VEA: Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam
11:33 | 28/03/2014
TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
I. Chiến lược phát triển của ngành năng lượng Việt Nam
Ngày 25-10-2007 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 18-NQ/TW “về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, theo đó Chính phủ đã đề ra chiến lược phát triển năng lượng từ nay đến năm 2020 tầm nhìn tới năm 2050. Dưới đây xin điểm qua sự phát triển của các ngành năng lượng sau:
a) Ngành than cách đây 30 năm sản lượng chỉ đạt được bình quân trên dưới 10 triệu tấn/ năm, đến nay đã đạt được trên dưới 40 triệu tấn/ năm; ngành than đã cung cấp đủ than cho điện, than cho các ngành công nghiệp khác và phục vụ đời sống nhân dân, ngoài ra còn xuất khẩu được khoảng chục triệu tấn than/năm góp phần tạo ra được môi trường hội nhập quốc tế.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành than từ năm 2011 đến 2015 ngành than phải sản xuất được 55 triệu tấn than sạch/ năm, xây dựng được 28 mỏ mới (công suất một mỏ 2 triệu đến 2,5 triệu tấn/năm) mở rộng 61 mỏ cũ đảm bảo đến năm 2020 ngành than phải cung cấp được trên 76 triệu tấn than/năm để phục vụ cho ngành điện và các ngành kinh tế khác.
b) Ngành dầu khí là ngành phát triển với tốc độ rất cao, hiện tại sản lượng đã đạt tới trên 15 triệu tấn dầu/năm, trên hàng chục tỷ mét khối khí /năm.
Theo Kết luận số 41 của Bộ chính trị từ nay đến năm 2025 ngành dầu khí phải khai thác được 40 triệu tấn dầu quy đổi/năm, tích cực phát triển các mỏ khí, mỏ dầu ở trong nước cùng với việc liên doanh liên kết với nước ngoài để đảm bảo sản lượng. Nhiều năm qua ngành dầu khí đã đóng góp được trên dưới 25% tổng thu ngân sách của cả nước; để đạt được mục tiêu trên toàn ngành Dầu khí đã phải đổi mới công nghệ, thăm dò khai thác ở các vùng nước sâu có tiềm năng cả dầu và khí.
c) Ngành điện trong nhiều thập kỷ qua đã có những bước phát triển vượt bậc, cách đây 30 năm cả nước chỉ có công suất khoảng 1.000 MW điện, quá trình đổi mới phát triển và xây dựng đến nay cả nước đã có 34.000 MW điện, với sản lượng phát ra năm 2013 là 132 tỷ kWh đưa điện bình quân đầu người cả nước lên trên 1.400 kWh/năm, hiện nay đã đưa điện về 98% số xã, 96% số hộ dân, và đưa điện về vùng sâu vùng xa và một số hải đảo.
Nhiệm vụ của ngành điện trong thời gian từ nay đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 phải xây dựng rất nhiều nhà máy phát điện (thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện tích năng, điện hạt nhân và các dự án năng lượng khác như điện gió, mặt trời .v..v), theo quy hoạch điện VII đến năm 2020 cả nước phải đạt được 75.000 MW điện, sản lượng điện 330 tỷ đến 360 tỷ kWh/năm lúc đó sản lượng điện đầu người tăng lên trên 3.000 kWh/năm, mới có thể đạt tiêu chí một nước công nghiệp phát triển, song song với phát triển nguồn điện phải tập trung phát triển lưới điện đồng bộ từ hệ thống truyền tải đến hệ thông phân phối.v.v…để đưa điện đến hộ tiêu dùng.
Ba ngành kinh tế nêu trên là ba trụ cột, ba mũi nhọn hàng đầu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nền kinh tế xã hội. Để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài bền vững theo chiến lược của Chính phủ đề ra, ngành năng lượng Việt Nam đòi hỏi một lượng vốn rất lớn trên vài trăm tỷ USD cho kế hoạch đầu tư xây dựng các lĩnh vực năng lượng từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
II. Thực trạng về thị trường năng lượng
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương của Đảng và Chính phủ. Tính đến nay, đa số các ngành trong nền kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, riêng ngành năng lượng bao gồm các sản phẩm: dầu khí, than và điện thuộc sự quản lý của ba Tập đoàn kinh tế Nhà nước: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than-Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt nam vẫn còn theo sự chỉ đạo của Nhà nước. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh đối với nước ta là rất mới mẻ và phức tạp, nên đòi hỏi phải nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn vận dụng kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Ngành năng lượng cần thiết phải nghiên cứu xây dựng các mô hình thị trường, chính sách giá cả và cơ chế quản lý của Nhà nước phù hợp với từng loại sản phẩm năng lượng ở các giai đoạn khác nhau.
1. Thị trường điện
Thị trường điện cạnh tranh, được xem là một nội dung chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam, đã thể hiện trong Luật Điện lực năm 2005 và được cụ thể hóa theo Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 và được thay thế bằng Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Theo các quyết định trên, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ:
- Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1): Tiếp tục thực hiện đến hết năm 2014.
- Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2): Giai đoạn 2015-2016: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm; Giai đoạn 2017-2021: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.
- Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3): Được thực hiện trong giai đoạn 2021-2023.
Nhận xét về thực hiện phát triển thị trường điện:
1) Về sự hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là cần thiết, đúng theo quan điểm của Chính phủ và Luật Điện lực; bước đầu đã tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động điện lực ở Việt Nam.
2) Về lộ trình, phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến sau 2023 là quá dài, các cấp độ thực hiện không có sự đan xen lẫn nhau, xong cấp độ này mới chuyển sang cấp độ khác. Ngay cấp độ một bắt đầu từ 2005 mãi tới 2011 mới vận hành thí điểm. Như vậy phải trên 20 năm thực hiện, đến sau năm 2023 Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh; nên chăng có thể xem xét khả năng các cấp độ thực hiện có sự đan xen lẫn nhau, thường xuyên rút kinh nghiệm và hoàn thiện để rút ngắn thời gian.
3). Việc quản lý hoạt động thị trường điện của Nhà nước còn hạn chế về việc xây dựng mô hình, tổ chức, cơ chế hoạt động và giao dịch giữa các đối tượng mua bán điện trên thị trường. Sau gần 10 năm nghiên cứu và thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chưa có mô hình đúng theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh: hiệu quả, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực. Hiện tại, EVN là đơn vị chiếm phần chi phối lớn nhất trong khâu phát điện. Điều 19 của Luật Điện lực quy định phải có : đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, chịu trách nhiệm điều hoà, phối hợp hoạt động giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đơn vị này, mà đang do EVN điều hành.
2. Thị trường dầu khí
Bao gồm các sản phẩm: dầu thô, khí đốt và xăng dầu các loại…; Trong phạm vi báo cáo này, chỉ giới thiệu thị trường xăng dầu vì hiện nay được quan tâm nhất đối với người cung cấp cũng như tiêu thụ ở Việt nam.
Cùng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hoạt động phân phối xăng dầu cũng đã trải qua các giai đoạn tương ứng, từ phương thức cung cấp theo định lượng, áp dụng một mức giá thống nhất do Nhà nước quy định đến mua bán theo nhu cầu, thông qua hợp đồng kinh tế.
Hiện nay, đối với xăng dầu đang vận hành theo mô hình truyền thống. Tập đoàn xăng dầu ( Petrolimex) hiện đang chiếm hơn 50% thị phần, cộng với PV Oil, Saigon Petro, ba đơn vị này chiếm trên 80% thị phần trong cả nước, làm nhiệm vụ sản xuât, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ.
Nhận xét về thực trạng đối với thị trường xăng dầu:
a) Đã tạo được một hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước tham gia hoạt động nhập khẩu, hạn chế thế độc quyền nhập khẩu thuộc về một số đơn vị trước đây, tạo ra thế đứng mới cho các doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia nhập khẩu và khẳng định ưu thế vượt trội của các đơn vị được đầu tư hoạt động theo cơ chế thị trường.
b) Góp phần ổn định giá trong một khoảng thời gian kể cả khi giá xăng dầu thế giới có biến động bất thường, có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong nước.
c) Từng bước thiết lập một thị trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp qua đó hình thành chi phí xã hội cần thiết cho hoạt động kinh doanh xăng dầu và mức lợi nhuận hợp lý.
d) Cơ chế bù giá duy trì quá lâu làm mất đi tính chủ động của doanh nghiệp, giảm động lực tiết giảm chi phí, doanh nghiệp không có tích luỹ cho đầu tư phát triển, mất cơ hội đầu tư, giảm sức cạnh tranh; người tiêu dùng không có ý thức tiết kiệm.
đ) Công tác quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu không rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát dẫn đến đầu tư không đồng đều, manh mún gây lãng phí xã hội; việc bình ổn thị trường ở những vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn...
3. Thị trường than
Về các doanh nghiệp tham gia thị trường: cho đến nay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là nhà cung cấp than chủ yếu trên thị trường than trong nước (chiếm tới 98%) và là nhà xuất khẩu than duy nhất. Vừa qua, TKV có Tổng công ty Đông Bắc - một công ty con được tách ra khỏi TKV và trở thành tổng công ty độc lập trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Về cơ chế giá than:
Theo quy định của Pháp lệnh giá (2002) thì than là mặt hàng không thuộc diện bình ổn giá cũng như không thuộc diện Nhà nước định giá. Việc định giá than do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh than thực hiện theo cơ chế thị trường.
Nhận xét về phát triển thị trường than
a)- Vấn đề tạo lập thị trường than mãi đến năm 2008 mới chính thức được đề cập trong “Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” và Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030.
b)- Mục tiêu phát triển thị trường than đề ra là chuyển nhanh hoạt động ngành than theo cơ chế thị trường, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước. Song việc xây dựng và thực hiện thị trường than còn chậm, thiếu đồng bộ theo thông lệ phát triển thị trường.
c)- Sản lượng than tiêu thụ trong nước tăng lên đáng kể, nguồn cung cấp chủ yếu là trong nước, nhập khẩu chiếm tỷ lệ rất ít. Tuy nhiên, quan hệ này sẽ đang ngày càng mất dần khi nguồn than trong nước sẽ giảm đi. Việc quản lý nhà nước về thị trường than trong nước và nhập khẩu chưa rõ ràng, đặc biệt là cơ chế quản lý giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước và giá xuất nhập khẩu.
d)- Việc thực hiện tái cơ cấu DNNN đối với ngành than quá chậm. Đến nay Tập đoàn Than- Khoáng sản vẫn là nhà cung cấp than chủ yếu trong nước và xuất khẩu duy nhất, ngoài Tổng Công ty Đông Bắc vừa tách khỏi TKV.
4. Thị trường năng lượng mới và tái tạo
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ quan điểm là “quan tâm phát triển năng lượng sạch, ưu tiên phát triển năng lượng mới và tái tạo…” và mục tiêu cụ thể cần đạt được là: “Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên trên 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050”.
Đứng trước tình trạng nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng cạn kiệt và diễn biến của biến đổi khí hậu làm cho môi trường ngày càng xấu đi, yêu cầu phát triển thị trường năng lượng quan trọng này là hết sức bức thiết. Thực tế hiện nay nguồn năng lượng mới và tái tạo chưa được phát triển. Cần phát triển công nghệ năng luợng tái tạo để cung ứng cho mọi nhu cầu tăng trưởng năng lượng tại mọi địa điểm có tiềm năng khá trong phạm vi toàn quốc; và xây dựng kế hoạch để thực hiện chiến lược trên, đồng thời góp phần tạo ra thị trường năng lương mới và tái tạo.
III. Quan điểm phát triển thị trường năng lượng
1- Đại hội XI của Đảng đã xác định đổi mới thể chế kinh tế là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Có ý kiến cho rằng phải đổi mới đồng bộ cả thể chế chính trị và thể chế kinh tế nhưng Đảng, Nhà nước đã tập trung vào việc đổi mới thể chế kinh tế, vì ở đây còn dư địa, còn “đất” để cải cách đi tới, mục tiêu của đổi mới thể chế là làm cho thị trường vận hành tốt hơn, đầy đủ hơn; muốn như vậy cần hướng tới “Nhà nước nhỏ, thị trường lớn”. Thể chế có ba trụ cột gồm “luật chơi”, “ cách chơi”, “người chơi”. Chừng nào luật chơi và cách chơi vẫn còn bị chi phối bởi cơ chế “xin cho, ban phát”, nghĩa là dựa theo mối quan hệ chiều dọc từ trên xuống và dưới lên như người ta hay gọi là “chạy”, (chạy quy hoạch, chạy dự án, chạy vốn đầu tư.v.v…) thì thị trường chưa thể vận hành lành mạnh được.
Thị trường năng lượng Việt Nam nói riêng để phát triển được thì phải thiết kế lại luật chơi, cách chơi và người chơi.
Đột phá về thể chế phải là những cải cách mở rộng hoạt động và nâng cấp mức độ phát triển của thị trường và hội nhập quốc tế. Nhà nước phải tạo điều kiện và khuyến khích những giao dịch chiều ngang (cải thiện môi trường kinh doanh, giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện đồng thời hạn chế và triệt tiêu cơ chế “xin cho, ban phát” theo chiều dọc. Trong kinh tế thị trường điều tối thiểu Nhà nước phải làm được là duy trì cạnh tranh bình đẳng, sao cho các thành phần kinh tế được bình đẳng về tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn.v.v… nếu ai vi phạm Nhà nước sẽ xử lý một cách công khai, công bằng để đảm bảo được lợi ích chính đáng và hợp pháp của các bên liên quan.
2- Đối với phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ, đi đôi với đa dạng hoá các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
3- Phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước kết hợp với việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngoài một cách hợp lý, thiết lập an ninh năng lượng quốc gia trong nền kinh tế độc lập tự chủ.
4- Phát triển mạnh thị trường năng lượng, đa dạng hoá sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới thoả nãm tốt nhất lợi ích người tiêu dùng.
5- Thúc đẩy nhanh việc xoá bao cấp, xoá độc quyền tiến đến xoá bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội thông qua giá năng lượng
IV. Đề xuất giải pháp phát triển thị trường năng lượng
1- Với cải cách kinh tế thị trường thì việc cải cách bộ máy Nhà nước cũng hết sức quan trọng. Rõ ràng là thị trường không dung nạp được cơ chế xin cho, muốn dẹp bỏ được cơ chế này thì trước hết phải cải cách vai trò của Nhà nước. Việc tập trung vào cải cách doanh nghiệp nhà nước minh bạch và xóa bỏ độc quyền sẽ là một động lực tự nhiên góp phần thúc đẩy bộ máy Nhà nước; chẳng hạn tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, tách chức năng làm chính sách với chức năng giám sát thị trường nếu làm được như vậy thì việc cải cách và phát triển thị trường năng lượng Việt Nam sẽ được thúc đẩy một cách mạnh mẽ..
2- Công khai các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng.
3- Tăng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án năng lượng nông thôn, miền núi, hải đảo góp phần phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo cho các khu vực này.
Sớm thành lập quỹ phát triển năng lượng để hỗ trợ đầu tư cho phát triển năng lượng mới và tái tạo, thực hiện các dự án công ích.
Ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ phát triển ODA, các nguồn vốn vay song phương khác của nước ngoài cho việc xây dựng phát triển thăm dò khai thác các nguồn năng lượng điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo.v.v….
4- Tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý, kỹ thuật, công nghệ lành nghề, đào tạo bổ sung đón đầu cho những ngành còn yếu, còn thiếu nhất là các ngành năng lượng mới, năng lượng sinh học, lọc hoá dầu, điện hạt nhân .v.v..
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới theo hướng tập trung và chuyên sâu, phát triển đồng bộ tiềm lực khoa hoc – công nghệ ứng dụng cải tiến công nghệ nước ngoài, tiến tới sáng tạo công nghệ mới trong ngành năng lượng Việt Nam.
5- Về chính sách giá năng lượng: Ngành năng lượng là một hệ thống nhất, nhưng thời gian qua chúng ta thực hiện riêng lẻ các quy hoạch phân ngành, xây dựng giá các loại năng lượng độc lập, dẫn tới giá thiếu hài hòa, hợp lý. Cần xem chính sách giá năng lượng là một trong những đột phá mới, tiến tới xoá bỏ độc quyền, bao cấp trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng.
Kiến nghị định hướng xây dựng chính sách giá năng lượng như sau:
Một là, Chính sách giá năng lượng phải được xây dựng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội và chính sách năng lượng quốc gia.
Hai là, Định giá năng lượng phải kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi về tài chính.
Ba là, Chính sách giá năng lượng được xem là một trong những công cụ quản lý nhu cầu, bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường.
Bốn là, Chính sách giá năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa thị trường trong nước và thế giới.
Năm là, Đề cao vai trò Nhà nước trong việc xác lập và kiểm soát thực hiện chính sách giá năng lượng, đặc biệt đối với dạng năng lượng mang tính độc quyền. Nhà nước chỉ điều tiết giá năng lượng thông qua chính sách thuế và các công cụ quản lý khác.
6- Về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tăng thành phần doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường năng lượng
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được xác định là một trong 3 trụ cột chính của tái cấu trúc nền kinh tế cần thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành năng lượng một cách mạnh mẽ, mục tiêu cụ thể và đẩy mạnh công tác cổ phần hoá trong ngành năng lượng, hạn chế và tiến tới xoá bỏ độc quyền, làm tốt việc đó thì sẽ đạt được chủ trương đột phá về thể chế kinh tế thị trường; có như vậy ngành năng lượng sẽ hoạt động theo chiều ngang ít có sự can thiệp từ trên xuống dưới và bỏ được cơ chế xin cho.
Việc cổ phần hoá trong ngành năng lượng, ngoài những doanh nghiệp mà Nhà nước buộc phải nắm gữi độc quyền và nắm cổ phần chi phối ( như Tổng công ty truyền tải điện quốc gia; các nhà máy thủy điện lớn có chức năng đa mục tiêu,...), các doanh nghiệp còn lại cổ phần hóa mà Nhà nước không nắm gữi cổ phần chi phối để tạo điều kiện cho người lao động tự quyết định lấy hoạt động của mình theo cơ chế thị trường.
Hiện nay có khoảng 1284 doanh nghiệp do nhà nước năm 100% vốn điều lệ và 1200 doanh nghiệp khác có cổ phần góp vốn chi phối của nhà nước. Muốn đạt được mục tiêu đến năm 2016 tập trung cổ phần hoá chỉ còn lại 500 doanh nghiệp nhà nước, trong 2 năm tới mỗi năm phải cổ phần hoá khoảng 300 doanh nghiệp trong khi đó tiến trình cổ phần hoá rất chậm, làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển thị trường cả nước.
Cần đẩy mạnh việc tái cơ cấu, tập trung cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng. Mặc dù việc cổ phần hoá đối với ngành năng lượng sẽ gặp một số khó khăn vì tính đặc thù riêng của nó.
Đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu, tốc độ cổ phần hoá, hoàn thiện tổ chức và quản lý Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Tái cơ cấu các tập đoàn này có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển thị trường năng lượng ở VN, đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế khác tham gia. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án tái cơ cấu đối với 3 tập đoàn kinh tế trên trong giai đoạn 2012-2015, nhưng việc này đến nay vẫn chưa thực hiện được mấy.
7. Xác định đúng vai trò và tầm quan trọng của ngành năng lượng Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng đề nghị Đảng, Nhà nước, sớm cho thành lập Bộ Năng lượng để giúp Chính phủ trong việc quy hoạch, phát triển, giải quyết các cơ chế chính sách và nhiều nhiệm vụ khác, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo việc tái cơ cấu, cổ phần hóa ngành Năng lượng nhằm phát triển thị trường năng lượng một các bền vững, lâu dài đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
8. Kiến nghị Bộ Chính trị cho sơ kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị “Về định hướng Chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2050”.