RSS Feed for Một số vấn đề về thị trường và đáp ứng nhu cầu than trong nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 07/10/2024 05:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một số vấn đề về thị trường và đáp ứng nhu cầu than trong nước

 - Cùng với nền kinh tế quốc dân, ngành than nước ta từng bước chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, trên cơ sở đó thị trường than từng bước được hình thành và phát triển.

 

PGS,TS. NGUYỄN CẢNH NAM
Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam - VEA

Quá trình hình thành

Cơ sở pháp lý đầu tiên để tạo lập thị trường than là Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X, ban hành ngày 26/4/2002 và Nghị định số 170/2003/NĐ-CP, ngày 25/12/2003 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá, trong đó quy định sản phẩm than không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá và Danh mục tài sản, hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá. Điều này đồng nghĩa với việc giá than vận hành theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, trong Quyết định số 20/2003/QĐ-TTg, ngày 29/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn 2003-2010 có xét triển vọng đến năm 2020” mới chỉ đề cập đên thị trường than. Cụ thể là: “Phát triển ngành than ổn định, đáp ứng nhu cầu về than cho nền kinh tế quốc dân; bảo đảm thị trường tiêu dùng than trong nước ổn định, có một phần hợp lý xuất khẩu để điều hòa về số lượng, chủng loại và tạo nguồn ngoại tệ”. Còn về giá than thì đến năm 2006 mới “tiến tới thực hiện giá bán than theo cơ chế thị trường”. Đến năm 2008 vấn đề tạo lập thị trường than mới chính thức được đề cập trong “Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 89/2008/QĐ-TTg ngày 07/7/2008, trong đó đã nêu rõ: “Phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than trong nước; đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng tối đa nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu, thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam” và “Sớm hình thành thị trường than cạnh tranh, hội nhập với khu vực và thế giới, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh trong ngành than”.

Theo đó, mục tiêu phát triển về thị trường than là chuyển mạnh hoạt động ngành than theo cơ chế thị trường hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế có sự điều tiết của Nhà nước. Đồng thời, Chiến lược đề ra định hướng phát triển về giá than là giá than cần được xác định phù hợp với cơ chế thị trường để hội nhập với thị trường khu vực và thế giới; Nhà nước điều tiết giá than thông qua chính sách thuế và các công cụ quản lý khác.

Để đạt mục tiêu nêu trên, một số giải pháp đã được đề ra như: Ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quản lý, khai thác, chế biến, kinh doanh than và phát triển ngành than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá các công ty sản xuất than, tiến tới hình thành thị trường than theo hướng đa dạng hóa sở hữu và phương thức sản xuất, kinh doanh than.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm chính về việc phát triển ngành than, cung cấp than trong nước và làm đầu mối phối hợp với các hộ tiêu thụ than lớn thực hiện việc nhập khẩu than cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg, ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”, có đề cập đến nội dung xây dựng, phát triển thị trường than gồm:

Thứ nhất, quan điểm phát triển: Phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước là chủ yếu; đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng tối đa nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong ngành than trên cơ sở doanh nghiệp do Nhà nước chi phối đóng vai trò chủ đạo; thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, mục tiêu phát triển thị trường than là chuyển nhanh hoạt động ngành than theo cơ chế thị trường, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước.

Thứ ba, định hướng phát triển thị trường: Xuất, nhập khẩu than đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ than trong nước về chủng loại và khối lượng; xuất khẩu một phần hợp lý theo kế hoạch, chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa hoặc không có nhu cầu sử dụng; tích cực, chủ động tìm nguồn than nhập khẩu để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước; Quy hoạch cảng nhập than tùy thuộc tiến độ đầu tư các trung tâm nhiệt điện theo quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng mới một số cảng nhập than (hoặc cầu cảng chuyên dụng tại các cảng tổng hợp) tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long phục vụ cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện than ở khu vực miền Trung và miền Nam. Đồng thời, cũng đề ra quy hoạch đầu tư cải tạo, mở rộng và xây dựng mới hệ thống cảng xuất than phục vụ cho việc tiêu thụ than trong nước.

Thứ tư, cơ chế, chính sách về thị trường: ngành than tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán than cho các hộ sử dụng trong nước theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên than, giúp ngành than ổn định sản xuất, cân đối tài chính, tạo vốn đầu tư để phát triển ngành theo Quy hoạch.

Thứ năm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch; thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong phát triển bền vững ngành than. Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư, kế hoạch thăm dò, khai thác than phù hợp với Quy hoạch và nhu cầu sử dụng của nền kinh tế trong từng giai đoạn; chịu trách nhiệm chính về cung cấp than khai thác trong nước và làm đầu mối, phối hợp với các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu trong nước. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng phương án, biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu than trái phép.

Như vậy có thể thấy, vấn đề tạo lập thị trường than và ngành than hoạt động theo cơ chế thị trường đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện thị trường than chủ yếu mới chỉ được đề ra trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành than trong từng giai đoạn. Trong quá trình thực hiện chưa có sự xuyên suốt, nhất quán, đồng bộ trong thể chế, nhất là cơ chế giá than cũng như lộ trình hình thành, phát triển thị trường than; đặc biệt chưa tạo lập được một cách đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường theo hướng tạo dựng một thị trường than hoàn chỉnh có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thể chế quản lý, vận hành minh bạch và tính cạnh tranh theo đúng thông lệ thị trường nói chung. Ngành than chủ yếu vẫn do Nhà nước nắm độc quyền đầu tư từ A đến Z thông qua Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Điều này được thể hiện rõ rệt trong phân tích về hiện trạng thị trường than dưới đây.

Hiện trạng

Sản lượng than tiêu thụ trong nước đã có sự tăng lên đáng kể từ mức 10 triệu tấn năm 2002 lên khoảng 28 triệu tấn năm 2013, trong đó chủ yếu là than sản xuất trong nước 27,5 triệu tấn (chiếm 98,2%), than nhập khẩu chỉ khoảng 0,5 triệu tấn (chiếm 1,8%): gồm than mỡ khoảng hơn 100 ngàn tấn dùng cho luyện kim và than subbitum (than nồi hơi hoặc than năng lượng) khoảng 400 ngàn tấn dùng cho sản xuất điện ở miền Nam.

Sự chênh lệch này xuất phát từ nguồn cung than trong nước khá dồi dào, có giá cạnh tranh hơn than nhập khẩu. Tuy nhiên, theo nhận định mối tương quan này đang ngày càng mất dần.

Là tập đoàn kinh tế nhà nước được giao nhiệm vụ chính trong việc khai thác và cung ứng than cho nền kinh tế, cho đến nay TKV là nhà cung cấp than chủ yếu trên thị trường than trong nước (chiếm tới 98%), đồng thời cũng là nhà xuất khẩu than duy nhất.

Vừa qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Tổng công ty Đông Bắc - một công ty con của TKV được tách ra khỏi TKV và trở thành tổng công ty độc lập do Bộ Quốc phòng quản lý.

Như vậy, từ năm 2014, ngoài TKV sẽ có các đơn vị khai thác, cung cấp than cho thị trường trong nước gồm Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty 319 (đều là của Bộ Quốc phòng), Vietmindo (doanh nghiệp FDI) và một số đơn vị khác đã và sẽ được cấp phép khai thác than cùng hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh. Hiện nay, ngoài TKV, các Tập đoàn PVN, EVN... đã và đang thành lập các công ty nhập khẩu than từ nước ngoài. Ngoài ra, các công ty nước ngoài cũng sẽ chủ động xuất khẩu than vào Việt Nam khi nhu cầu than vượt quá khả năng khai thác trong nước và có giá cạnh tranh hơn.

Như vậy, sắp tới trên thị trường than sẽ có sự sôi động nhất định vì có sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về cơ chế giá than

Theo Pháp lệnh giá ban hành năm 2002, than là mặt hàng không thuộc diện bình ổn giá. Việc định giá than do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh than thực hiện theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, do than là đầu vào chính của một số mặt hàng thuộc Danh mục hàng hoá thực hiện bình ổn giá như: xi măng, sắt thép, phân bón cũng như là đầu vào của điện-mặt hàng do Nhà nước định giá. Nên trên thực tế giá than vẫn do Nhà nước quản lý. Việc xác định và điều chỉnh giá than phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc phê duyệt, nhất là đối với giá than bán cho các hộ sản xuất điện, xi măng, phân bón và giấy.

Cụ thể là tại Quyết định số 20/2003/QĐ-TTg ngày 29/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam giai đoạn 2003-2010 có xét triển vọng đến năm 2020” đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan căn cứ vào từng thời kỳ, tình hình sản xuất và tiêu thụ than, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giá bán than hợp lý cho bốn hộ tiêu thụ than lớn: điện, xi măng, giấy và đạm theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí sản xuất hợp lý để tiến tới thực hiện giá bán than theo cơ chế thị trường vào năm 2006”. Dù vậy, đến năm 2012 trong Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” vẫn nêu ngành than tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán than cho các hộ sử dụng trong nước theo cơ chế thị trường.

Chính vì vậy, đến năm 2013, giá than bán cho bốn ngành tiêu thụ than lớn: điện, xi măng, giấy và đạm, nhất là đối với hộ điện vẫn thấp hơn giá thành. Ngành than buộc phải tăng cường xuất khẩu than để lấy lợi nhuận từ xuất khẩu bù đắp chi phí cho phần than bán cho 4 ngành nêu trên và đầu tư phát triển mở rộng sản xuất. Đây là nguyên nhân chính làm cho sản lượng than xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua, thậm chí trong nhiều năm, sản lượng than xuất khẩu vượt xa sản lượng than tiêu thụ trong nước khiến định hướng “có một phần hợp lý xuất khẩu để điều hòa về số lượng, chủng loại và tạo nguồn ngoại tệ” không thực hiện được.

Hiện nay, theo quy định của Luật giá (2012) và Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá thì than chỉ thuộc diện hàng hóa phải kê khai giá, còn giá than vận hành theo cơ chế thị trường. Việc kê khai giá than do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh than thực hiện theo quy định của Nghị định 177/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.

Như vậy, giá than đã thực sự vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành than nói chung, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than nói riêng tiết kiệm chi phí, khai thác tận thu tài nguyên, chủ động phương án kinh doanh theo hướng có hiệu quả cao nhất để tăng cường tích lũy cho đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản lượng, đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao. Từ đó, buộc các ngành tiêu thụ than sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh than.

Một số vấn đề chính về thị trường than trong thời gian tới

Theo dự báo trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg, thì nhu cầu than trong nước thời gian tới sẽ tăng rất cao. Theo phương án cơ sở thì cụ thể:

TT

Hộ tiêu thụ

2015

2020

2025

2030

1

Tổng số (106T)

56,2

112,3

145,5

220,3

1.1

 Các ngành khác

22,6

29,5

32,8

39,0

1.2

Nhiệt điện

33,6

82,8

112,7

181,3

 

Như vậy, so với mức tiêu thụ năm 2013 đến năm 2015 nhu cầu than trong nước sẽ tăng gấp 2 lần, đến năm 2020 tăng gấp 4 lần và đến năm 2030 tăng gấp 8 lần.

Nếu dựa theo những số liệu dự báo nhu cầu than trong hai năm trước đây thì có thể thấy những dự báo trên đây là quá cao. Ví dụ, năm 2012 dự báo nhu cầu là 32,9 triệu tấn, thực tế chỉ là 25,3 triệu tấn, bằng 76,9%; năm 2013 dự báo nhu cầu là 38,3 triệu tấn, thực tế khoảng 28 triệu tấn, bằng 73,1%.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho nhu cầu than thực tế giảm so với dự báo là 2 năm vừa qua do nguồn nước nhiều nên thủy điện huy động tăng lên. Cùng với đó, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nên nhu cầu điện cũng giảm so với dự báo. Nhưng ngay cả khi nhu cầu than thực tế chỉ bằng khoảng 80% nhu cầu dự báo thì cũng đã là rất cao. Khi đó nhu cầu than đến năm 2015 sẽ là 45 triệu tấn, tăng so với năm 2013 là 17 triệu tấn (bình quân mỗi năm tăng 8,5 triệu tấn, bằng sản lượng của 4 mỏ hầm lò cỡ lớn) và đến năm 2020 là 90 triệu tấn, tăng so với năm 2013 là 62 triệu tấn (bình quân mỗi năm tăng 12,4 triệu tấn, bằng sản lượng của 6 mỏ hầm lò cỡ lớn). Rõ ràng mức tăng đó là quá cao so với tiến độ xây dựng các mỏ than mới và vấn đề đặt ra là khả năng nâng cao sản lượng than trong nước sẽ như thế nào trong thời gian tới.

Nguồn cung ứng than trong nước gặp nhiều khó khăn

Thứ nhất, tài nguyên than đã được thăm dò có khả năng huy động vào khai thác bị suy giảm và mức độ tin cậy thấp. Theo Báo cáo của TKV, ngày 16/12/2013 về tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển than đã được phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg (Quy hoạch 60) thì tổng trữ lượng và tài nguyên bể than Đông Bắc và vùng Nội địa giảm 1.875.988 ngàn tấn (giảm 20,8%) so với Quy hoạch 60, do việc cập nhật tài nguyên, trữ lượng theo Báo cáo kết quả giai đoạn 1 Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng than dưới mức -300m, bể than Quảng Ninh” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trước đó.

Như vậy, chỉ sau 1 năm phê duyệt Quy hoạch 60, trữ lượng than đã “bốc hơi” gần 2 tỉ tấn do mức độ tin cậy thấp của số liệu báo cáo thăm dò. Tính đến 31/12/2013, tổng trữ lượng và tài nguyên bể than Đông Bắc và vùng Nội địa còn lại là 6.933.125 ngàn tấn, trong đó phần tài nguyên đạt cấp trữ lượng rất thấp, chỉ khoảng 30%. Ngoài ra, việc khai thác bể than Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) hiện chưa rõ về công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường, ngay cả khả năng khai thác thử nghiệm theo dự kiến cũng bị lùi lại. Hiện còn chưa biết sẽ làm ở địa điểm nào và khi nào bắt đầu.

Thứ hai, khả năng nâng cao sản lượng khai thác bị hạn chế và giảm so với Quy hoạch đã được duyệt. Theo Quy hoạch 60, sản lượng than thương phẩm dự kiến đến năm 2030 (triệu tấn) như sau:

TT

P/a sản lượng

2015

2020

2025

2030

I

P/a không có than ĐBSH

57,4

62,3

68,1

65,6

II

P/a có than ĐBSH

57,4

62,8

70,0

75,7

 

- Đồng bằng Sông Hồng

0

0,5

1,9

10,1

 

Nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định, việc khai thác than ở ĐBSH trong giai đoạn này là chưa thể thực hiện được. Do vậy, mức sản lượng tối đa đến năm 2025-2030 theo Quy hoạch 60 có thể đạt chỉ là khoảng 65 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của TKV về tình hình thực hiện Quy hoạch 60 sau khi rà soát lại tình hình tài nguyên, trữ lượng than thì khả năng tối đa chỉ đạt sản lượng than thương phẩm khoảng 55 triệu tấn/năm, hụt so với Quy hoạch 60 khoảng 10 triệu tấn.

Như vậy, so sánh nhu cầu dự báo và khả năng khai thác trong nước cho thấy từ năm 2015 sẽ thiếu than và đến năm 2020 tối đa chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, đặc biệt than cho sản xuất điện sẽ thiếu trầm trọng. Ước tính đến năm 2015 thiếu khoảng 3 triệu tấn và đến năm 2020 ít nhất thiếu hơn 40 triệu tấn, bằng tổng sản lượng than toàn ngành năm 2013.

Thứ ba, nhu cầu vốn đầu tư tăng cao. Theo tính toán trong Quy hoạch 60, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2030 là 690.875 tỷ đồng, bình quân là 36.362 tỷ đồng mỗi năm, trong đó đầu tư mới 29.797 tỷ đồng và đầu tư duy trì công suất là 6.565 tỷ đồng. Nếu không tính đến vốn đầu tư khai thác than ĐBSH thì bình quân mỗi năm cần khoảng hơn 32 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD/năm), riêng đầu tư mới khoảng 26 ngàn tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của TKV (bao gồm cả Tổng công ty Đông Bắc) đến năm 2013 chỉ có khoảng 32 ngàn tỷ đồng, riêng sản xuất than chỉ khoảng hơn 18 ngàn tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Khoáng sản để được cấp phép hoạt động khoáng sản vốn của chủ sở hữu tối thiểu phải bằng 30% tổng mức đầu tư đối với hoạt động khai thác và 50% đối với công tác thăm dò. Với nhu cầu vốn đầu tư mới là 26 tỷ đồng/năm thì mỗi năm vốn chủ sở hữu phải có ít nhất khoảng 7,8 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, với tổng vốn chủ sở hữu của sản xuất than hiện có thì vốn đầu tư từ nguồn khấu hao cơ bản hàng năm chỉ có khoảng 1,8 ngàn tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 23% mức vốn quy định. Còn nguồn vốn tích lũy từ lợi nhuận sau thuế để lại cho doanh nghiệp (tức là quỹ đầu tư phát triển trích lập từ lợi nhuận sau thuế), nếu có cũng rất hạn hẹp vì hiệu quả sản xuất than ngày càng giảm do giá bán than giảm, trong khi giá thành tăng cao. Hơn nữa, theo quy định mới thì quỹ đầu tư phát triển chỉ được trích lập tối đa bằng 30% lợi nhuận sau thuế. Như vậy, nguồn vốn đầu tư cho phát triển than trong thời gian tới sẽ thiếu trầm trọng so với nhu cầu đầu tư.

Lẽ ra, trong bối cảnh đó phải có chính sách, biện pháp và hình thức thích hợp để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế thì hiện đang có biểu hiện của tình trạng cấp phép khai thác than tràn lan, kể cả cho những tổ chức, cá nhân không đủ năng lực theo quy định. Cần lưu ý rằng, thời điểm này điều kiện tài nguyên không còn thuận lợi để khai thác theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, tàn phá môi trường. Mà việc khai thác phải chuyển sang khai thác lộ thiên xuống sâu dưới mực nước biển với hệ số bóc đất đá thậm chí trên 15m3/tấn hoặc phải khai thác hầm lò trong điều kiện có nguy cơ cao về cháy nổ, bục nước, sập đổ lò... đòi hỏi phải có công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, đội ngũ cán bộ chuyên gia trình độ cao, công nhân kỹ thuật lành nghề, giàu kinh nghiệm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tận thu tài nguyên, an toàn và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, giá thành khai thác tăng cao, chủ yếu do các nguyên nhân sau:

Do phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi, giá thành thấp đã cạn kiệt, phải chuyển sang khai thác phần trữ lượng than có điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp, giá thành tăng cao. Ở các mỏ lộ thiên trước đây có hệ số bóc đất đá bình quân vào khoảng 4-5 m3/tấn than và cung độ vận chuyển đất đá khoảng 2-3 km, thì nay hệ số bóc đất đá đã tăng lên trên 10 m3/tấn, thậm chí lên đến 15 m3/tấn và cung độ vận chuyển bình quân lên đến 4-5 km. Dự báo trong tương lai sẽ còn tăng hơn nữa. Trước đây, tỷ lệ sản lượng khai thác hầm lò chỉ vào khoảng 30-35% thì nay đã tăng lên trên 50% và sắp tới lên khoảng 70%. Hơn nữa, điều kiện khai thác hầm lò cũng khó khăn, phức tạp hơn khi xuống sâu có nhiều rủi ro về nổ khí, bục nước, cháy lò, sập lò... Ngoài ra, phần trữ lượng than có chất lượng tốt, giá bán cao cạn kiệt dần, trong khi phần trữ lượng than chất lượng thấp, giá bán thấp tăng cao.

Chính sách thuế, phí của Nhà nước đối với khoáng sản nói chung và đối với than nói riêng ngày càng tăng cao làm cho giá thành than tăng cao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế môn bài, thuế nhà đất…

Các loại phí bao gồm: phí bảo vệ môi trường, nước thải, lệ phí cấp giấy phép thăm dò, lệ phí cấp phép khai thác, hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Thêm vào đó là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đây là một khoản thu mới theo quy định của Luật Khoáng sản. Theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đối với than khoản thu này ước tính bằng khoảng 1/3 mức thuế tài nguyên. TKV hàng năm phải nộp thêm khoản tiền này khoảng trên 1 ngàn tỷ đồng.

Những vấn đề nêu trên không những làm giảm hiệu quả kinh doanh than, mà còn tác động tiêu cực đến việc khai thác tận thu tài nguyên. Than là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo và hữu hạn, đối với nước ta tài nguyên than cũng không phải là dồi dào, lẽ ra trong bối cảnh đó thay vì chính sách thu thuế, phí cao Nhà nước phải có chính sách khuyến khích tận thu tối đa tài nguyên than để góp phần đáp ứng nhu cầu.

Nguồn than nhập khẩu còn nhiều ẩn số

Để đáp ứng nhu cầu than, Quy hoạch 60 đã đề ra chủ trương nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước. Tuy nhiên, việc nhập khẩu than dài hạn với khối lượng hàng chục triệu đến hơn trăm triệu tấn/năm là vô cùng khó khăn do nguồn cung than ngày càng hạn chế trong khi nhu cầu than của các nước ngày càng tăng với sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường.

Muốn có nguồn than ổn định phải đầu tư mua mỏ ở nước ngoài để khai thác. Nhưng đây là dạng đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro, hơn nữa cơ hội mua mỏ than ở các nước có tiềm năng về than như Indonesia, Úc,… không còn dễ do các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,… đã triển khai đầu tư mua mỏ ở các nước đó từ hàng chục năm nay. Nếu không có chủ trương, chính sách quyết liệt và bảo lãnh của Chính phủ thì các doanh nghiệp không đủ tiềm lực và không dám đầu tư mua mỏ ở nước ngoài. Hơn nữa, để có thể nhập khẩu từ chục triệu đến hơn trăm triệu tấn than mỗi năm, ngoài đội tàu vận tải biển hùng hậu cần phải có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ nhập khẩu than như hệ thống cảng biển, cảng sông, bến bãi, kho chứa…Muốn vậy, cần phải có quy hoạch địa điểm các hộ sử dụng than nhập khẩu, thời điểm và chủng loại than nhập khẩu. Nhưng hiện nay, tất cả những vấn đề này đều còn là ẩn số.

Một số giải pháp về thị trường và đáp ứng nhu cầu than trong nước

Thứ nhất, tạo lập thị trường than cạnh tranh, công khai, minh bạch. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và xây dựng đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường theo hướng tạo dựng một thị trường than hoàn chỉnh có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thể chế quản lý, vận hành minh bạch, công khai và tính cạnh tranh theo đúng thông lệ thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cần tăng cường năng lực và chất lượng quản lý nhà nước về thị trường cũng như về công tác quy hoạch, cấp phép, quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh than, đảm bảo khai thác hợp lý, giảm tổn thất tài nguyên, an toàn, bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các trách nhiệm xã hội theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, đảm bảo sản lượng than khai thác trong nước gồm:

Đẩy mạnh công tác thăm dò nâng cấp tài nguyên với mức độ tin cậy cao để đảm bảo đủ trữ lượng than đưa vào khai thác. Trong đó, khẩn trương cấp phép thăm dò cho TKV (đơn vị chủ lực được giao nhiệm vụ chính thực hiện Quy hoạch 60) để triển khai thực hiện công tác thăm dò theo đúng tiến độ, đặc biệt là cấp phép thăm dò tiến tới lập dự án khai thác các khu mỏ mới vùng Bảo Đài, Đông Quảng lợi (thuộc Bắc Giang và Quảng Ninh) để đưa nhanh các mỏ này vào tham gia sản lượng giai đoạn sau 2022 ở mức 5,5 triệu tấn than nguyên khai/năm. Chỉ cấp phép khai thác than cho các đơn vị khác ngoài TKV có đủ năng lực thực sự theo quy định.

Phát huy tối đa lợi thế khai thác lộ thiên (công suất lớn, năng suất và hệ số thu hồi than cao, an toàn, đã có thiết bị và kinh nghiệm về công nghệ khai thác dưới sâu) trên cơ sở nâng cao hệ số bóc một cách tối đa (đảm bảo giá thành thấp hơn giá than nhập khẩu) bằng cách áp dụng các thiết bị công nghệ đồng bộ công suất lớn và hình thức vận tải liên tục.

Đối với khai thác than hầm lò thì cần tích cực nghiên cứu tìm kiếm công nghệ khai thác thích hợp. Cùng với đó, tăng cường áp dụng cơ giới hóa đến mức cao nhất trên cơ sở hợp tác với các đối tác nước ngoài có năng lực về công nghệ, chế tạo thiết bị và tài chính theo hướng từng bước nội địa hóa khâu chế tạo thiết bị phục vụ cơ giới hóa.

Đẩy nhanh việc nghiên cứu công nghệ khai thác than tại các khu vực cần phải bảo vệ nghiêm ngặt bề mặt hoặc nằm dưới các vùng quy hoạch của địa phương. Hiện nay, tại Quảng Ninh tổng tài nguyên, trữ lượng than tại các khu vực có khả năng chồng lấn giữa Quy hoạch của tỉnh và Quy hoạch 60 vào khoảng hơn 2 tỷ tấn.

Nâng cao tốc độ đào lò tối thiểu lên gấp 1,5 – 2 lần hiện nay để đảm bảo đưa các dự án hầm lò mới vào hoạt động theo đúng tiến độ.

Cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn lao động và có chính sách thích đáng thu hút công nhân hầm lò như: chính sách tiền lương, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, điều kiện đi lại, sinh hoạt văn hóa thể thao, hỗ trợ nhà ở.

Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở triệt để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng.

Nhà nước cần có cơ chế chính sách hợp lý để tạo vốn đầu tư phát triển than và khuyến khích khai thác tận thu tối đa tài nguyên than. Cụ thể, giảm mức vốn đối ứng của chủ đầu tư từ 30% xuống 15%, 20% và 25% tổng mức đầu tư tùy theo quy mô vốn của từng dự án; Kiên quyết thực hiện giá than trong nước, nhất là cho sản xuất điện theo cơ chế giá thị trường; Nhà nước xem xét điều chỉnh các chính sách thuế, phí đối với tài nguyên khoáng sản và than theo hướng khuyến khích khai thác tận thu tối đa tài nguyên thay vì tăng cao như hiện nay; Do than antraxit có giá trị cao cho nên cần cho phép duy trì xuất khẩu ở mức hợp lý các loại than mà nhu cầu trong nước chưa sử dụng hết để có ngoại tệ nhập thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất than cũng như nhập khẩu than nồi hơi có giá rẻ hơn để sản xuất điện.; Nhà nước bảo lãnh hoặc có chính sách thích hợp hỗ trợ ngành than vay vốn từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, huy động vốn trên thị trường quốc tế phù hợp với tình hình thực tế của từng dự án, nhất là các dự án khai thác than ĐBSH; Tăng cường xã hội hóa đầu tư khai thác kinh doanh than theo hướng huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo hình thức BO đối với các công trình, hạng mục công trình phục vụ dây chuyền chính khai thác than như băng tải chở than, đất đá, ô tô chở đất đá, nhà máy tuyển than,... Việc thực hiện xã hội hóa đầu tư phải tuân thủ nguyên tắc “cái gì xã hội làm được và làm có hiệu quả hơn thì để xã hội làm”; các tập đoàn, DNNN chủ yếu chỉ nắm quyền chỉ huy, điều hành và nắm đầu ra thông qua nắm quyền chủ mỏ hoặc các khâu then chốt.

Hợp tác với các đối tác nước ngoài đẩy nhanh việc nghiên cứu tìm kiếm công nghệ khai thác hợp lý và khai thác thử nghiệm tại Bể than ĐBSH để làm cơ sở cho việc triển khai trên quy mô lớn công tác thăm dò và khai thác trong tương lai khi có đủ điều kiện.

Thứ ba, chế biến và sử dụng than tiết kiệm nhằm giảm nhu cầu và ô nhiễm.Theo đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng chính sách sử dụng than hợp lý, nhất là về chủng loại và chất lượng phù hợp cho các hộ sử dụng than: điện, xi măng, phân bón…và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước ở phía Bắc, các hộ sử dụng than nhập khẩu ở phía Nam.

Nghiên cứu chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm áp lực vào nhiên liệu hóa thạch; tiến tới hạn chế các nhà máy điện dùng than để chuyển sang sử dụng dạng năng lượng khác nhằm giảm nhập khẩu than. Có chính sách giảm sử dụng than của các hộ khác để dành than cho điện như hạn chế sử dụng vật liệu nung, khuyến khích sử dụng vật liệu không nung trong các dự án xây dựng công trình; khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng khác phục vụ nhu cầu chất đốt sinh hoạt, sấy nông sản thực phẩm…Quy hoạch các làng nghề đang sử dụng than mà hiệu suất thấp và gây ô nhiễm môi trường, tiến tới hạn chế và không dùng than. Cùng với đó, ban hành chính sách sử dụng than hợp lý, đẩy mạnh nghiên cứu chế biến than nhằm tạo ra sản phẩm than sạch, nhất là than cho luyện kim để giảm nhập khẩu và sử dụng tiết kiệm, giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình sử dụng than.

Thứ tư, đảm bảo nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài để khai thác than đưa về phục vụ trong nước. Đồng thời, có các giải pháp về cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác đầu tư ra nước ngoài khai thác mỏ, nhất là chính sách bảo lãnh mua quyền khai thác mỏ.

Nhà nước hỗ trợ về đường lối, chính sách, quan hệ ngoại giao tạo sức mạnh tổng thể khi đàm phán với các đối tác trong việc đầu tư vào các mỏ tại nước sở tại và mua than để nhập khẩu về Việt Nam nhằm đảm bảo nguồn cung được ổn định và lâu dài.

Trên cơ sở Chiến lược nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than được duyệt, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và năng lực vận chuyển phục vụ nhập khẩu than.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động