triển khai Tiết kiệm năng lượng những năm qua được xác định như:

- Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

- Doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Mặt khác do các khó khăn về tài chính nên các doanh nghiệp dừng triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành thép và xi măng.

- Cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây truyền công nghệ lạc hậu bằng dây truyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn gặp nhiều hạn chế. Hiện nay, Chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư về dây truyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các doanh nghiệp và không quá 5 tỷ đồng cho một doanh nghiệp không còn thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư thay đổi dây truyền công nghệ vì mức hỗ trợ nêu trên là khá thấp so với tổng mức đầu tư của doanh nghiệp.

- Nhiều doanh nghiệp còn chưa thực sự thực hiện các yêu cầu của Luật, chưa xây dựng mô hình quản lý năng lượng cũng như xây dựng kế hoạch hàng năm và năm năm về tiêu thụ năng lượng tại doanh nghiệp, chưa báo cáo với cơ quan chức năng tại địa phương (Sở Công Thương) đầy đủ tình hình tiêu thụ năng lượng tại doanh nghiệp.

- Còn hạn chế trong việc quản lý các doanh nghiệp tại địa phương, còn thiếu sự kết hợp giữa các Sở quản lý tại địa phương và cón lúng túng trong việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Luật cũng là  những khó khăn trong việc thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Các dự án của doanh nghiệp gặp khó khăn do điều kiện kinh tế đi xuống nên không triển khai được theo kế hoạch, vì vậy mà các dự án đầu tư còn chậm và chưa thực hiện được.

- Giá năng lượng trong năm 2013 đã tăng gần 10%, tuy nhiên so với khu vực giá năng lượng trong nước còn rất thấp, do vậy cũng ảnh hướng đến việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

- Nguồn lực triển khai và giám sát thực hiện Luật Tiết kiệm năng lượng và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan từ trung ương đến địa phương mặc dù đã có chuyển biến, tuy nhiên cần phải được bổ sung và đào tạo nâng cao năng lực.

- Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình chưa thật sự chủ động, tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao; Nguồn lực tài chính, lực lượng các chuyên gia kỹ thuật tại nhiều địa phương còn hạn chế, do vậy, việc thực hiện kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này để xác định các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tư vấn xây dựng dự án, tìm nguồn tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng còn yếu và thiếu.

Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới

Trong những năm tới, Tổng cục Năng lượng sẽ tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công Thương để đẩy mạnh việc triển khai chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thể hiện trên một số mặt sau đây:

1. Tiếp tục công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin vận động cộng đồng nâng cao nhận thức thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa chương trình tiết kiệm năng lượng thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội.

2. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng mô hình hộ gia đình TKNL, tăng cường sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời trong các hộ gia đình.

3. Đẩy mạnh triển khai chương trình dán nhãn năng lượng, bao gồm kiện toàn việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng của các thiết bị và tiêu chuẩn thử nghiệm để chứng nhận nhãn năng lượng cho các thiết bị

4. Tăng cường công tác hậu kiểm đối với các thiết bị dán nhãn năng lượng, nhằm thúc đẩy chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về dán nhãn năng lượng như: không thực hiện dán nhãn năng lượng đối với các sản phẩm bắt buộc dán nhãn năng lượng theo quy định, dán sai mức hiệu suất năng lượng, nhãn năng lượng sai quy cách... Để triển khai công tác hậu kiểm này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý thị trường.

5. Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng áp dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Tháng 01 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư “Quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp” và quy định định mức sử dụng năng lượng trong ngành hóa chất. Trong thời gian tới, Tổng cục Năng lượng sẽ tiếp tục xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho một số ngành công nghiệp như gang thép, công nghiệp đồ uống, giấy và bột giấy, chế biến thủy sản... và kế hoạch hành động, lộ trình thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Xây dựng và triển khai các cơ chế tài chính thúc đẩy các dự án đầu tư vào TKNL như các cơ chế cho vay ưu đãi, cơ chế hợp đồng dịch vụ năng lượng (ESCO).

Với kết quả đã đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong những năm qua và tiềm năng to lớn về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường mà Chương trình mang lại, tôi tin tưởng rằng Chương trình tiết kiệm năng lượng của chúng ta sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng trong giai đoạn tới, giúp cho nước ta giải quyết được bài toán an ninh năng lượng, tiến tới một nền kinh tế carbon thấp và phát triển bền vững.

Cuối cùng, thay mặt Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, xin kính chúc Quý vị mạnh khỏe, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn.

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động