RSS Feed for Vinacomin: Một số ý kiến về phát triển thị trường than Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vinacomin: Một số ý kiến về phát triển thị trường than Việt Nam

 - Năng lượng than và vai trò của than trong an ninh năng lượng từ lâu đã trở thành nhân tố tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, cũng như các quốc gia trên thế giới. Sự phân bố, mất cân bằng trong kết cấu năng lượng Việt Nam hiện nay và trong tương lai (2020-2030) sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong khai thác, sử dụng nguyên liệu than. Hiện tại, dầu mỏ, than và khí đốt vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu đảm bảo an ninh năng lượng cho mọi quốc gia trên thế giới...

 

NGUYỄN CHÍ QUANG

Phó trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Chiến lược Phát triển
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Khái niệm năng lượng

Khái niệm năng lượng được hiểu chung nhất là các nguồn tài nguyên, nhiên liệu cung cấp, phục vụ cho đời sống, sản xuất và các nhu cầu thiết yếu của con người. Năng lượng là một trong những điều kiện tối kiên quyết của sự sống còn và phát triển của mỗi con người và toàn nhân loại. Điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của bất kì nền văn minh nào đều là năng lượng. Trong các loại năng lượng, dầu mỏ, than đá và khí hóa lỏng là ba loại hình năng lượng quan trọng nhất, có ảnh hưởng đến mọi đời sống của con người.

Khái niệm an ninh năng lượng

An ninh năng lượng là một lĩnh vực quan trọng gắn với vấn đề an ninh quốc gia. An ninh năng lượng là một từ xuất hiện trong hệ thống từ ngữ hiện đại từ thập niên 50 của thế kỉ XX. An ninh năng lượng là một khái niệm rộng và mở và không đơn thuần là các nguồn cung cấp năng lượng (chủ yếu là dầu lửa, khí và than) được đảm bảo như những thập kỉ trước đây, mà còn được hiểu một cách toàn diện, bao quát hơn là phải đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, giá cả hợp lý và khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp phát sinh từ các nhân tố tự nhiên, kinh tế, chính trị bên trong và bên ngoài quốc gia.

Đến nay, khái niệm an ninh năng lượng đã được thống nhất đó là sự đảm bảo đầy đủ năng lượng dưới nhiều dạng khác nhau, sạch và rẻ. Có thể nói trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, an ninh và an ninh năng lượng cũng đang nổi lên như những vấn đề toàn cầu hết sức bức thiết.

Cấu trúc thị trường năng lượng than thế giới

Thực tế đang cho thấy trữ lượng các nguồn năng lượng chính có xu hướng giảm. Theo văn phòng Tổ chức kiểm soát năng lượng Anh (EWG) và IEA đã đưa ra đánh giá dự báo khoảng 41,4 năm nữa thế giới sẽ cạn kiệt nguồn dầu mỏ, 60,3 năm nữa sẽ cạn kiệt nguồn khí tự nhiên và 117 năm nữa sẽ cạn kiệt nguồn than. Năm 2015, thế giới sẽ có khoảng 550 thành phố có quy mô hơn 1 triệu người. Năm 2030, sẽ có thêm khoảng 2 tỷ người (chiếm 60% dân số thế giới) sinh sống tại các thành phố lớn. Cùng với việc tăng dân số, các thành phố lớn sẽ tiêu tốn 75% nguồn năng lượng, đồng thời sản sinh 70% lượng phát thải nhà kính, chủ yếu là khí CO2. Thế giới sẽ phải cần 10,5 nghìn tỷ euro đầu tư cho ngành năng lượng. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang hành động khẩn cấp để tăng cường an ninh năng lượng để đảm bảo an ninh quốc gia.

Nguồn năng lượng Than (than) đóng vai trò sống còn với sản xuất điện và vai trò này sẽ còn được duy trì và tăng lên  trong tương lai. Khoảng 39% lượng điện sản xuất ra trên toàn thế giới là từ nguồn than (dự báo cho đến năm 2030). Lượng tiêu thụ than cũng được dự báo sẽ tăng ở mức từ 0.9% đến 1.5% từ nay cho đến năm 2030. Thị trường than lớn nhất là châu Á (chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ), chiếm khoảng 54% lượng than tiêu thụ trên toàn thế giới. Một số nước khác không có than phải nhập khẩu than cho các nhu cầu về năng lượng như: Nhật Bản, Đài Bắc và Hàn Quốc. Hàng năm có khoảng hơn 4,03 tỷ tấn than được khai thác, con số này đã tăng 38% trong vòng 20 năm qua. Sản lượng khai thác tăng nhanh nhất ở châu Á, trong khi đó châu Âu khai thác với tốc độ giảm dần. Các nước khai thác than lớn nhất hiện nay là: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nam Phi. Hầu hết các nước khai thác than cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, chỉ có khoảng 18% than dành cho thị trường xuất khẩu. Lượng than khai thác được dự báo tới năm 2030 vào khoảng 7 tỷ tấn, với Trung Quốc chiếm khoảng hơn một nửa sản lượng (3,5-4,0 tỷ tấn), các nước không thuộc khối OECD  là 1,6% năm, ngược lại có sự suy giảm trong OECD là -0,9% /năm, với Ấn Độ là 13% sẽ vượt qua Mỹ để chiếm vị trí thứ hai trong năm 2024, vào cuối thế kỷ 21, Ấn Độ thay thế Trung Quốc như là quốc gia hàng đầu về tăng trưởng nhu cầu than.

Hiện Australia là nhà sản xuất than đứng thứ 4 thế giới (trên 400 triệu tấn năm 2013), sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ; là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới (xấp xỉ 200 triệu tấn năm 2013). Nhật Bản chiếm 39,3% kim ngạch xuất khẩu than đá của Australia - phần lớn nhất, với tổng cộng 115.300.000 tấn năm 2013. Kế đến là Trung Quốc và Hàn Quốc với hơn 40 triệu tấn. Mặc dù ¾ lượng than xuất khẩu của Úc vào thị trường châu Á, tuy nhiên phần than còn lại của nước này được tiêu thụ trên toàn thế giới trong đó châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.

Tỷ trọng sử dụng than trong sản xuất điện trên thế giới đang có xu hướng giảm từ 43% năm 2012 đến 37% vào năm 2035. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nước có tỷ trọng sử dụng than sản xuất điện cao nhất là 68% năm 2012 và giảm xuống 52% năm 2035. Một báo cáo mới đây của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cho thấy, Ấn Độ đang chuẩn bị đưa 455 nhà máy điện vào hoạt động, hiện tại có 66 % công suất điện từ than, trong khi đó chính phủ có kế hoạch tăng công suất phát thêm 44 %, đạt 288 GW. Ấn Độ khai thác khoảng 550 triệu tấn than nội địa mỗi năm, nhập khẩu than cũng tăng nhanh chóng: nhập 50 triệu tấn từ 2007 đến 2008 và 192 triệu tấn trong 2012. Vào năm 2017, nhu cầu than của Ấn Độ dự kiến tăng lên đến 980 triệu tấn/năm, trong đó than nội địa là 795 triệu tấn và nhập khẩu 185 triệu tấn.

Theo kết quả đánh giá mới đây của WEC cho thấy, nguồn tài nguyên than trên thế giới khoảng 860 tỷ tấn, trong đó có 405 tỷ tấn (47%) than bituminous (bao gồm cả than anthracite), và 260 tỷ tấn (30%) than sub-bituminous và 195 tỷ tấn (23%) than nâu (lignite). Chủ yếu tập trung ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và một số nước châu Âu, nhưng lại là các quốc gia có nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng gia tăng trong khi nguồn tài nguyên than lại ngày càng cạn kiệt. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU (22/5/2013), dự kiến đến năm 2035, EU phải nhập tới 70% nhu cầu than và Ấn Độ sẽ sớm trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 4 thế giới sau Hoa Kì, Trung Quốc, Nhật Bản. Do đó, điều này sẽ tác động đến cơ cấu quyền lực của thế giới, vấn đề an ninh năng lượng ngày càng trở nên cấp bách.

Tất cả những vấn đề trên đây làm cho triển vọng phát triển năng lượng toàn cầu liên quan tới tính ổn định của thị trường than toàn cầu. Cải thiện môi trường đầu tư vào lĩnh vực than, nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên than trong khai thác, chế biến và sử dụng, đa dạng hóa các dạng năng lượng than (khí hóa than, hóa lỏng, ...), bảo đảm an ninh vận chuyển các cơ sở hạ tầng, giảm bớt thiếu hụt than qui mô lớn, giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ngành than. Đó là những thách thức mang tính toàn cầu về sự phát triển bền vững của nành than trong chiến lược an ninh năng lượng toàn cầu

Vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam

Việt Nam nằm trong top những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ khá cao của Việt Nam giúp cải thiện mức sống của người dân và làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Dự báo nhu cầu điện của Quy hoạch Điện VII, tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Việt Nam là 8,1-8,7% giai đoạn (2001-2020), trong đó năm 2010 trên 100 tỷ kWh, năm 2020 là 330-362 tỷ kWh, năm 2030 là 695-834 tỷ kWh. Nhu cầu điện ngày càng lớn, khả năng cân đối tài chính để khai thác và chế biến 55-58 triệu tấn than sau năm 2015 là rất khó khăn. Nhu cầu than riêng cho ngành điện vào năm 2020 với công suất các nhà máy điện than là 36 nghìn MW để sản xuất 154,44 tỷ kWh, sẽ tiêu thụ 67,3 triệu tấn than. Năm 2030, công suất các nhà máy nhiệt điện than là 75.748,8 MW để sản xuất 391,980 tỷ kWh, tiêu thụ tới 171 triệu tấn than. 

Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu than trước năm 2020. Nếu không đảm bảo được kế hoạch khai thác hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên than, tình huống phải nhập khẩu than sẽ xuất hiện sớm hơn vào khoảng năm 2015-2018. Điều đó cho thấy vấn đề đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện của Việt Nam sẽ chuyển từ giới hạn trong phạm vi một quốc gia thành một phần của thị trường quốc tế và chịu sự tác động thay đổi của nó.

Việt Nam là nước có tiềm năng về tài nguyên than, bao gồm: than anthracite phân bố chủ yếu ở các bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, sông Đà, Nông Sơn, với tổng tài nguyên đạt trên 18 tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh là lớn nhất với tài nguyên trữ lượng đạt trên 9 tỷ tấn, trong đó hơn 4 tỷ tấn than đã được thăm dò và đánh giá đảm bảo độ tin cậy. Bể than Quảng Ninh đã được khai thác từ hơn 100 năm nay phục vụ tốt cho các nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Than á bitum ở phần lục địa trong bể than sông Hồng tính đến chiều sâu -1700m (dưới mực nước biển) có tài nguyên trữ lượng đạt 36,960 tỷ tấn. Nếu tính đến độ sâu -3500m thì dự báo tổng tài nguyên than đạt đến 210 tỷ tấn. Than bùn (peat coal) với trữ lượng khoảng 7 tỷ m3, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 5 tỷ tấn).

Việc tiến hành khai thác than đảm bảo cho nhu cầu sản xuất điện hiện nay chủ yếu tập trung ở Bể than Đông Bắc (trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh), ngoài ra có một số mỏ than ở các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nông Sơn với sản lượng 46,98 triệu tấn; 48,28 triệu tấn và 44,33 triệu tấn, 42,85 triệu tấn than nguyên khai tương ứng với các năm 2010, 2011 và 2012, 2013. Kế hoạch dài hạn của ngành than phấn đấu đến năm 2015 sản lượng than thương phẩm đạt 55 triệu tấn (thực tế điều chỉnh chỉ đạt 46 triệu tấn) và khoảng 65-60 triệu tấn than vào năm 2020, và 66 - 70 triệu tấn vào năm 2025, trên 75 triệu tấn vào năm 2030, tương đối phù hợp với mục tiêu phát triển khai thác than đã được Chính phủ phê duyệt theo Quy Hoạch Phát Triển Ngành Than (Quy hoạch 60) và kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của VINACOMIN nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên trong giai đoạn 2025-2030 cho thấy khả năng khai thác và chế biến than của VINACOMIN cũng chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu than cho sản xuất điện, thực chất sản lượng than sẽ chỉ đủ cung cấp cho khoảng 12.000 MW, nghĩa là sản xuất được không quá 72 tỷ kWh mỗi năm, kể cả đến những năm 2025-2030, do đó cho thấy Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia nhập khẩu than trong giai đoạn sau 2020.

Thực tế hiện nay toàn bộ sản lượng than khai thác bằng 02 phương pháp: lộ thiên và hầm lò, bao gồm 24 mỏ lộ thiên và 49 mỏ hầm lò, được phân bố chủ yếu tại tỉnh Quảng Ninh, phía Bắc Việt Nam, với tỷ lệ 50/50 và tỷ lệ khai thác than hầm lò tăng lên từ năm 2014 đến 2020 sẽ chiếm tỷ lệ hơn 70% tổng sản lượng than. Các mỏ đang được đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và các kỹ thuật khai thác mỏ, đặc biệt là cơ giới hóa khai thác hầm lò đã góp phần tăng sản lượng và tiết kiệm chi phí. Đồng thời VINACOMIN đang nghiên cứu công nghệ khí hóa than ngầm, là một quy trình công nghệ nhằm chuyển đổi than từ dạng rắn thành dạng khí và cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Với công nghệ tiên tiến này, VINACOMIN có cơ hội mở rộng công tác thăm dò và khai thác trữ lượng than nằm từ độ sâu 300m xuống tới 1.200m so với mặt nước biển tại bể than Quảng Ninh, và tại bể than Đồng bằng Sông Hồng với sự hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài.

Những thách thức phát triển ngành than đảm bảo an ninh năng lượng giai đoạn 2015-2030

Những rủi ro không lường trước khi thăm dò, đánh giá trữ lượng than ở độ sâu hơn 300m so với mực nước biển ở vùng than Đông Bắc, và hơn -1000m ở đồng bằng sông Hồng do hạn chế về trình độ công nghệ thăm dò, phương pháp đánh giá (từ những năm 70) và kết quả là chi phí đầu tư lớn, sai số cao và độ tin cậy thấp;

Tài nguyên than chưa được đánh giá theo nguyên tắc thị trường (chưa được định giá), do đó dẫn đến lãng phí, quản lý không hiệu quả và không thể chia sẻ và hội nhập với thị trường thế giới (chưa được coi là nguồn vốn để phát triển kinh tế xã hội);

Hạn chế về áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa công nghệ khai thác than bằng phương pháp hầm lò ở các tầng sâu, điều kiện địa chất phức tạp, thông tin không tin cậy; rủi ro về mất an toàn cho con người và công trình, thiết bị máy móc cao, dẫn đến năng suất thấp, giá thành than cao và không đảm bảo lợi hiệu quả đầu tư và lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp mỏ;

Nhu cầu về vốn đầu tư để phát triển và xây dựng mới các mỏ than hầm lò, và khai thác than đồng bằng sông Hồng để tăng sản lượng than đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong giai đoạn 2010-2030 được đánh giá khoảng 50-80 tỷ USD, đây là một thách thức rất lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam với quy mô nguồn vốn còn rất nhỏ và nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.

Ở Việt Nam, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28-32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%). Do đó lượng than tiêu hao cho một đơn vị năng lượng của Việt Nam cao hơn nhiều không chỉ so với các nước phát triển, mà so cả với những nước trong khu vực. Đồng thời gây ra ô nhiễm môi trường và tăng phát thải khí nhà kính (GHG) tạo ra rủi ro cao về tính tuân thủ pháp luật và quy định về bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế.

Biến đổi khí hậu đã làm mực mước biển dâng cao tác động lớn đến các công trình cảng, nhà máy chế biến than và các cơ sở hạ tầng của ngành than nằm ở dải ven bờ có thể bị ngừng trệ và thiệt hại nặng nề. Mặt khác, một số địa phương có tài nguyên than như Thái Bình, Hưng Yên thuộc đồng bằng sông Hồng có thể bị ngập do nước biển dâng gây rủi ro cao cho việc đầu tư thăm dò và khai thác than tại đây.

Một số nguyên tắc đổi mới để đảm bảo nguồn nguyên liệu than cho an ninh năng lượng

Đối với Việt Nam, vấn đề an ninh năng lượng đặt đặt ra yêu cầu cấp thiết. Việt Nam đã đưa ra “Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia” đến năm 2020, tầm nhìn 2050 đã cho thấy tương lai Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, sử dụng và sản xuất năng lượng với các quốc gia, tổ chức khu vực và trên thế giới.

Các giải pháp phát triển bền vững ngành than để góp phần đảm bảo an ninh quốc gia được đề xuất trên cơ sở một số nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc đầu tiên: đó là đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nói chung, và than nói riêng nhằm tạo ra thị trường than ổn định, bền vững cả về lượng và chất trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Nguyên tắc thứ hai là khả năng hồi phục nhanh, trong hệ thống cung cấp than có khả năng chống lại những cú sốc hoặc tác động của khủng hoảng, bao gồm: năng suất các mỏ than dự phòng đủ lớn, các kho dự trữ than chiến lược theo chuỗi cung ứng than, nguồn cung thiết bị công nghệ đảm bảo.

Nguyên tắc thứ ba là sự nhận thức về bản chất liên kết. Hiện nay, ngoài VINACOMIN (sản lượng chiếm khoảng 85%) còn nhiều đơn vị khác tham gia khai thác than. Vì vậy cần tạo ra sự thống nhất về chính sách và kế hoạch điều phối các đơn vị sản xuất than có trách nhiệm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...

Nguyên tắc thứ tư chính là tầm quan trọng của thông tin. Thông tin về trữ lượng và chất lượng than phải được thay đổi theo tiêu chuẩn quốc tế, được hội nhập thị trường thế giới và khu vực, đặc biệt là thị trường tài chính mỏ.

Nguyên tắc thứ năm mở rộng khái niệm an ninh năng lượng, đó là tính toàn cầu hóa của hệ thống an ninh năng lượng, gắn liền với duy trì ổn định toàn bộ chuỗi cung ứng than trong nước, khu vực và toàn cầu.

Một số giải pháp bảo đảm nguồn nguyên liệu than cho an ninh năng lượng

Khai thác và sử dụng than một cách tiết kiệm và hiệu quả, trong quản lý cũng như ứng dụng công nghệ, và sử dụng than.

Đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ trong ngành than phù hợp với độ sâu khai thác lớn và có tính an toàn cao cho người và thiết bị.

Hình thành thị trường tài chính năng lượng, với nguồn vốn là các tài nguyên năng lượng (than) được định giá và huy động đầu tư như là một nguồn vốn chính, liên kết chặt chẽ với các thị trường tài chính mỏ trên thế giới, như ASX (Úc), TSX (Canada).

Đổi mới quy trình làm quy hoạch năng lượng từ quy hoạch riêng rẽ từng ngành (điện, dâu khí và than) sang lập quy hoạch tổng thể và đồng bộ năng lượng bao gồm than, dầu khí và điện trong một hệ thống tối ưu và có độ tin cậy cao trên thực tế.

Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, và các văn bản dưới luật liên quan đến quản lý tài nguyên năng lượng (than) theo tiêu chuẩn quốc tế (JOCR-Úc; NI43-101-Canada…) và cơ chế thị trường, được định giá và quản lý như một nguồn vốn để huy động đầu tư và phát triển các dự án mỏ từ các thị trường tài chính trong nước và quốc tế.

- Hình thành và phát triển chính sách ngoại giao năng lượng, trong đó có nội dung về tài nguyên than, với các nội dung cơ bản sau đây:

Tăng cường và đa dạng hoá quan hệ với các nước xuất khẩu than (Úc, Indonesia, Nga).

Phát triển hợp tác song phương với đa phương trên lĩnh vực than, như hợp tác xây dựng kho dự trữ than chiến lược, bảo vệ các tuyến đường vận chuyển than trên biển.

+ Hợp tác trong lĩnh vực môi trường mỏ và biến đổi khí hậu.

+ Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ than sạch, như khí hóa than ngầm, công nghệ thu hồi và chon lấp carbon (CCT).

Thứ tư, đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng xanh.

Kết luận

Năng lượng than và vai trò của than trong an ninh năng lượng từ lâu đã trở thành nhân tố tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, cũng như các quốc gia trên thế giới. Sự phân bố, mất cân bằng trong kết cấu năng lượng Việt Nam hiện nay và trong tương lai (2020-2030) sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong khai thác, sử dụng nguyên liệu than. Hiện tại, dầu mỏ, than và khí đốt vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu đảm bảo an ninh năng lượng cho mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên này có nguy cơ cạn kiệt trong 50 năm tới. còn đối với các nguồn năng lượng mới (như gió, mặt trời, địa nhiệt…) vẫn chỉ ở mức dự án tiền khả thi. Do vậy, sức ép về thiếu hụt than đang và sẽ tiếp tục gia tăng đối với an ninh năng lượng Việt nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh năng lượng không còn là vấn đề chuyên môn kĩ thuật, công nghệ thuần túy mà là vấn đề chính trị xã hội, vấn đề quan hệ quốc tế. Do đó, để đảm bảo nguyên liệu than cho an ninh năng lượng quốc gia không chỉ là trách nhiệm của VINACOMIN và các ngành liên quan, mà là cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của Bộ ngoại giao, với tư cách là cơ quan đầu mối để phát triển và đổi mới chính sách ngoại giao năng lượng hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thế kỷ 21 này.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động