RSS Feed for Luật NLNT (sửa đổi) và đề xuất hỗ trợ quốc tế cho các dự án điện hạt nhân Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 26/05/2025 11:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Luật NLNT (sửa đổi) và đề xuất hỗ trợ quốc tế cho các dự án điện hạt nhân Việt Nam

 - Theo dự kiến, Luật Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, bỏ phiếu vào tuần thứ hai của tháng 6 năm 2025. Góp ý tiếp theo cho Dự thảo Luật, TS. Lê Chí Dũng - chuyên gia pháp quy hạt nhân có bài báo viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây. Bài báo giới thiệu ý kiến của tác giả về các điểm quan trọng đã đạt được của Dự thảo và đề xuất hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để tiếp nhận hỗ trợ quốc tế cho việc triển khai an toàn dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, trước mắt là cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2. Rất mong nhận được sự chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ trì dự án Luật (sửa đổi), chủ đầu tư, chuyên gia và bạn đọc.
Bàn về Dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (sửa đổi) Bàn về Dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (sửa đổi)

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc vào sáng 5/5/2025. Đây là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (sửa đổi). Gợi ý, chia sẻ với Quốc hội về nội dung sửa đổi Luật lần này, chuyên gia pháp quy hạt nhân [*] có bài viết gửi riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây. Bài viết tập trung chủ yếu vào hai vấn đề đặc thù và rất cấp bách với thực tiễn triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Thứ nhất là về cơ quan pháp quy hạt nhân. Thứ hai là về các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết số 66-NQ/TW của Đảng về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết số 59-NQ/TW của Đảng về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Quốc hội - mà đại diện là lãnh đạo, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (UB KHCNMT) và đại biểu Quốc hội được giao trực tiếp làm việc với cơ quan chủ trì dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) đã tận tâm, làm việc không kể giờ nghỉ, ngày nghỉ để có được bản dự thảo tốt nhất, phù hợp nhất với định hướng chính sách của Đảng, hướng dẫn của IAEA ). Các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Dù thời gian không có nhiều, nhưng lãnh đạo UB KHCNMT đã tổ chức tham khảo ý kiến của đại diện các bộ, ngành liên quan, chắt lọc những ý kiến đồng thuận, những quy định cần thiết từ pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, đầu tư… để chỉnh sửa, bổ sung những điều khoản cụ thể cho bảo đảm triển khai dự án điện hạt nhân (ĐHN) một cách an toàn, hiệu quả. Những buổi tham vấn ý kiến không chỉ trực tiếp có ý nghĩa đối với việc hoàn chỉnh dự thảo Luật, mà còn tạo điều kiện để đại diện các bộ, ngành liên quan nâng cao nhận thức về tính đặc thù về bảo đảm an toàn của dự án ĐHN, chia sẻ những quy định hiện hành của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư… tìm hiểu khả năng phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện các dự án ĐHN đầu tiên.

Trách nhiệm bảo đảm an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân:

(1) Theo hướng dẫn của IAEA tại tài liệu SF-1 Các nguyên tắc cơ bản về an toàn, trách nhiệm chính về an toàn đối với nhà máy ĐHN là thuộc về chủ đầu tư (tổ chức vận hành/tổ chức được cấp phép). Đây là nguyên tắc số 1 trong 10 nguyên tắc cơ bản về an toàn.

(2) Theo Công ước An toàn hạt nhân (Công ước CNS, Điều 14) mà Việt Nam là thành viên từ năm 2012, các quốc gia thành viên phải thực hiện các bước thích hợp để đảm bảo rằng:

(i) Các đánh giá an toàn toàn diện và có hệ thống được thực hiện trước khi xây dựng và đưa vào vận hành một cơ sở hạt nhân (bao gồm nhà máy điện hạt nhân) và trong suốt vòng đời của cơ sở đó. Các đánh giá như vậy sẽ được lập hồ sơ đầy đủ, được cập nhật theo kinh nghiệm vận hành và thông tin an toàn mới quan trọng, được xem xét theo thẩm quyền của cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân (cơ quan pháp quy hạt nhân).

(ii) Việc thẩm định bằng phân tích, giám sát, thử nghiệm và thanh tra được thực hiện để đảm bảo rằng: Tình trạng vật lý và hoạt động của cơ sở hạt nhân tiếp tục phù hợp với thiết kế, các yêu cầu an toàn quốc gia hiện hành và các giới hạn, điều kiện vận hành.

Nghĩa là việc đánh giá và thẩm định an toàn phải do một cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia (cơ quan pháp quy hạt nhân) chủ trì thực hiện, phối hợp với các cơ quan có liên quan để bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ và có hệ thống trong suốt vòng đời của nhà máy ĐHN. Cụ thể là: Lựa chọn địa điểm (Công ước CNS, Điều 17), thiết kế và xây dựng (Công ước CNS, Điều 18) và vận hành (Công ước CNS, Điều 19). Dù rằng, trách nhiệm chính về an toàn đối với mỗi giai đoạn là của chủ đầu tư như đã nêu ở trên.

Trách nhiệm của cơ quan pháp quy hạt nhân và những điểm quan trọng trong các giai đoạn của nhà máy ĐHN: Phê duyệt địa điểm, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế, cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành thử, cấp phép vận hành và cấp phép chấm dứt hoạt động cũng đã được quy định trong Dự thảo.

Ý kiến của các chuyên gia Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam về cơ quan pháp quy hạt nhân và giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân:

Tuy nhiên, không phải không có ý kiến khác nhau về hai nội dung (1) Nên hay không nên quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân trong Dự thảo? (2) Nên hay không nên có giấy phép xây dựng nhà máy ĐHN?

Vì vậy, các chuyên gia Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã trao đổi ý kiến để có thêm luận cứ trình các đại biểu Quốc hội trong những phiên họp sắp tới, trước khi xem xét, bỏ phiếu dự thảo Luật sửa đổi theo lịch trình.

Về nội dung thứ nhất, đã có nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia trong “Pháp quy hạt nhân: Yếu tố quan trọng của an toàn hạt nhân”, còn những quy định mẫu về chức năng của cơ quan pháp quy hạt nhân có thể tham khảo trong Số tay Luật hạt nhân của IAEA năm 2010 (các trang 29-32).

Các chuyên gia Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam ủng hộ phương án Dự thảo có quy định về cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia (cơ quan pháp quy hạt nhân), làm rõ hai chức năng chính của cơ quan này liên quan đến bảo đảm an toàn dự án nhà máy ĐHN. Đó là: (i) Chủ trì tổ chức thẩm định an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân xuyên suốt các giai đoạn của nhà máy ĐHN; (ii) Quản lý hồ sơ và giám sát an toàn đối với toàn bộ hoạt động của nhà máy ĐHN.

Về nội dung thứ hai, các chuyên gia Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam ủng hộ quy định “phải có giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân trước khi tiến hành xây dựng”, đề xuất thể hiện rõ quy định này trong Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi). Các luận cứ đã được trao đổi bao gồm:

Thứ nhất: Xây dựng nhà máy ĐHN là hoạt động mà thành quả cuối cùng có tính đặc thù về mức độ rủi ro, có công nghệ nhạy cảm, có yêu cầu an toàn, an ninh đã được quốc tế hóa.

Thứ hai: Việc cấp giấy phép xây dựng nhà máy ĐHN không đơn thuần chỉ là thủ tục hành chính, mà là công cụ pháp lý không thể thiếu, để tổng kiểm tra, thẩm định về an toàn, an ninh, ứng phó sự cố trong tất cả các giai đoạn: Lựa chọn địa điểm, thiết kế, chế tạo, xây dựng và lắp đặt của một nhà máy ĐHN. Việc cấp giấy phép xây dựng nhà máy ĐHN bao gồm cả việc đánh giá năng lực của chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng.

Thứ ba: Việc cấp giấy phép xây dựng nhà máy ĐHN tại một địa điểm cụ thể khẳng định việc xây dựng nhà máy ĐHN tại địa điểm đó tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn, an ninh.

Thứ tư: Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khi xây dựng nhà máy ĐHN đều phải có quy định về giấy phép xây dựng nhà máy ĐHN. Giấy phép xây dựng nhà máy ĐHN kèm theo bộ hồ sơ đầy đủ các yêu cầu, điều kiện, trách nhiệm chủ đầu tư và các nhà thầu phải tuân thủ khi xây dựng nhà máy ĐHN; bảo đảm để nhà máy ĐHN sau khi hoàn thành việc xây dựng, có thể đưa vào vận hành an toàn. Quy định này phù hợp với hướng dẫn của IAEA.

Thứ năm: Việc thẩm định và cấp giấy phép xây dựng nhà máy ĐHN căn cứ quy định pháp luật của hai lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng và năng lượng nguyên tử (trong đó có điện hạt nhân).

Thứ sáu: Hoạt động cấp giấy phép xây dựng nhà máy ĐHN tạo niềm tin cho công chúng, cộng đồng quốc tế và các tổ chức quốc tế. Ví dụ như IAEA có đủ niềm tin tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án ĐHN, các tổ chức bảo hiểm quốc tế có đủ niềm tin tham gia bảo hiểm bồi thường thiệt hại hạt nhân cho chủ đầu tư nhà máy ĐHN của Việt Nam...

Hợp tác IAEA - Việt Nam:

Thành công của Dự thảo Luật là cơ sở cho sự hợp tác IAEA - Việt Nam, để Việt Nam có thể nhận được hỗ trợ quốc tế cho việc triển khai an toàn dự án ĐHN.

IAEA và Việt Nam có lịch sử hợp tác chặt chẽ, với việc IAEA cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân sự và phát triển cơ sở hạ tầng để giúp Việt Nam ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Cụ thể, sự hợp tác của IAEA tập trung vào việc cải thiện an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng an toàn, an ninh, đạt được nhiều thành tựu trong ứng dụng năng lượng nguyên tử phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là ứng dụng trong nông nghiệp.

Khung chương trình quốc gia (CPF) cho giai đoạn 2022-2027 đã được Việt Nam và IAEA ký kết. Khung này xác định các lĩnh vực ưu tiên cho chuyển giao công nghệ hạt nhân và hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ các mục tiêu phát triển quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ: Giai đoạn 2018-2023, Việt Nam đã được IAEA trực tiếp hỗ trợ 17 dự án quốc gia với tổng kinh phí khoảng 3 triệu Euro, tham gia vào 67 dự án (RCA, Non-RCA và liên vùng), trong đó mỗi dự án có kinh phí hỗ trợ từ khoảng 400.000 đến 1 triệu Euro cho chu kỳ 2-4 năm dành cho tất cả các nước.

Chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA:

Chương trình hợp tác kỹ thuật là cơ chế chính của IAEA để chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các quốc gia thành viên, giúp các quốc gia giải quyết các ưu tiên phát triển chính trong các lĩnh vực như y tế, dinh dưỡng, thực phẩm, nông nghiệp, nước, môi trường, ứng dụng công nghiệp, phát triển và quản lý kiến thức hạt nhân. Chương trình cũng giúp các quốc gia thành viên xác định và đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, hỗ trợ cải thiện an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, hỗ trợ xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đánh giá an toàn kỹ thuật của IAEA (TSR):

Dịch vụ đánh giá ngang hàng này cung cấp một loạt các đánh giá giải quyết các nhu cầu cụ thể của các quốc gia thành viên ở các giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển và triển khai chương trình điện hạt nhân. Dịch vụ này cung cấp đánh giá độc lập về an toàn thiết kế nhà máy và tài liệu đánh giá an toàn, đồng thời cung cấp cho quốc gia thành viên IAEA các khuyến nghị về việc tăng cường an toàn hạt nhân trong các lĩnh vực có thể cần cải thiện để tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của IAEA.

Dịch vụ TSR bao gồm các hoạt động được thực hiện để hỗ trợ thiết kế, cấp phép và vận hành các cơ sở hạt nhân và hợp lý hóa các dịch vụ đánh giá ngang hàng trước đây của IAEA. Dịch vụ TSR dựa trên các Tiêu chuẩn an toàn của IAEA và bao gồm các lĩnh vực chủ đề sau:

1. Thiết kế an toàn (DS).

2. An toàn lò phản ứng (GRS).

3. Yêu cầu về an toàn (SR).

4. Đánh giá an toàn xác suất (PSA).

5. Quản lý tai nạn (AM).

6. Đánh giá an toàn định kỳ (PSR).

Các đánh giá và xem xét khác nhau được đề cập ở trên nhằm mục đích hỗ trợ các nhà vận hành (nhà đầu tư), nhà cung cấp, các tổ chức thiết kế, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật và các cơ quan pháp quy hạt nhân trong các đánh giá kỹ thuật của họ, cũng như trong việc phát triển các yêu cầu và tăng cường các khía cạnh cụ thể của an toàn cơ sở hạt nhân. TSR có thể được yêu cầu đánh giá ngang hàng trong các khía cạnh cụ thể sau:

1. An toàn trong thiết kế và vận hành nhà máy điện hạt nhân mới.

2. Các chương cụ thể, hoặc toàn bộ báo cáo phân tích an toàn.

3. Các yêu cầu về an toàn do cơ quan pháp quy hạt nhân đưa ra.

4. Các phương pháp và khuôn khổ đánh giá an toàn do các cơ quan pháp quy hạt nhân phát triển.

5. Phân tích an toàn tất định.

6. Phân tích an toàn xác suất, ứng dụng và ra quyết định dựa trên rủi ro.

7. Chương trình, quy trình, hướng dẫn và phân tích hỗ trợ quản lý tai nạn.

8. Đánh giá an toàn định kỳ.

9. Giao diện giữa 3S - An toàn, An ninh và Thanh sát.

10. Các quốc gia thành viên IAEA có thể hưởng lợi từ việc nhận dịch vụ đánh giá ngang hàng TSR ở nhiều giai đoạn khác nhau của vòng đời nhà máy ĐHN, chủ yếu là:

- Thiết kế từ khái niệm (sơ bộ) đến chi tiết (sau thiết kế cơ sở).

- Các giai đoạn trước cấp phép và cấp phép.

- Xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

- Vận hành nhà máy điện hạt nhân, bao gồm đánh giá an toàn định kỳ và kéo dài tuổi thọ.

Dịch vụ TSR cũng có thể giải quyết các khía cạnh kỹ thuật, hoặc quy định cụ thể. Chẳng hạn như việc xem xét các kế hoạch nâng cấp nhà máy, hoặc quy định an toàn được xây dựng để phù hợp với các yêu cầu đánh giá an toàn và an toàn thiết kế của IAEA. Các chủ đề khác nhau có thể được kết hợp để giải quyết các nhu cầu cụ thể của các quốc gia thành viên, bao gồm cả việc xem xét các tài liệu an toàn.

Yêu cầu dịch vụ đánh giá an toàn kỹ thuật:

Theo quy định trong Hướng dẫn dịch vụ TSR (2019), các quốc gia thành viên có thể yêu cầu dịch vụ TSR từ IAEA thông qua Phái đoàn thường trực của quốc gia tại IAEA. Điều khoản tham chiếu cho dịch vụ có thể được thảo luận, điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của các quốc gia thành viên.

Nhóm đánh giá bao gồm các chuyên gia cao cấp quốc tế và do thành viên IAEA đứng đầu. Tùy thuộc vào nhu cầu của quốc gia thành viên, yêu cầu và phạm vi của các chủ đề đã chọn, dịch vụ mất từ 3 đến 9 tháng (từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành). Trong quá trình thực hiện dịch vụ, IAEA đặc biệt chú ý đến các thảo luận và phản hồi về các phát hiện và khuyến nghị đánh giá sơ bộ giữa nhóm IAEA và quốc gia thành viên. Các dịch vụ được tài trợ bởi bên yêu cầu, hoặc thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA. Đánh giá kết thúc bằng báo cáo cuối cùng do IAEA gửi cho quốc gia thành viên có yêu cầu, trong đó bao gồm các kết luận và khuyến nghị để tăng cường và cải thiện an toàn.

Đánh giá an toàn kỹ thuật của IAEA đối với tài liệu thiết kế nhà máy ĐHN của Bangladesh:

Tháng 6 năm 2018, IAEA đã hoàn tất quá trình đánh giá ngang hàng đối với một số phần được chọn trong tài liệu thiết kế an toàn của Nhà máy ĐHN Rooppur, hiện đang được xây dựng tại Bangladesh.

Đánh giá ngang hàng về an toàn kỹ thuật - an toàn thiết kế (TSR-DS) được tiến hành như một phần của dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA tập trung vào việc đạt được sự giám sát pháp quy hiệu quả trong giai đoạn xây dựng. Dự án này nhằm mục đích đào tạo nhân viên của quốc gia thành viên về việc xem xét tài liệu đánh giá an toàn.

Trước khi đào tạo thực hành, nhóm đánh giá ngang hàng TSR-DS, bao gồm các chuyên gia cao cấp quốc tế và các thành viên IAEA, đã xem xét các chương được chọn của Báo cáo phân tích an toàn sơ bộ (PSAR) của Nhà máy ĐHN Rooppur dựa trên các tiêu chuẩn an toàn của IAEA. Nhóm tập trung vào phương pháp phân tích tai nạn và ứng dụng của phương pháp này vào một tai nạn cơ sở thiết kế được chọn.

Nhóm TSR-DS đã đưa ra các khuyến nghị để nâng cao hơn nữa tài liệu PSAR tập trung vào phân tích tai nạn. Lưu ý rằng: Các dịch vụ TSR không cấu thành bất kỳ loại hoạt động cấp phép nào.

Nhà máy ĐHN Rooppur của Bangladesh:

Tháng 2 năm 2011, Rosatom (Liên bang Nga) đã ký một thỏa thuận xây dựng hai lò phản ứng VVER-1200 tại Rooppur, cách Thủ đô Dhaka khoảng 160 km, cho Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Bangladesh. Hợp đồng ban đầu cho dự án có trị giá 12,65 tỷ đô la Mỹ, đã được ký vào tháng 12 năm 2015. Cơ quan Pháp quy hạt nhân Bangladesh đã cấp giấy phép địa điểm đầu tiên cho Nhà máy Rooppur vào tháng 6 năm 2016, cho phép bắt đầu các công việc địa điểm sơ bộ, bao gồm khảo sát địa chất. Việc xây dựng tổ máy đầu tiên bắt đầu vào tháng 11 năm 2017. Việc xây dựng tổ máy thứ hai bắt đầu vào tháng 7 năm 2018. Chúng có vòng đời ban đầu là 60 năm, với khả năng gia hạn thêm 20 năm nữa.

Lễ đánh dấu việc cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Nhà máy điện hạt nhân Rooppur:

Ngày 5 tháng 10 năm 2023, lô nhiên liệu hạt nhân đầu tiên đã được chuyển đến địa điểm - thời điểm địa điểm này được công nhận là cơ sở hạt nhân. Rosatom cho biết: Kết nối lưới điện cho tổ máy số 1 của Rooppur là một trong những mục tiêu chính của Tập đoàn. Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã tham dự buổi lễ chính thức đánh dấu việc chuyển giao nhiên liệu hạt nhân do Liên bang Nga sản xuất cho tổ máy số 1 của Nhà máy ĐHN Rooppur thông qua hội nghị truyền hình.

Các thử nghiệm thủy lực đã hoàn thành tại Rooppur 1 của Bangladesh:

Ngày 20 tháng 3 năm 2025, các thử nghiệm thủy lực (không có nhiên liệu) để kiểm tra các vòng tuần hoàn và thiết bị tại tổ máy đầu tiên của Nhà máy ĐHN Rooppur đã hoàn thành thành công. Các thử nghiệm thủy lực bao gồm việc bơm đầy nước vào các vòng tuần hoàn, đạt được áp suất và nhiệt độ cần thiết và vận hành thử các hệ thống. Các chuyên gia kiểm tra tình trạng thiết bị để đảm bảo mọi thứ đều phù hợp với yêu cầu thiết kế và tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Một hệ thống điều khiển quy trình tự động đã được đưa vào vận hành trong quá trình thử nghiệm thủy lực.

Các cuộc thử nghiệm thủy lực hoàn thành thành công tại tổ máy điện hạt nhân số 1 của Rooppur khẳng định chất lượng và độ an toàn cao của dự án. Đây là một giai đoạn quan trọng để tổ máy điện hạt nhân số 1 của Rooppur đến gần hơn với bước quan trọng tiếp theo: Vận hành thử nóng (có nhiên liệu).

Nhà máy ĐHN Rooppur ở Bangladesh dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2025.

Kết luận:

Dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) đã thể hiện quyết tâm chính trị cao và sự cố gắng của Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội trong việc hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm an toàn cho việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Việc quy định rõ vai trò của cơ quan pháp quy hạt nhân và yêu cầu bắt buộc về giấy phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân là những điểm tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và hướng dẫn của IAEA. Đồng thời, với việc có được Luật sửa đổi theo chuẩn mực quốc tế, Việt Nam tiếp tục nhận được hợp tác kỹ thuật từ IAEA và các quốc gia có công nghệ hạt nhân phát triển, đặc biệt thông qua các chương trình đánh giá an toàn kỹ thuật như TSR, sẽ tạo nền tảng vững chắc để chúng ta triển khai thành công các dự án điện hạt nhân trong tương lai.

Với một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và sự hỗ trợ quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động, tự tin tiến vào kỷ nguyên điện hạt nhân an toàn, bền vững và hiệu quả./.

TS. LÊ CHÍ DŨNG - CHUYÊN GIA PHÁP QUY HẠT NHÂN (VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM)

Có thể bạn quan tâm

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động