RSS Feed for Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 13] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 01:57
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 13]

 - Từ năm 2018 đến giữa 2019, nhiều nguồn điện năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện mặt trời) phát triển 'bùng nổ' nhờ có cơ chế khuyến khích của Chính phủ. Tuy nhiên, sau ngày 30/6/2019, việc phát triển điện mặt trời hầu như chững lại. Nhưng theo quan điểm của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng Việt Nam, ban hành ngày 11/2/2020 là "Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch". Từ định hướng này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin nêu và đề xuất một số giải pháp cần được triển khai sớm, cũng như 'khơi thông' các rào cản để các nguồn điện mặt trời, gió tiếp tục phát triển.



Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 1]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 2]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 3]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 4]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 5]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 6]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 7]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 8]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 9]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 10]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 11]
Những vấn đề cần ưu tiên trong ‘Chiến lược phát triển năng lượng’ [Kỳ 12]



 

KỲ 13: GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ 'SỬ DỤNG TRIỆT ĐỂ' VÀ 'HIỆU QUẢ' NGUỒN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VIỆT NAM THEO QUAN ĐIỂM CỦA BỘ CHÍNH TRỊ?


NGUYỄN ANH TUẤN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM



I. Ưu và nhược điểm của sự phát triển nhanh nguồn năng lượng tái tạo Việt Nam

Tổng công suất các nguồn điện Việt Nam năm 2019 đạt trên 54.880 MW. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 36,8%; thủy điện vừa và lớn 30,7%; tua bin khí 13,6%; nhiệt điện dầu 2,9% và các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) khác (thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió, sinh khối...) chiếm 16,4%. 

Tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, Việt Nam có tỷ trọng nguồn NLTT cao nhất trong khối ASEAN, với tăng trưởng sản xuất điện bình quân 5,1%/năm trong 5 năm gần đây. Hiện quy mô tổng công suất nguồn điện ASEAN là 262.794 MW vào năm 2019, trong đó 5 quốc gia chiếm tỷ trọng tới 90,1% toàn khối, lần lượt là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philippin. Hình dưới đây mô tả cơ cấu nguồn điện năm 2019 của 5 quốc gia ASEAN.

Quy mô và cơ cấu công suất nguồn điện 5 quốc gia ASEAN năm 2019 (MW):
 



Giai đoạn 2013 - 2019 đánh dấu những phát triển nhanh chóng của các dạng nguồn điện từ NLTT của Việt Nam. Trung bình hàng năm tổng công suất nguồn điện tăng khoảng 10,6%, nhưng nguồn điện NLTT tăng với tốc độ là 31,4%/ năm. Trong đó, điện gió 42%/năm, điện sinh khối 54,5%/năm và nhất là điện mặt trời (ĐMT): Từ năm 2018 đến cuối năm 2019, công suất ĐMT đã gấp trên 53 lần, từ 86 MW lên đến trên 4.600 MW (chưa kể có 350 MW điện mặt trời trên mái nhà).

Đến nay tỷ lệ công suất nguồn điện từ NLTT (tính cả các thủy điện vừa và lớn) trong tổng công suất nguồn điện lên tới trên 47%.

Bảng 1 - Công suất nguồn điện NLTT giai đoạn 2013 - 2019:

 

 

2013

2015

2017

2018

2019 

Tốc độ tăng hàng năm

Tổng CS đặt nguồn

30473

38537

45410

49410

54880

10.1%

 Trong đó NLTT:

 

 

 

 

 

 

Thủy điện nhỏ

1670

1984

2971

3322

3670

14%

Điện gió

46

90

152

243

377

42%

Điện mặt trời

4

4

4

86

4600

2019/2018 > 53 lần

Sinh khối

24

24

319

319

327

54.5%

Tổng NLTT

1744

2102

3446

3970

8794

31.4%

Tỷ lệ NLTT

5.7%

5.5%

7.6%

8.0%

16.4%

 

Nguồn: EVN 


Theo Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) - QHĐ7-ĐC, dự kiến đến năm 2020 nước ta sẽ có tổng gần 6.000 MW nguồn điện tái tạo (800 MW điện gió, 850 MW điện mặt trời, 540 MW điện sinh khối, 3.800 MW thủy điện nhỏ). Nhưng thực tế con số năm 2019 của công suất ĐMT đã vượt xa Quy hoạch. 

Theo tính toán sơ bộ hiện nay của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), riêng điện gió và ĐMT, dự kiến đến năm 2025 sẽ có thể đạt tương ứng là 6.000 MW và trên 14.000 MW; đến năm 2030 dự kiến sẽ đạt 10.000 MW điện gió và 20.000 MW điện mặt trời.  

Như vậy, có thể thấy rằng với đà tốc độ tăng nhanh, công suất nguồn NLTT sẽ vượt qua mục tiêu của QHĐ7-ĐC là năm 2030 đạt 27.200 MW công suất các loại nguồn điện NLTT (không kể thủy điện vừa và lớn).

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực (Bộ Công Thương), cuối năm 2019 tổng công suất các dự án ĐMT được bổ sung quy hoạch đã lên tới 10.300 MW. 

Theo đánh giá, việc phát triển nhanh các nguồn điện từ NLTT có ý nghĩa lớn nhiều mặt:

Thứ nhất: Chứng minh tính thực tiễn quan điểm của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng Việt Nam trong Nghị quyết 55-NQ/TW: "Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch".

Thứ hai: Sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của đất nước, phục vụ phát triển bền vững.

Thứ ba: Huy động được nguồn vốn tư nhân, xã hội, giảm tải cho ngân sách Nhà nước.

Thứ tư: Tiến tới việc giảm dần phụ thuộc vào các nguồn nhiệt điện truyền thống, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngoại tệ chi cho nhập khẩu nhiên liệu v.v...

Theo đánh giá của Trung tâm Điều độ điện Quốc gia, với tỷ lệ công suất nguồn NLTT quy mô nhỏ và vừa tăng 3 lần trong vòng 6 năm qua, và đặc biệt tăng trên 2 lần chỉ từ năm 2018 cho thấy một số điểm tác động đến hệ thống cung cấp điện hiện nay:

Về ưu điểm: 

1/ Mặc dù điện sản xuất ra còn thấp, vì ĐMT tập trung được đưa vào vận hành cuối tháng 6/2019, và ước tính sản lượng từ ĐMT đến hết năm 2019 khoảng 4,55 tỷ kWh, còn điện gió khoảng 670 triệu kWh, nhưng là một nguồn bổ sung đáng kể của hệ thống điện (khoảng 2,2% nhu cầu phát điện).

2/ Có vai trò quan trọng, hỗ trợ cung cấp điện đáng kể cho phụ tải vào thời gian 'cao điểm sáng', trùng với thời gian bức xạ mặt trời tăng lên.

3/ Tốc độ tăng giảm tải nhanh, khả năng điều chỉnh điện áp tốt.

Về nhược điểm:

1/ Công suất phát của các nguồn ĐMT phụ thuộc vào bức xạ, không ổn định, khó dự báo để huy động các nguồn khác giữ cân bằng.

2/ Không hỗ trợ cung cấp điện vào 'cao điểm chiều' do rơi vào thời gian giảm bức xạ của ĐMT.

3/ Xảy ra quá tải lưới ở một số đường dây, trạm biến áp, dẫn đến phải cắt giảm chính công suất các nhà máy ĐMT.

II. Chính sách hỗ trợ cho nguồn điện năng lượng tái tạo

Không phải chỉ mới gần đây, mà hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nguồn NLTT. Mới đây, Việt Nam đã được đánh giá là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng và có tỷ trọng cao nhất về năng lượng điện mặt trời, điện gió.

Chúng tôi xin nêu một số chiến lược, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nguồn NLTT của Việt Nam như sau:

1/ Biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các nhà máy điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo (Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT, ngày 18/7/2008 của Bộ Công Thương).

2/ Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (Quyết định số 37/2011/QĐ-TTG, ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

3/ Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2050 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

4/ Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối (nối lưới) tại Việt Nam (Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, và gần đây là Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ). 

5/ Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện đốt rác thải rắn (Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014).

6/ Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017).

7/ Cơ chế khuyến khích phát triển điện gió (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018). 

8/ Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (Quyết định số 428/QĐ-TTg). Và,

10/ Kèm theo nhiều thông tư, văn bản của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện các Quyết định trên.

III. Những vướng mắc trong phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam

Có thể nói, chủ trương phát triển NLTT của chúng ta đúng đắn, hợp lòng dân, lộ trình phát triển đã có những khởi đầu đáng khích lệ, nhưng vẫn còn những 'điểm nghẽn', vướng mắc và thách thức lớn trước mắt.

Thứ nhất: Về mặt kỹ thuật: Trong nhiều năm triển khai thực hiện chủ trương phát triển NLTT, nhưng tới năm 2017 - 2018 chúng ta mới phát triển được tiềm năng thủy điện nhỏ. Cạnh đó, điện gió phát triển chậm, điện sinh khối tuy có phát triển khá nhanh, nhưng tỷ trọng còn thấp, phát lên lưới không đáng kể, còn nguồn điện mặt trời chỉ vỏn vẹn có tổng công suất 86 MW (vào năm 2018).

Trong lúc lập và trình duyệt QHĐ7-ĐC (tại thời điểm cuối 2015, đầu năm 2016), vì chưa có cơ chế cụ thể, hỗ trợ thích đáng, do đó rất ít các dự án điện mặt trời, điện gió được đề xuất. Trên thực tế, trong QHĐ7-ĐC chỉ đưa vào ước tính một phần lớn lượng công suất các nguồn NLTT như là 'khoảng không gian' cho việc xét duyệt các dự án đó khi được các chủ đầu tư đề xuấtVì vậy, không thể xuất hiện các đường dây và trạm biến áp cụ thể cho chúng theo từng năm. Chính vì thế các công trình lưới điện cho truyền tải nguồn NLTT không có căn cứ để được duyệt và đưa vào danh mục.

Sau khi Quyết định 11/QĐ-TTg ra đời vào tháng 4/2017, với cơ chế giá điện thực sự khuyến khích phát triển ĐMT, số lượng, tổng quy mô các dự án ĐMT được các chủ đầu tư đề xuất và triển khai xây dựng mới 'bùng nổ' như chúng ta đã biết. Kết quả là lưới bị nghẽn, rất nhiều nhà máy ĐMT phải giảm phát từ 10% đến trên 50% công suất.

Ngay ở tháng 11 năm 2019, Trung tâm Điều độ điện Quốc gia cũng phải đề xuất giảm phát khoảng trên 440 MW từ ĐMT tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường lưới, chống quá tải.

Để xây dựng và đưa vào vận hành một dự án ĐMT, hay điện gió, thường chỉ khoảng 6 tháng tới một năm, trong khi để triển khai các thủ tục đầu tư và xây dựng một đường dây, một trạm biến áp truyền tải thông thường từ 2 đến 3 năm. Nhưng nếu vướng mắc về đền bù, đất đai, v.v... thì thời gian còn có thể kéo dài thêm 1 - 2 năm nữa. 

Vì vậy, sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn ĐMT, điện gió vừa qua đã gây ra các 'điểm nghẽn' về truyền tải, phải giảm phát công suất các nguồn NLTT, thậm chí có nhiều dự án không thể có được thỏa thuận đấu nối vào lưới điện. Điều này trước mắt là giảm khả năng hỗ trợ cung cấp điện của các nguồn NLTT trong thời gian tới đây - khi mà chúng ta đang thiếu nguồn trầm trọng ở khu vực phía Nam, sau đó là sẽ làm giảm lòng tin và động lực đối với các nhà đầu tư nguồn NLTT.

Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã nắm rõ tình huống, đã có nhiều hành động thực tế để thúc đẩy nhanh xây dựng lưới điện cho giải tỏa công suất và tạo điều kiện phát triển nguồn NLTT, nhưng việc thiếu đồng bộ nói trên còn cần nhiều thời gian để khắc phục.

Nhận định chung của chúng tôi là các chính sách và các bước tiếp sau như quy hoạch, kế hoạch hành động cần phải đồng bộ, nối tiếp để từ chính sách đến thực tế không có các 'điểm nghẽn' như vừa qua. Muốn vậy, chính sách (được cụ thể hóa) cần phải được ban hành trước khi phê duyệt các quy hoạch liên quan.

Thứ hai: Hiệu lực của cơ chế hỗ trợ với giá FIT cho ĐMT theo QĐ 11/QĐ-TTg đã kết thúc sau ngày 30/6/2019 (trừ tỉnh Ninh Thuận được Chính phủ gia hạn đến hết năm 2020). Công tác chuẩn bị để có cơ chế thay thế tiếp theo đã được chuẩn bị từ trước đó, nhưng cho đến nay, sau 8 tháng, 'khoảng trống' chính sách vẫn chưa được 'lấp'. Thực tế đã có nhiều phương án được Bộ Công Thương trình Chính phủ về cơ chế giá FIT ĐMT áp dụng theo vùng, tiếp tục hỗ trợ giá cho các dự án không vào kịp, v.v... nhưng đến nay vẫn chưa được quyết định. Do đó, tất cả các dự án ĐMT vào vận hành sau 30/6/2019, hoặc đang triển khai vẫn mỏi mắt chờ một Quyết định mới. Vì vậy, lượng điện phát ra từ các nguồn ĐMT chỉ mới được ghi nhận mà chưa có biểu giá thanh toán.

Thứ ba: Đương nhiên, như chúng ta biết, giá FIT là để khuyến khích phát triển điện NLTT cao hơn giá điện từ các nguồn nhiệt điện truyền thống, và nếu càng nhiều ĐMT, điện gió, thì giá thành chung của sản xuất điện sẽ tăng lên đáng kể (vì hiện nay giá thành điện chỉ tính trên cơ sở chi phí tài chính, chưa tính tới chi phí tránh được về kinh tế, xã hội, môi trường).  

Trong Quyết định 37/QĐ-TTg đã có cơ chế Nhà nước bù 1 UScent trong 7,8 UScent/kWh điện gió (lấy từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam), nhưng trong Quyết định 39/QĐ-TTg lại không nêu quỹ nào bù giá trong khi giá FIT lên tới 8,5 UScent/kWh điện gió trên bờ và 9,8 UScent/kWh điện gió trên biển. Vậy EVN lại phải tính vào chi phí đầu vào sản xuất điện, làm tăng giá thành chung.

Đối với các quốc gia đã đi trước trong phát triển NLTT, sau giai đoạn đầu dùng cơ chế FIT để hỗ trợ phát triển, sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu dự án để giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh hiệu quả. Chúng ta cũng đang đi theo lộ trình đó (Điều 13 trong Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế FIT cho ĐMT đã nêu nhiệm vụ của Bộ Công Thương): "Nghiên cứu quy trình đấu thầu các dự án ĐMT và lộ trình thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm giá thành các dự án ĐMT". Hoặc trong Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế FIT cho điện gió (Điều 14) cũng nêu: "Bộ Công Thương có trách nhiệm đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về cơ chế đấu giá phát triển điện gió, giá mua điện gió áp dụng từ ngày 1 tháng 11 năm 2021".

Theo chúng tôi, với tốc độ tăng nhanh công suất các nguồn ĐMT và điện gió, nếu chậm có cơ chế đấu thầu các dự án NLTT thì người tiêu dùng sẽ phải tiếp tục chịu giá điện cao.

Thứ tư: Việc luận chứng hiệu quả kinh tế dự án lưới để hấp thụ và truyền tải NLTT, theo quy định hiện nay, sẽ khó khăn (vì hệ số sử dụng công suất thiết bị thấp hơn nhiều lần so với dự án truyền tải điện từ các nguồn truyền thống), làm chậm hoàn vốn đầu tư, hiệu quả thấp, khó vay vốn các ngân hàng thương mại. Nếu không có cơ chế đầu tư đặc thù cho các dự án lưới truyền tải NLTT, các đơn vị được giao trách nhiệm như Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT), các công ty truyền tải miền sẽ bị kéo dài thời gian triển khai, chậm tiến độ, hậu quả là lại thiếu lưới điện cho nguồn NLTT.

Thứ năm: Các địa phương có tiềm năng phát triển NLTT còn bị động trong hỗ trợ phát triển điện gió, ĐMT; chưa quy hoạch sử dụng đất cho loại hình mới này, nên gây mất thời gian, thủ tục cho bổ sung quy hoạch. Mặt khác, chưa có quy trình về công bố thông tin dự án cho các nhà đầu tư, do đó, nhà đầu tư phải tự tìm địa điểm để xin cấp phép đầu tư, dẫn đến chồng chéo quy hoạch, khó triển khai dự án.

Ngoài ra, còn một số vấn đề thách thức khác như: Thủ tục triển khai đầu tư dự án còn phức tạp, thiếu dữ liệu về tiềm năng tại vị trí; thiếu nguồn, hoặc khó tiếp cận các nguồn tài chính, lãi suất vay còn cao; thị trường thiết bị NLTT mới hình thành, hầu hết là thiết bị nhập khẩu, có nhiều rủi ro về chất lượng; đội ngũ tư vấn kỹ thuật phát triển dự án còn thiếu và yếu... 

Những vướng mắc, rào cản nêu trên nếu không được sớm khắc phục, việc phát triển các nguồn điện NLTT sẽ không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư.

IV. Đề xuất các giải pháp

Theo nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trong Nghị Quyết 55/NQ-TW: "Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện", chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp (có thể là chưa đủ, nhưng sẽ góp phần khắc phục các 'điểm nghẽn', tạo điều kiện cho nguồn NLTT phát triển nhanh, bền vững):

1/ Cần thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch nguồn và lưới điện kèm theo, trong đó tính toán nhu cầu truyền tải tối đa năng lượng từ các nguồn NLTT, tính toán các giải pháp ổn định hệ thống để có cơ sở khoa học - pháp lý triển khai hỗ trợ các nguồn NLTT. (Việc này có thể thực hiện ngay trong lập Quy hoạch Điện 8).

2/ Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá FIT mới, phù hợp cho ĐMT để tránh gián đoạn mạch huy động đầu tư, lấy lại lòng tin tưởng của các nhà đầu tư.

3/ Học tập các quốc gia đi trước, cần sớm hoàn thiện cơ chế đấu thầu các dự án NLTT để áp dụng ngay sau khi hết thời hạn áp dụng FIT, phù hợp với lộ trình thị trường điện sau năm 2020.

4/ Cần củng cố, duy trì Quỹ bảo vệ môi trường để thêm nguồn kinh phí hỗ trợ các dự án NLTT.

5/ Cần xem xét cơ chế đặc thù tài chính cho các dự án lưới điện đồng bộ với nguồn NLTT để thúc đẩy tiến độ các dự án lưới này và tăng khả năng tích hợp cao các nguồn NLTT vào hệ thống. 

6/ Các địa phương có tiềm năng NLTT cần tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất có tính đến ưu tiên phát triển NLTT, chủ động bố trí địa điểm và chủ động cung cấp thông tin địa điểm dự án cho các nhà đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư trong triển khai dự án.

7/ Cần khuyến khích mạnh loại hình ĐMT trên mái nhà - do loại hình này có nhiều ưu điểm (nguồn phát điện phi tập trung, ở tại ngay điểm có nhu cầu phụ tải, không cần đầu tư lưới truyền tải, không mất đất đai, quy mô thích hợp để huy động được nguồn vốn xã hội rộng rãi).

8/ Với những đặc điểm các nguồn điện NLTT là không liên tục, không ổn định. Do đó, muốn sử dụng hiệu quả loại nguồn này ở quy mô lớn, ngoài phát triển các thủy điện tích năng, cần lắp đặt thiết bị lưu điện (pin tích năng). Pin tích năng cho phép lưu trữ năng lượng phát ra từ ĐMT, điện gió khi thời điểm nhu cầu phụ tải thấp, và sẽ được phát lại lưới điện vào lúc phụ tải cao, hoặc vào ban đêm (khi không có bức xạ). Theo đó, các cơ quan quản lý cần sớm cho nghiên cứu sâu về chi phí - hiệu quả của pin tích năng để làm nguồn tích trữ và dự phòng tại chỗ cho phát triển nguồn ĐMT, điện gió quy mô lớn./.

(Đón đọc kỳ tới...)


 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động