RSS Feed for Trao đổi thêm về phản biện của Nhóm xây dựng Báo cáo EOR19 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 15/10/2024 07:04
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trao đổi thêm về phản biện của Nhóm xây dựng Báo cáo EOR19

 - Sau khi đọc bài “Phản hồi phản biện EOR19 trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam” đăng trên Năng lượng Việt Nam Online ngày 9/4/2020, tác giả (PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam) đã chuyển lời cảm ơn Nhóm xây dựng Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 vì đã quan tâm đến ý kiến góp ý, phản biện... Tiếp theo, ngoài những ý kiến đã nêu, tác giả có thêm một số ý kiến trao đổi lại bài báo trên.



Phản hồi phản biện EOR19 trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam của Nhóm xây dựng Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (EOR19)



PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM


Thứ nhất: “Chưa có các căn cứ tin cậy làm nền tảng cho lập Báo cáo, cũng như các kịch bản đề xuất.”

Vấn đề ở đây không chỉ là việc thu thập dữ liệu khó khăn của Nhóm xây dựng EOR19 mà điều cơ bản tôi muốn nói là cơ sở dữ liệu của các cơ quan có trách nhiệm cũng chưa đầy đủ và tin cậy, nhất là cơ sở dữ liệu về tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước còn thiếu tin cậy, đa phần chưa đủ điều kiện để huy động lập dự án đầu tư xây dựng. Việc huy động các nguồn tài nguyên năng lượng vào quy hoạch để lập dự án còn dựa vào tiềm năng “đếm cua trong lỗ”. Nguyên nhân chính là do công tác điều tra, khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng các nguồn năng lượng hóa thạch hay tiềm năng kỹ thuật - kinh tế của các nguồn năng lượng tái tạo còn hết sức hạn chế (cả về nguồn lực và tổ chức thực hiện). Trách nhiệm chính thuộc về Nhà nước.

Chính vì bất cập này, nên trong các quy hoạch (QH) nói chung và QH phát triển điện nói riêng, kể cả QH điện 7 (điều chỉnh) nhiều trường hợp phát triển điện năng lượng tái tạo (NLTT) chỉ nêu nhóm dự án mà không có danh mục các dự án với địa điểm, diện tích, quy mô công suất và thời gian đưa vào hoạt động cụ thể. Do vậy:

1/ Không có quy hoạch truyền tải điện được xây dựng kèm theo.

2/ Thường xuyên phải bổ sung các dự án mới vào quy hoạch, dẫn đến bị động trong việc bổ sung quy hoạch xây dựng lưới truyền tải nên khi nhiều dự án xây dựng hoàn thành đi vào phát điện nhưng không có, hoặc không đủ lưới truyền tải để giải tỏa công suất. Chưa kể việc phân bố các dự án chưa phù hợp với phụ tải của các vùng.

Ngoài ra, một số dự án nhiệt điện than nhập khẩu cũng chưa xác định rõ nguồn than nhập khẩu; chưa kể do tư duy nhiệm kỳ nên tại một số địa phương khi triển khai thực hiện dự án lại bị phản đối (mặc dù dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch với sự đồng ý của chính quyền địa phương nhiệm kỳ trước).

Hoặc ví dụ, theo QH than 403/2016, tổng tài nguyên, trữ lượng than là 48,9 tỷ tấn, nhưng tổng trữ lượng và tài nguyên chắc chắn + tin cậy chỉ là 3.558 triệu tấn, chiếm 7,23% tổng tài nguyên than. Tổng tài nguyên, trữ lượng than huy động vào QH 403 là 3.100 triệu tấn; trong đó, trữ lượng là 1.223 triệu tấn chiếm 39,5%; tài nguyên chắc chắn và tin cậy là 308 triệu tấn, chiếm 10%; tài nguyên dự tính và dự báo là 1.569 triệu tấn chiếm 40.5% (có mức độ tin cậy quá thấp, nên phần tài nguyên này có thể có, có thể không). Trong đó bể than Đông Bắc huy động 2.173 triệu tấn (bao gồm trữ lượng 1.201 triệu tấn; tài nguyên chắc chắn, tin cậy 190 triệu tấn và tài nguyên dự tính, dự báo 782 triệu tấn).

Theo quy định chỉ có tài nguyên than đạt cấp trữ lượng mới được huy động lập dự án đầu tư. Chính vì thế, nhiều dự án trong quy hoạch không có tính khả thi, hay tính khả thi thấp cho nên mức sản lượng than đề ra trong QH quá cao so với khả năng thực tế đạt được.

Tương tự, QH khí cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Và đó là nguyên nhân chính làm cho hiện nay nhiều dự án điện khí đã và đang có nguy cơ thiếu nguồn cung về khí.

Như vậy, với mức độ tin cậy còn thấp về tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng như đã nêu trên thì cho dù đề ra kịch bản nào hay định hướng phát triển nào cũng sẽ thiếu tin cậy.  

Do đó, điều kiện tiên quyết để định hướng đúng đắn phát triển năng lượng nói chung và nâng cao chất lượng các quy hoạch năng lượng nói riêng là phải nắm chắc tài nguyên trên cơ sở tăng cường đẩy mạnh đầu tư điều tra, khảo sát, thăm dò, xác định tiềm năng trữ lượng các nguồn tài nguyên năng lượng đảm bảo tin cậy với quy mô trữ lượng đã xác định tối thiểu đủ cho lập các dự án đầu tư trong 10 năm của Quy hoạch.

Tiếp theo là phải nắm chắc các nguồn năng lượng nhập khẩu theo nguyên tắc đa dạng hóa nguồn cung với quan điểm mỗi loại nhiên liệu nhập khẩu phải được bảo đảm tối thiểu từ 3 nguồn.

Nhà nước phải giữ vai trò và trách nhiệm chính trong vấn đề này. Khi đó sẽ giảm được nhiều thiệt hại và tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình thực hiện QH nói chung và các dự án đầu tư trong QH nói riêng.

Thứ hai: “Tư duy và cách lập các kịch bản thiếu thực tế, thiếu cơ sở khoa học, do vậy, các kịch bản không hợp lý, mang tính cực đoan, thậm chí chưa cần xem xét nội dung cũng đã biết ngay là kịch bản nào sẽ bị loại bỏ.”

Ý kiến của tôi là: Việt Nam đã có các chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng, trong đó điển hình nhất, tập trung nhất là Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) đang được triển khai thực hiện. Chừng nào chưa có quy hoạch khác thay thế thì việc phát triển điện trong thời gian tới sẽ tuân theo quy hoạch đó. Vì ở nước ta quy định rằng: Việc phát triển các dự án mới phải theo quy hoạch đã được duyệt.

Như vậy, để “hỗ trợ cho việc ra quyết định trong quá trình lập quy hoạch dài hạn” của Chính phủ Việt Nam thì lẽ ra căn cứ vào các cơ hội, thách thức cập nhật mới đối với Việt Nam và tiềm năng, kinh nghiệm, xu thế của các nước trong khu vực cũng như của các nước trên thế giới trong phát triển năng lượng nên đề ra 2 kịch bản:

(1) Kịch bản phát triển theo chiến lược, quy hoạch hiện hành (mà cụ thể là theo QH điện 7 - điều chỉnh) và các chính sách liên quan khác.

(2) Kịch bản đề xuất, trong đó nêu rõ những thay đổi về dự báo nhu cầu, định hướng phát triển, cũng như các giải pháp, chính sách (so với QH điện 7 - tức so với Kịch bản 1).

Trên cơ sở đó phân tích, đánh giá Kịch bản 1 - tức là nếu Việt Nam cứ tiếp tục thực hiện theo QH điện 7 (điều chỉnh) thì sẽ đạt được những kết quả gì? Sẽ xảy ra những bất lợi, bất cập gì trên tất cả mọi mặt (đáp ứng nhu cầu điện và an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh)? Nguyên nhân (trực tiếp và gián tiếp) gây ra hay dẫn đến những bất lợi, bất cập ấy là gì? 

Tiếp theo phân tích, đánh giá Kịch bản đề xuất sẽ đạt được những kết quả gì, khắc phục được các bất lợi, bất cập nào của Kịch bản 1, tính toán xác định các lợi ích thu được so với Kịch bản 1 như: Mức độ cải thiện về đáp ứng nhu cầu điện năng, tiết kiệm năng lượng, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí (nhờ đó có được giá điện hợp lý, hoặc rẻ nhất), giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện về đảm bảo quốc phòng, an ninh, v.v....

Thiết nghĩ, nếu được như vậy sẽ thiết thực hơn đối với Chính phủ Việt Nam. Còn cách đặt ra các kịch bản như trong EOR19 theo thiển nghĩ của bản thân tôi chỉ phù hợp với trường hợp Việt Nam chưa có chiến lược, quy hoạch gì để thực hiện và có giá trị tham khảo như bài học đầu đời cho người mới vào nghề làm quy hoạch.

Chẳng hạn như ý kiến “các kịch bản mang tính khám phá và trả lời các câu hỏi chưa có lời giải. Ví dụ: “Điều gì sẽ xảy ra với hệ thống năng lượng, nếu không có nhà máy nhiệt điện than mới nào được xây dựng sau năm 2025?”.

Thiết nghĩ rằng những nhà hoạch định QH không cần câu trả lời câu hỏi này, vì rằng, lý do xây dựng các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2025 không thể không bàn, mà thậm chí bàn rất kỹ khi xây dựng: “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030” phê duyệt theo Quyết định số 1208/2011/QĐ-TTg để thay thế “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025” phê duyệt theo Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg; và khi xây dựng “Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030” phê duyệt theo Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg để thay thế QH điện 7 phê duyệt theo Quyết định số 1208/2011/QĐ-TTg. 

Thực ra, cách xây dựng kịch bản trong EOR19 liệu có “hỗ trợ việc ra quyết định” hay có giá trị tham khảo hay không thì chỉ những người thực sự có trách nhiệm trong việc lập và phê duyệt QH mới đánh giá chính xác chứ không thể đánh giá theo kiểu "văn mình - vợ người". 

Thứ ba: “Chưa đề ra các điều kiện ràng buộc đối với từng nguồn năng lượng để làm cơ sở phân tích, đánh giá và lựa chọn mức độ phát triển từng nguồn năng lượng một cách phù hợp trong các kịch bản.”

Về các điều kiện ràng buộc đối với từng nguồn năng lượng, ý của tôi là:

Ví dụ, đối với nhiệt điện than, thì điều kiện ràng buộc là không được phát triển đến quá mức công suất hoạt động, mà tại đó có mức độ phát thải khí nhà kính vượt quá mức cho phép đã được xác định riêng cho nhiệt điện than dù cho nguồn cung than còn dồi dào, chứ không phải tỷ lệ nhiệt điện than là bao nhiêu % trong tổng nguồn điện.

Giả sử tỷ lệ đến 80% - 90% mà mức phát thải vẫn còn thấp hơn mức cho phép thì cũng không sao, miễn là đảm bảo các tiêu chí khác. Nhưng nếu tỷ lệ mới chỉ 50% mà mức phát thải đã quá mức phát thải cho phép thì cũng không được. Theo đó, với công nghệ càng hiện đại có mức phát thải thấp thì công suất nhiệt điện than cho phép sẽ cao hơn và ngược lại, với công nghệ lạc hậu có mức phát thải cao thì công suất nhiệt điện than cho phép sẽ thấp hơn. 

Hoặc đối với điện năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời thì điều kiện ràng buộc là:

1/ Không vượt quá tiềm năng kinh tế - kỹ thuật khả dụng đã được xác định, chứ không phải là vô hạn.

2/ Cần phải có nguồn điện ổn định (điện khí, điện than, điện hạt nhân, v.v...) đi kèm (phòng khi tắt nắng, lặng gió) là bao nhiêu tương ứng với quy mô nguồn điện NLTT đã định.

3/ Tính đúng, tính đủ các chi phí của nguồn điện NLTT (bao gồm cả chi phí các nguồn điện đi kèm, lưu trữ điện, lưới điện truyền tải, các thiết bị đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện khi điện NLTT nối lưới, v.v...) nhằm phản ánh chính xác tính kinh tế của nguồn điện này để có định hướng và chính sách phù hợp.

Ví dụ, nguồn điện đi kèm lẽ ra trong điều kiện bình thường hoạt động bình quân 6 ngàn giờ/năm, nhưng do làm nhiệm vụ đi kèm nguồn điện NLTT nên chỉ hoạt động bình quân với thời gian ngắn hơn. Ví dụ, 4,5 ngàn giờ/năm, theo đó làm cho giá thành điện trên 1 kWh của nguồn điện này tăng lên so với giá thành điện trong trường hợp hoạt động bình quân 6 ngàn giờ/năm, thì phần chi phí tăng lên đó do nguồn điện NLTT phải chịu. Hoặc lưới truyền tải đi kèm nguồn điện NLTT lẽ ra phải hoạt động suốt ngày, nhưng chỉ vận hành khi có điện gió, điện mặt trời nối lưới với thời gian ngắn hơn nhiều. Giả sử, bình quân 6 giờ/ngày, làm cho chi phí truyền tải trên 1 kWh tăng lên so với lưới điện truyền tải bình thường, khi đó phần chi phí truyền tải tăng thêm này phải tính vào giá thành của điện NLTT. Tương tự, đối với các chi phí khác liên quan cũng vậy. 

Hay đối với khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, điều kiện ràng buộc không đơn thuần chỉ là “nếu có lợi ích kinh tế” mà quan trọng hơn là đảm bảo mức độ tự chủ cần thiết về nguồn cung năng lượng để đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng, chưa kể vấn đề công ăn việc làm, an sinh xã hội, phát triển lan tỏa kinh tế trên địa bàn./.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động