RSS Feed for Giải pháp chiếu sáng công cộng tiết kiệm điện ở Đà Nẵng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 08:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp chiếu sáng công cộng tiết kiệm điện ở Đà Nẵng

 - Trình bày tham luận của Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng thành phố Đà Nẵng.

 

NGUYỄN ANH TUẤN
CÔNG TY QUẢN LÝ VẬN HÀNH VÀ CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG TP ĐÀ NẴNG

Trước hết cho phép tôi thay mặt Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng xin nhiệt liệt chào mừng Hội thảo khoa học “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách” và chào mừng các vị đại biểu, quý khách đến dự Hội thảo.

Kính thưa quý vị đại biểu!       

Năng lượng nói chung, điện năng nói riêng có vai trò quan trọng đối với đời sống và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Tiết kiệm năng lượng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước cần được quán triệt, vận động và tổ chức thực hiện có kết quả ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức và công dân, trong đó có những người làm công tác chiếu sáng của thành phố Đà Nẵng.       

Từ nhiều thập kỷ vừa qua, Nhà nước Việt Nam đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống điện quốc gia đi trước một bước, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Hệ thống điện của đất nước có bước phát triển, tổng công suất lắp đặt các nguồn điện ở nước ta cuối năm 2013 đạt 30.473 MW, điện thương phẩm bình quân đầu người ở nước ta đạt khoảng 1.278 kWh/người/năm là con số còn khiêm tốn. Tốc độ tăng sản lượng điện hằng năm trung bình là 10%. Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như cho sinh hoạt của người dân ngày càng tăng. Nếu so với nhu cầu phát triền kinh tế - xã hội thì điện năng ở nước ta còn thiếu nghiêm trọng.

Vì vậy, Nhà nước ta đã và đang có chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm điện. Sử dụng tiết kiệm điện và hiệu quả ở nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài, góp phần  phát triển năng lượng bền vững, vừa ích nước vừa lợi nhà.

Tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng không phải là tắt, không sử dụng các bóng đèn, khi phải đảm bảo trong an toàn giao thông cũng như đảm bảo nhu cầu trong xã hội thì cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, các giải pháp công nghệ tiên tiến, sử dụng các nguồn sáng và các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả theo phương châm “Tiêu tốn ít điện năng nhưng chất lượng ánh sáng tốt hơn” đáp ứng nhu cầu sử dụng, đồng thời giảm điện năng tiêu thụ trong chiếu sáng đô thị cả nước nói chung và trong thành phố Đà Nẵng nói riêng, nhất là vào những giờ cao điểm tối hằng ngày.

 Kính thưa Hội nghị!

Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng Đà Nẵng là một đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 6/2014  đã quản lý vận hành 1.374,8 km chiếu sáng đường phố và ngõ xóm, với  tổng số 62.962  bộ đèn cao áp các loại, các đèn trang trí, đèn pháo hoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Là người làm công tác chiếu sáng qua nhiều năm, có nhiều suy nghĩ và trăn trở, trong lúc cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đang thiếu hụt điện năng trầm trọng. Trước thực trạng đó, bản thân tôi đã báo UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện một số giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ tiên tiến áp dụng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhằm mục đích tiết kiệm điện năng.

Ngoài giải pháp tình thế cắt giảm đèn cưỡng bức trên tất cả các tuyến chiếu sáng của thành phố, nhằm mục đích tiết kiệm điện theo chỉ thị 19/2005/CT-TTg, ngày 02/6/2005  của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị 10/CT-BCT, ngày 12/3/2010 của Bộ Công Thương và chỉ thị 05/CT-UBND, ngày 17/5/2010 và chỉ thị 03/CT-UBND ngày 24/2/2011 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, sau đây chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra một giải pháp kỹ thuật và một vài giải pháp công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sử dụng, quản lý vận hành hệ thống điện chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả.

1. Giải pháp kỹ thuật: Phương pháp Dimming

Để thay thế cho việc cắt giảm điện cưỡng bức một số đèn về đêm trên tất cả các tuyến đường của thành phố Đà Nẵng trong các năm 2008 và 2009, tôi đã đưa ra giải pháp kỹ thuật gọi là phương pháp Dimming, sử dụng chấn lưu 2 mức công suất, lắp thí điểm cho 8 tuyến chiếu sáng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ưu điểm chính của giải pháp kỹ thuật này là góp phần tiết kiệm điện năng cho chiếu sáng công cộng, giảm đến 30% lượng điện tiêu thụ mỗi bóng đèn, cường độ ánh sáng luôn được phân phối đồng đều trên suốt tuyến chiếu sáng, tăng cường tuổi thọ cho bóng đèn và chấn lưu, loại bỏ hoàn toàn tình trạng bất cập là phải cắt giảm phụ tải chiếu sáng công cộng một cách cưỡng bức, giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính CO2, không gây ô nhiễm môi trường.

Với giải pháp kỹ thuật này, từ năm 2009 đến 2012 đã lắp đặt trên 621 bộ đèn cao áp, mỗi năm Công ty đã tiết kiệm được 140 triệu đồng chi trả tiền điện chiếu sáng công cộng cho Công ty Điện lực Đà nẵng. Đến nay, nhân rộng cho cả thành phố đã lắp đặt 14 tuyến chiếu sáng, với tổng số 1.478 bộ đèn cao áp và mỗi tháng tiết kiệm được một lượng điện tiêu thụ khá lớn, mỗi tháng tiết kiệm đươc 390 triệu tiền điện chi trả cho Công ty Điện lực Đà Nẵng. Giải pháp kỹ thuật này còn phát triển mãi cho những năm tiếp theo cho những tuyến chiếu sáng khác trên toàn thành phố.

Đây là giải pháp kỹ thuật được chọn thí điểm cho cả nước, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm năng lượng và hiệu quả của Bộ Công Thương, với sáng kiến này tôi vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo năm 2008.

2. Giải pháp công nghệ tiên tiến

Trong năm 2009 và 2010, tôi đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng”. Mục tiêu của đề tài này là nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản xuất bộ đèn LED Nano kết hợp giữa công nghệ Nano và công nghệ phát sáng, nhằm tạo ra các sản phẩm tiết kiệm điện năng tiêu thụ, thuận tiện đối với những nơi có nguồn điện không ổn định, bảo đảm ánh sáng cho các ngõ xóm, góp phần đảm bảo an ninh, văn minh về đêm tại các khu dân cư. Đây là công trình khoa học mới, các vấn đề khoa học, công nghệ lắp đặt hoàn toàn thuộc kiểu dáng Việt Nam, có tất cả 55 bộ đèn được nghiên cứu chế tạo và lắp đặt cho 12 ngõ xóm ở 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng, mỗi bộ đèn có 24W thay cho đèn Compact 50W, Mercury 80W và Mercury 125W tiết kiệm hơn 50% lượng điện tiêu thụ. Các bộ đèn nói trên đã vận hành gần 5 năm và hoạt động ổn định. Đề tài khoa học này có ý nghĩa về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Đây là một bước đột phá trong chiếu sáng đô thị, thay thế dần cho các đèn đã dùng trước đây, như đèn sợi đốt 100W, đèn Mercury 80W, đèn Mercury 125W và đèn Compact 50W… ít tốn kém năng lượng điện, tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà lượng quang thông phát ra không thay đổi, cho dù nguồn diện cung cấp không ổn định. Thành công của đề tài đáp ứng tốt phương châm “Không tiết kiệm ánh sáng mà tiết kiệm năng lượng”. Điểm nổi trội nữa của đề tài   là tuổi thọ của đèn LED Nano rất cao, đạt 50.000 giờ so với các đèn Compact và Mercury chỉ đạt 6.000 giờ. Thân thiện với môi trường, công suất tiêu thụ nhỏ, góp phần giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính CO2 phát ra, giảm tối thiểu chi phí xử lý phế thải do không có thuỷ ngân. Độ an toàn, giảm rủi ro cháy nổ do phát nhiệt ít. Về sức khoẻ, giảm thiểu bức xạ tia cực tím và tia hồng ngoại, không nhấp nháy, giảm thiểu mỏi mắt. Đây là một đề tài khoa học cấp thành phố, thuộc lĩnh vực công nghệ, nhằm tiết kiệm năng lượng, được UBND thành phố Đà Nẵng xét duyệt theo Quyết định số 2452/QĐ-UBND, ngày 31 tháng 3 năm 2009. Đề tài đã được Hội đồng khoa học thành phố nghiệm thu theo Quyết định số 210/QĐ/SKHCN, ngày 8/12/2009, về việc chế tạo lắp đặt 55 bộ đèn chiếu sáng ngõ xóm, áp dụng công nghệ Nano phát sáng. Ngày 21 tháng 12 năm 2009, Sở khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận kết quả nghiên cứu khoa học số 07/2009/KQNC-SKHCN. Cục bản quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả số 2930/2009/QTG ngày 21/8/2009. Đây là một trong 39 công trình khoa học xuất sắc đã được Hội đồng Khoa học Quốc gia, bao gồm các nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành chấm giải, thẩm định và công nhận công trình đoạt giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2009 (VIFOTEC-2009) trong tổng số 105 công trình tham dự.

Ngày 07/7/2010, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng có thông báo số 3060/VP-QLĐT, của Chủ tịch UBND thành phố, đồng ý cho tiếp tục lắp đặt thí điểm các ngõ xóm trên địa bàn 3 quận: Hải châu, Thanh khê, Ngũ Hành Sơn và một huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng. Đến nay đã lắp đặt được 152 bộ đèn LED trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tương lai không xa sẽ vươn ra xa lắp đặt cho cả nước để thay dần các loại đèn vừa có công suất tiêu thụ điện năng lớn, vừa có công nghệ lạc hậu, tuổi thọ thấp… hướng đến thế kỷ 21 là thế kỷ của Công nghệ Nano.

Một giải pháp công nghệ khác phục vụ tiết kiệm năng lượng, giảm hiệu ứng khí thải  nhà kính vừa chính thức được công nhận Lao động Sáng tạo năm 2013 là nghiên cứu chế tạo "ĐÈN CHIẾU SÁNG CÔNG VIÊN VƯỜN HOA”.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng chúng ta đang sử dụng 2.078 bộ đèn chiếu sáng cho vườn hoa, công viên. Về đêm, việc chiếu sáng vườn hoa, công viên không chỉ làm đẹp cho cảnh quan mà còn tạo cảm giác bình an cho người dân và du khách đến vui chơi; nhiều loại hình dịch vụ tại khu vực vườn hoa, công viên cũng rất cần ánh sáng.

Ngoài ra, việc chiếu sáng ổn định và đủ sáng còn hỗ trợ cho lực lượng chức năng làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát; không để kẻ xấu lợi dụng nơi công cộng làm điều xấu. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp tiết kiệm, việc chiếu sáng này sẽ làm tiêu tốn năng lượng; tác động tiêu cực đến môi trường và ngân sách phải chi không nhỏ.

Ước tính sơ bộ, nếu áp dụng đồng loạt giải pháp công nghệ này thay thế hết 2.078 bộ đèn chiếu sáng vườn hoa và công viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sau một vòng đời của đèn LED tối thiểu là 3 năm tiết kiệm được 1.014.774.636 đồng Việt Nam (một tỉ mười bốn triệu bảy trăm bảy mươi bốn ngàn sáu trăm ba mươi sáu đồng). Trong bối cảnh khó khăn trong hoạt động kinh tế, dẫn đến nguồn thu cho ngân sách cũng khó khăn, đây là con số rất có nghĩa.

Giải pháp kỹ thuật của tôi là sử dụng đèn Led công suất 10 W (thay cho các loại đèn sử dụng công nghệ truyền thống có công suất từ 20W đến 70W, mà vẫn bảo đảm đủ sáng). Và loại đèn chiếu sáng áp dụng công nghệ mới nói trên, qua thực nghiệm nghiên cứu, tôi khẳng định: Dễ chế tạo, dễ sử dụng, hầu như các vật tư lắp ráp đều có ở thị trường Việt Nam, quy trình chế tạo không phức tạp. Do tuổi thọ của đèn LED cao hơn hẳn, công tác duy tu sẽ ít lại (số lần thay thế bóng ít hơn hẳn) vì thế chi phí duy tu bảo dưỡng cũng rất thấp.

Và đặc biệt, như đã báo cáo, tiết kiệm được đến 50% công suất tiêu thụ so với đèn Compact  20W đến 70W truyền thống.

Đèn Led công suất 10W không chỉ chiếu sáng vườn hoa, công viên, công trình công cộng và các hạng mục kỹ thuật hạ tầng đô thị khác mà còn có thể lắp đặt ở các sân vườn và biệt thự tư gia, miễn là nơi đó có điện lưới quốc gia.

Cho dù nguồn điện cung cấp không ổn định, hiện tượng sụt áp cuối đường dây lớn, tôi xin khẳng định: Vẫn lắp đặt và sử dụng, khai thác tốt đèn LED theo công nghệ mới.

Và đề tài giải pháp công nghệ, đèn Led công suất 10W có khả năng ứng dụng rộng khắp ở các đô thị trong cả nước, nếu được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức.

Cả nước ta hiện có hơn 760 đô thị, trong đó có 5 thành phố lớn, 82 đô thị từ loại 2 đến loại 4. Và so với Đà Nẵng, Thủ đô Hà Nội có số lượng đèn chiếu sáng công viên, vườn hoa gấp 3,5 lần; còn TP. Hồ Chí Minh gấp xấp xỉ 5 lần… Nếu đèn Đèn Led công suất 10W nói trên - nếu được đầu tư và trở thành một sản phẩm mang thương hiệu Đà Nẵng, cung cấp cho nhu cầu chiếu sáng các đô thị cả nước - ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội và môi trường sẽ vô cùng to lớn. Và hiện nay, Bộ Xây dựng đã dự kiến, đến năm 2015, về nhu cầu chiến sáng công cộng, sẽ thay thế dần 50% số đèn phóng khí hiện có bằng đèn LED công suất lớn.

Đèn Led công suất 10W cũng là đề tài mang tính kế thừa công trình “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng” của cá nhân tôi.

Công trình “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng” tại Hội thảo khoa học chiếu sáng toàn quốc (diễn ra tháng 11 năm 2008 tại TP. Hồ Chí Minh, với sự tham dự của trên 100 nhà khoa học và quản lý chuyên ngành chiếu sáng trong và ngoài nước), tôi đã đưa ra luận điểm mới về công nghệ Nano phát sáng và ý tưởng “Nghiên cứu chế tạo đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng” thay cho công nghệ phóng điện ở các loại đèn được sử dụng phổ biến cả trăm năm qua. Và các nhà khoa học, giới quản lý chuyên ngành đã lập tức quan tâm, ủng hộ, cho rằng, đây chính là bước đột phá trong chiếu sáng đô thị .

Tháng 12 năm 2008, đề tài khoa học này được đăng ký đúng theo quy trình Luật định để đến tháng 2 năm 2009, được phép thực hiện theo chuẩn y và cho phép của Hội đồng xét duyệt đề cương đề tài Sở Khoa học và Công nghệ thành phố.

Triển khai và lắp đặt từ tháng 5 năm 2009 đến hết tháng 10 năm 2009 hoàn thành đề tài khoa học, và đến nay đã lắp đặt hoàn chỉnh 152 bộ đèn LED Nano tại một số ngõ xóm của 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang - Đà Nẵng.

Tháng 7 năm 2009, đề tài được đề cử lập hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2009, và sau đó đã chính thức đoạt giải thưởng VIFOTEC.

Và kể từ tháng 7 năm 2009 đến nay, sau 5 năm vận hành và sử dụng, các bộ đèn LED phát sáng theo công nghệ Nano hoạt động rất ổn định, lượng quang thông phát ra đảm bảo, dù điện áp nguồn không ổn định, góp phần bảo đảm cho việc đi lại và giao thông, cho sinh hoạt và trật tự trị an về đêm tại các khu dân cư và ngõ xóm. Đây cũng chính ưu việt của sản phẩm mới.

Và như vậy có thể khẳng định: Loại đèn chiếu sáng ngõ xóm theo công nghệ mới này, còn có khả năng lắp đặt ở vùng nông thôn hẻo lánh. Cho dù nơi đó, nguồn cung cấp điện năng không ổn định, sụt áp cuối đường dây lớn, chỉ cần nơi đó có điện lưới quốc gia kéo về.

Công trình “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng”  thành phẩm là  bộ đèn có công nghệ lắp ráp hoàn toàn theo kiểu dáng riêng; đã trở thành công trình mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, lần đầu tiên lắp ráp và sản xuất, ứng dụng vào đời sống ở Việt Nam. Đề tài do vậy đã góp phần giải quyết việc làm cho công nhân trong Công ty, hướng người công nhân có tay nghề đi vào lĩnh vực chế tạo thiết bị chiếu sáng để sử dụng chứ không phải cứ đi nhập từ nước ngoài về rồi lắp đặt.

Các cơ quan đầu ngành về khoa học - công nghệ quốc gia cũng như các cơ quan báo chí đã nhiều lần tìm hiểu, đánh giá độc lập và đi đến kết luận, đây là công trình đầu tiên về chiếu sáng có ý nghĩa rất lớn trên nhiều phương diện:

- Đó là giảm nhẹ sức người và tiền của cho công tác duy tu bảo dưỡng. Nhờ tuổi thọ đèn LED (đạt đến 50.000 giờ), cao hơn và gấp (tối thiểu) từ 11 lần đến 20 lần so với các loại đèn Mercury hoặc đèn Compact huỳnh quang, nhờ vậy số lần thay thế bóng đèn cũng ít đi rất nhiều

- Đèn LED Nano còn có độ an toàn cao, giảm rủi ro cháy nổ do phát nhiệt ít hơn, tăng hiệu quả điều hoà không khí, giảm thiểu bức xạ cực tím và tia hồng ngoại, không nhấp nháy, tốt cho đôi mắt.

- Về kiểu dáng công nghệ: Đèn chiếu sáng ngõ xóm hiện nay đã thay đổi rất nhiều, không còn loại đèn hình dạng to lớn, cồng kềnh mà nhỏ gọn, thân thiện với cảnh quan, môi trường chung quanh. Bộ đèn chế tạo đã liên tục có nhiều cải tiến.

Thay vì lắp ráp 24 LED rời, chỉ cần lắp ráp một Module LED (module này sẽ đảm bảo lượng quang thông phát ra, đạt được độ đồng đều chung, lượng điện tiêu thụ nhỏ nhất).

Đến đây phần báo cáo Hội thảo Khoa học “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách” của chúng tôi đã khép lại.

Cuối cùng cho phép tôi thay mặt những người làm công tác chiếu sáng của thành phố Đà Nẵng chúc quý vị đại biểu đến dự Hội thảo sức khoẻ, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động