RSS Feed for Điện hạt nhân - ‘Nguồn cung chạy nền’ thay thế vai trò của than đá | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 23:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện hạt nhân - ‘Nguồn cung chạy nền’ thay thế vai trò của than đá

 - Năng lượng hạt nhân sẽ thay thế vai trò của than đá, là nguồn cung công suất tải nền (base load capacity) ổn định - Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan, ông Michał Kurtyka nhìn nhận.


Điện tái tạo và điện hạt nhân: Hai nguồn chiến lược của Việt Nam



Trong buổi họp trực tuyến do Cơ quan Năng lượng hạt nhân (NEA) tổ chức ồi giữa tháng Sáu vừa qua, Bộ trưởng Khí hậu của Ba Lan, Michał Kurtyka khẳng định: Điện hạt nhân sẽ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, duy trì khả năng cạnh tranh về chi phí theo tốc độ công nghiệp hóa mau lẹ và giúp quốc gia châu Âu đạt được mục tiêu trung lập về khí hậu.

Khi trò chuyện với Tổng giám đốc NEA - William Magwood, ông Kurtyka cho biết: Ba Lan đã “khát” năng lượng hạt nhân từ lâu và đang kỳ vọng nhiều lợi ích mà hạt nhân mang lại do nước này đang chuẩn bị kế hoạch cho một tương lai năng lượng sạch.

 

Bộ trưởng Khí hậu của Ba Lan, Michał Kurtyka trong buổi họp trực tuyến (Ảnh: Chính phủ Ba Lan).

 

Kurtyka là Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Môi trường Ba Lan trước khi trở thành Chủ tịch Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP24), được tổ chức tại Katowice vào tháng 12/2018. Một năm sau, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Khí hậu Ba Lan khi mới được thành lập.

Năng lượng hạt nhân: Sạch và ổn định

Ba Lan đặt mục tiêu cắt giảm tỷ lệ than đá trong hỗn hợp năng lượng phát điện từ 80% xuống còn 32% vào năm 2040 và bước đầu khai thác 6-9 GWe công suất hạt nhân (chiếm 18%). Theo Kurtyka, Ba Lan lên kế hoạch khởi công xây dựng lò phản ứng đầu tiên năm 2026, vận hành lò vào năm 2033 và sẽ có thêm 5 tổ máy hoạt động đến năm 2040. Nếu đạt được thành tựu này, Ba Lan sẽ trở thành một trong những quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu.

Ông Kurtyka cho rằng, năng lượng hạt nhân sẽ thay thế vai trò của than đá ở Ba Lan, là nguồn cung công suất tải nền (base load capacity) ổn định. Quốc gia Trung Âu vẫn duy trì các nhà máy điện thông thường miễn là cần thiết cho an ninh năng lượng, tuy vậy, họ đang hướng đến hệ thống năng lượng không phát thải, trong đó hạt nhân là một phần rất quan trọng.

Đồng thời, Ba Lan đang phát triển năng lượng tái tạo, hiện đạt tổng cộng 9.500 MWe. Điều kiện gió ngoài khơi thuận lợi nhờ tiếp giáp với biển Baltic, các tấm pin mặt trời trên mái nhà đạt hiệu suất hấp thu “bùng nổ”, với khoảng 200.000 hộ vừa sản xuất vừa tiêu dùng cho đến nay. Chi phí sản xuất điện mặt trời có thể “hạ nhiệt”, đặc biệt là tại các khu vực phía nam bán cầu, nhưng phải tính đến vấn đề an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, mặt trời có thể cung cấp cho Ba Lan khoảng 1.100 giờ điện mỗi năm, nhưng vẫn cần lấp đầy khoảng thiếu hụt hơn 7.000 giờ điện nữa.

Kurtyka  phân tích, đây không chỉ là câu hỏi so sánh chi phí sản xuất điện tốn kém như thế nào do công nghệ này, hay công nghệ kia trong một giờ nhất định, mà là liệu chúng ta có thể đáp ứng toàn bộ “phổ nhu cầu” hay không? 365 ngày một năm, 24 giờ một ngày và liệu có nắng có gió để có điện hay không? Chúng ta không thể đột nhiên dừng thang máy hay thiết bị điều hòa không khí, hoặc cắt nguồn cung cấp điện cho các bệnh viện và trường học. 

“Năng lượng quang điện có chỗ đứng, thì điện hạt nhân nổi bật với tính ổn định cũng phải có” - Kurtyka lưu ý.

Theo người đứng đầu Bộ Khí hậu Ba Lan, chi phí cho dự án điện hạt nhân có sự biến động “khủng” từ quốc gia này sang quốc gia khác, phụ thuộc vào khả năng xây dựng và giải ngân đúng tiến độ, cũng như chi phí sử dụng vốn. Ông cho rằng, xu hướng cấp điện bị chi phối bởi sản xuất nhiều hơn là nhu cầu - nghĩa là chịu ảnh hưởng của các cơ chế thị trường, chẳng hạn như chính sách giá bán điện năng (feed-in tariffs). Ngoài ra, trong đánh giá chi phí thực để sản xuất điện hạt nhân, chi phí hệ thống thường bị đánh giá thấp so với năng lượng tái tạo.

Không chỉ là phát điện

Kurtyka cho rằng, năng lượng hạt nhân có nhiều mặt mạnh và giá trị của nó đối với Ba Lan không chỉ giới hạn ở mảng phát điện. Nước này đang tích cực nghiên cứu công nghệ lò phản ứng khí nhiệt độ cao (HTGR) để phục vụ ngành công nghiệp hóa chất và phân bón hiện đang phụ thuộc vào các nhà máy đồng phát nhiệt - điện (cogeneration plants) sẽ cần phải được thay thế trong vòng 15 năm tới. Các ngành công nghiệp như vậy hiện đang gây ra khoảng 30% tổng lượng khí thải CO2 công nghiệp trên toàn cầu.

Bộ trưởng cho biết, phần lớn nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Ba Lan là để cấp nhiệt. Đất nước này có hơn 500 hệ thống sưởi ấm. Ông đã trao đổi với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản về thiết kế của HTGR làm mát bằng khí heli chiết suất từ than chì có công suất 30 MWt.

Tranh luận về khí hậu vẫn tiếp diễn. Hội đồng châu Âu thông qua gói cải cách luật năm 2009 được thiết kế để đạt được mục tiêu của EU là giảm 20% lượng khí nhà kính (so với mức thải năm 1990), trong đó có Thỏa thuận Paris 2015 về tính trung lập khí hậu . Điều đó có nghĩa là, để cân bằng phát thải carbon trong nửa sau của thế kỷ 21 cần tính đến lượng khí thải phát ra do các ngành năng lượng bao gồm cả cấp nhiệt và ngành giao thông. Về khía cạnh này, HTGR có thể đóng một vai trò sâu xa hơn trong việc cung cấp nguồn sản xuất hydro không phát thải.

Hỗ trợ tài chính

Dù EU có tung ra gói kích thích tài chính hay không, Ba Lan đang ở vị thế “đáng ganh tị” về mặt kinh tế.

Kurtyka chỉ rõ, đây là quốc gia EU duy nhất tránh được suy thoái kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và theo dự báo của Ủy ban châu Âu công bố tháng trước, nền kinh tế của Ba Lan sẽ bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch COVID-19. Tuy vậy, việc chuyển đổi năng lượng của nước này vẫn đòi hỏi sự hỗ trợ quốc tế, không chỉ về mặt công nghệ mà cả về tài chính. “Chúng tôi cần chắc chắn sẽ có nền tảng tài chính để đảm bảo điện hạt nhân sẽ cạnh tranh được. Vì vậy, có được nguồn tài chính phù hợp là yếu tố chính cho tính khả thi của giải pháp năng lượng của chúng tôi”.

Ba Lan có các lò phản ứng nghiên cứu, nhưng không có kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân. “Chúng tôi có hơn 100 công ty tham gia rất tích cực vào các dự án xây dựng hạt nhân khác nhau trên khắp thế giới và vì vậy có nền tảng có thể phát triển được, nhưng chúng tôi cần các đối tác quốc tế quan tâm đến việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân, có công nghệ thích hợp và đảm bảo an ninh trong suốt vòng đời vận hành của các nhà máy”.

Điện hạt nhân và sự chấp thuận của công chúng

Kurtyka chia sẻ, người Ba Lan có sự ủng hộ “áp đảo” đối với năng lượng hạt nhân, vì chủ đề này không hề mới đối với họ.

“Chúng tôi muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào cuối những năm 80, nhưng điều đó là không thể do biến động chính trị. Sau năm 1989, Ba Lan trở thành một quốc gia hoàn toàn có chủ quyền và phải đối mặt với biến động kinh tế rất “tàn bạo”. Giá trị sản lượng công nghiệp tuột dốc ít nhất 25% vào năm 1991-1992, do vậy, có tình trạng dư thừa công suất trong hệ thống sản xuất của Ba Lan và không có cớ gì để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại thời điểm đó”.

“Ba Lan là một ngoại lệ trong Khối Xô Viết khi không có nhà máy điện hạt nhân”, vì vậy có thể nói, việc quay trở lại thảo luận vấn đề này sau 30 năm là “mang tính biểu tượng”.

Liên quan đến tầm quan trọng của khía cạnh xã hội trong quá trình chuyển đổi sang phát thải carbon thấp, Kurtyka nhắc lại Tuyên bố về đoàn kết và chuyển đổi công bằng được thông qua bởi hơn 50 quốc gia, cùng các bên tham gia tại Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP24) tại Katowice.

Katowice là thủ phủ của Silesia, phía nam Ba Lan, một khu vực có truyền thống khai thác lâu đời nhưng vẫn hằn rõ những “vết sẹo” do suy giảm kinh tế. Quá trình chuyển đổi kinh tế của Ba Lan nhằm đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại phía sau”, đồng nghĩa với cung ứng công ăn việc làm mới ở những khu vực không còn dấu vết của những công việc thường thấy trước đó.

Khi được hỏi về vấn đề chảy máu chất xám do những sinh viên tốt nghiệp hạt nhân rời khỏi Ba Lan, Kurtyka cho rằng, đây là một thách thức đối với ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu để duy trì đủ nguồn nhân lực được đào tạo và vì vậy câu trả lời là cần đến nỗ lực quốc tế. Thông qua các quan hệ đối tác, ngành công nghiệp có thể đảm bảo rằng, nhân sự được đào tạo cho một dự án điện hạt nhân sẽ đủ khả năng chuyển sang làm việc tại những dự án khác trên khắp thế giới.

COP26

Giống như cộng đồng hạt nhân hoạt động tốt nhất thông qua hợp tác quốc tế, “chủ nghĩa đa phương được xây dựng xoay quanh các mục tiêu chung, lòng trung thành và sự chấp nhận chung” là điều cần thiết tại các hội nghị thượng đỉnh của COP.

Đề cập đến Quy tắc Katowice và Thông cáo của Bộ trưởng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Kurtyka khẳng định: COP24 và Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng của IEA một năm sau đó đã tạo ra thành công lịch sử về khí hậu, năng lượng nhờ “thiện chí, tính minh bạch và khả năng lãnh đạo”.

Khi trao đổi về các cơ hội thành công tại COP26 mà Vương quốc Anh đã phải hoãn lại đến tháng 11/ 2021 do đại dịch, Bộ trưởng cho biết: Đây sẽ là một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt quan trọng, trong đó mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 dự kiến sẽ được thảo luận./.

BIÊN DỊCH: PHẠM THỊ THU TRANG (VINATOM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động