RSS Feed for "Đôi lời về phát triển điện than" trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 02:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Đôi lời về phát triển điện than" trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Thưa các bạn, sau khi bài báo "Không thể quy đổi mức phát thải theo GDP bình quân đầu người" xuất bản, nhằm giải đáp những vấn đề bạn đọc quan tâm về phát triển năng lượng nói chung và nhiệt điện than nói riêng, trong những ngày qua, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến phản biện, trao đổi. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của bạn đọc - tự giới thiệu là NT Bình (Nguyễn Thanh Bình - BBT) - cán bộ của Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu. Trước hết chúng tôi xin đính chính, TS. Nguyễn Cảnh Nam không phải là Giáo sư (như bạn đọc nêu) mà là "Phó giáo sư". Tiếp theo, xin được cảm ơn bạn đã có những trao đổi thú vị. Sau đây chúng tôi trao đổi lại với bạn mà không viện dẫn số liệu minh họa (vì đã nêu nhiều trong các bài viết trước, cũng như các tài liệu hội thảo khoa học có liên quan).

Vì sao điện gió chưa thể thay thế nhiệt điện than?

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thứ nhất: Về ý kiến của bạn: "Tôi chắc rằng, nhiều người trong đó có thể cả GS không cho rằng mức phát thải CO2 trên đầu người do than gây ra hiện nay theo GS là thấp hơn USA và TQ có nghĩa là ta cứ phải phát triển điện than thoải mái cho đến khi CO2 trên đầu người bằng TQ và USA thì mới phải nghĩ đến việc hạn chế".

Ở đây theo ý kiến của chúng tôi có 3 vấn đề:

1/ Hiện nay mức phát thải CO2 trên đầu người của Mỹ và Trung Quốc cao hơn nhiều lần so với Việt Nam là điều chắc chắn. Mức phát thải đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có do việc khai thác và sử dụng than [xem bài Bàn về sự chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online  15:45 |16/01/2018].

2/ Mức phát thải CO2 do than bao gồm khai thác và sử dụng than của Mỹ và Trung Quốc cao hơn Việt Nam cũng là điều chắc chắn. Sản lượng than khai thác và sản lượng than tiêu thụ của 2 nước này tính theo đầu người cũng cao hơn nhiều lần (ít nhất trên 5 lần) so với Việt Nam [xem tài liệu nêu trên]. Và,

3/ Tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nói rằng: "ta cứ phải phát triển điện than thoải mái cho đến khi CO2 trên đầu người bằng TQ và USA thì mới phải nghĩ đến việc hạn chế". Không hiểu từ đâu ra mà bạn có điều kỳ quặc này quàng vào cho tôi. Ngay trong bài báo đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam nêu trên, tôi cũng chỉ nói: "Chừng nào Trung Quốc giảm sử dụng than từ mức của năm 2016 khoảng 1.887,6 triệu TOE tấn xuống còn một nửa thì mới tương đương với mức sử dụng than của Việt Nam hiện nay tăng lên khoảng 3,1 lần (tính theo bình quân đầu người). Chắc chắn rằng, Trung Quốc không thể giảm sử dụng than xuống mức như vậy, còn Việt Nam thì đến năm 2030 cùng lắm mức sử dụng than cũng chỉ tăng lên đến 3 lần. Như vậy, khi đó vẫn còn quá thấp so với của Trung Quốc.

Do vậy, theo chúng tôi, lấy thực tế giảm sử dụng than và nhiệt điện than của Trung Quốc để "làm gương" cho Việt Nam là không phù hợp. Và mới đây nhất, trong bài: Không thể quy đổi mức phát thải theo GDP bình quân đầu người đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online ngày 14:23 |28/01/2018 trao đổi về bài: "Đôi lời về điện than" của bạn, tôi đã nêu rằng: "Giả sử rằng mức phát thải cho phép là tương đương mức phát thải của 7,5 lít xăng/người, thì người A (hay nước A) phải tìm cách giảm mức phát thải xuống một nửa, còn người B (hay nước B) được cho phép trong quá trình phát triển sắp tới tăng phát thải tối đa không quá 3 lần so với hiện nay. Đó chính là hạn ngạch phát thải của người B (hay nước B) và người B (hay nước B) không nhất thiết phải sử dụng hết hạn ngạch đó mà có thể trao đổi với người A (hay nước A) theo Cơ chế phát triển sạch và mua bán hạn ngạch phát thải".     

Thứ hai: Về ý kiến của bạn: "Thưa GS, nếu một chỉ số về CO2/GDP, hoặc CO2 trên đầu người có thể không đủ đại diện để chúng ta suy ngẫm. Nhưng cả 3 chỉ số về CO2/1 đơn vị GDP, CO2/đầu người và CO2/1 đơn vị giá trị gia tăng của Việt Nam đều cao thì rất đáng suy nghĩ. Bỏ qua vấn đề này thì chính là quá bàng quan rồi".

Tôi không hoàn toàn bàng quan về điều này. Ba chỉ tiêu nêu trên có vai trò khác nhau: chỉ tiêu "CO2 trên đầu người" là để đánh giá mức độ phát thải của một nước cao thấp thế nào và đã quá mức cho phép hay chưa, còn 2 chỉ tiêu "CO2/1 đơn vị GDP" và "CO2/1 đơn vị giá trị gia tăng" là để cho thấy nguyên nhân gây phát thải trong quá trình phát triển kinh tế, qua đó cho thấy chất lượng của sự tăng trưởng từ góc độ phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững của một nước. Hai chỉ tiêu này có thể cao, nhưng nếu chỉ tiêu "CO2 trên đầu người" còn rất thấp dưới mức cho phép thì không thể nói rằng nước đó có mức phát thải cao quá mức, mà chỉ cảnh báo rằng trong quá trình phát triển kinh tế sắp tới cần lưu ý điều này. Cụ thể là đi đôi với tăng trưởng kinh tế, cần quan tâm giảm phát thải để thực hiện phát triển sạch, hay tăng trưởng xanh - tức là đừng thực hiện phát triển kinh tế theo kịch bản thông thường như các nước đi trước đã thực hiện. Điều này tôi đã nói rõ trong bài: Phát triển nhiệt điện than có đi ngược xu thế toàn cầu? đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online [07:27 |10/01/2018]. 

Thứ ba: Về ý kiến của bạn: "Điện than, nguyên nhân lớn nhất về phát thải tại Việt Nam ngày càng được tiếp tục phát triển mạnh, tăng không chỉ về giá trị tuyệt đối mà còn về tỷ trọng (điện than chiếm 37,1% tổng sản lượng điện năm 2016 lên 55% 2025)  - nguồn EVN".

Bạn cần lưu ý rằng, điều quan trọng trước hết cần xem là liệu phát triển điện than đã quá mức hay chưa? Tức là đã gây ra sự phát thải CO2 quá mức hay chưa? Trên cơ sở đó mới xem xét đến cơ cấu nguồn điện có hợp lý hay không.

Cơ cấu nguồn điện hợp lý cũng tùy theo tiềm năng tài nguyên các nguồn năng lượng của từng nước chứ không phải giống nhau đối với tất cả các nước. Về phát triển nhiệt điện than có quá mức hay không thì ngoài ý kiến so sánh với Trung Quốc trên đây, tôi cũng đã nói rõ trong bài "Phát triển nhiệt điện than có đi ngược xu thế toàn cầu?" như đã nêu trên. Tuy nhiên, đó là mục tiêu đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Còn về vấn đề cơ cấu nguồn điện thì tôi nêu 1 ví dụ sau đây để minh chứng cho ý kiến của tôi nêu trên về vấn đề này. 

Cách đây khoảng 20 năm, trong một đợt tập huấn cho cán bộ các tỉnh miền Trung về chương trình đầu tư công cộng, khi nói về cơ cấu kinh tế hợp lý, một cán bộ đã nêu hóm hỉnh về tình huống: Tại 1 tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, chẳng may năm đó mất mùa, nên tuy thu nhập bình quân đầu người giảm (do nông nghiệp giảm), nhưng cũng nhờ đó mà tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh tăng lên đáng kể (mặc dù 2 lĩnh vực này năm đó chả có gì tăng trưởng đáng kể). Kết luận: "Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng công nghiệp và dịch vụ" theo đúng định hướng đề ra. Một "thành tích" trên nỗi đau mất mùa của người nông dân và của ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, chỉ tiêu về cơ cấu chỉ có ý nghĩa khi xem xét trên cơ sở các chỉ tiêu chính có liên quan của một ngành, lĩnh vực hay của một nền kinh tế.

Thứ tư: Về ý kiến: "Ý kiến của GS sẽ thuyết phục hơn nếu GS nêu được cụ thể các biện pháp và tính toán được giá thành của các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm để chứng minh được điện than vẫn rẻ và vẫn ưu việt so với các loại khác".

Tôi không phản đối gì về ý kiến này, nhưng liệu có một mình người nào làm được điều này không? Bạn hãy xem các chiến lược phát triển năng lượng nói chung và chiến lược, hay quy hoạch phát triển các phân ngành năng lượng nói riêng (điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo) do cả một tập thể hàng chục, thậm chí hàng trăm người, kể cả các chuyên gia thuê ngoài và các chuyên gia tham gia thẩm định đã làm được điều mong muốn trên đây của bạn chưa? Không chỉ đối với nhiệt điện than mà cả đối với nguồn điện từ năng lượng tái tạo: liệu đã tính hết các vấn đề cần giải quyết, các tác động và các chi phí hay chưa? Thậm chí thử hỏi, trong quy hoạch phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã xác định rõ được trữ lượng thực, hay trữ lượng khả dụng (có khả thi về kỹ thuật và kinh tế) của các nguồn năng lượng tái tạo là bao nhiêu, ở đâu và quy mô diện tích đất cần có để xây dựng như thế nào, nhất là đối với điện mặt trời, điện gió, vv...?

Chính vì lý do này, cho nên, mặc dù trong Quy hoạch điện VII (phê duyệt tại Quyết định số 1208/2011/QĐ-TTg) đã đề ra mục tiêu: "Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6,0% vào năm 2030" cùng với các chính sách, biện pháp khuyến khích thực hiện, nhưng đến năm 2016 tổng sản lượng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo (không gồm thủy điện) chỉ đạt khoảng hơn 343 triệu kWh, chiếm 0,2% tổng sản lượng điện sản xuất. Trong đó, Điện gió Bạc Liêu (khởi công xây dựng từ năm 2010) 156,67 triệu kWh (trên 320 triệu kWh theo thiết kế), Phong điện 1 Bình Thuận: 45,29 triệu kWh, Điện gió Phú Lạc (Bình Thuận) 15,5 triệu kWh (trên 59 triệu kWh theo thiết kế), còn lại các nhà máy năng lượng tái tạo khác có sản lượng rất thấp.  

Nói tóm lại là còn rất nhiều vấn đề trong toàn ngành năng lượng cần phải giải quyết, chứ không chỉ là vấn đề về nhiệt điện than như bạn nêu để phát triển bền vững ngành năng lượng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Song xét trong tầm nhìn vài chục năm tới, chí ít đến năm 2030 thì phát triển nhiệt điện than đối với Việt Nam theo định hướng đã đề ra vẫn là hướng khả thi hơn cả.

Thứ năm: Về ý kiến của bạn: "Việt Nam hiện có trên 20.000 ca ung thư phổi được phát hiện mỗi năm và 90% chết trong vòng 6 tháng (ấy là chưa kể các bệnh khác như xoang, ung thư xoang…). Đừng đổ cho ung thư phổi là do hút thuốc lá, không đúng đâu, phần lớn do ô nhiễm không khí. Năm vừa qua, tôi có 3 người bạn chết vì ung thư phổi, tất cả họ không ai hút thuốc lá. GS ơi, hòn than rất sạch, thậm chí là đẹp, như một bông hoa trúc đào vậy, nhưng sử dụng nó lại có những hiểm họa khôn lường".   

Trên đây, bạn đề nghị tôi phải "nêu được cụ thể các biện pháp và tính toán được giá thành của các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm" của nhiệt điện than, tôi nghĩ rằng, bạn là người cụ thể, tỉ mỉ, chính xác, nhưng hóa ra không phải như vậy.

Nói thật với bạn, tôi có người nhà là người không hút thuốc lá, không rượu chè, ăn uống rất chuẩn mực, cẩn trọng, quê tôi toàn ruộng lúa, ruộng khoai, rau và đồi núi, tuyệt đối không có nhà máy nhiệt điện than, thế nhưng gần 35 năm trước ông đã qua đời vì căn bệnh ung thư đấy bạn ạ. Bạn hãy đi điều tra tìm hiểu trên địa bàn xung quanh Nhà máy Nhiệt điện than Phả Lại, Nhiệt điện than Uông Bí đã hoạt động trên 30 năm nay xem có bao nhiêu người chết vì chất thải nhiệt điện than? Cứ hãy cụ thể bạn nhé vì điều này rất hệ trọng, bạn có "3 người bạn chết vì ung thư phổi, tất cả họ không ai hút thuốc lá", vậy do nguyên nhân gì?

Thứ sáu: Về ý kiến của bạn: "Xu thế của các nước là cắt giảm tỷ trọng điện than chứ không phải tăng tỷ trọng điện than như Việt Nam", kèm theo bạn nêu minh họa một số nước như: Trung Quốc, Úc, châu Âu.

Về vấn đề này, ngoài những ý kiến có liên quan đã nêu trên đây, nhất là vấn đề tỉ trọng hay cơ cấu và trong các bài: "Không thể quy đổi mức phát thải theo GDP bình quân đầu người", "Bàn về sự chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam", vv... đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online, tôi nhắc lại điều mà đã nêu trong vài bài báo gần đây (cũng trên Năng lượng Việt Nam) là đừng bắt các nước có mức phát thải còn quá thấp so với mức cho phép cũng phải thực hiện biện pháp giảm thải giống như các nước đã có mức phát thải quá cao được quốc tế xác định trong Nghị định thư Kyoto trước đây và Thỏa thuận COP21-Pari hiện nay, cũng giống như "đừng bắt người chưa bị bệnh cũng phải uống thuốc liều cao như người đã bị bệnh nặng".

Còn nói về định hướng phát triển năng lượng tái tạo thời gian tới thì Việt Nam chúng ta cũng đã có "Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" được phê duyệt theo Quyết định số 2068/2015/QĐ-TTg, trong đó đã xác định mục tiêu đến năm 2050 theo tôi là khá cao. Theo đó, tỉ trọng nhiệt điện than giảm đáng kể, vấn đề còn lại là các giải pháp đồng bộ để thực hiện chúng. Nếu bạn thấy tỉ trọng năng lượng tái tạo còn thấp thì hãy phân tích, chỉ rõ tiềm năng khả dụng có thể huy động thêm, điều này không ai cấm.

Cuối cùng, để khỏi làm mất thời giờ của bạn đọc và nếu bạn có thiện ý thì chúng ta nên gặp nhau trao đổi cho hết nhẽ bạn nhé, kể cả những đ​iều chúng ta chưa hiểu đúng ý nhau qua con chữ trên bài báo. Địa điểm gặp gỡ tại trụ sở "Tòa soạn Tạp chí Năng lượng Việt Nam". Hẹn gặp bạn.   

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động