RSS Feed for Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả: Thách thức và một số kiến nghị | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 22:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả: Thách thức và một số kiến nghị

 - Phát biểu tham luận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

 

NGUYỄN TẤN LỘC - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC EVN
I. GIỚI THIỆU

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn liền với mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển bền vững đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kể từ khi Luật Sử dụng NLTK&HQ có ra đời năm 2011, đến nay các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và sử dụng điện tiết kiệm nói riêng đã  được triển khai trên diện rộng, tới cộng đồng người dân và doanh nghiệp. Nhu cầu sử dụng điện thực tế trong giai đoạn 2011 - 2014 đã giảm nhiều so với dự báo tăng trưởng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 (mức độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân thực tế là 10%, ít hơn so với dự báo nhu cầu tăng trưởng là 14,1/năm). Sản lượng điện tiết kiệm của cả nước trung bình hàng năm (2011 - 2013) khoảng 1,9 tỷ kWh/năm, mức tiết kiệm năm sau cao hơn năm trướ[1].   

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là Tập đoàn kinh tế Nhà nước, giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cùng với nhiệm vụ nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân, EVN luôn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội và đang đi đầu trong thực hiện các giải pháp và tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Nhiều chương trình và hoạt động tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả được EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015.

Trong quá trình thực hiện chương trình MTQG về SDNLTK&HQ (2012 - 2015) EVN cũng gặp không ít những khó khăn: từ nhận thức hạn chế của một số cá nhân, tổ chức trong thực hiện chủ trương của Nhà nước về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; việc phát triển nhanh và nóng, vượt quy hoạch của một số ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng các công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng…; năng lực sản xuất các sản phẩm, thiết bị trong nước có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng; công tác kiểm soát thị trường, đảm bảo hạn chế và cấm lưu hành các sản phẩm tiết kiệm năng lượng có chất lượng kém chưa được thực hiện quyết liệt; giá điện chưa tiệm cận với giá thị trường…

Bài tham luận này sẽ đề cập tới một số kết quả chính về công tác tiết kiệm điện đã được EVN triển khai trong giai đoạn 2011 - 2014; phân tích một số khó khăn, thách thức khi triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng, kế hoạch thực hiện một số chương trình trọng điểm của EVN trong giai đoạn 2014 - 2016 và cuối cùng là một số đề xuất, kiến nghị và giải pháp tới các cơ quan hữu quan.   

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH TKNL CỦA EVN

- Công tác chỉ đạo và điều hành: EVN đã phê duyệt chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2013 - 2015, theo đó, EVN giao chỉ tiêu tiết kiệm điện cho các Tổng công ty Điện lực (TCTĐL) tối thiểu bằng 1,5% điện thương phẩm giao đối với các TCTĐL miền Bắc, Hà Nội và miền Trung, các TCTĐL còn lại HCM và miền Nam tối thiểu bằng 2% điện thương phẩm giao[2]. Công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát được EVN chỉ đạo và quán triệt từ cấp Tập đoàn xuống các đơn vị cơ sở. EVN và các đơn vị cơ sở đã thành lập Ban chỉ đạo tiết kiệm điện để đôn đốc, chỉ đạo và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tiết kiệm điện.

- Kết quả tiết kiệm điện:

TT

Ngành C.Nghiệp

Điện tiêu thụ
kWh/1 đơn vị sản phẩm 
(ViệtNam)

Điện tiêu thụ
kWh/1 đơn vị sản phẩm 
(Quốc tế)

So sánh

1

Xi măng

100 - 110 kWh/tấn

85 - 90 kWh/tấn

117%

2

Thép

550 - 690 kWh/tấn

350 - 400 kWh 

157%

 

 

 

 

 

 

Bình quân từ năm 2011 - 2013, cả nước đã tiết kiệm được khoảng 1,9 tỷ kWh điện/năm. Giá trị tiết kiệm bình quân/năm là: 2.757 tỷ đồng/năm (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng)[3].

- Đầu tư cho tiết kiệm điện: Từ nhiều năm nay, EVN đã phân bổ nguồn kinh phí hợp lý dành cho các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ và thực hiện các chương trình sử dụng điện an toàn, tiết kiệm điện và hiệu quả. Tổng giá trị thực hiện các chương trình tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 - 2014 là 450 tỷ đồng, trong đó bình quân mỗi năm từ 2013 tới 2015 EVN thực hiện khoảng 180 tỷ đồng/năm cho các hoạt động này[4].   

- Tổn thất điện năng:

EVN đã chủ động đề ra và thực hiện tốt các mục tiêu tiết kiệm điện, đảm bảo năm sau kết quả tốt hơn năm trước. Mức tiêu hao nhiên liệu và tỷ lệ điện dùng cho sản xuất điện (điện tự dùng) luôn thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao. Tỷ lệ điện dùng để truyền tải và phân phối điện (tổn thất điện năng) liên tục thực hiện thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao và đã có mức giảm đáng kể từ 9.23% (năm 2011) xuống còn 8.87% (năm 2013).

- Triển khai các chương trình tiết kiệm điện: EVN đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình tiết kiệm điện như:

+ “Chương trình tuyên truyền, quảng bá sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả” trên phạm vi toàn quốc” đây là giải pháp ưu tiên hàng đầu, được EVN quán triệt và chỉ đạo toàn thể CBCNV, người lao động và các đơn vị trực thuộc thực hiện thường xuyên và liên tục từ nhiều năm nay;

+ “Chương trình thay đèn sợi đốt bằng đèn compact” được EVN triển khai từ nhiều năm nay, đặc biệt trong đó có chương trình phát miễn phí 1 triệu bóng đèn compact cho các hộ nghèo thuộc các tỉnh phía Nam (năm 2010 - 2011). Nhận thức sử dụng đèn tiết kiệm compact của cộng đồng đã có sự thay đổi rõ rệt, đến nay việc sử dụng đèn compact đã rất phổ biến. Trong năm 2014, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực khảo sát số lượng bóng đèn sợi đốt còn lưu thông trên thị trường cả nước đối với các hộ gia đình và hộ sản xuất. Tới tháng 06/2014 toàn quốc chỉ còn hơn 6 triệu bóng đèn sợi đốt, trong đó có 6 triệu bóng đèn sợi đốt đang được sử dụng tập trung tại các vườn thanh long tại khu vực miền Nam, số còn lại khoảng hơn 300.000 bóng rải rác tại một số tỉnh/thành phố.

+ “Chương trình Giờ trái đất”: Với vai trò là nhà tài trợ chính của chiến dịch Giờ trái đất, trong 6 năm qua (kể từ năm 2009) EVN đã phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện chương trình, được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Giờ Trái đất năm 2013 và năm 2014 đã được EVN cùng với các TCTĐL/CTĐL đồng loạt hưởng ứng và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố. Từ năm 2013 đã có 100% tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia hưởng ứng Chương trình. Việc tổ chức sự kiện này hàng năm đã tạo được sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hành động tiết kiệm năng lượng và chống lại biến đổi khí hậu của toàn xã hội.

+ “Chương trình quảng bá bình đun nước nóng bằng NLMT”: Chương trình tuyên truyền quảng bá bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời được EVN triển khai thực hiện theo Chương trình MTQG về SDNLTK&HQ (do Bộ Công Thương phát động), đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, có tác dụng kích cầu thị trường bình NLMT ở Việt Nam. Tổng số bình NLMT đã thực hiện ở giai đoạn 2011 - 2013 là 76.400 bình, trong đó EVN thực hiện theo chương trình của Bộ Công Thương là 6.800 bình[5] và chương trình riêng của EVN là 69.600 bình[6] (giá trị hỗ trợ là 69,6 tỷ đồng). Toàn bộ chương trình này được EVN chỉ đạo các TCTĐL/CTĐL phối hợp với các nhà sản xuất trong nước triển khai truyên truyền, quảng bá sâu rộng trên phạm vi toàn quốc. Hiện cả nước đã có khoảng 600.000 bình nước nóng NLMT đang tiêu thụ trên thị trường, góp phần cắt giảm công suất đỉnh khoảng 360MW, giá trị tiết kiệm khoảng 1.512 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thị trường bình NN NLMT hơn 40%. Ngoài ra, chương trình còn có ý nghĩa về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần hoàn thành Chương trình MTQG về SDNLTK&HQ của Chính phủ.

III. KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Một là, nhận thức của một số bộ phận người dân và doanh nghiệp về chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn hạn chế. Vẫn còn hiện tượng lãng phí trong sử dụng năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng, trong đó có khối các cơ quan hành chính sự nghiệp; hiệu quả tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện ở các doanh nghiệp sản xuất còn thấp so với tiềm năng.

Hai là, phụ tải của một số ngành, lĩnh vực tăng đột biến như khu vực nuôi tôm; trồng thanh long và đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng, sắt thép, hóa chất…Ngành điện đã và đang gặp những khó khăn khi phải đảm bảo cung cấp đủ điện, phục vụ cho sự phát triển các phụ tải này, trong khi đó việc phát triển các nhà máy sản xuất, khu vực nuôi trồng trồng…gần như không ngừng, liên tục tăng, vượt cả quy hoạch phát triển ngành.

- Nhiều năm qua, người dân ồ ạt trồng cây thanh long tự phát, tràn lan, không theo quy hoạch, tốc độ phát triển tăng cao 70 - 80%/năm[7]. Tại nhiều vùng như: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu… Diện tích trồng thanh long tại Bình thuận hiện nay hơn 22.000ha (chiếm tới hơn 75% diện tích trồng thanh long của cả nước), trong khi quy hoạch phát triển thanh long đến năm 2015 được tỉnh phê duyệt chỉ là 15.000ha. Tại tỉnh Long An diện tích thanh long năm 2012 là 1.387ha và năm 2013 là 2.838ha, 6 tháng đầu năm 2014 trên 5.200ha (tăng trưởng hơn 100%). Việc “phát triển nóng” cây thanh long dẫn tới tình trạng thiếu điện chong đèn thanh long ra hoa trái vụ xảy ra thường xuyên. Trong những năm qua, dù ngành điện đã cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các phụ tải tăng trưởng “nóng” này.  

- Phong trào nuôi tôm nước lợ tự phát nhanh, ngoài quy hoạch tại một số tỉnh như Sóc Trăng, các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gần đây dẫn tới nhu cầu sử dụng điện để chạy quạt phục vụ nuôi tôm tăng cao. Tại một số tỉnh, nhu cầu điện cho nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến (tăng hơn 30% so với năm 2013 và cao hơn trong năm 2014, ví dụ: Sóc Trăng). Nhiều hộ dân đã tự ý sử dụng điện sinh hoạt để chạy quạt phục vụ nuôi tôm nên xảy ra trình trạng quá tải cục bộ dẫn tới nhiều trường hợp trạm biến áp công cộng quá tải, cháy, nổ, gây mất điện liên tục, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

- Phát triển của hai ngành xi măng và thép cũng vượt quy hoạch, cung vượt quá cầu[8]. Với 108 dây chuyền xi măng đang hoạt động, công suất thiết kế khoảng 65 triệu tấn/năm thì năm 2010 cung vượt cầu khoảng 3 triệu tấn và năm 2011 là 7 triệu tấn xi măng dư thừa. Ngoài ra, theo quy hoạch ngành xi măng, đến năm 2015 tổng công suất đạt 75 triệu tấn và dư thừa khoảng 10 triệu tấn so với nhu cầu. Ngành thép, ở nước ta hiện nay có khoảng hơn 65 dự án sản xuất gang, thép công suất trên 100.000 tấn/năm. Trong số này có đến 32 dự án do các địa phương tự cấp phép nằm ngoài quy hoạch. Công suất thép xây dựng dư thừa tới 1,5- 2 lần so với nhu cầu của xã hội[9]. Tổng công suất cả nước hiện lên tới hơn 20 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 11,5 triệu tấn[10].

Đa số các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng ở nước ta có quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, hầu hết là nhập khẩu từ Trung Quốc, không thân thiện với môi trường…dẫn tới cường độ tiêu thụ điện bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm cao hơn so với các nước trên thế giới (17% cao hơn đối với sản xuất xi măng và 57% cao hơn đối với sản xuất thép).

So sánh điện năng tiêu thụ của Ngành Thép, Xi măng trong nước với quốc tế

Năm

Điện thương phẩm
(kWh)

Tiết kiệm điện
(kWh)

Tỷ lệ

%

2011

105.000.000.000

1.326.000.000

1,26%

2012

105.474.000.000

1.672.000.000

1,59%

2013

115.282.000.000

2.799.875.780

2,43%

 

TT

Ngành C.Nghiệp

Điện tiêu thụ kWh/1 đơn vị sản phẩm

(ViệtNam)

Điện tiêu thụ kWh/1 đơn vị sản phẩm

(Quốc tế)

So sánh

1

Xi măng

100 - 110 kWh/tấn

85 - 90 kWh/tấn

117%

2

Thép

550 - 690 kWh/tấn

350 - 400 kWh 

157%

 

 

 

 

 


Nguồn: Bộ XD và Bộ Công Thương

Ba là, công tác kiểm tra và giám sát việc thực thi các quy định của nhà nước về SDNLTK&HQ chưa được thực hiện nghiêm và thường xuyên, mức xử phạt chưa đủ tính răn đe. Ví dụ: kiểm toán năng lượng bắt buộc (theo Luật SDNLTK&HQ và Nghị định 21/2010/NĐ-CP) đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vẫn chưa được các doanh nghiệp tuân thủ, nhiều doanh nghiệp chưa chịu thực hiện.  

Bốn là, khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho các giải pháp TKNL, các doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng các công nghệ mới, có hiệu suất cao và các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhưng không có vốn; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng trong nước gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải thế chấp bằng tài sản, thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh hiệu quả năng lượng tiết kiệm đối với các giải pháp TKNL để làm cơ sở cho vay.

Năm là, công tác quản lý thị trường các loại hàng hóa, thiết bị có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, dẫn tới có nhiều mặt hàng có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái (ví dụ: đèn compact, đèn LED, quạt điện, điều hòa, thiết bị tiết kiệm điện…) làm người sử dụng gặp không ít khó khăn khi lựa chọn tiết bị tiết kiệm năng lượng. 

Sáu là, giá điện vẫn còn thấp, chưa tiệm cận với giá thị trường dẫn tới không khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm.

IV. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH TKNL CỦA EVN

Từ năm 2014, EVN đã và đang tập trung triển khai một số các chương trình tiết kiệm điện, cụ thể như: 

- Chương trình hỗ trợ hộ nông dân trồng Thanh Long thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện (2014 - 2015)

Tiếp tục hưởng ứng chương trình MTQG về SDNLTK&HQ giai đoạn 2012 - 2015 và lộ trình cắt giảm tiêu thụ bóng đèn tròn sợi đốt trên thị trường của Chính phủ, EVN đang phối hợp với các nhà xuất trong nước (Công ty CP bóng đèn Điện Quang và Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông) và TWĐTN triển khai Dự án thay thế 2 triệu bóng đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện cho các hộ nông dân đang sử dụng bóng đèn sợi đốt để kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ, tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Tổng chi phí dự án là: 102 tỷ đồng, trong đó, giá trị EVN hỗ trợ cho các hộ nông dân là 20 tỷ đồng (tương đương 20% Tổng chi phí dự án)[11], bao gồm các chi phí như: hỗ trợ giá trị còn lại của bóng đèn sợi đốt, chi phí thu hồi, tiêu hủy 2 triệu bóng đèn sợi đốt, nhân công lắp đặt thay thế, vật tư đấu nối đảm bảo kỹ thuật và an toàn…thời gian triển khai trong 2 năm 2014 - 2015. Sau thời gian này, EVN sẽ xem xét mở rộng và tiếp thực thực hiện chương trình. 

Dự án mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Giảm công suất đỉnh của hệ thống là 56MW; giá trị tiết kiệm điện là 80 tỷ đồng/năm[12]. Ngoài ra, dự án còn có hiệu quả về môi trường (tiết giảm được 208.000 tấn CO2) và xã hội (nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng NLTK&HQ; tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và các nhà sản xuất trong nước).      

- Chương trình thí điểm mô hình Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO)

Với mục tiêu tăng cường hơn nữa các giải pháp tiết kiệm điện một cách hiệu quả và thiết thực, EVN đang nghiên cứu thí điểm mô hình Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO). Công ty ESCO sẽ cung cấp các dịch vụ TKNL một cách toàn diện và hiệu quả, từ khâu khảo sát, đánh giá tiềm năng TKNL, cung cấp thiết bị, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng hệ thống, tới thu xếp tài chính cho các khách hàng có nhu cầu sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Dự kiến, ban đầu EVN sẽ phối hợp với Công ty ESCO trong nước có năng lực và kinh nghiệm để triển khai thí điểm một số dự án lắp đặt giàn nước nóng bằng năng lượng mặt trời (NLMT) quy mô công nghiệp cho một số khách hàng ở khu vực miền Nam như: xí nghiệp chế biến thủy hải sản; doanh nghiệp sản xuất; khách sạn, khu nghỉ dưỡng…

Các giải pháp của Cty ESCO sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, như: giúp khách hàng/doanh nghiệp nhận diện được tiềm năng TKNL trong doanh nghiệp mình; dễ dàng tiếp cận các giải pháp xanh với chi phí đầu tư tốt nhất và hiệu quả cao nhất; Ngoài ra, còn giúp các doanh nghiệp có điều kiện tham gia chương trình MTQG về SDNLTK&HQ, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Tổng kinh phí triển khai thí điểm là 15 tỷ, trong đó EVN sẽ thu xếp 12 tỷ đồng[13], Công ty ESCO tham gia 3 tỷ đồng. Dự án sẽ thí điểm trong giai đoạn 2014 - 2016, sau giai đoạn thí điểm EVN sẽ nghiên cứu mở rộng cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng có tiềm năng khác. EVN sẽ lựa chọn khách hàng đảm bảo các tiêu chí triển khai dự án, năng lực tài chính, thời gian hoàn vốn nhanh; đề án có các hiệu quả khác như môi trường và xã hội. Khách hàng được sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng. 

Thông qua hoạt động của chương trình thí điểm này, EVN có thể đề xuất lên các Bộ, Ngành và Chính phủ các cơ chế, chính sách nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tháo gỡ các khó khăn, rào cản trong quá trình thực hiện chương trình MTQG về SDNLTK&HQ, đồng thời giúp các ESCO trong nước phát triển hơn trong thời gian tới.

V. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

1)    Chính phủ

a) Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng và thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phát động các chương trình tuyên truyền về sử dụng NLTK&HQ nói chung và tiết kiệm điện nói riêng trên các kênh thông tin đại chúng như: Phát thanh, truyền hình, báo chí…;

b) Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong nước nghiên cứu cơ chế vay vốn linh hoạt, thủ tục đơn giản, dễ dàng cho các doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả các ESCO) muốn đầu tư, sử dụng các dây chuyền sản xuất, thiết bị máy móc có hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng;

c) Xem xét hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong nước chuyển đổi sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao theo hướng Chính phủ trực tiếp hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiện sản xuất trong nước để giảm giá thành sản phẩm (ví dụ: các thiết bị điện như: motor, điều hòa, chiếu sáng, bình đun nước nóng NLMT…);

d) Xem xét cơ chế giá điện hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển các dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, vốn có nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Áp dụng giá điện cao hơn đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các chính sách, quy định về tiết kiệm năng lượng…  

đ) Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) trong nước phát triển; khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tham gia cung cấp các dịch vụ tiết kiệm năng lượng; quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do các Công ty ESCO cung cấp.

2)    Bộ, Ngành

a) Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế tài chính cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

b) Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan chủ trì, chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG về SDNLTK & HQ, tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát thực hiện chương trình MTQG về SDNLTK&HQ của các Bộ, Ngành và UBND các tỉnh, thành phố. Nghiên cứu thực hiện chủ trương thay thế các loại bóng đèn huỳnh quang, compact bằng đèn LED có mức tiết kiệm và tuổi thọ cao hơn; 

c) Sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiết kiệm năng lượng trên trang web[14];

d) Chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm soát chất lượng các loại sản phẩm, thiết bị được dán nhãn, đặc biệt là các chủng loại bóng đèn huỳnh quang compact, đèn LED;

đ) Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình vào cuộc tích cực hơn nữa để tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…Tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Nhà nước về SDNLTK&HQ, tập trung vào các đối tượng tiêu thụ nhiều điện như doanh nghiệp sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh và dịch vụ;

3) UBND các tỉnh/thành phố

a) Chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn quản lý thực hiện triệt để các chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ;

b) Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình MTQG về SDNLTK&HQ trên địa bàn, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm;   

c) Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách (của Chương trình MTQG về SDNLTK&HQ), các tổ chức trong và ngoài nước để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết bị có hiệu suất cao, dần thay thế các thiết bị có hiệu suất thấp;

d) Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền sâu rộng tới người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

đ) UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành rà soát, thực hiện công tác quy hoạch phát triển các khu vực và dự án, lưu ý hạng mục cấp điện. Phối hợp với ngành điện để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển sản xuất.

 

 

[1] Sản lượng điện tiết kiệm theo các năm: 2011: 1,32 tỷ kWh; 2012: 1,67 tỷ kWh; 2013: 2,79 tỷ kWh.

[2] Theo Nghị quyết số 348/NQ-HĐTV ngày 21/05/2013 của HĐTV phê duyệt chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2013 – 2015 của EVN.

[3] Theo giá điện bình quân của Bộ Công Thương: 2011: 1.242 đ/kWh; 2012: 1.437đ/kWh; 2013: 1.508đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng)

[4] Theo Nghị quyết 348/NQ-HĐTV phê duyệt định mức chi phí tiết kiệm điện là 1đ/kWh điện thương phẩm đối với EVNNPC, EVNCPC và EVNHN và 1,5đ/kWh điện thương phẩm đối với EVNSPC và EVNHCMC.

[5] Bộ Công Thương phân cho các TCTĐL thực hiện số bình theo các năm: 1.800 bình (2011); 3.000 bình (2012) và 2.000 bình (2013).

[6] Năm 2012 EVN thực hiện: 39.602 bình; Năm 2013 thực hiện: 30.000 bình (không tính 20.000 bình thực hiện trong năm 2010 – 2011).

[7]  Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam.

[8] Trong vòng 12 năm Bộ XD đã trình Thủ tướng Chính phủ 4 lần điều chỉnh quy hoạch ngành xi măng do bị vỡ quy hoạch, cung vượt quá cầu.

[9] Theo Hiệp hội Thép Việt Nam.

[10] Theo Bộ Công Thương.

[11] Theo Nghị quyết 351/NQ-HĐTV ngày 29/05/2014 của HĐTV v/v thông qua Đề án hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay thế đèn tròn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện năm 2014 – 2015.

[12] Khi thay thế hết 2 triệu bóng đèn sợi đốt bằng loại bóng compact chống ẩm, loại 20W.

[13] Theo Nghị quyết số 545/NQ-HĐTV ngày 08/08/2014 của HĐTV EVN v/v Phiên họp thứ 11 – 2014.

[14] Hiện tại chưa có báo cáo nào về TKNL thuộc các ngành nghề; xây dựng; giao thông; điện; than; dầu khí, v.v…

 

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động