RSS Feed for Đề xuất định hướng cơ cấu nguồn điện cho Quy hoạch điện VIII | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 11:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề xuất định hướng cơ cấu nguồn điện cho Quy hoạch điện VIII

 - Trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), Việt Nam đã tính đến mọi nguồn năng lượng có thể, nhưng mỗi loại đều có các ưu điểm, nhược điểm khi đem so sánh với cách hiểu thuật ngữ về "An ninh năng lượng"; các dạng nguồn đều đã từng bị các dư luận khác nhau phê phán, bao gồm cả thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí và điện hạt nhân. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu thiên về một loại nguồn, loại bỏ một nguồn nào trong số đó cũng đều phạm sai lầm nhất định. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của Việt Nam, chúng tôi kiến nghị trong Quy hoạch VIII tới đây, nên đưa vào đầy đủ các loại hình nguồn phát điện: thủy điện, nhiệt điện (than, dầu, Gas), biomass, điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và nhập khẩu.

Cần làm rõ vai trò nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam
Quy hoạch điện VII: Kẻ hủy diệt sức khỏe và môi trường?
Trao đổi với Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân về "đổi mới" năng lượng Việt Nam
Vì sao năng lượng tái tạo chưa thể thay thế nhiệt điện than?
Từ hạn chế của năng lượng tái tạo, nhiều nước trở lại điện hạt nhân

 


LÃ HỒNG KỲ; ĐỖ THỊ MINH NGỌC - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


1. Tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII (điều chỉnh)

Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh) đã định hướng đầy đủ giữa các nguồn năng lượng cung cấp điện. Theo đó, đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, v.v…), từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện.

Theo Quy hoạch VII (điều chỉnh) vào năm 2020 cơ cấu nguồn điện là 60.000 MW và tăng lên 129.500 MW vào năm 2030 tương ứng với điện năng thương phẩm tăng từ 235 tỷ kWh vào năm 2020 lên 506 tỷ kWh vào năm 2030. Trong cơ cấu nguồn có đầy đủ các thành phần: thủy điện (cả tích năng), nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối), điện hạt nhân và nhập khẩu.

Tuy nhiên, tháng 11 năm 2016 Quốc hội thông qua chủ trương dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600 MW); một số dự án nguồn điện dừng triển khai thực hiện: Nhiệt điện Bạc Liêu (1.200 MW), Nhiệt điện Cẩm Phả 3 (440 MW); nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch, hoặc chưa có chủ đầu tư; chưa phê duyệt được Quy hoạch địa điểm Trung tâm Điện lực Long An… nên dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ thiếu điện sau những năm 2020 trở đi.

Hiện trạng và trong tương lai, nhu cầu năng lượng nói chung cũng như điện năng nói riêng tiếp tục tăng trưởng để góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Mặc dù các nguồn năng lượng tái tạo khác như: năng lượng gió, mặt trời… đã được ưu tiên, quan tâm phát triển, nhưng không thể bù đắp sự thiếu hụt điện năng.

Cũng theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2030 năng lượng gió đạt 6.000 MW chiếm tỷ trọng 2,1% sản lượng điện sản xuất và năng lượng mặt trời đạt 12.000 MW chiếm tỷ trọng 3,3% sản lượng điện sản xuất. Vì vậy, Việt Nam sẽ không tránh khỏi việc phụ thuộc dần vào nguồn năng lượng than và khí nhập khẩu. Đây là một thách thức rất lớn đối với năng lực kho vận và bảo vệ môi trường, biến động chính trị thế giới và khu vực.

Bài toán tổng hòa nhằm tận dụng tối đa nguồn năng lượng trong nước, phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới, kết hợp nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt ở tỷ trọng thích hợp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cần các nhà khoa học, quản lý đưa ra đáp án trở nên vô cùng cấp thiết.

2. Tỷ lệ cơ cấu các "nguồn năng lượng hợp lý" trong xây dựng Quy hoạch điện VIII

a. Theo nghiên cứu của GreenID:

Hiện tại, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chuẩn bị xây dựng Quy hoạch điện VIII. Đây cũng là cơ hội để điều chỉnh cơ cấu nguồn điện đảm bảo mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo lộ trình phát triển năng lượng phù hợp với mục tiêu Thỏa thuận Paris và phát triển bền vững. Với mong muốn đóng góp cho Quy hoạch điện VIII, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã tiến hành nghiên cứu phân tích tiềm năng đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia và đã công bố tại Hội thảo "Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững ở Việt Nam"  vào ngày 05 tháng 6 năm 2018. Ngoài các kiến nghị về cơ chế chính sách, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, GreenID đề xuất đến năm 2030 thay đổi tỷ trọng các nguồn năng lượng như sau:

 

Thay đổi chính

Tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện - QH VII điều chỉnh

Tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện - Kịch bản đề xuất

Năng lượng tái tạo

27.000 MW  (~ 21%)

32. 000 MW (~ 30%)

Khí tự nhiên

19.000 MW (~ 14,7%)

24.000 MW (~ 22,8 %)

Than

55.300 MW (~ 42,6 %)

25.640 MW (~ 24.4%)

 

(Hết trích dẫn)

Qua bảng trên chúng ta có thể thấy các nguồn khác như: điện hạt nhân và nhập khẩu điện GreenID không đề xuất đến.

Bản thân tác giả bài viết đã nhiều năm theo dõi các dự án phát triển năng lượng của Việt Nam, qua thảo luận với các chuyên gia về năng lượng đều thấy rằng : các số liệu nghiên cứu trên của GreenID có những vấn đề chưa rõ ràng và chính xác, cần bàn và trao đổi:

Một là: Không có cơ sở để khẳng định: Việc đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo có thể giúp cắt giảm 30.000 MW công suất so với Quy hoạch VII điều chỉnh đã phê duyệt mà vẫn đảm bảo cung cấp điện… và càng không thể đề xuất cấm các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên như thép, xi măng… nếu như vậy thì làm sao thực hiện được Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hai là: Chưa đưa ra được con số điện năng sản xuất và nhập khẩu (hoặc điện thương phẩm) cần thiết tương ứng đến năm 2030 (kWh), nhu cầu phụ tải lớn nhất (Pmax) từ đó mới có thể tính toán các nguồn cung cấp điện cho hệ thống có đủ đảm bảo (tính cả dự phòng) hay không.

Ba là: Sai sót cơ bản về phương pháp luận (các số liệu đầu vào sử dụng trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã cập nhật Chương trình sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm). Theo bảng trên, Tổ chức nghiên cứu đề xuất cơ cấu nguồn đến năm 2030 thay đổi so với Quy hoạch VII điều chỉnh như sau:

1/ Nhiệt điện than giảm 29.660 MW.

2/ Nhiệt điện khí tăng 5.000 MW.

3/ Năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) tăng 5.000 MW.

Với số liệu trên, Tổ chức nghiên cứu cho rằng, sẽ giảm được 17.000 MW nếu ưu tiên khai thác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, cần đặt câu hỏi: Như vậy việc khai thác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả có được tính 2 lần không, vì khi lập Quy hoạch VII (điều chỉnh) đã tính rồi? 

(Theo đánh giá của Viện Năng lượng, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng cộng dồn cho cả giai đoạn 2011 - 2015 là 5,65% với tổng năng lượng tiết kiệm được trong giai đoạn này là 11.261 tấn đầu quy đổi).

Việc thay thế 12.660 MW công suất đặt nhiệt điện than còn lại (sau khi giảm 17.000 MW do sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả) không thể bằng 10.000 MW công suất đặt năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) được vì sản lượng điện và thời gian các nguồn cung cấp cho hệ thống điện quốc gia cũng khác nhau: nhiệt điện than Tmax= 6.500 giờ/năm; nhiệt điện khí Tmax= 5.000 giờ/năm; điện mặt trời, điện gió: Tmax= 1.800 - 2.000 giờ/năm (trong 1 năm, sản lượng điện của 1 MW công suất đặt của nhiệt điện than tương đương 3,25 MW công suất đặt của điện gió, mặt trời và vẫn phải xây dựng thêm nguồn dự phòng khi các nguồn gió và mặt trời không phát được)

Với những thông tin có những điểm chưa chính xác nêu trên và chưa có đầy đủ các thông tin đa chiều về "An ninh năng lượng" đã dẫn đến có nhiều ý kiến phản đối một số nguồn năng lượng như: nhiệt điện than, thủy điện và điện hạt nhân…

b. Các kiến nghị

Cần hiểu đúng và đầy đủ về "An ninh năng lượng":

An ninh năng lượng là một lĩnh vực quan trọng của an ninh kinh tế quốc gia. Nó trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và khả năng duy trì sự phát triển và ổn định xã hội. Để mọi người dân và những người ít nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng dễ tiếp cận thì thuật ngữ "An ninh năng lượng" có thể hiểu một cách đơn giản là:

Thứ nhất: Đáp ứng đủ nhu cầu cho xã hội trong phát triển kinh tế, quốc phòng.

Thứ hai: Có nguồn cung cấp năng lượng ổn định.

Thứ ba: Hiệu suất sử dụng cao, giá cả hợp lý, thân thiện với môi trường.

Thứ tư: Tương đối độc lập với nhau và khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp phát sinh từ các nhân tố kinh tế, chính trị bên trong và bên ngoài một quốc gia.

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu gây ra những thảm họa như: nước biển dâng, thay đổi lượng mưa giữa các vùng miền, nhiệt độ trung bình gia tăng, lũ lụt tăng cao, thay đổi hình thế bão, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt… Cùng với nhiều ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng thì vấn đề an ninh năng lượng trong giai đoạn tới được coi là vấn đề cấp thiết và đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện có những biến động chính trị, quân sự, an ninh năng lượng lại càng cần được đặc biệt chú ý, chuẩn bị các giải pháp độc lập, đa đạng hóa các nguồn đầu tư, cung cấp năng lượng, tránh lệ thuộc vào một vài quốc gia. Tùy theo điều kiện tự nhiên khả năng của từng vùng, từng quốc gia, họ có thể quy hoạch một tỉ lệ phối hợp hài hòa các nguồn năng lượng khác nhau.

Từ các khái niệm về thuật ngữ "An ninh năng lượng" nêu trên chúng tôi thấy rằng: Để ứng phó với những thách thức về an ninh năng lượng trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc áp dụng các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cần nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, xây dựng chiến lược năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế bền vững.

Để giải bài toán này các cơ quan quản lý Nhà nước cần định hướng các nội dung sau cho lập Quy hoạch VIII sắp tới như sau:

Một là: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia về năng lượng, kể cả tư vấn quốc tế để xác định nhu cầu sử dụng điện thương phẩm cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 (theo Quy hoạch VII điều chỉnh là 506 tỷ kWh), có tham khảo sản lượng điện tiêu thụ bình quân/người của thế giới và của các nước phát triển.

Bảng sản lượng điện bình quân đầu người trong năm 2017 của một số nước:

 

TT

Tên quốc gia

Dân số 2017 (người)

Bình quân (kWh/người/năm)

1

Việt Nam

95.414.640

1.824

2

Mỹ

326.474.013

12.297

3

Pháp

64.938.716

8.152

4

Nga

143.357.006

7.350

5

Đức

80.636.124

7.695

6

Hàn Quốc

50.704.917

10.259

 

Thế giới

 

3.037

 

Đây là bước quan trọng đặc biệt: Chỉ khi xác định, dự báo được nhu cầu sử dụng điện năng tương đối chính xác, bổ sung thêm dự phòng thì mới có cơ sở để tính toán công suất đặt cho các loại nguồn cung cấp điện.

Hai là: Trong Quy hoạch VII (điều chỉnh), Việt Nam đã tính đến mọi nguồn năng lượng có thể, nhưng mỗi loại đều có các ưu điểm, nhược điểm khi đem so sánh với cách hiểu thuật ngữ về "An ninh năng lượng"; các dạng nguồn đều đã từng bị dư luận khác nhau phê phán, bao gồm cả thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí và điện hạt nhân. Tuy nhiên, nếu thiên về một loại nguồn, loại bỏ một nguồn nào trong số đó cũng đều phạm sai lầm nhất định. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của Việt Nam, chúng tôi kiến nghị trong Quy hoạch VIII nên đưa vào đầy đủ các loại hình nguồn phát điện: thủy điện, nhiệt điện (than, dầu, khí), điện sinh khối (biomass), điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và nhập khẩu.

Ba là: Tỷ lệ % các dạng nguồn phát so với tổng công suất đặt của các dạng nguồn đưa vào quy hoạch làm sao đáp ứng so với tiêu chí về "An ninh năng lượng"; cũng cần phải thảo luận rộng rãi, hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, tham khảo cơ cấu các loại nguồn điện của một số nước phát triển, cần thiết mời tư vấn quốc tế hỗ trợ, tránh nghe tư vấn một chiều từ một số tổ chức và các nhà bán thiết bị thiên về một loại nguồn điện nào đó.

Ví dụ: Phân tích số liệu nguồn điện của nước Đức (dân số 80.636.124 người - tháng 7/2017) để làm cơ sở cho tính toán xây dựng quy hoạch phát triển nguồn điện.

Trong nhiều cuộc hội thảo về phát triển năng lượng, nhiều bài báo đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có đề cập đến nước Đức tuyên bố loại bỏ dần nhiệt điện than và điện hạt nhân, tập trung sản xuất điện gió và mặt trời; và cũng đề nghị Việt Nam nên phát triển điện gió và mặt trời thay thế nhiệt điện than và điện hạt nhân.

Để có thông tin đa chiều chúng ta phân tích các bảng số liệu và biểu đồ sau:

SẢN LƯỢNG ĐIỆN VÀ CÔNG SUẤT ĐẶT CỦA CÁC NGUỒN NĂNG LƯỢNG NƯỚC ĐỨC





 

BẢNG XUẤT NHẬP KHẨU ĐIỆN CỦA ĐỨC VỚI CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG

 

TT

Tên nước xuất/nhập

Từ  Đức năm 2016 (TWh)

Từ  Đức năm 2017 (TWh)

Từ  Đức đến T9/ 2018 (TWh)

Xuất (1)

Nhập (2)

(2-1)

Xuất (1)

Nhập (2)

(2-1)

Xuất (1)

Nhập (2)

(2-1)

1

Hà Lan

15,800

0,189

 

14,200

0,422

 

14,700

0,016

 

2

Thụy sỹ

15,600

1,000

 

18,100

0,384

 

8,500

2,000

 

3

Áo

12,800

0,346

 

15,400

0,108

 

7,900

0,430

 

4

Ba Lan

8,800

0,002

 

7,400

0,001

 

5,200

0,017

 

5

Đan Mạch

4,600

2,100

 

3,400

4,600

 

4,400

2,400

 

6

Cộng hòa Séc

3,500

2,100

 

5,300

1,800

 

3,400

1,800

 

7

Luxembourg

 

 

 

2,200

 

 

2,900

 

 

8

Pháp

2,000

7,500

 

2,200

6,200

 

1,200

7,900

 

9

Thụy điển

0,795

1,500

 

0,254

2,100

 

0,426

0,664

 

 

Tổng cộng

63,895

14,737

49,158

68,454

15,615

52,839

48,626

15,227

33,399

Từ các số liệu trên ta thấy:

Thứ nhất: Để đảm bảo "An ninh năng lượng" nước Đức - nền kinh tế công nghiệp lớn thứ tư của thế giới, với dân số 80,636 triệu người, mặc dù không phải chịu sức ép về tăng trưởng điện năng, nhưng Đức vẫn tập trung phát triển đầy đủ các nguồn năng lượng có thể như: thủy điện, Biomass, điện hạt nhân, nhiệt điện (than, dầu, khí), điện gió và điện mặt trời.

Thứ hai: Qua bảng thống kê sản lượng điện và công suất đặt các nguồn năng lượng nước Đức và biểu đồ minh họa sản lượng điện trong các tuần ta thấy rằng:

1/ Các nguồn năng lượng có công suất ổn định của Đức là: nhiệt điện (than, khí), sinh khối, điện hạt nhân và thủy điện. Tổng cộng các nguồn chiếm 47,68% công suất đặt, nhưng cung cấp đến 71,6%  sản lượng điện/năm.

2/ Điện gió và điện mặt trời của nước Đức mặc dù đã được quan tâm xây dựng rất nhanh: năm 2018, tỷ lệ công suất đặt đạt 103,32 GW (điện gió 58,73 GW, mặt trời 44,59 GW) chiếm 50,16% công suất đặt toàn hệ thống. Tuy nhiên, do các nguồn trên phát điện không lên tục và ổn định, số giờ vận hành trong năm thấp nên chỉ cung cấp 27-28% điện năng trong năm.

3/ Mặc dù Đức tuyên bố sẽ giảm nhiệt điện than và điện hạt nhân, nhưng theo thống kê: công suất đặt của nhiệt điện than từ năm 2012 - 2018 chỉ giảm từ 46.450 MW xuống 46.250 MW; điện hạt nhân giảm từ 12.070 MW xuống 9.520 MW và vẫn là những nguồn chủ lực cung cấp đến 52,16%  tổng sản lượng điện của nước Đức.

Thứ ba: Theo biểu đồ minh họa sản lượng điện trong tuần và bảng thống kê xuất nhập khẩu điện năng của Đức với các nước láng giềng đã phản ánh nguồn năng lượng gió và mặt trời hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, ban ngày và ban đêm nên không thể phát liên tục để ổn định được công suất nền của hệ thống điện, mặc dù sản lượng điện gió và mặt trời năm 2017 của Đức đạt 142.040 GWh chiếm 25,8% tổng sản lượng điện. Tuy nhiên, do Đức nói riêng và châu Âu nói chung có hệ thống lưới điện liên kết chung giữa các nước, do đó Đức đã bán phần dư thừa điện năng (68.454 GWh) trong từng thời điểm của điện gió và điện mặt trời trong năm 2017 cho các nước trong khu vực để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh. Đồng thời mua lại phần điện năng thiếu hụt (15.615 GWh) từ Pháp (71,61% sản lượng là điện hạt nhân) và một số nước khác để đảm bảo ổn định hệ thống điện do không phải thay đổi công suất phát của các nguồn truyền thống.

Như vậy, xét về tổng thể, thì Đức đã thể hiện rất rõ thái độ dao động về vấn đề sử dụng nhiệt điện than và điện hạt nhân của các đảng cầm quyền ở Đức trong hơn 20 năm qua do tác động của phong trào Hòa bình xanh. Tuy nhiên, chính trị tối thượng cũng quay về quan hệ xã hội, vì lợi ích chính đáng của quốc gia và của đa số nhân dân, không thể vì lợi ích nhóm thiểu số nên cũng giống như các quốc gia khác nước Đức vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào các nhà máy điện truyền thống như điện hạt nhân, nhiệt điện, điện sinh khối, thủy điện. Để đảm bảo an ninh năng lượng và tiết kiệm chi phí, các nhà máy điện truyền thống này được duy trì hoạt động ổn định, đều đặn để cung cấp một sản lượng điện gần như cố định quanh năm.

Tóm lại: Việc tính toán đầu tư các loại nguồn điện và thời gian đưa chúng vào vận hành có ý nghĩa rất quan trọng. Nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời…) đang được phát triển mạnh mẽ và tại hầu hết các nước trên thế giới khi thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu (thỏa thuận Paris COP 21) và Việt Nam cũng đã có những cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển các dạng năng lượng này. Tuy nhiên, để đảm bảo "An ninh năng lượng" theo tiêu chí nêu trên chúng ta cần tính toán sản lượng điện gió và mặt trời nên đạt khoảng bao nhiêu % tổng sản lượng điện tiêu thụ, từ đó tính ra công suất đặt cho các dạng nguồn năng lượng này. Nếu tính toán không sát, khi sản lượng điện gió, hoặc điện mặt trời tăng cao, các nhà cung cấp khó có thể giảm công suất hay dừng hoạt động các nhà máy điện khác để giảm bớt sự dư thừa năng lượng bởi chi phí để tái khởi động chúng vô cùng lớn.

Hoặc nếu tính toán quá lớn thì vẫn phải xây dựng thêm các nhà máy điện khác để phát điện khi điều kiện thời tiết có bất lợi cho điện gió và điện mặt trời, gây tốn kém cho đầu tư.

Các nguồn năng lượng khác như như: nhiệt điện (than, gas, dầu), thủy điện, sinh khối, điện hạt nhân và nhập khẩu điện cũng cần các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách chủ động tham mưu, hướng dẫn cho quá trình phát triển tích cực và hiệu quả để đảm bảo đa dạng hóa nguồn năng lượng. Nếu loại bỏ, hoặc thiên về một nguồn nào trong số đó cũng đều phạm một sai lầm nhất định. Xem thêm bài Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?  - Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm

Trước nguy cơ thiếu điện của Việt Nam, các chuyên gia về năng lượng luôn mong muốn được bàn bạc, đóng góp các ý kiến cho ngành năng lượng quốc gia. Mong muốn Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức các chuyên đề, diễn đàn để tổng hợp các ý kiến góp ý cho Quy hoạch VIII, qua đó tuyên truyền cho người dân hiểu, chia sẻ và tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Chỉ mong là một khi đã rõ con đường đi, thì chúng ta cần có quyết tâm, lãnh đạo có quyết đoán, huy động trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà quản lý và sự ủng hộ của toàn dân, chúng ta sẽ hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia - yếu tố góp phần góp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


Lưu ý: Mọi trích dẫn và sử dụng bài viết này cần được sự đồng ý của tác giả thông qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam bằng văn bản.

nangluongvietnam.vn/

Bài viết cùng chủ đề

Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động