RSS Feed for Ý kiến phản biện về Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 13/12/2024 12:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ý kiến phản biện về Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019

 - Qua nghiên cứu Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (EOR19) cho thấy: Tư duy và cách lập các kịch bản thiếu thực tế, thiếu cơ sở khoa học. Mặt khác, việc xem xét các kịch bản chỉ dựa vào một tiêu chí là "chi phí thấp nhất" - điều đó là không phù hợp với bối cảnh phức tạp, đầy biến động khó lường và xu thế phát triển năng lượng hiện nay. Đặc biệt, EOR19 chưa có các căn cứ tin cậy làm nền tảng cho lập Báo cáo, cũng như các kịch bản đề xuất.


 

EOR19 và một số vấn đề cần được làm sáng tỏ
Cái khó của việc lập Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia
Về ‘ý kiến phản biện’ của tác giả ‘Khi cái ác ở trên cao’



PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]



Thực hiện chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (DEPP) theo Hiệp định ký kết năm 2013 giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương Việt Nam, vừa qua Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo thuộc Bộ Công Thương Việt Nam với sự hợp tác chặt chẽ của Cục Năng lượng Đan Mạch và sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nộị đã xây dựng Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (Energy Outlook Report 2019 - gọi tắt là EOR19) - Hà Nội, 11/2019.

Nội dung EOR19 gồm có:

1. Giới thiệu

2. Các kịch bản

3. Các kết quả chính của mô hình hóa

4. Các nguồn năng lượng

5. Tiết kiệm năng lượng

6. Năng lượng tái tạo

7. Cân bằng hệ thống điện

8. Tác động khí hậu và ô nhiễm

Báo cáo trình bày 5 kịch bản để xem xét các xu hướng phát triển khác nhau với chi phí thấp nhất cho hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, gồm:

- C0 Không hạn chế: Kịch bản lý thuyết không tính đến các ràng buộc chính sách như mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), không hạn chế nhiệt điện than (NĐT), không áp dụng tiết kiệm năng lượng (TKNL).

- C1 Mục tiêu NLTT: Kịch bản đáp ứng việc đạt được các mục tiêu NLTT cho ngành điện trong Chiến lược phát triển NLTT, không áp dụng TKNL.

- C2 Không NĐ than mới: Kịch bản C1 bổ sung thêm ràng buộc không đầu tư các nhà máy nhiệt điện than mới từ sau năm 2025.

- C3 Tiết kiệm năng lượng: Kịch bản C1 bổ sung thêm các tính toán về đầu tư công nghệ TKNL với tỷ lệ công nghệ TKNL được đầu tư là 50% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.

- C4 Kịch bản kết hợp: Kịch bản tham vọng nhất kết hợp cả 3 kịch bản C1, C2 và C3.

Qua nghiên cứu bước đầu EOR19, xin có một số ý kiến trao đổi sơ bộ như sau:

1. Chưa có các căn cứ tin cậy làm nền tảng cho lập Báo cáo cũng như các kịch bản đề xuất.

Cụ thể là:

EOR19 được lập chủ yếu dựa vào tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước của Việt Nam (VN) theo các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, nhất là quy hoạch điện 7 (QHĐ7) điều chỉnh (2016), hoặc số liệu tổng hợp của Viện Năng lượng, dự báo GDP đến năm 2050 trong QHĐ7 điều chỉnh (Viện Năng lượng, 2015) chỉ có tốc độ tăng trưởng và số tuyệt đối GDP tính theo tốc độ tăng trưởng dự báo, trên cơ sở đó dự báo nhu cầu năng lượng, điện năng cũng như dự tính mức tiết kiệm năng lượng.

Có vấn đề là:

Thứ nhất: Tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng hiện có của VN theo các quy hoạch (QH) ngành được duyệt có mức độ tin cậy còn thấp, đặc biệt tiềm năng các nguồn NLTT, nhất là điện gió, điện mặt trời chủ yếu mới chỉ là tiềm năng lý thuyết, chưa đủ tin cậy để lập dự án.

Thứ hai: Nhu cầu năng lượng và khả năng tiết kiệm năng lượng không chỉ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng và quy mô GDP mà còn phụ thuộc vào sự chuyển dịch cơ cấu GDP xét theo ngành, lĩnh vực tiêu dùng nhiều hay ít năng lượng. 

Thiết nghĩ, căn cứ quan trọng hàng đầu để lập báo cáo nói chung và xây dựng các kịch bản phát triển nói riêng đảm bảo sự tin cậy, gồm có:

Trước hết: Làm rõ thực trạng tiềm năng kỹ thuật - kinh tế các nguồn tài nguyên năng lượng của VN, nhất là các nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối, trong đó chỉ rõ phần đảm bảo độ tin cậy đủ để lập dự án. Như vậy, trong trường hợp tiềm năng tài nguyên năng lượng chưa đảm bảo mức tin cậy cần thiết thì trong các kịch bản cần có các phương án dự phòng cho tình huống tiềm năng nguồn tài nguyên năng lượng nào đó không đúng như dự kiến. Mặt khác, phải tăng cường đầu tư điều tra, nghiên cứu, xác định tiềm năng kỹ thuật - kinh tế của nguồn tài nguyên năng lượng đó, chứ không nên vẽ viễn cảnh đẹp mà huyền ảo; đồng thời đây cũng là điều thể hiện mức độ kém tin cậy của kịch bản liên quan đến nguồn tài nguyên năng lượng này.

Thứ hai: Chiến lược, hay dự báo phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2050, trong đó, ngoài tốc độ tăng trưởng và quy mô GDP cần làm rõ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng hay giảm các ngành, lĩnh vực tiêu thụ nhiều hay ít năng lượng để làm cơ sở cho dự báo nhu cầu năng lượng và khả năng tiết kiệm cũng như sử dụng hiệu quả năng lượng.

Thứ ba: Tiềm năng các nguồn năng lượng và xu thế phát triển năng lượng của thế giới nói chung, nhất là của các nước trong khu vực, cũng như các nước có liên quan đến ngành năng lượng VN; kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam.

Thứ tư: Trên cơ sở đó làm rõ các nguồn năng lượng nhập khẩu tiềm năng (kể cả điện năng và liên kết lưới điện) có tính khả thi đối với Việt Nam. Để đảm bảo an ninh trong việc cung cấp các nguồn nhiên liệu nhập khẩu trên cơ sở đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu cần phải xác định rõ ít nhất 3-5 nguồn cung cho mỗi loại nhiên liệu nhập khẩu tùy theo quy mô sản lượng nhập khẩu. 

2. Tư duy và cách lập các kịch bản thiếu thực tế, thiếu cơ sở khoa học, do vậy các kịch bản không hợp lý, mang tính cực đoan, thậm chí chưa cần xem xét nội dung cũng đã biết ngay là kịch bản nào sẽ bị loại bỏ.

Cụ thể là:

Ví dụ, kịch bản C0 Không hạn chế: Không tính đến các ràng buộc chính sách như mục tiêu phát triển NLTT, không hạn chế nhiệt điện than, không áp dụng TKNL. Điều đó là phi thực tế, không thể có 1 kịch bản cực đoan như thế.

Hoặc Kịch bản C1 Mục tiêu NLTT, trong đó không áp dụng TKNL là phi thực tế, vấn đề là áp dụng TKNL đến mức độ nào là phù hợp, đó mới là điều cần bàn cãi.

Hoặc kịch bản C2: không đầu tư các nhà máy nhiệt điện than mới từ sau năm 2025 là phi thực tế đối với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Vấn đề cần bàn là quy mô nhiệt điện than xây dựng mới là bao nhiêu với công nghệ thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và mức độ phát thải CO2 cho phép chứ không thể tự dưng bảo dừng.

Hoặc Kịch bản C4 - kịch bản kết hợp cả 3 kịch bản C1, C2 và C3 là quá rối rắm, không rõ ràng. 

Về mặt tư duy lập kịch bản, lẽ ra các kịch bản đề ra phải khả dĩ có thể áp dụng được vào thực tế nhưng do có kịch bản tốt hơn được chọn nên bị loại mà thôi. Ví dụ, Kịch bản C0 lẽ ra phải là kịch bản phát triển theo chiến lược, quy hoạch hiện hành, trong đó đã xác định rõ quy mô công suất các nguồn điện và mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong từng thời kỳ. Trên cơ sở đó thiết lập các kịch bản tiếp theo.

Chẳng hạn Kịch bản C1 = C0 + điều chỉnh giảm NĐT, theo đó tăng NĐ khí và điện NLTT (ví dụ so với QHĐ 7 điều chỉnh) sau 2020 và sau 2030 một cách phù hợp; hoặc Kịch bản C2 = C1 + tăng cường sử dụng tiết kiệm và sử dụng hiệu quả NL, nhất là sau năm 2030; hoặc Kịch bản C3 = C2 có tính đến phát triển điện hạt nhân, theo đó căn cứ vào quy mô và thời điểm phát triển điện hạt nhân được đề xuất mà điều chỉnh quy mô NĐT, điện khí từ nguồn nhiên liệu nhập khẩu cho phù hợp. Điện hạt nhân có thể tính đến cho giai đoạn sau năm 2030 với lý do tuy một số nước giảm nguồn điện này, song xu thế chung của thế giới và tại nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực vẫn tiếp tục phát triển điện hạt nhân. Vì ngoài nhược điểm khả năng rò rỉ phóng xạ, đây là nguồn điện ổn định, sạch, ít phát thải gây ô nhiễm môi trường, sử dụng ít diện tích đất, hệ số công suất và khả năng mang tải cao, thời gian hoạt động hàng năm dài (rất phù hợp đi kèm với nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô lớn), đồng thời có giá thành ở mức chấp nhận được xét trong dài hạn.

3. Việc xem xét các kịch bản chỉ dựa vào một tiêu chí là chi phí thấp nhất. Điều đó là không phù hợp với bối cảnh phức tạp, đầy biến động khó lường và xu thế phát triển năng lượng hiện nay.

Thiết nghĩ, về các tiêu chí để xây dựng, phân tích, đánh giá và lựa chọn kịch bản, chí ít phải có 3 tiêu chí sau:

Một là: Chi phí hợp lý phù hợp với khả năng chi trả của người dân trong từng thời kỳ - tức là có thể tăng lên phù hợp với mức tăng thu nhập của người dân để đảm bảo sự phát triển năng lượng theo hướng ngày càng sạch hơn, an toàn hơn, ổn định hơn và chất lượng cung cấp cao hơn.

Hai là: Đảm bảo an ninh, an toàn, tin cậy và ổn định theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh năng lượng là mục tiêu hàng đầu.

Ba là: Thân thiện hơn với môi trường (theo lộ trình, trước mắt là giảm tốc độ phát thải so với thời gian qua và không vượt ngưỡng mức phát thải cho phép; về lâu dài là ngày càng sạch hơn phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh của nền kinh tế và mức sống của nhân dân ngày càng nâng cao). Trên cơ sở đó xác định các chỉ tiêu cụ thể của 3 tiêu chí để đánh giá chứ không nói cao thấp chung chung.

4. Chưa đề ra các điều kiện ràng buộc đối với từng nguồn năng lượng để làm cơ sở phân tích, đánh giá và lựa chọn mức độ phát triển từng nguồn năng lượng một cách phù hợp trong các kịch bản. Liên quan đến vấn đề này cần xác định:

Các yêu cầu chung:

Thứ nhất: Khai thác tối đa tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước nhằm tận thu tài tài nguyên, góp phần phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và cung cấp năng lượng.

Thứ hai: Kết hợp chặt chẽ sử dụng tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng;.

Thứ ba: Đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng (điện và NLSC: Than, khí, dầu).

Thứ tư: Nâng cao tính tự chủ trong việc chế tạo và cung cấp công nghệ, thiết bị, vật tư năng lượng, nhất là cho năng lượng tái tạo.

Các điều kiện ràng buộc:

Một là: Cần xác định rõ NĐT có quy mô tối đa bao nhiêu là vừa? Sử dụng công nghệ gì và mức độ áp dụng các giải pháp giảm thiểu phát thải CO2, SO2, NOx? Lý do tại sao?

Hai là: Tương tự, cần xác định nhiện điện khí từ nguồn nhập khẩu, nhất là LNG có quy mô tối đa bao nhiêu là vừa? Lý do tại sao? Nguồn nhập khẩu khí từ đâu và tối thiểu từ bao nhiêu nguồn?

Ở đây cần lưu ý: Trữ lượng khí xác minh của toàn thế giới đến năm 2018 chỉ có thể khai thác trong vòng khoảng 50 năm với mức sản lượng năm 2018. Có thể thời gian tới sẽ còn phát hiện thêm các trữ lượng khí mới, song không phải là vô hạn. Hơn nữa, chỉ có một số nước có tiềm năng xuất khẩu khí và nhiều nước từ lâu đã chiếm lĩnh các nguồn nhập khẩu này, nhất là các nước Tây Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v...

Ba là: Điện gió, điện mặt trời do đặc điểm không ổn định (khi tắt nắng, lặng gió) nên phải có pin lưu trữ điện năng. Nhưng pin lưu trữ điện năng cũng chỉ đảm bảo cung cấp điện trong một thời hạn nhất định (sau khi tắt nắng, lặng gió), cho nên phải có nguồn điện ổn định đi kèm để phát điện thay thế khi không có gió. Không có nắng kéo dài, nhất là khi điện gió, điện mặt trời đạt tới quy mô công suất nhất định, tại đó có mức độ ảnh hưởng lớn đến an toàn, ổn định của hệ thống điện.

Vậy bộ ba: (1) Điện gió, điện mặt trời + (2) Pin lưu trữ điện năng + (3) Nguồn điện ổn định đi kèm được tích hợp như như thế nào và với tỉ lệ công suất (1), (2, (3) bao nhiêu là phù hợp để đảm bảo ổn định và đủ đáp ứng nhu cầu điện? Theo đó, trong trường hợp này chi phí, lượng chất thải phát ra (nếu có) của pin lưu trữ điện năng và nguồn điện đi kèm phải tính vào chi phí, lượng phát thải chất thải của điện gió, điện mặt trời.

Hay nói ngược lại, đối với hệ thống điện nói chung và nguồn điện đi kèm nói riêng thì việc “kèm cặp” điện gió, điện mặt trời chẳng khác gì nuôi người có khuyết tật, do vậy phần chi phí này cần phải được tính phân bổ cho điện gió, điện mặt trời một cách thích hợp.

Hơn nữa, rút kinh nghiệm từ nạn rác thải nhựa, việc xử lý các tấm pin mặt trời, pin lưu điện, các chất thải khác từ các nguồn điện gió, điện mặt trời cũng cần phải được xem xét có giải pháp xử lý ngay từ bây giờ, kẻo sau này hối không kịp.

Do những bất cập nêu trên nên một số kết quả tính toán còn thiếu tính thuyết phục, hoặc chưa hợp lý, ví dụ như công suất điện mặt trời lớn nhất là thuộc khu vực miền Nam (76 GW năm 2050), trong đó diện tích lắp đặt điện mặt trời chiếm 1,6% diện tích toàn vùng. Ở đây, lẽ ra phải tính theo loại diện tích đất mà điện mặt trời chiếm giữ để đánh giá tiềm năng kỹ thuật, kinh tế, cũng như tác động của điện mặt trời đến các hoạt động kinh tế khác trên diện tích đất chiếm giữ.

Hoặc vấn đề giảm phát thải CO2 do TKNL, trong EOR19 nêu kết quả tính toán từ mô hình cho thấy việc triển khai các công nghệ TKNL có thể làm giảm phát thải CO2 hàng năm ở mức 83 triệu tấn năm 2030 và 237 triệu tấn năm 2050 trong các ngành điện, công nghiệp, giao thông vận tải (chỉ do TKNL thôi mà mức phát thải giảm được năm 2050 lớn hơn tổng mức phát thải CO2 từ tiêu thụ năng lượng năm 2018 của Việt Nam là 224,5 triệu tấn) [1] v.v..

[*] TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM VÀ KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP - NĂNG LƯỢNG (EPU)



Tài liệu tham khảo:

[1] BP Statistical Review of World Energy 2019.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động