Phản hồi phản biện EOR19 trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam
05:35 | 09/04/2020
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 1]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 2]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 3]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 4]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 5]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 6]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 7]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 8]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 9]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 10]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 11]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 12]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 13]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 14]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 15]
Nội dung "Ý kiến phản biện về Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019" của PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam, ngày 23/3/2020.
NHÓM XÂY DỰNG BÁO CÁO TRIỂN VỌNG NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM 2019
Trước hết, chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến góp ý và xin cảm ơn PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam đã quan tâm và góp ý cho Báo cáo này. Một trong các mục tiêu chính khi xuất bản EOR định kỳ (hai năm một lần) là nhằm thúc đẩy các tranh luận về tương lai năng lượng bền vững của Việt Nam (bao gồm các cơ hội và thách thức).
Quá trình xây dựng EOR là một quá trình mở, trong đó các bên liên quan, gồm có Trường Đại học Điện lực Hà Nội được mời tham dự các hội thảo (3 hội thảo tham vấn đã được tổ chức), nhằm góp ý cho phương pháp luận, các phát hiện và khuyến nghị của báo cáo. Với mục tiêu đảm bảo minh bạch và thông tin được cung cấp đầy đủ nhất EOR19 đã được công bố kèm theo một loạt báo cáo nền, bao gồm:
(i) Báo cáo kỹ thuật.
(ii) Báo cáo dữ liệu mô hình Balmorel.
(iii) Báo cáo dữ liệu mô hình dự báo nhu cầu TIMES.
(iv) Báo cáo dự báo giá nhiên liệu.
(v) Cẩm nang công nghệ sản xuất và lưu trữ điện năng.
(vi) Báo cáo mô hình hóa lưới truyền tải.
Các báo cáo có thể tìm thấy tại đây Link.
Trong phần dưới đây, chúng tôi xin đưa ra phản hồi chung cho những điểm cơ bản nhất trong 4 chủ đề được đề cập tại ý kiến phản biện:
“1. Chưa có các căn cứ tin cậy làm nền tảng cho lập Báo cáo, cũng như các kịch bản đề xuất.”
Thách thức chính trong mô hình hóa hệ thống năng lượng là việc tiếp cận và thu thập dữ liệu đầu vào, những dữ liệu này thường không được công bố rộng rãi, hoặc cập nhật. Nhóm xây dựng EOR19 đã rất nỗ lực trong việc thu thập và xác minh các dữ liệu cần thiết, tuy nhiên vẫn rất khó khăn để có dữ liệu đầu vào đầy đủ. Chúng tôi hy vọng rằng, việc thu thập dữ liệu trong tương lai sẽ dễ dàng hơn khi Trung tâm Thông tin Năng lượng Việt Nam (VEIS) được thành lập.
Một nội dung phản biện được nêu ra đó là: Việc thiếu dữ liệu tin cậy về các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), các dữ liệu này được cho là chủ yếu dựa trên dữ liệu của các quy hoạch ngành đã được phê duyệt và các số liệu lý thuyết.
Thực ra, dữ liệu về các nguồn NLTT trong EOR19 đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Tiềm năng năng lượng gió và mặt trời dựa trên “Quy hoạch phát triển NLTT đến năm 2035” do Viện Năng lượng soạn thảo năm 2018, tiềm năng năng lượng gió do GIZ tính toán (Bản đồ gió quốc gia cập nhật, năm 2018) và bản đồ tài nguyên năng lượng mặt trời trong “Bản đồ tài nguyên năng lượng mặt trời và tiềm năng tại Việt Nam” do Bộ Công Thương xây dựng năm 2016. Tại thời điểm xây dựng EOR19, đây là những dữ liệu tổng hợp mới nhất có sẵn về tiềm năng kỹ thuật (không phải lý thuyết) và các dữ liệu này chưa có trong quy hoạch chính thức.
Ngoài ra, dự báo nhu cầu năng lượng được cho là không xem xét đến những thay đổi về chuyển dịch cơ cấu GDP của các ngành theo thời gian.
Đúng là tỷ trọng GDP được giữ không đổi, sử dụng năm 2016 làm năm cơ sở và chúng tôi đồng ý với nhận xét của PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam rằng: Đây là một điều kiện vô cùng quan trọng có tác động lớn đến các kết quả của các kịch bản năng lượng dài hạn. Tuy nhiên, nhìn chung, việc dự báo những thay đổi trong cơ cấu kinh tế là một nhiệm vụ tương đối khó và phức tạp, và do thiếu dữ liệu có sẵn nên nhiệm vụ này nằm ngoài phạm vi của EOR19. Chúng tôi rất mong muốn hoàn thiện việc dự báo nhu cầu năng lượng EOR tiếp theo, nhưng kinh nghiệm cho thấy hiện trạng dữ liệu của Việt Nam là một rào cản lớn.
PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam cũng đề cập rằng: Tiềm năng nhập khẩu năng lượng (bao gồm cả điện năng và liên kết lưới) cần phải chi tiết hơn nữa. Một điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là mô hình chỉ là cách thể hiện hệ thống năng lượng đã được đơn giản hóa so với thực tế và không có khả năng thể hiện mọi chi tiết như thực tế. Đúng là thông tin chi tiết về liên kết lưới với các quốc gia láng giềng là cần thiết đối với một báo cáo như EOR19 - điều này đã được đề cập trực tiếp trong báo cáo. Tuy nhiên, đối với dầu và than, thì không cần phải xác định nguồn cung ở mức độ chi tiết hơn do các loại nhiên liệu này được giao dịch trên thị trường toàn cầu...
“2. Tư duy và cách lập các kịch bản thiếu thực tế, thiếu cơ sở khoa học, do vậy, các kịch bản không hợp lý, mang tính cực đoan, thậm chí chưa cần xem xét nội dung cũng đã biết ngay là kịch bản nào sẽ bị loại bỏ.”
Cần nhấn mạnh rằng, các kịch bản không nhằm mục đích đề xuất lộ trình phát triển hệ thống năng lượng cho Việt Nam. Thay vào đó, các kịch bản mang tính khám phá và trả lời các câu hỏi chưa có lời giải.
Ví dụ: “Điều gì sẽ xảy ra với hệ thống năng lượng, nếu không có nhà máy nhiệt điện than mới nào được xây dựng sau năm 2025?”. Chính vì vậy, các kịch bản đều có tính khả thi kỹ thuật, mặc dù không nhất thiết phải thực tế khi xem xét các ưu tiên về xã hội, chính trị , môi trường v.v... Đây là lần đầu tiên việc sử dụng các kịch bản theo cách này được ứng dụng ở Việt Nam và do đó có thể mới mẻ đối với nhiều người.
Các kịch bản được xây dựng dựa trên tất cả các chính sách hiện hành của Chính phủ đối với ngành năng lượng như Chiến lược Phát triển NLTT và Chiến lược Tăng trưởng xanh. Kịch bản C0 không bao gồm bất cứ chính sách nào được sử dụng làm cơ sở để đánh giá tác động của các chính sách được đề xuất trong các kịch bản khác. Do đó, mục đích của Báo cáo EOR19 là nhằm cung cấp các viễn cảnh khác nhau, từ đó có thể đưa ra các đánh giá sâu hơn và hỗ trợ việc ra quyết định trong quá trình lập quy hoạch dài hạn.
Bài báo cũng nêu ý kiến phát triển điện hạt nhân cần được đưa vào giai đoạn sau năm 2030. Trên thực tế, các công nghệ hạt nhân được đưa vào mô hình nhưng không được mô hình chi phí cực tiểu lựa chọn. Điều này có nghĩa là các công nghệ phát điện khác có chi phí thấp hơn điện hạn nhân trong phạm vi các ràng buộc của mô hình.
“3. Việc xem xét các kịch bản chỉ dựa vào một tiêu chí là chi phí thấp nhất. Điều đó là không phù hợp với bối cảnh phức tạp, đầy biến động khó lường và xu thế phát triển năng lượng hiện nay.”
Đúng là các mô hình được sử dụng trong EOR19 nhằm tìm kiếm giải pháp có chi phí cực tiểu và do đó tối đa hóa phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, giải pháp này cũng phải đảm bảo cung cấp điện và năng lượng đầy đủ kịp thời.
Ngoài ra, có thể đưa vào mô hình các ràng buộc khác. Ví dụ, các nhà máy điện đã có trong quy hoạch sẽ được xây dựng và các mục tiêu NLTT cho ngành điện được đề ra trong Chiến lược phát triển NLTT đều phải đạt được trong cả 4 kịch bản (C1-:-C4). Thêm vào đó, các ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện và việc hòa lưới NLTT cũng cần ược đảm bảo.
Chính vì vậy, chi phí cực tiểu không phải là tiêu chí duy nhất trong mô hình EOR19. Hơn nữa, mô hình hóa với chi phí cực tiểu là nền tảng của phân tích kịch bản dài hạn và được xem là thông lệ tốt nhất được cộng đồng nghiên cứu quốc tế áp dụng rộng rãi.
Ngoài ra, cũng có các phương pháp mô hình hóa khác, nhưng đối với các kịch bản dài hạn, phương pháp được sử dụng trong EOR19, trong đó vận hành và đầu tư hệ thống được tối ưu hóa với các tiêu chí do người dùng xác định, đã đưa ra các đánh giá minh bạch và khách quan về sự phát triển của hệ thống năng lượng trong tương lai.
“4. Chưa đề ra các điều kiện ràng buộc đối với từng nguồn năng lượng để làm cơ sở phân tích, đánh giá và lựa chọn mức độ phát triển từng nguồn năng lượng một cách phù hợp trong các kịch bản.”
Hầu hết các yêu cầu và điều kiện ràng buộc mà PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam đề xuất đều đã có trong các mô hình: Các nguồn năng lượng trong nước (bao gồm cả NLTT và năng lượng không tái tạo) đều bị ràng buộc theo các kế hoạch phát triển NLTT, than và khí mới nhất của Việt Nam. Trong phần lớn các trường hợp, điều kiện ràng buộc được thiết lập như một giới hạn trên -có nghĩa là mức tiêu thụ không thể vượt quá con số này, trong khi mức tiêu thụ thấp hơn được cho phép. Nếu mô hình nhận thấy hấp dẫn kinh tế hơn khi vượt quá giới hạn trong nước thì năng lượng nhập khẩu sẽ được đưa vào, thường ở mức giá cao hơn. Mức nhập khẩu tối đa cho các loại nhiên liệu như than và LNG chưa được xem xét trong OR19.
Trong phần phản biện, ý kiến đưa ra là mức tiêu thụ, công suất và chi phí của một số công nghệ cần được xác định trước nhằm đảm bảo khai thác tối đa nguồn tài nguyên trong nước và tính ổn định cao. EOR19 đi theo một logic khác, trong đó nguồn tài nguyên trong nước chỉ nên khai thác nếu có lợi ích kinh tế. Ưu điểm của mô hình hệ thống năng lượng tích hợp có chi phí cực tiểu trong EOR19 là có thể làm nổi bật và lượng hóa được mức độ phụ thuộc. Việc lượng hóa này sẽ rất khó thực hiện được, nếu mỗi lĩnh vực, hoặc công nghệ được mô hình hóa riêng biệt, hoặc bị ràng buộc bởi các điều kiện ngặt nghèo.
Cuối cùng, kiến phản biện cho rằng: EOR19 không mô tả đầy đủ, hoặc không xem xét các hậu quả cụ thể, hoặc các khía cạnh của hệ thống năng lượng, như loại bỏ các công nghệ, xử lý rác thải, hoặc tác động kinh tế. Quả thực, có nhiều câu hỏi thú vị được nêu lên trong quá trình mô hình hóa hệ thống cho EOR19 và điều này rất có ý nghĩa, nếu việc mô hình hóa trong thời gian tới có thể thúc đẩy các nghiên cứu sâu hơn về chuyển đổi cơ cấu và phát triển ngành năng lượng.
Lựa chọn của mô hình thường làm hạn chế phân tích do không thể ôm đồm tất cả các chủ đề cùng một lúc. Phạm vi của EOR19 là cung cấp báo cáo hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và những người làm quy hoạch năng lượng về chủ đề: Các nguồn năng lượng, tiết kiệm năng lượng, cân bằng hệ thống điện và tác động khí hậu và ô nhiễm.
Phân tích các kịch bản là một quá trình liên tục, trong đó dữ liệu đầu vào, thiết lập mô hình và xây dựng kịch bản được cập nhật theo các xu hướng công nghệ và nhu cầu mới nhất.
Nhóm xây dựng EOR bao gồm các chuyên gia của Cục Điện lực và NLTT Việt Nam, Cục Năng lượng Đan Mạch, Viện Năng lượng sẽ tiếp tục hoàn thiện phương pháp phân tích và khung mô hình và rất mong muốn mời đại diện các trường đại học chuyên ngành đóng góp cho báo cáo bằng việc chia sẻ nghiên cứu về quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng, xử lý rác thải và tác động kinh tế trên quy mô lớn./.