Trung Quốc chuẩn bị đưa nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông
09:56 | 02/04/2019
Nhà máy điện hạt nhân nổi là một cơ sở giữa biển mang lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ, hoặc cực nhỏ đến các đảo nhỏ và các giàn khoan ngoài khơi có thể ít hoặc không kết nối với nguồn cung cấp lưới điện trên bờ.
Các nhà phân tích đã liên tưởng các nhà máy điện hạt nhân trên biển mới lạ này với các sáng kiến của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa và thực dân hóa Biển Đông và biến vùng biển rộng lớn thuộc Biển Đông thành một cái hồ của Trung Quốc.
Năm 2018, báo giới Trung Quốc tiết lộ rằng một nguyên mẫu đã được thử nghiệm ngoài khơi ở bờ biển phía Đông, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tháng 11/2018, báo Tin tức buổi tối - Qilu có trụ sở tại Sơn Đông đưa tin rằng: Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên với chi phí là 14 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ đô la Mỹ), sẽ chịu được sóng gió và được đưa vào vận hành vào năm 2021.
Cũng trong năm 2018, hãng thông tấn Reuters - Vương quốc Anh cho hay: Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc xây dựng các cơ sở năng lượng hạt nhân trên biển và trong tương lai gần các cơ sở này có thể được sử dụng để hỗ trợ cho các dự án của Trung Quốc đang còn tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc liên tục gây căng thẳng bởi các hoạt động quân sự và xây dựng của nước này, bao gồm việc xây dựng đường băng trên các hòn đảo mà họ chiếm giữ trong vùng biển rộng lớn được bao phủ bởi các yêu sách lãnh thổ xung đột của các nước láng giềng.
Liu Zhengguo, người đứng đầu văn phòng tổng hợp của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc, được giao nhiệm vụ thiết kế và xây dựng các cơ sở, cho biết: Việc định vị các nhà máy hạt nhân nổi sẽ là một xu hướng đang phát triển.
Các lò phản ứng hạt nhân di động có thể cung cấp năng lượng cho nhiều hòn đảo nhân tạo được tạo ra ở Biển Đông, trong khi việc truyền tải điện từ đất liền sẽ tốn kém và các máy phát điện diesel thông thường không thể đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh số lượng binh sĩ, dân xây dựng và cư dân ngày càng gia tăng.
Bản tin kinh doanh Trung Quốc - China Business News dẫn lời của một chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc cho biết: Chi phí sản xuất diesel trên biển là 2 nhân dân tệ một kilowatt/giờ, trong khi chi phí sản xuất điện hạt nhân có thể thấp chỉ với 0,9 nhân dân tệ.
Các nhà quan sát cho rằng, có thể cần tới 20 trạm hạt nhân nổi trên Biển Đông để có thể đáp ứng cho những vùng đất mới được tạo ra trên các rạn san hô và bãi cạn.
Những lò phản ứng này cũng có thể di chuyển trên biển và cung cấp năng lượng cho nhiều giàn khoan của Trung Quốc trong đại dương để đẩy nhanh việc khai thác dầu, khí đốt tự nhiên cũng như "đá cháy" - một hỗn hợp nước đóng băng và khí tự nhiên tập trung được tìm thấy dưới đáy biển.
Các nhà phân tích tin tưởng rằng, vì từ những năm 1970, Trung Quốc đã xây dựng các lò phản ứng thu nhỏ để đẩy các tàu ngầm của nước này di chuyển, và với sự phát triển của các tàu bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của quốc gia đang được cải tiến, việc khai thác cùng một công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng sẵn có để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên biển là một động thái tự nhiên mà không làm cho bất cứ ai phải ngạc nhiên.
BIÊN DỊCH: NGUYỄN THỊ THU HÀ (VINATOM)