Nhận định thách thức và định hình tương lai năng lượng Việt Nam
16:32 | 25/04/2017
Năng lượng Việt Nam và cách mạng công nghiệp 4.0
Cơ chế nào để phát triển bền vững ngành Dầu khí Quốc gia?
Quản lý ngành Than theo thị trường, hay kế hoạch hóa tập trung?
Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết
Hiện nay, Bộ Công Thương đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rất nhiều quy hoạch phát triển ngành kinh tế quan trọng (trong đó có điện, than, dầu khí,...). Xin ông cho biết tình hình thực hiện quy hoạch các phân ngành này trong thời gian qua?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Tất cả các ngành trong lĩnh vực năng lượng đều có quy hoạch ngành được Bộ Công Thương xây dựng và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một là: Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 điều chỉnh (QHĐ VII+) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 03 năm 2016 đã đặt ra mục tiêu “Phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân”.
Theo đó, ngành Điện lực có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, có tính chất làm nền tảng, là cơ sở hạ tầng cho phát triển các ngành kinh tế. Việc đảm bảo an toàn cung cấp điện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm nền tảng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, đồng thời là một chỉ tiêu quan trọng trong vấn đề an sinh, xã hội.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực tại quyết định số 2110/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2016 để chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị điện lực đảm bảo tiến độ đầu tư được duyệt, nhằm đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hai là: Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 223/QGG-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2009. Ngành Dầu khí đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát là xây dựng trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ, hoàn chỉnh, đa dạng các hình thức sở hữu - từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác, công nghiệp khí, chế biến, tồn trữ, phân phối sản phẩm dầu khí, và dịch vụ dầu khí; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết mục tiêu quy hoạch đề ra, thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác như: điện, phân bón, hóa chất,… góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bình ổn thị trường trong nước (phân bón, xăng dầu,...), tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập siêu.
Ba là: Đối với ngành Than, quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012. Ngành Than đã triển khai thực hiện theo đúng định hướng của Quy hoạch, đáp ứng đủ than cho các ngành kinh tế trong nước và xuất khẩu một phần, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện ngành Than đang triển khai các đề án thăm dò, dự án đầu tư mỏ, dự án hạ tầng phục vụ sản xuất than theo Quy hoạch 403. Về cơ bản, các đề án thăm dò, dự án đầu tư đang được triển khai đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016, từng bước thực hiện quan điểm và hiện thực hóa mục tiêu của Quy hoạch 403 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện), góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Với vai trò Bộ quản lý ngành về lĩnh vực Năng lượng, Bộ Công Thương đã và đang đôn đốc các doanh nghiệp trong ngành Năng lượng Việt Nam thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.
Bắt đầu từ khoảng năm 2008, về tổng thể, Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu sang nhập khẩu về năng lượng. Xin ông cho biết điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề an ninh năng lượng của đất nước?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: An ninh năng lượng luôn là mục tiêu hàng đầu trong chính sách, chiến lược phát triển ngành Năng lượng của Việt Nam. Trong QHĐ VII+ đã nêu rõ quan điểm về sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phát trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện.
Kết quả cân đối cung cấp của Quy hoạch, khả năng sản xuất than trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu than cho các nhà máy điện. Dự kiến Việt Nam phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất điện khoảng 9 triệu tấn vào năm 2018 và tăng dần lên khoản 70 triệu tấn vào năm 2030.
Ngoài ra, sau năm 2023-2024 nguồn khí khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ suy giảm và không đảm bảo cung cấp cho các hộ tiêu thụ, do đó cần nhập khẩu LNG để bù đắp lượng khí thiếu hụt.
Theo tôi, đây là những yếu tố Việt Nam cần chú trọng thực hiện để đảm bảo an ninh năng lượng. Để thực hiện việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp, chúng ta có những thách thức bao gồm: chuẩn bị về hạ tần như cảng nhập than, khí LNG, giải pháp vận chuyển than; hệ thống đường ống dẫn khí, đồng thời cân đối nguồn nhập than ổn định và thu xếp vốn đầu tư cho hạ tầng, ngoại tệ để nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp này.
Bên cạnh đó, hai xu hướng phát triển mạnh trong năng lượng thế giới là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và áp dụng các công nghệ lành mạnh về môi trường. Trong đó có mục tiêu hướng tới nền kinh tế các bon thấp, tập trung vào phát triển các ngành năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững. Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng những giải pháp này trong tương lai để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo các quy hoạch điều chỉnh gần nhất của ngành điện (QHĐ VII+) và ngành than (QH60), đến 2030 các nhà máy nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất về công suất đặt, sản lượng, và tỷ trọng than nhập khẩu để phát điện chiếm tới hơn 60%. Bộ Công Thương nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) và QHĐ VII+ đã nghiên cứu, cân đối tất cả các loại nguồn năng lượng sơ cấp để đảm bảo khả năng cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng, hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhệ biến đổi khí hậu, bảo vệ mội trường và phát triển bền vững.
Với nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện rất cao, khoảng 11%/năm đến năm 2020 và từ 7,5-8,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030 thì nhu cầu nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải của Việt Nam là rất lớn.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam vào khoảng 129.500MW. Trong đó công suất các nguồn thủy điện khoảng 27.800 MW (chúng ta đã khai thác hầu hết tiềm năng về thủy điện), khoảng 28.000 MW năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió, sinh khối và đồng phát), 19.000 MW nhà máy điện khí (cả khí thiên nhiên hóa lỏng), nhập khẩu khoảng 2.000 MW, phần công suất còn lại chúng ta phải phát triển nhiệt điện than.
Việc phát triển nhiệt điện than cũng gây ra nhiều lo ngại trong cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường. Công tác đảm bảo môi trường trong các nhà máy nhiệt điện than được Bộ Công Thương hết sức quan tâm. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nhiều lần chủ trì buổi làm việc với các đơn vị chức năng, các tập đoàn, chủ đầu tư các dự án nhà máy nhiệt điện than, quán triệt tinh thần về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, yêu cầu tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Chủ trương là từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến, có hiệu suất cao, giảm phát thải, thực hiện các công trình đảm bảo môi trường một cách nghiêm túc, đảm bảo các thông số phát thải đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam, vừa đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống, vừa góp phần đảm bảo môi trưởng bền vững.
Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2016 về công tác đảm bảo môi trường các dự án công nghiệp, trong đó có chú trọng đến môi trường lĩnh vực nhiệt điện than.
Thưa ông, thị trường phát điện của Việt Nam đã bắt đầu vận hành và mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Đầu “ra” của nhiệt điện than (giá bán điện) đã được thị trường hóa hoàn toàn, tại sao đầu “vào” (giá mua than) của nhiều dự án nhiệt điện than thuộc các doanh nghiệp nhà nước (EVN, TKV) vẫn chưa được thị trường hóa?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Thị trường phát điện cạnh tranh đã nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác huy động, vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Các đơn vị phát điện đã thể hiện được sự chủ động trong công tác lập kế hoạch vận hành, tối ưu lịnh bảo dưỡng sửa chữa, nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng chiến lược chào giá phù hợp để nâng cao khả năng cạnh tranh của đơn vị trên thị trường.
Trong lĩnh vực giá than, theo quy định của Luật giá và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 455-VPCP-KTTH ngày 17 tháng 3 năm 2017 về việc giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước (bao gồm cả giá than bán cho sản xuất điện) thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp tự định giá hàng hóa, dịch vụ do minh sản xuất , kinh doanh và thực hiện kê khai giá bán bằng việc gửi thông báo mức giá đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài chính) trước khi định giá, điều chỉnh giá. Nhà nước không quy định giá bán than cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước, kể cả cho sản xuất điện.
Thực tế cho thấy, từ khi có Thủy điện Hòa Bình, và gần đây có thêm các Thủy điện: Sơn La, Lai Châu đưa vào vận hành, vấn đề lũ lụt ở khu vực Đồng bằng sông Hồng đã được khắc phục cơ bản. Rõ ràng, ngoài việc phát điện, các hồ thủy điện còn có tác dụng trong việc cắt lũ, chống úng, chống hạn. Tạo sao vừa qua, dư luận vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc phát thủy điện ở khu vực miền Trung, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Trong nhiều năm qua các công trình thủy điện lớn, đa mục tiêu đã được đầu tư xây dựng, tham gia điều tiết dòng chảy, góp phần quan trọng trong việc "trị thủy", nâng cao khả năng phòng, chống lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa cạn. Việc phát triển công trình thủy điện lớn, đa mục tiêu là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu trên sông Đà, hồ Thác Bà trên sông Chảy và hồ Tuyên Quang trên sông Gâm đã được đầu tư xây dựng để điều tiết cắt lũ cho hạ du (dung tích phòng lũ của hồ Sơn La và hồ Hòa Bình trên sông Đà là 07 tỷ m3, hồ Tuyên Quang là 01 tỷ m3, hồ Thác Bà là 450 triệu m3) là một trong giải pháp thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, chậm lũ sông Hồng theo Nghị định số 04/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ để "làm sống lại sông Đáy", tạo điều kiện ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ và phát triển Thủ đô bền vững, lâu dài, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Đối với khu vực miền Trung, do các sông có độ dốc lớn, lòng sông hẹp nên mùa lũ thì thời gian xuất hiện đỉnh lũ nhanh, cửa sông lại thường bị bồi lấp làm cản trở việc tiêu thoát lũ, mùa cạn thì có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong khi đó, nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng thủy điện ở khu vực này cho thấy, việc xây dựng các hồ chứa lớn để chống lũ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường - xã hội, hiệu quả quả thấp. Vì vậy, việc bố trí kết hợp phòng, chống lũ lớn cho hạ du tại các công trình thủy điện ở khu vực này không khả thi.
Theo Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2012, với khu vực miền Trung (gồm 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) thì mục tiêu chống lũ - ngoài giải pháp về xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, còn có các giải pháp cụ thể về công trình và phi công trình cho từng lưu vực sông. Các địa phương khu vực này cần chủ động phối hợp với bộ, ngành chỉ đạo quán triệt và thực hiện mục tiêu, nội dung, định hướng phát triển, giải pháp và quản lý theo Quy hoạch thủy lợi nêu trên. Có phương án chủ động phòng chống lũ lụt phù hợp với điều kiện mưa lũ ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và suy giảm rừng đầu nguồn; phù hợp với năng lực tham gia cắt giảm lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện trên khu vực. Bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật phù hợp. Nghiên cứu thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với chế độ thủy văn khu vực (chẳng hạn như khu vực huyện Hương Khê sau đập Thủy điện Hố Hô vẫn thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn, kể cả dành toàn bộ dung tích hồ để cắt lũ).
Việc phối hợp vận hành hồ chứa theo quy trình giữa chủ hồ với các địa phương trong giai đoạn các năm 2009-2012 còn không ít bất cập, nhưng những năm gần đây đã chặt chẽ hơn. Một số thông tin trong xã hội về việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện chưa chính xác, thiếu cơ sở khoa học, tạo dư luận băn khoăn về thủy điện.
Với hơn 70% diện tích lưu vực và hơn 60% tổng lượng nước nằm ngoài lãnh thổ, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước. Nhằm mục tiêu quản lý, khai thác bền vững nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng này, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó, trong đó có việc xây dựng các hồ chứa để trữ nước, tận dụng nguồn nước để điều tiết đảm bảo nhu cầu khai thác, sử dụng nước. Đặc biệt, ở khu vực miền Trung về mùa cạn có nguy cơ thiếu nước nên việc xây dựng các hồ chứa là hết sức cần thiết.
Trong các năm qua, việc điều tiết cung cấp nước từ hồ chứa thủy điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn… cho vùng hạ du ở khu vực đã được đáp ứng và sử dụng có hiệu quả.
Nhà nước cũng đã có chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng điện tái tạo khác như điện mặt trời, phong điện. Tuy nhiên, tại sao các dạng năng lượng này ở Việt Nam vẫn chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, phê duyệt tổng công suất các nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo đến năm 2030, cụ thể như sau.
Thứ nhất: Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Thứ hai: Phát triển điện sử dụng nguồn năng lượng sinh khối: Đồng phát điện tại các nhà máy đường, nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm; thực hiện đồng đốt nhiên liệu sinh khối với than tại các nhà máy điện than; phát điện từ chất thải rắn, vv… Tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng sinh khối đạt khoảng 1% vào năm 2020, khoảng 1,2% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Thứ ba: Đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% năm 2020, khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030.
Mặc dù các nguồn điện từ năng lượng tái tạo có ưu điểm không gây ô nhiễm môi trường, không phát thải khí nhà kính, nhưng giá thành sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo còn cao hơn giá thành sản xuất của các nguồn điện truyền thống. Bên cạnh đó, do hệ số công suất thấp nên việc đầu tư cho hệ thống đường dây, trạm để truyền tải sản lượng điện từ năng lượng tái tạo cũng cao hơn so với nguồn điện truyền thống.
Nguồn năng lượng gió, mặt trời là nguồn năng lượng không ổn định, thay đổi liên tục theo thời tiết (ví dụ: ban đêm không có nắng, ảnh hưởng của mây, mưa, bão…) do đó thường được sử dụng để giảm một phần việc đốt nhiên liệu hóa thạch cho phát điện. Ngoài ra, nguồn điện gió, điện mặt trời đòi hỏi diện tích đất sử dụng rất lớn. Ví dụ đối với điện mặt trời khoảng từ 1,0-1,5 ha/MW tùy theo công nghệ. Do đó, để đảm bảo việc cung cấp điện ổn định cho sinh hoạt, sản xuất cũng như với giá thành phù hợp trong từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội, nguồn điện từ năng lượng tái tạo sẽ được xem xét phát triển hài hòa với các nguồn điện truyền thống.
Đối với các cơ chế khuyến khích đã ban hành, Bộ Công Thương sẽ theo dõi, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh để phù hợp điều kiện phát triển từng giai đoạn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo khác như cơ chế đấu thầu dự án, cơ chế tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo trong phát điện, cơ chế nội địa hóa thiết bị,… để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong khi, về cơ bản nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thiếu điện (cung nhỏ hơn cầu). Trong thời gian qua, chúng ta đã nhiều lần tăng giá điện sinh hoạt (điện hạ thế bán cho người dân), nhưng giá điện cao thế (110kV và 220kV bán cho các doanh nghiệp) lại không được tăng tương xứng. Như vậy, người dân dùng điện đang phải “gánh” cả tiền điện cho các doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Thực hiện khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, trong đó quy định giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và khoản 15 điều 1 do Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngày 07 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2014. Theo đó giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp và sinh hoạt.
Theo quy định tại Quyết định số 28/2014 thì cơ cấu giá bán điện cho các hộ sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt và các hộ sử dụng điện cho mục đích sản xuất được áp dụng theo các nguyên tắc và cơ chế khác nhau, cụ thể là: Giá bán điện cho các hộ sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt được áp dụng theo các bậc lũy tiến để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần nhằm khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Còn giá bán điện cho các hộ sử dụng điện cho mục đích sản xuất được áp dụng theo cấp điện áp (giá bán điện cho cấp điện áp thấp sẽ cao hơn cấp điện áp cao) và theo thời gian sử dụng điện trong ngày (giá bán điện giờ cao điểm sẽ cao hơn so với giá bán điện giờ bình thường và giờ thấp điểm) nhằm khuyến khích các đơn vị tiết kiệm chi phí dùng điện trong sản xuất bằng cách dịch chuyển một phần những phụ tải không cần thiết từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, hay giờ bình thường, giảm nhu cầu phụ tải toàn hệ thống trong các giờ cao điểm, góp phần giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn mới.
Thực tế trong lần điều chỉnh giá điện ngày 12/3/2015 là giá bán điện cho các nhóm khách hàng đã được thực hiện theo đúng cơ cấu biểu giá bán điện quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Trong đó nhóm khách hàng sản xuất có mức điều chỉnh giá cao hơn so với mức điều chỉnh giá của nhóm khách hàng sinh hoạt (so sánh giá bán điện hiện hành cho sản xuất và cho sinh hoạt quy định tại Quyết định số 2256/QĐ-BCT ngày 12/3/2015 và giá bán điện cho sản xuất và cho sinh hoạt quy định tại Quyết định số 4887/QĐ-BCT ngày 30/5/2014 của Bộ Công Thương).
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của cơ cấu biểu giá đối với từng đối tượng khách hàng sử dụng điện để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế của từng thời kỳ.
Hiệu suất sử dụng năng lượng của các ngành kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp nhìn chung rất thấp. Vậy, chương trình tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong thời gian tới sẽ có những giải pháp gì cụ thể, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006. Một số mục tiêu chính trong giai đoạn đầu của Chương trình đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ tiết kiệm trong giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc (tương đương 4,9 triệu TOE trong giai đoạn 2006-2010, khoảng 65 ngàn tỷ đồng - tính thô theo giá dầu trong nước hiện nay).
Trong giai đoạn 2012-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015, với mục tiêu tiết kiệm được từ 5% đến 8% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, tương ứng với 13 triệu tấn TOE đến 17 triệu tấn TOE. Với các hoạt động đã thực hiện từ 2011 đến thời điểm báo cáo, Chương trình ước tính tổng năng lượng tiết kiệm được đạt khoảng 6,0% tổng năng lượng tiêu thụ.
Thực tế, thông qua các khảo sát, tính toán cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010, và được nâng lên xấp xỉ 80% vào năm 2014. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Tiềm năng Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng,… của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ.
Theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 28 tháng 6 năm 2010 và Nghị định 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tới nay, Bộ Công Thương đã ban hành 4 thông tư liên quan tới định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ công bố danh sách các doanh nghiệp trọng điểm hàng năm. Trong đó, những doanh nghiệp thuộc những ngành công nghiệp như sắt thép, công nghiệp đồ uống, nhựa, giấy và bột giấy có lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm rất lớn, chiếm tỷ trọng tiêu thụ năng lượng cao và cần thiết phải xây dựng các biện pháp quản lý để sử dụng năng lượng một cách hiệu quả trong tình hình nguồn cung cấp năng lượng ngày càng hạn chế.
Các Thông tư đã đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật (định mức tiêu thụ năng lượng) cho ngành công nghiệp yêu cầu các doanh nghiệp cần tuân thủ, xây dựng lộ trình trong từng giai đoạn các doanh nghiệp phải đáp ứng định mức tiêu hao năng lượng tối thiểu đồng thời khuyến nghị các giải pháp tiết kiệm năng lượng cần được áp dụng trong thực tế để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các giải pháp như tuyên truyền cho các doanh nghiệp, các sở, ban ngành, các tổ chức có liên quan, thực hiện theo quy định. Thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán năng lượng, tiến hành chuyển đổi sang công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, loại bỏ những thiết bị lạc hậu tiêu tốn năng lượng. Xây dựng hệ thống quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện năng trong sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực được lựa chọn, khuyến khích và tiến tới bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng tiên tiến trên một đơn vị sản phẩm đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
Về khung pháp lý trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình cơ quan nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Vâng, xin cảm ơn ông!
HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THỰC HIỆN)