RSS Feed for Lệ thuộc nước ngoài, nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 02:12
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lệ thuộc nước ngoài, nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia

 - Trong điều kiện phát triển bình thường, an ninh năng lượng đã là một nội dung quan trọng. Trong điều kiện có những biến động chính trị, quân sự, an ninh năng lượng lại càng cần được đặc biệt chú ý, chuẩn bị các giải pháp độc lập, đa đạng hóa các nguồn đầu tư, cung cấp năng lượng, tránh lệ thuộc vào một vài quốc gia.

>> Vai trò tư nhân trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam
>> Bước đột phá về tổ chức của ngành Năng lượng Việt Nam

PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng (VEA)

An ninh năng lượng

Hiện nay có một số định nghĩa về an ninh năng lượng (ANNL), có thể kể tới là định nghĩa được ghi trong Cam kết xanh (Green paper) năm 2000 của Uỷ ban châu Âu; Tuyên bố trong Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); hoặc mới đây, 2007 của Hiệp hội Năng lượng Quốc tế… Tuy với những cách diễn đạt khác nhau, nhưng tựu trung có thể được hiểu: "An ninh năng lượng là sự sẵn sàng, liên tục về mặt vật chất của các sản phẩm năng lượng, với một mức giá chấp nhận được cho tất cả mọi khách hàng là cá nhân, hay các ngành kinh tế - xã hội".

Vậy an ninh năng lượng của một quốc gia thể hiện ở những yếu tố gì? Qua nghiên cứu và thực tế hoạt động của năng lượng quốc tế, chúng ta có thể nêu một số yếu tố khách quan, chủ quan sau:

Yếu tố khách quan

1. Sự giàu có, hay khan hiếm, thiếu hụt về các nguồn dự trữ năng lượng.

2. Những tác động thiên tai như bão, lụt, sóng thần, động đất, núi lửa, biến đổi khí hậu…

Yếu tố chủ quan (bởi con người)

1.Tính ổn định, hay bất ổn của thị trường năng lượng (nội địa và quốc tế) gây ra bởi kế hoạch khai thác, mức độ và cơ cấu sử dụng, đầu cơ.

2. Những trục trặc kỹ thuật trong khai thác, vận tải, cung cấp năng lượng.

3. Phát triển quá nóng làm mất cân đối năng lượng.

4. Các nguy cơ lệ thuộc nước ngoài, bất ổn chính trị, chiến tranh, khủng bố, trộm cắp, phá hoại…

5. Tiềm năng một số sản phẩm có thế mạnh trao đổi trên thị trường.

Các yếu tố khách quan, chủ quan có những tương tác qua lại tạo nên sự ổn định hoặc bất ổn trong những giai đoạn phát triển nhất định.

Tiêu chí an ninh năng lượng quốc gia

Vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, mà đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần được nghiên cứu xem xét một cách toàn diện. An ninh năng lượng quốc gia không thể chỉ là những đánh giá, phỏng đoán chung chung, mà cần những nghiên cứu sâu sắc để có thể lượng hoá và xây dựng một nhóm tiêu chí, từ đó xác định ngưỡng an ninh cho một giai đoạn phát triển ngắn, dài hạn. Chẳng hạn có thể khoảng 5-10 năm và 20-50 năm. Nhóm tiêu chí này không phải là cố định, mà có thể thay đổi tùy thuộc quá trình phát triển của quốc gia và quốc tế, do đó cần được nghiên cứu cập nhật thường xuyên.

Nhóm tiêu chí và phương pháp xác định đã được nhiều nghiên cứu đề cập, chẳng hạn như trong [3,4,5].

Một số tiêu chí an ninh năng lượng quốc gia cho một giai đoạn chiến lược dài hạn, có thể kể tới:

1. Tổng tiềm năng năng lượng theo đầu người.

2. Cường độ năng lượng đối với GDP.

3. Cơ cấu khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng.

4. Tổng nhu cầu năng lượng cho từng giai đoạn.

5. Tỷ lệ khai thác và tiềm năng năng lượng.

6. Tỷ trọng năng lượng xuất/nhập so với tổng tiêu thụ.

7. Mức độ phụ thuộc vay mượn nước ngoài (vốn, công nghệ, nhân lực…).

8. Mức phát thải khí nhà kính do hoạt động năng lượng.

9. Tiềm năng của một số sản phẩm có thế mạnh của quốc gia.

Trong phạm vi bài viết này chỉ hạn chế phân tích một yếu tố chủ quan ảnh hưởng (yếu tố 4) đến an ninh năng lượng quốc gia, đó là sự lệ thuộc nước ngoài.

Sự lệ thuộc nước ngoài gây mất an ninh năng lượng

Qua gần 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, ngành năng lượng Việt nam đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận.

Giai đoạn 2001-2009 GDP tăng bình quân 7%/năm, năm 2010-12 tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng GDP tăng gần 6%/năm, năm 2012 GDP đầu người đạt 1.540 USD, Việt nam bước vào ngưỡng nước phát triển trung bình. Sản xuất năng lượng sơ cấp tăng khoảng 7,5%/năm. Năm 2012, sản xuất than sạch đạt 46 triệu tấn, dầu thô 16 tr tấn, khí đốt 9 tỷ m3, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 28.000 MW, tổng sản lượng điện đạt 120,795 tỷ kWh (thuỷ điện 53 tỷ kWh, NĐ khí 40,2 tỷ kWh, NĐ than 21,2 tỷ kWh, NĐ dầu 0,159 kWh tỷ và nhập khẩu 2,7 tỷ kWh), điện tiêu thụ đầu người đạt xấp xỉ 1400 kWh/người/ năm. Cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng phát triển nhanh. Nội dung sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý thống nhất và có hiệu quả. Hoạt động năng lượng đang được định hướng dần theo cơ chế thị trường.

Trong thời gian tới để đảm bảo công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Việt Nam cần có nhu cầu năng lượng lớn. Theo QHĐ VII nhu cầu điện, nguồn và lưới điện như sau [1,2].                                               

Nhu cầu điện năng:                  2015           2020            2030

SX&NK, tỷ kWh:                  194-210      330-362         695-834

Về nguồn điện

- Giai đoạn 2011-2015, tổng công suất nguồn 43.150MW (tăng so với 2010 là 22.890MW, mỗi năm tăng gần 5000MW).

- Giai đoạn đến 2020, tổng công suất nguồn 75.000MW trong đó nhiệt điện than 32.500MW (46%).

Giai đoạn 2011-2020, sẽ đưa vào trên 110 nhà máy điện công suất từ 100-1000MW, chưa kể khoảng trên 3000MW thủy điện vừa, nhỏ và NLTT.

- Giai đoạn đến 2025 tổng công suất nguồn 97.000MW, trong đó nhiệt điện than 45.200MW (46%).

- Giai đoạn đến 2030, tổng công suất nguồn 146.000MW, trong đó nhiệt điện than 77.300MW (52%), điện sản xuất 695 tỷ kWh, với phương án cao là 834 tỷ kWh.

Giai đoạn 2021-2030 sẽ đưa vào trên 70 nhà máy điện công suất lớn, chưa kể NLTT.

- Năng lượng tái tạo trong tổng sản xuất điện đạt 4,5% vào 2020, 6% vào 2030.

- Điện hạt nhân dự kiến sẽ vào vận hành năm 2021 khoảng 2000MW và đến 2030 sẽ có tổng công suất khoảng 10.000MW.

Về đầu tư

- Giai đoạn 2011-2020: tổng đầu tư 48,8 tỷ USD, trong đó lưới 33%; 5 tỷ$/năm.

- Giai đoạn 2021-2030: tổng đầu tư 75 tỷ USD, trong đó lưới 34%: 7.5 tỷ$/năm.

Trong điều kiện hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, để phát triển kinh tế nói chung và năng lượng nói riêng việc vay vốn nước ngoài, sử dụng công nghệ nhập ngoại là điều dĩ nhiên không thể tránh khỏi. Đối với Việt Nam cũng không ngoài quy luật đó. Tuy nhiên vay, nhập của ai, tỷ lệ vay, hình thức vay, những điều kiện kèm theo là gì... cần được cân nhắc cẩn trọng.

Thời gian qua, việc phát triển các công trình điện ở nước ta đã thể hiện nhiều bất cập, đặc biệt đối với các nhà thầu Trung Quốc.

1. Tập trung nhiều dự án điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tới 90% các dự án điện do Trung Quốc trúng thầu và thực hiện. Các nhà thầu Trung Quốc thường trúng thầu do họ chấp nhận các điệu kiện và đặt giá thấp. Sau khi đã trúng thầu họ lại thực hiện theo ý họ từ công nghệ, nhân lực. Mặt khác đội giá lên với nhiều lý do: bổ sung nhà thầu phụ thiết bị, thầu phụ xây lắp, thay đổi nhân sự, thời tiết, vận chuyển… làm ảnh hưởng tiến độ, chất lượng kỹ thuật.

Các dự án nhiệt điện chạy than lớn của Việt Nam chủ yếu sử dụng thiết bị có nguồn gốc Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với thiết bị được chế tạo tại các nước G7. Ngay cả các thiết bị do G7 thiết kế, nhưng được chế tạo tại Trung Quốc thì chất lượng cũng không cao, do tiêu chuẩn chế tạo của Trung Quốc thấp.

Vì vậy, chi phí đầu tư có giảm, nhưng chi phí vận hành, sửa chữa về sau lại rất cao. Kết cục, hiệu quả của các dự án điện sử dụng thiết bị chế tạo tại Trung Quốc còn thấp hơn so với các dự án dùng thiết bị G7.

Ở các dự án: Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh (của EVN), khi phát hiện nhà thầu Trung Quốc đưa sang các thiết bị/vật tư kém chất lượng, không đúng thiết kế, chủ đầu tư không cho lắp, nhưng nhà thầu cứ lắp, thậm chí còn không cho chủ đầu tư vào kiểm tra trong hàng rào nhà máy lúc họ đang lắp đặt.

2. Về sử dụng vốn ODA của Trung Quốc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chủ đầu tư không kiểm soát được tỉ giá của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ, không kiểm soát được việc thanh toán theo tiến độ, phía Trung Quốc thường yêu cầu ngân hàng Trung Quốc thanh toán ngay khi đưa thiết bị sang, bất chấp thiết bị đó có được chủ đầu tư chấp nhận hay không. Do vậy, nếu nhà thầu vi phạm về chất lượng và tiến độ thì cũng khó xử lý.

Mặt khác, do sử dụng ODA của Trung Quốc nên nhà thầu thường đưa ra yêu sách là phải làm theo cách của Trung Quốc, xem nhẹ hồ sơ mời thầu và thiết kế của chủ đầu tư.

Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã viện trợ hầu khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam. Vốn vay ưu đãi lãi suất thấp từ Trung Quốc chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Chẳng hạn, ở ngành điện, tính đến năm 2011, trong tổng số 9 dự án nhiệt điện do Vinacomin làm chủ đầu tư thì có 4 dự án vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc. Các dự án nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê đều chủ yếu vay tín dụng xuất khẩu của China Eximbank, mỗi dự án có tổng vốn đầu tư ít nhất cũng hơn 3.500 tỉ đồng...

3. Nhiều dự án chậm tiến độ : Tháng 12 năm 2013, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo "Vốn đầu tư cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách" đã có nhận định và kiến nghị  lên Nhà nước, Quốc hội. Qua văn bản kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho thấy hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI (giai đoạn 2006-2010) đều bị chậm tiến độ như các nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ... các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1. Đặc biệt, các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc như Kiên Lương... đều bị chậm. Có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ 2-3 năm.

Lý do chậm cũng được hội thảo phân tích, do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính. Nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ.

Nguồn thông tin từ EVN cũng cho thấy, đặc điểm chung nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành này quản lý, làm chủ đầu tư, dù được nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ, nhưng lại bị chậm tiến độ gây thiệt hại khó thống kê được. Như nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng, nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng. Các dự án do ngành điện quản lý và đầu tư như nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 và nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 đều chậm từ 18-24 tháng, đến nay vẫn chưa thể bàn giao được.

Tương tự, Vinacomin cũng cho biết, điển hình mới đây Vinacomin báo cáo trong văn bản gửi Bộ Công Thương, ước tính việc chậm tiến độ các dự án của đơn vị do nhà thầu Trung Quốc thi công gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Tính cả phần đội vốn, thì con số này phải lên tới cả nghìn tỉ đồng.

Dự án chậm tiến độ đã làm tăng chi phí như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, tăng chi phí chuẩn bị sản xuất... Điều này được thể hiện qua việc nhiều dự án điện bị đội mức đầu tư khá nhiều sau khi hoàn thành. Mặt khác, không đảm bảo năng lượng cho phát triển nền kinh tế quốc dân, mà còn gây thiệt hại lớn hơn nhiều mà không dễ xác định.

4. Vấn đề mua điện từ Trung Quốc: Trước đây, 6 tỉnh phía Bắc phải mua điện của Trung Quốc với giá cao hơn giá mua của các dự án điện trong nước và cũng cao hơn nhiều giá bán cho người dân. Trong các năm gần đây, từ 2011 đến nay mỗi năm Việt Nam mua của Trung Quốc khoảng 2-3 tỷ kWh qua cửa khẩu Lao Cai và Hà Giang, tức chiếm khoảng  2% tổng điện tiêu thụ của Việt Nam. Năm 2011 Việt Nam mua với giá 5,8cent/kWh, năm nay là 6,08cents/kWh với hợp đồng mua liên tục ổn định. Giá điện này là khá đắt, trong khi các nhiệt điện than trong nước bán mới chỉ 5cents, các nguồn thủy điện chỉ 3-4 cents/kWh. Mặt khác, dự trữ hệ thống điện khoảng 20%, tiềm năng giảm tổn thất và tiết kịêm điện còn rất lớn!

Từ một số nét trình bày trên cho thấy quá trình phát triển điện lực vừa qua thể hiện những bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến mất an ninh năng lượng - thể hiện theo tiêu chí (7) nói trên, đã thể hiện:

1. Nhiều công trình chậm tiến độ, QHĐVI chỉ thực hiện được trên 50%, ảnh hưởng lớn tới đảm bảo điện cho quốc gia.

2. Nhiều công trình nguồn và truyền tải điện chưa đảm bảo đúng chất lượng.

3. Đang phải mua điện với giá cao.

Để tránh sự lệ thuộc nước ngoài về năng lượng, trước mắt:

1. Sớm hiệu chỉnh QHĐVII phù hợp hơn về nhu cầu và tình hình mới.

2. Hạn chế tối đa việc nhập điện từ Trung Quốc, thực hiện tốt điều hành hệ thống và giảm tổn thất điện năng để bù đắp khoản điện nhập.

3. Đấu tranh và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong đấu thầu và xây dựng các công trình năng lượng.

Về lâu dài:

1. Cần nghiên cứu đổi mới một cách tổng thể ngành năng lượng trong bối cảnh đổi mới chung về thể chế, nội dung phát triển toàn diện nền kinh tế quốc dân, đảm bảo hiệu quả, minh bạch và tuân thủ chiến lược phát triển bền vững.

2. Tổ chức xây dựng quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia, mà trong Luật Điện lực (sửa đổi 2013) đã đề cập.

3. Từng bước phát triển vững chắc thị trường năng lượng, đặc biệt thị trường điện cạnh tranh công bằng, tránh độc quyền, hiệu quả, minh bạch.

4. Rà soát, đổi mới Luật Đấu thầu và các văn bản kèm theo chặt chẽ hơn, giảm chỉ định thầu, phương án tình huống.

Thay lời kết

Trong điều kiện phát triển bình thường, an ninh năng lượng đã là một nội dung quan trọng. Trong điều kiện có những biến động chính trị, quân sự, an ninh năng lượng lại càng cần được đặc biệt chú ý, chuẩn bị các giải pháp độc lập, đa đạng hóa các nguồn đầu tư, cung cấp năng lượng, tránh lệ thuộc vào một vài quốc gia.

Hà Nội ngày 26-6-2014

Tài liệu tham khảo chính

1- Quy hoạch Điện VII

2- Quy hoạch ngành Than Việt Nam giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2030,

3- Diễn đàn ANNL ASEAN, Hà Nội 4-2008

4- Bùi Huy Phùng-Về tiêu chí ANNL quốc gia, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 5-2009

5- Bùi Huy Phùng-Phương pháp xác định tiêu chí ANNL quốc gia, Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 6-2009

6- Website: NangluongVietnam.vn; bocongthuong; EVN; Economy…

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động